Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA-2016-03-24
Lòng hồ cạn trơ đáy RFA photo
Hầu hết các tỉnh phía Nam Việt Nam đều rơi vào tình trạng thiếu nước. Ngay tại thành phố Hà Nội, trung tâm phía Bắc Việt Nam cũng bị thiếu nước, có thể nói đây là tình trạng chung của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2016. Và tình trạng thiếu nước sẽ còn kéo dài đến bao lâu? Thiếu nước sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào? Đó là những câu hỏi mà người dân đang quan tâm lúc này. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên vốn là nơi hay bị thiếu nước vào mùa khô, đây cũng là vựa cà phê và hồ tiêu của Việt Nam. Trong tình trạng hiện tại, mối nguy mất mùa cà phê, hồ tiêu không còn là chuyện dự đoán nữa.
Nguồn nước cạn kiệt vì thủy điện
Một chủ vườn cà phê và hồ tiêu tên Xí ở Krông Ana, Đắc Lăk, chia sẻ: “Cạn kiệt hết, nói chung là ở đâu cũng cạn kiệt. Họ khoan đứng xuống cả trăm mét vẫn không có hiệu quả. Nói chung là khoan thêm nhiều giếng nhưng vẫn không hiệu quả. Giá cà phê chỉ tăng cuối năm 2015 là 40500 đồng nhưng sau đó hạ xuống còn 20160 đồng và hạ dần xuống cho đến nay chỉ còn 20000 đồng. Cà phê năm nay thua vụ vì nắng quá, hoa không bung để thụ phấn được. Nói chung nhà nào mất ít cũng trăm triệu đồng, mất nhiều cũng lên vài trăm triệu. Giá chi phí tưới tiêu đội lên quá cao, cà phê rớt giá và sản lượng giảm, đó là vấn đề đau đầu của người trồng cà phê hiện nay!”..
Theo bà Xí, mùa cà phê và hồ tiêu năm nay rất khó để nói là thu hoạch tốt. Bởi lượng nước tưới quá thấp, hầu hết các giếng khoan do các chủ vườn tự trang bị đều khô cạn. Lượng nước chưa bằng 10% so với mùa này năm trước. Nghĩa là năm ngoái, hút nước bằng máy bơm công suất lớn từ giếng khoan có thể tưới được suốt ba giờ đồng hồ mà giếng vẫn chưa cạn thì năm nay, việc hút nước tưới chỉ có thể kéo dài chừng 30 phút thì giếng không còn nước.
Bà Xí cho rằng hầu hết các mạch nước ngầm ở Tây Nguyên đã bị trống rỗng, khô cạn. Theo bà Xí, sở dĩ có chuyện khó hiểu như vậy là do các thủy điện đã tích nước làm các con sông cạn kiệt. Trong khi đó, hầu hết các mạch nước ngầm mà người nông dân có thể khai thác được đều có liên quan đến các con sông. Có những mạch ngầm chảy từ một hang ngầm nào đó từ dưới lòng sông hoặc bên bờ sông. Một khi sông bị cạn, chắc chắn mạch nước ngầm phải cạn theo.
Bà Xí khẳng định là do thủy điện. Bởi là một người chịu thiệt hại trực tiếp từ hiện tượng khô mạch nước ngầm, bà Xí đưa ra hai vấn đề. Thứ nhất là trước đây, khi chưa có thủy điện và các con sông tràn nước thì dù có nắng thế nào mạch nước ngầm vẫn có nước. Nhưng kể từ khi hàng loạt thủy điện thượng nguồn trên sông Sêrêpôk xuất hiện thì các con sông cạn khô và kéo theo những con suối, các mạch nước ngầm cũng khô cạn.
Bà Xí đặt câu hỏi: Nếu như El Nino làm khô hạn thì ảnh hưởng gì đến các mạch nước ngầm? Và tại sao nhà nước sẵn sàng xả nước đầy sông Sêrêpôk để tổ chức một lễ hội đua voi tốn kém và vô bổ, chỉ phục vụ cho giới quan chức mà lại để con sông cạn khô, không có nước cho người nông dân tưới cà phê? Liệu đua voi có làm cho dân ấm no hơn không? Và giữa đua voi và trồng cà phê, hồ tiêu thì đâu là mũi nhọn kinh tế của Tây Nguyên?
Một người trồng cà phê, hồ tiêu tên Lành ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, nơi từng là điểm nóng của Tin Lành Đê Gar những năm 2000 và cũng là điểm nóng về nạn khô hạn năm nay, chia sẻ: “Tình hình El Nino còn kéo dài nữa. Hiện tại vẫn mới tháng Hai âm lịch. Nó kéo dài đến tháng Tư, tháng Năm âm lịch thì sản lượng sẽ tuột xuống thấp. Nói chung chết thì không đến nỗi chết nhưng khó mà không đói…”.
Theo ông Lành, tình trạng khai thác cát một cách thiếu khoa học, ngăn đập làm thủy điện và phá rừng vô tội vạ ở Tây Nguyên đã dẫn đến hậu quả khô hạn nghiêm trọng. Ông Lành cho rằng nguyên nhân dẫn đến khô hạn chỉ một phần do thiên nhiên những tới ba, bốn phần do con người. Bởi vì con người đã làm tổn thương thiên nhiên đến mức thiên nhiên mất hết khả năng để che chở cho con người, nếu không muốn nói rằng thiên nhiên đã nổi cơn thịnh nộ.
Bởi hầu hết rừng tự nhiên bị chặt, lớp đệm mùn giữ ẩm của rừng bị cày xới, cây cối không còn nên đất nhanh chóng bị sa mạc hóa và đáng sợ hơn là các con sông đổi dòng do nạn khai thác cát bừa bãi, nạn xây dựng đập thủy điện vô tội vạ. Cuối cùng, cái giá của những việc làm thiếu tinh thần cộng đồng này lại là đất đai khô cằn, đời sống của người nông dân bị bóp chặt bởi nông nghiệp khủng hoảng. Nhưng ngược lại, những kẻ vô trách nhiệm lại nhanh chóng giàu có và hưởng lợi trên nỗi đau của người nông dân.
Cà phê, hồ tiêu luôn khát nước
Một nông dân huyện Krông Pak, tỉnh Đắc Lăk, tên Trịnh, tỏ ra lo lắng: “Hậu quả của thủy điện nó chặn hết làm gì còn nước. Nội thị thì cúp nước liên tục. Vùng quê thì không có nước phải múc nước dơ lên lọc để uống. Nhà nước chở xe đi cứu trợ nước nhưng cũng không tới đâu. Người trồng cà phê thì khoan giếng từ tám chục mét xuống trăm mét nhưng cũng không có hiệu quả mấy…”.
Ông Trịnh nói thêm rằng với người nông dân, nước là huyết mạch. Nhưng hiện tại, Tây Nguyên thiếu nước trầm trọng, ngay cả nước sử dụng cho những nhu cầu thiết yếu trong gia đình cũng thiếu. Trong vòng một tháng trở lại đây, Quân Khu 5 Đà Nẵng liên tục đưa máy bay chuyên dụng chở nước lên Tây Nguyên để cứu tế cho bà con đang thiếu nước nhưng vẫn thiếu trầm trọng, cho đầu làng thì cuối làng đã cạn nước mặc dù xài tiết kiệm hết mức.
Ông Trịnh nói rằng nguồn nước ở Tây Nguyên nghe ra còn khủng hoảng trầm trọng hơn cả nguồn nước ở Tây Nam Bộ. Bởi Tây Nam Bộ vẫn còn có nước để xài chứ Tây Nguyên thì sông có nơi khô trơ đáy và nước sử dụng trong nhà cũng không còn. Hầu hết các con suối đều cạn khô. Ở những vùng khô hạn như vừa nói, cây cà phê, hồ tiêu không có hy vọng sống sót qua mùa nắng chứ đừng mong gì đến chuyện đâm hoa kết trái.
Trong khi đó, có hơn hai trăm trạm xử lý nước sạch được xây dựng làm tốn kém hàng ngàn tỉ đồng lại phải đắp chiếu vì nguồn nước không có. Và hàng ngàn tỉ đồng này coi như bỏ đi bởi máy móc bắt đầu hỏng hóc, nền vữa rạn nứt do không sử dụng, bỏ hoang lâu ngày. Ông Trịnh cho rằng nếu hàng ngàn tỉ đồng này sử dụng đúng mục đích và có khoa học thì người nông dân Tây Nguyên sẽ đỡ khốn khổ hơn.
Tây Nguyên là thủ phủ cà phê, vựa hồ tiêu của Việt Nam dù hiểu theo cách nào cũng không thể khác đi được. Nhưng hiện tại, với tình hình nắng hạn kéo dài, các con sông khô cạn và rừng trơ trụi, bùn đỏ có thể tràn ngập các ruộng vườn… Điều này đã làm thay đổi gương mặt Tây Nguyên rất nhiều. Và không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu một lúc nào đó, cây cà phê, cây hồ tiêu không chịu nổi đất Tây Nguyên bởi tình trạng khô hạn kéo dài?!
No comments:
Post a Comment