Hạ Vũ, thông tín viên RFA
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau. (minh họa) Courtesy photo
Tình trạng bạo lực trong trường học đã và đang diễn ra trên khắp thế giới ở tất cả những cấp học, lớp học khác nhau. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ.
Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau…
Cũng chỉ dặn con là ra ngoài đứa nào nó đánh thì cố mà chạy. Không được gây sự với ai cả.
- Chị Hạnh
Bạo lực học đường đang là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nỗi trăn trở này chỉ là “trăn trở” mà chưa có nghiên cứu cũng như giải pháp hữu hiệu nào nhằm hạn chế việc gia tăng tình trạng bạo lực học đường.
Mấy ngày nay, cư dân mạng truyền tay nhau clip một thiếu nữ (khoảng 14, 15 tuổi) cầm cây gậy dài ép một nữ sinh phải quỳ xuống xin lỗi mình ngay giữa đường đồng thời bốc cát ăn. Sự việc xảy ra ở huyện Củ Chi, TP.HCM mà nguyên nhân đơn giản chỉ là vì N đi xe máy qua một đám bạn gái đang đi xe đạp và cười đùa. Cho rằng đám bạn này cười cợt mình, nên N đã đánh L để “dằn mặt”. Sau đó, cảm thấy chưa thỏa mãn, N tiếp tục chặn đánh L, yêu cầu các bạn quay clip tung lên mạng để làm nhục L.
Cũng giống như các vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng ở khắp nơi khác trên cả nước, đến nay, nhà trường và chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng cho trường hợp này. Và gia đình nạn nhân, phải tới khi clip được tung lên mạng, mới hay con mình đã bị bắt nạt thậm tệ ở trường học.
Còn nhớ năm 2015, cộng đồng mạng Việt Nam “dậy sóng” với clip nữ sinh Trà Vinh bị đánh hội đồng đến u não, điếc tai chỉ vì không đi mua bánh cho lớp trưởng. Vụ việc này, được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ đến nỗi, phòng Giáo dục Đào tạo Trà Vinh đã phải vào cuộc, và… tạm đình chỉ công tác 1 tháng với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, thuyên chuyển công tác cho các thầy cô giáo phụ trách có liên quan cũng như đình chỉ học… 1 tuần đối với các học sinh tham gia đánh bạn. Điều đáng lưu ý là gia đình, cũng như nhà trường, chỉ biết đến sự việc khi clip được tung lên mạng, 2 tháng sau khi xảy ra sự việc.
Cô bé Phượng, nạn nhân trong vụ việc, may mắn nhận được học bổng toàn phần của Trường quốc tế Canada cho đến hết năm lớp 12 sau khi vụ việc của em đã tạo lên một làn sóng phản đối bạo lực học đường mạnh mẽ trên mạng. Tuy nhiên, hàng ngàn những nạn nhân khác mỗi năm, không được may mắn như cô bé.
Theo một số nghiên cứu ở Mỹ, những em bị bắt nạt thường bị cô lập nên không muốn đến trường vì bạn bè khác sẽ xa lánh do không muốn “cùng nhóm với kẻ đáng ghét” hoặc “cùng nhóm với kẻ yếu thế” để bản thân cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt. Tình trạng bị bắt nạt kéo dài, ngoài ảnh hưởng xấu đến học tập, còn có tác hại rất lớn đến sự phát triển của các em, cả về mặt xã hội lẫn cảm xúc. Các em rất dễ bị trầm cảm và luôn có cảm giác thấp kém, những điều sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của các em ngay cả lúc đã trưởng thành.
Kể cả những em chỉ chứng kiến chứ không tham gia hành vi bạo lực cũng bị ảnh hưởng. Chứng kiến những hành vi bạo lực khiến các em cảm thấy sợ hãi, và nếu thấy những kẻ gây ra bạo lực không hề bị trừng trị thì những em chứng kiến cũng có thể hùa theo số đông, ủng hộ hành vi này, và có nhiều khả năng trở thành kẻ có hành vi bạo lực trong tương lai.
Có thể nói, bạo lực học đường ảnh hưởng đến tất cả các em, là nạn nhân hay chủ mưu, hay người chứng kiến, dưới rất nhiều góc độ khác nhau.
Uyên, một bà mẹ đơn thân đã từng là nữ sinh đánh bạn trong những năm còn ngồi ghế nhà trường chia sẻ nguyên nhân đánh bạn và suy nghĩ về việc nữ sinh đánh hội đồng, tung clip lên mạng ngày nay, cũng như nỗi lo lắng của cô về tương lai con mình:
“Thì đang ngủ, nó làm phiền giấc ngủ, cùn thì đánh thôi. Còn vụ bị bố đánh là đánh ở ngoài đường. Chỉ vì nó nhìn đểu nên đánh nó một hai cái ở giữa sân trường. Sau đó nó gọi anh nó lên cảnh cáo. Thế là cùn quá, đi học về đánh nó te tua bầm dập, tím bầm dập hết mặt mũi, tay chân nên nó bảo bố mẹ nó mang đến nhà ăn vạ. Em thấy cái bọn hiện giờ nó bố láo quá, nó chơi không đẹp. Một đứa thì đánh một đứa thôi chứ, cả đàn cả lũ đánh một đứa. Xong rồi lại còn quay clip tung lên mạng, đó là hạ thấp nhân phẩm người ta. Rạch quần, rạch áo các thứ. Đấy là làm mất danh dự người ta, đánh vào phẩm giá con người. Giờ lo chứ. Sợ con đi học rồi con bị đánh hay con lại đánh bạn, rồi con cũng lại bị bố mẹ bạn đưa đến nhà ăn vạ rồi mẹ cũng lại bực quá, mẹ lại đánh con. Rồi không biết con sẽ ra sao…”
Chị Hạnh, ở Đông Anh có con gái đã được cho học võ chia sẻ:
“Con mình thì nghe chừng nó cũng có bản lĩnh đấy nhưng biết đâu ra ngoài thì cũng không biết được cái sự gây gổ ở ngoài thì cũng hốt chứ. Lo chứ nhưng bây giờ làm thế nào, vì bố mẹ đâu đi theo suốt nó ở bên ngoài được. Cũng chỉ dặn con là ra ngoài đứa nào nó đánh thì cố mà chạy. Không được gây sự với ai cả. Tuyệt đối không được gây sự với ai. Nếu như ai gây sự, cảm thấy chống trả được thì chống trả còn nếu cảm thấy mình yếu đuổi hơn thì cố mà chạy. Thời buổi bây giờ kinh lắm! Chị đang suy nghĩ về cái xã hội bây giờ, thấy ghê. Nhưng bây giờ mình làm thế nào được. Chả có cách nào giải quyết được.”
Trong khi đó, chị Linh, khi được đề nghị xem clip vụ nữ sinh Trà Vinh bị đánh hội đồng và đặt mình vào vị trí nếu con chị là nạn nhân của một vụ bạo lực học đường như thế, chị sẽ hành động thế nào, chia sẻ:
“Tôi nghĩ là, cái câu hỏi này nó quá nhanh, tôi không thể nào trả lời ngay được. Cần phải có những suy nghĩ thấu đáo về vấn đề này.”
Chị Lan, cũng bị shock tương tự khi được đề nghị đặt mình vào vị trí là mẹ của nạn nhân, chị cho rằng, cần có thời gian suy nghĩ thêm và sẽ trả lời phỏng vấn vào một dịp khác.
Một đứa thì đánh một đứa thôi chứ, cả đàn cả lũ đánh một đứa. Xong rồi lại còn quay clip tung lên mạng, đó là hạ thấp nhân phẩm người ta.
- Chị Uyên
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường, đặc biệt trong lứa tuổi dậy thì, nguyên nhân đầu tiên là do sự chuyển biến tâm lý của bản thân lứa tuổi đặc biệt này, khi các em không được giáo dục đầy đủ và thiếu sự tự tin vào bản thân, mỗi tác động, kích thích xấu từ bên ngoài có thể khiến các em bắt chước thiếu suy nghĩ. Nguyên nhân tiếp theo là sự thiếu quan tâm của gia đình. Nạn nhân cũng như chủ mưu của các vụ bạo lực học đường, đặc biệt là nữ sinh, đều là những đứa trẻ thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình. Ngoài ra có thể nói, sự thờ ơ của nhà trường, những hình phạt “vu vơ” của chính quyền cũng như sự “vô tư” chia sẻ của cộng đồng mạng đã khuyến khích các em ngày một trở nên ưa thích bạo lực và việc chia sẻ các hành vi bạo lực của mình trên mạng như một hình thức “tự sướng”, để thu hút sự quan tâm của xã hội. Những hành động bạo lực, khi được chia sẻ nhiều, đồng thời là nguyên nhân kích thích những vụ bạo lực tiếp theo.
Phát biểu của hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú, thành phố Huế, về việc nữ sinh bị đánh hội đồng bởi các gái trong trường, cho rằng: “Đây là lứa tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì không bao giờ các em năng động được” còn để lại nhiều nỗi hoang mang trong lòng phụ huynh, về an toàn của con ở trường học.
Hậu quả của hành vi bạo lực học đường đang ngày càng hiển hiện trong đời sống tâm lý của học sinh, của gia đình và xã hội, nó là hồi chuông cảnh báo cho những ai thực sự quan tâm đến thế hệ trẻ và tương lai của đất nước.
Để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường cần phải có nhận thức đúng đắn về vấn đề để truyền thông, giáo dục một cách đúng đắn cũng như phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các bên liên quan bao gồm học sinh, nhà trường, phụ huynh, chính quyền địa phương và toàn thể cộng đồng. Điều dường như không thể thực hiện ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Bởi vậy, các phụ huynh khi được đề nghị đặt mình vào vị trí của phụ huynh có con là nạn nhân của các vụ bạo lực học đường, chỉ biết sửng sốt giật mình.
No comments:
Post a Comment