Thursday, March 24, 2016

Quyền tự ứng cử trong mắt giới trẻ

Chân Như, phóng viên RFA 2016-03-23 
000_Hkg10109896-622.jpg
Một phiên họp của Quốc hội khóa 13 trước đây, ảnh minh họa. AFP
Kỳ bầu cử Quốc hội khóa 14 tới đây có một diễn tiến đáng chú ý, đó là có nhiều ứng viên tuyên bố tự ứng cử và sử dụng mạng xã hội để tự vận động tranh cử. Dù tiền lệ từng xảy ra và những ứng viên độc lập có tiếng nói phản biện đều không qua được vòng hiệp thương của hệ thống đảng cử dân bầu, nhưng kỳ này hoạt động tự ứng cử rất sôi nổi. Vậy giới trẻ có suy nghĩ thế nào về hiện tượng này? Mời quý vị cùng đến với tạp chí Diễn đàn bạn trẻ kỳ này cùng với Chân Như và các bạn khách mời.

Một tín hiệu đáng mừng

Chân Như: Các bạn nghĩ thế nào về quyền tự ứng cử của công dân trong các cuộc bầu cử tại Việt Nam? Quyền này của công dân trên thực tế được bảo đảm thực thi ra sao? Trước hết nhận xét của Anh Tuấn.
Họ nhấn thêm một bước nữa và họ tiến hành các hoạt động tham gia ứng cử lần này. Em nghĩ đó là một dấu hiệu mới và là một tín hiệu đáng mừng cho không khí dân chủ của Việt Nam.
-Nguyễn Anh Tuấn
Nguyễn Anh Tuấn: Dĩ nhiên quyền ứng cử và bầu cử là những quyền công dân căn bản mà bất kỳ quốc gia nào phải công nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, trong một thời gian dài ở Việt Nam, như anh cũng biết, cơ chế “đảng cử dân bầu” còn rất nặng nề. Cơ chế này không phải chỉ người dân nói đến mà ngay cả nhiều vị đại biểu quốc hội như ông Huỳnh Nghĩa tại Đà Nẵng đã từng nói đến cần phải xóa bỏ cơ chế “đảng cử dân bầu” bởi vì rõ ràng nó tạo ra một sự phân biệt đối xử khiến cho những ứng viên độc lập rất khó khăn khi thực hiện quyền tự ứng cử của họ. Mặc dầu vậy, năm nay chúng ta chứng kiến sự nổi lên gần như một phong trào rất nhiều người hoạt động xã hội có tiếng lâu nay; Họ nhấn thêm một bước nữa và họ tiến hành các hoạt động tham gia ứng cử lần này. Em nghĩ đó là một dấu hiệu mới và là một tín hiệu đáng mừng cho không khí dân chủ của Việt Nam.
Chân Như: Còn nhận xét của Trường Sơn?
Trường Sơn: Suy nghĩ của em về quyền tự ứng cử của công dân cho việc tranh cử cho vị trí đại biểu quốc hội Việt Nam đã được hiến định và cũng đã được luật định đàng hoàng trong hiến pháp: công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực về mặt nhận thức sức khỏe, cũng như không phạm phải bất cứ một tiền án tiền sự nào, đặc biệt là không đang trong thời gian thụ án đều có quyền ứng cử. Đó là về mặt pháp luật, nhưng trên thực tế, trong những cuộc bầu cử đại biểu quốc hội mà em chú ý quan tâm theo dõi thì em thấy quyền này của người dân Việt Nam chưa được thực hành một cách hợp lý. Có hai vấn đề về việc này. Vấn đề thứ nhất là người Việt Nam khá thờ ơ trong việc sử dụng quyền của mình trong việc thực hành chính trị. Thứ hai, thế lực đang cầm quyền ở Việt Nam hiện tại cũng không có tạo điều kiện cho người dân để thực thi quyền của họ; Họ độc quyền trong việc chọn cũng như sắp xếp nhân sự cho quốc hội Việt Nam nên người dân không có không gian để thi triển khả năng của mình, đó là ý kiến của em.
Chân Như: Trong kỳ bầu cử 2016 này, có một số người tự ứng cử với tư cách ứng viên độc lập. và ngay chính Nguyễn Đình Hà cũng có trong danh sách thì Hà nghĩ việc làm này có tác động gì trong xã hội hay không?
Nguyễn Đình Hà: Giống như Sơn vừa nói về quyền tự ứng cử của người dân ở Việt Nam như thế nào thì việc những người như em tham gia ứng cử lần này là nhằm tạo ra sự thay đổi về cơ bản trong xã hội Việt Nam; Nhất là tạo cho người dân có sự quan tâm đến tình hình chính trị xã hội đất nước cũng như quyền trong hoạt động bầu cử ứng cử. Vấn đề thứ hai, chúng em muốn tạo ra sự thay đổi trong hành xử của chính quyền: bắt buộc chính quyền phải hành xử sao tuân thủ pháp luật hơn và đảm bảo quyền của người công dân tốt hơn. Đó là những mục đích cơ bản của những người ứng viên độc lập như em đang cố gắng hướng tới.
000_Hkg4923732-622.jpg
Người dân Hà Nội trong một lần xem danh sách các ứng cử viên trước đây.
Chân Như: Là một cử tri Sơn có chia sẻ gì về việc làm của những vị tự ứng cử này?
Trường Sơn: Em thấy việc có một số người tự ứng cử để chạy đua đại biểu quốc hội cho kỳ bầu cử quốc hội sắp tới là một việc làm rất tích cực. Thực chất, em không đặt nhiều kỳ vọng vào sự thắng cử của những ứng cử viên này trong cuộc bầu cử và họ sẽ có một ghế trong quốc hội. Thế nhưng em lại nghĩ ở một khía cạnh khác: chính sự tự ứng cử của những ứng cử viên độc lập này như một tiếng chuông để cảnh tỉnh người dân, nó là một chất xúc tác để thúc đẩy người dân quan tâm hơn về kỳ bầu cử quốc hội nói riêng và cả nền chính trị Việt Nam nói chung. Và em rất là kỳ vọng sau kỳ bầu cử đại biểu quốc hội này kết quả ra sao thì người dân Việt Nam cũng sẽ chú ý hơn đến quyền lợi của họ và sau đó sẽ là một tiền lệ để cho những lần bầu cử tiếp theo. Người Việt Nam sẽ chú ý nhiều hơn không những là bầu cử quốc hội mà còn là bầu cử những chức danh hoặc là bất cứ một công việc nào đó. Em rất kỳ vọng vào hành động này.
Chân Như: Trở lại với Anh Tuấn, trong quá trình từ khi các ứng viên độc lập trên tuyên bố, cho đến khi nộp hồ sơ ứng cử, phía cơ quan an ninh đã có những động thái can thiệp. Theo Tuấn động thái của phía cơ quan an ninh có hợp pháp, hợp lý và phù hợp với chuẩn mực của nền dân chủ hay không?
Nguyễn Anh Tuấn: Theo em luật bầu cử Việt Nam đã quy định rất rõ về những hành vi nghiêm cấm chẳng hạn như cản trở việc thực hiện quyền tự do ứng cử hoặc quyền bầu cử của người dân. Do đó, mọi hành vi bất kỳ cơ quan nào của chính quyền có dấu hiệu gây khó dễ thì cần phải xem xét truy tố theo các quy định của pháp luật, chứ không thể để cho nhiều công an khu vực hoặc là một số các nhân viên an ninh đến gặp gỡ khuyên nhủ thế này thế khác. Đôi khi chính những người an ninh những người cảnh sát khu vực họ không ý thức được là người ta đang vi phạm pháp luật hình sự trong việc thực hiện quyền tự do ứng cử bầu cử của người dân. Do vậy, từ phía nhà nước Việt Nam, nếu như thật sự mà họ muốn một cuộc bầu cử được diễn ra theo đúng chuẩn mực quốc tế thì họ cần phải rất nghiêm khắc xem xét những hành vi ở cấp cơ sở khi đến gặp gỡ, gây những sức ép đến những ứng cử viên độc lập. Theo em nghĩ đấy là việc chính họ cần phải làm để chứng tỏ được cuộc bầu cử này diễn ra công khai, minh bạch, tự do như họ hay nói.

Kỳ vọng

Chân Như: Hà là một ứng cử độc lập thì Hà nhận xét sao và Hà cũng có thể chia sẻ đôi chút về trường hợp của chính mình hay không?
Nguyễn Đình Hà: Nói chung, xét về mặt pháp luật thì việc làm đó của phía cơ quan an ninh hay công an là hoàn toàn trái pháp luật. Bởi ngay trong luật Việt Nam cũng không quy định những thẩm quyền đó đối với công an và những hoạt động này của họ thường hoạt động lén lút, dấm dúi tác động lên phía chính quyền địa phương trong việc xác nhận lý lịch cho những người tự ứng cử đại biểu quốc hội. Họ có những tác động đến phía ủy ban bầu cử trong vấn đề chấp nhận hồ sơ và gây khó cho các ứng cử viên trong giai đoạn đó. Những việc này, xét về mặt pháp luật, là vi phạm làm ảnh hướng đến quyền ứng cử của công dân đã được quy định trong điều 126 bộ luật hình sự và việc này rất nghiêm trọng. Trong trường hợp của em, phía chính quyền địa phương tức ủy ban nhân dân phường Lý Thái Tổ xác nhận cho em với những điều mà nội dung không được chính xác, không đúng và mang tính chất vu khống bịa đặt. Thực chất, những thông tin xác nhận của phường trên tờ xác nhận đó là những thông tin mà ủy ban phường không bao giờ quản lý và cũng không bao giờ lưu trữ. Đó chỉ có thể là những lời nói hoặc những thông tin do phía an ninh cung cấp cho ủy ban phường buộc họ phải ghi như vậy trong lý lịch của em. Và em đang có những động thái để phản bác lại tất cả những thông tin trên tờ xác nhận đó đối với phía ủy ban phường và cũng như là truy cứu làm sao cho ra được ai là người cung cấp cho họ thông tin đó.
Em mong muốn rằng những người ứng cử có thể có cơ hội nào đó để thể hiện quan điểm của họ đối với những cử tri thật và thực sự được lắng nghe ý kiến của người dân thật.
-Nguyễn Đình Hà
Chân Như: Trở lại với Nguyễn Anh Tuấn, là một cử tri, thì bạn kỳ vọng sao vào các ứng cử viên độc lập nói riêng và các ứng cử viên ra tranh cử nói chung?
Nguyễn Anh Tuấn: Từ góc độ cử tri thì điều em hy vọng nhất là những ứng viên độc lập. Thực ra không phải bây giờ mới có các ứng cử viên độc lập. Tuy nhiên, những thời điểm trước chưa chín mùi vì thiếu truyền thông mạng xã hội, thiếu sự hợp tác giữa các ứng viên với nhau, thiếu sự hỗ trợ từ những nhóm tình nguyện viên. Đến thời điểm lần này, phong trào tự ứng cử có đầy đủ các yếu tố đó và vì vậy khiến mình thêm nhiều kỳ vọng. Kỳ vọng lớn nhất của em dưới góc độ cử tri đó là các ứng cử viên độc lập lần này phải thể hiện dáng dấp chính khách, một dáng dấp ứng cử viên dân biểu có những nhóm thiện nguyện viên hỗ trợ phía sau, có những cương lĩnh tranh cử, có việc công khai minh bạch tài sản để cho nhân dân giám sát, có việc xây dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu. Thông qua tất cả những việc đó họ đem đến một kết quả rất lớn lao: nêu gương cho các ứng viên bên phía đảng cử để cho thấy rằng các ứng viên độc lập càng ra dáng chính khách bao nhiêu thì các ứng viên đảng cử lại càng nghiệp dư, càng amateur bấy nhiêu. Em nghĩ điều đấy rất có lợi cho tiến trình dân chủ nói chung ở VN và quá trình chuyên nghiệp hóa quốc hội nói riêng.
Trường Sơn: Nếu nói về các ứng cử viên ra tranh cử cho kỳ bầu cử quốc hội lần này thì em không có kỳ vọng gì. Thực chất em có kỳ vọng vào các ứng cử viên độc lập thế nhưng không lạc quan đến mức họ sẽ chiến thắng hoặc ít ra có thể có mặt trong vòng bầu cử bởi vì em biết trong tình trạng tình hình chính trị VN thì rất khó để cho các ứng cử viên độc lập có thể góp mặt trong vòng bầu cử và lại càng khó khiến họ có thể dành được một ghế trong quốc hội. Do vậy, em không kỳ vọng nhiều mà đã là kỳ vọng đại biểu quốc hội thì em nghĩ đã là một đại biểu quốc hội trước hết là lắng nghe, thứ hai là truyền đạt được những tâm tư và nguyện vọng của người dân và thể hiện nó ở trên diễn đàn quốc hội. Ngoài ra, cũng nên dành toàn thời gian cho công việc này (chứ không như ở VN hiện tại đại biểu quốc hội chỉ là nghề tay trái). Người ta làm cho có vị chứ thực ra họ làm những công việc khác quan trọng hơn cho nên vị trí đại biểu quốc hội vẫn còn bị xem nhẹ nên thực chất quyền lợi của đại biểu quốc hội không hề có một chút nào. Kỳ vọng của em ở một cử tri đối với đại biểu quốc hội là như vậy.
Chân Như: Còn Hà là một ứng cử viên thì Hà có kỳ vọng gì vào chính mình?
Nguyễn Đình Hà: Cũng giống như Sơn đã nói, em mong muốn rằng những người ứng cử có thể có cơ hội nào đó để thể hiện quan điểm của họ đối với những cử tri thật và thực sự được lắng nghe ý kiến của người dân thật. Nếu giả sử sau này, một ngày đẹp trời, nền chính trị VN thay đổi, những người tự ứng cử này có thể trúng cử đại biểu quốc hội và có ghế trong quốc hội thì cũng giống như bạn Sơn nói, em mong muốn các đại biểu quốc hội thực sự hoạt động trong khuôn khổ quốc hội thôi chứ không phải là họ còn làm những công việc trong các cơ quan hành chính hay các cơ quan tư pháp. Bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc hoạt động của họ, làm gián đoạn những công việc của người đại biểu cho nhân dân. Họ không thể nào vừa làm cơ quan hành chính lại vừa là cơ quan giám sát hành chính. Đó là điều không thể. Em mong muốn sao đại biểu thực sự là những người độc lập không liên quan đến các nhánh quyền lực còn lại.
Chân Như: Xin cám ơn ba bạn đã dành thời gian đến với chương trình.

No comments:

Post a Comment