Chuyện đấu tố trong thế kỷ thứ 20 tại miền Bắc đã đưa đến con số người chết oan khoảng nửa triệu người. Theo nhà văn Pháp, ông Michel Tauriac, cho rằng con số người chết trong cải cách ruộng đất là 500 ngàn người và ông Bùi Tín, cựu đảng viên đãng (cố ý viết dấu ngã) csvn (không đáng viết chữ hoa), đã đồng ý với con số này. Đó là chuyện đấu tố mà ở vào cái thời điểm đó không có mạng, bưng bít thông tin rất nhiều.
Thời điểm đầu thế kỷ 21 này, lại đãng csvn mở màn “đấu tố” kiểu mới. Lần này không phải là địa chủ mà là những cá nhân không nằm trong đãng nhưng tuyên bố ra ứng cử độc lập do lời nói của ông Tổng Bí Thư, Nguyễn Phú Trọng, là Việt Nam rất là dân chủ, dân chủ hơn cả những nước dân chủ.
Chẳng biết trong quá khứ, ứng cử viên của đãng có bị “đấu tố” kiểu này hay không. Chắc là không bởi người đãng đưa ra là người đều có khả năng (dù thực tế chỉ có một khả năng duy nhất là tàn hại đất nước và nhân dân) để được cầm quyền. Cho nên kỳ này, đãng đã sáng tạo, đẻ ra màn “đấu tố” của thế kỷ 21 này.
Phản ứng của người dân ra sao trước màn “đấu tố” của thế kỷ 21 này? Im lặng. Chủ nghĩa mackeno đã thấm vào máu, cho nên cứ giao hết cho đãng. Dù mình có lên tiếng đãng cũng chẳng nghe, chẳng may bị sách nhiễu thì phiền phức. Chính thái độ này đã làm cho cái ác lên ngôi. Chính thái độ này đã làm cho đãng này càng ngày càng mạnh bạo trên lãnh vực cướp đất, cướp nhà, tham nhũng, bán đất, bán đảo, đàn áp và giết người.
Hay phải chăng kỳ “đấu tố” này chẳng chết ai? Đúng! Chẳng chết ai nhưng đâu phải chỉ có cái chết thì mới lên tiếng còn chưa chết thì không lên tiếng. Có những cái chết hoàn toàn không đổ máu, có những cái chết mà nạn nhân hoàn toàn nghĩ rằng mình còn sống. Cả dân tộc đang chết, cả xã hội đang chết bởi cái Chủ Nghĩa Cộng Sản đang áp dụng trên đất nước mình. Thế mà thành phần “trí thức xã hội chủ nghĩa” cứ ung dung cấu kết với đãng cầm quyền để làm giàu cho chính bản thân mà không biết rằng con cái của chính mình sẽ trở thành người Trung Quốc.
Thế kỷ 21 với mạng (internet) mở rộng, thông tin không thể bưng bít. Thế nhưng “trí thức xã hội chủ nghĩa” vẫn không trưởng thành, vẫn không nhìn ra được vấn đề là cuộc sống sung sướng mình hiện có chỉ là cái ngắn hạn. Cái đang có — có thể bị mất bất cứ lúc nào dưới một cơ chế vô trách nhiệm, một cơ chế nằm trên luật pháp, một cơ chế muốn bắt ai thì bắt, muốn bỏ tù ai thì bỏ và muốn cướp đoạt tài sản của bất cứ ai với toà án mà đãng đưa bản án xuống và nô lệ thẩm phán cứ đọc và đóng dấu.
Chưa có một nền dân chủ nào mà người ra ứng cử phải bị “đấu tố” trước khi được chấp nhận ra tranh cử. Những nước dân chủ trên thế giới, ai cũng có thể ghi danh ra tranh cử và cử tri là người quyết định ứng cử viên có xứng đáng hay không trong ngày bầu cử để chọn người tài giỏi. Đây mới chính là dân chủ đích thực. Còn dân chủ VN là dân chủ loại bỏ, loại bỏ những ai có tài nhưng không nghe lời đãng thì đãng sẽ tìm đủ mọi cách để vận động một số người bằng sự hăm doạ hay mua chuộc để “đấu tố” các ứng cử viên, để loại bỏ trước khi có tên trong danh sách bầu cử vì sợ cử tri sẽ dồn phiếu cho ứng cử viên độc lập nhiều hơn là ứng cử viên của đãng trong ngày bầu cử chính thức. Dân chủ đấy chứ. Nhưng là dân chủ hình thức, dân chủ ma lanh, dân chủ giả hiệu. Câu nói của ông Trọng, “dân chủ Việt Nam đến thế là cùng” xem ra có đầy ý nghĩa của nó trong những vụ “đấu tố” đang diễn ra khắp nẽo đường đất nước dành cho những ứng cử viên độc lập.
Quốc Hội VN cũng rất là dân chủ. Quốc Hội khoá 13 chưa chấm dứt thế mà tất cả các nghị gật (đúng tên gọi của nó) đồng ý gật đầu bầu chọn vị chủ tịch mới. Thế sau khi bầu cử Quốc Hội xảy ra vào tháng 5 này thì bầu lại vị chủ tịch hay vẫn giữ vị chủ tịch đã bầu cuối tháng 3? Xem ra dù có bầu cuối tháng 3 hay sau khi Quốc Hội khoá 14 nhóm họp cũng chẳng là vấn đề. Các nghị gật cứ nghe theo lời của đãng. Đãng đưa chỉ thị xuống thì phải làm theo đãng. Cái gì chưa có chỉ thị của đãng thì chưa làm. Hèn chi quốc tế cho rằng đây là Quốc Hội bù nhìn. Người Việt tự do cho rằng đây là những nộ lệ của đãng và những nô lệ này là chủ nhân ông của dân tộc Việt. Còn dân tộc Việt là nô lệ cho đãng viên. Xem ra Chủ Nghĩa Cộng Sản trên thực tế chỉ sản sinh ra người nô lệ để phục vụ đãng và đãng thì làm nô lệ cho Quốc Tế Cộng Sản (hiện làm nô lệ cho Tàu vì Quốc Tế Cộng Sản đã tan rã).
Người ta ví von dân nào chính quyền đó. Xem ra đúng cho dân tộc Việt hôm nay. Dân thờ ơ, không nhìn ra sức mạnh của mình mà luôn luôn sợ hãi thì làm gì có chuyện bầu ra một chính quyền có trách nhiệm. Chính người dân còn không có trách nhiệm với chính bản thân mình thì làm sao có đủ khả năng để cơ chế chính quyền có trách nhiệm.
Sẽ có người lý luận là đừng đổi thừa cho dân, dân hoàn toàn không có quyết định gì hết. Đúng là lý luận giỡn chơi hay gọi là lý luận chạy trốn trách nhiệm. Dân là ai? Là tất cả mọi người sống trên lãnh thổ đó, có quyền hay không có quyền, giàu hay nghèo, có học hay không có học đều là dân của đất nước đó. Nếu là dân mà có một chính quyền vô trách nhiệm này nhưng dân vẫn im lặng không lên tiếng, không hành động để thay đổi thì phải chăng đã nói lên là dân chấp nhận một chính quyền độc tài này?
Chuyện “đấu tố” của thế kỷ thứ 21 xảy ra cho các ứng cử viên độc lập mà không một cơ quan báo chí nào đặt câu hỏi tại sao, có dân chủ hay không dân chủ, nguy hiểm của sự “đấu tố” này ra sao, ai sẽ thiệt thòi trong “đấu tố” này, ai có lợi trong “đấu tố” này. Rõ ràng cho dù thông tin được mở rộng, dân tộc Việt vẫn không có đủ Tri Thức để nhìn rõ vấn đề và giới truyền thông của Việt Nam cũng chỉ là những bồi bút, những nô lệ cho đãng cầm quyền mà thôi.
“Dân chủ Việt Nam đến thế là cùng” xem ra câu nói của ông Trọng đúng thật. Chỉ có “dân chủ Việt Nam đến thế là cùng” chứ nền dân chủ của các nước tự do là dân chủ thực sự, chứ không phải là dân chủ “đến thế là cùng”.
Vũ Hoàng Nguyên
Tháng 4 năm 2016
Dallas, TX
Theo VietNamDalily.News
No comments:
Post a Comment