Người thân của bệnh nhân Thu vây Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Lưu yêu cầu làm rõ trách nhiệm về cái chết của em Lý Thị Thu. Ảnh, chú thích: Ngọc Khánh.
Người Quan Sát (Danlambao) - Tình trạng bệnh viện ở các xã, huyện có chất lượng dịch vụ y tế thấp kém khiến người dân điêu đứng khổ sở gần như đang ở hồi báo động.
Trường hợp em Lê Thị Hà Vi (16 tuổi, trú xã Ea B'hốk, huyện Cư Kuin, học sinh lớp 10 Trường THPT Y Jút) bị cưa chân do sự tắc trách của kíp trực Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin chưa được giải quyết rốt ráo đã có thêm thông tin bệnh nhân tử vong sau khi nhập viện để mổ chân 9 ngày. Nạn nhân là bà Trần Thị Là (SN 1969, trú thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).
Mới đây, liên tiếp trong tháng 3 đã xảy ra tới 3 vụ tử vong sau khi nhập viện tại bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An).
Nạn nhân đầu là anh Nguyễn Văn Thung (43 tuổi), trú tại xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, tử vong ngày 10/3/2016. Trước đó, anh Thung nhập viện với chẩn đoán ban đầu là bị động kinh, hội chứng cai rượu. Sau 3 ngày điều trị, uống thuốc, tại viện anh bất ngờ lên cơn co giật và tử vong. Người nhà cho rằng, bác sỹ cho thuốc chỉ định không đúng nên mới dẫn tới cái chết cho người thân. (1)
Nạn nhân thứ hai là bé Trần Đức Tài (6 tháng tuổi), trú tại xã Quỳnh Thuận, tử vong sau khi nhập viện ngày 14/3/2016, với biểu hiện ho, sốt cao. Sau khi tiếp nhận và cho uống thuốc, bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Sáng ngày 15/3/2016, bệnh viện đã đề nghị gia đình đưa bé đi lên tuyến trên, tuy nhiên bé đã tử vong khi đang trên đường chuyển viện.
Nạn nhân thứ ba là bé Lý Thị Thu (14 tuổi), trú xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tử vong sau gần 3 ngày điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Người nhà nạn nhân cho biết từ ngày 21/3 đến ngày 22/3 bé Thu kêu đau, ho và khó thở, tuy nhiên các nhân viên khám xét sơ qua, cho uống thuốc, truyền dịch… không cho chuyển viện. Đến 1h30 sáng (ngày 23/3), khi bé Thu vẫn liên tục kêu đau thì có 1 bác sỹ và 1 điều dưỡng đến khám rồi thông báo với người nhà bé Thu bị trướng hơi, đầy bụng và cho thuốc uống, tuy nhiên bé vẫn kêu đau nhưng vẫn không được chuyển viện. Mãi đến sáng (23.3), khi bác sỹ Đào Văn Đạt - Trưởng khoa Lây - đến thăm khám cho bé Thu, thì mới biết bé có dấu hiệu biến chứng nặng nên cho dùng thuốc cấp cứu và gọi người nhà bệnh nhân, trao đổi tình trạng của bệnh nhân để chuyển tuyến trên. 10h sáng cùng ngày, gia đình đã chuyển nạn nhân Thu vào bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An để cấp cứu, đến 14h cùng ngày thì em Thu đã tử vong.
Tại Phú Yên, chị Trần Thị Hưởng (sinh năm 1980, trú tại thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) đã tử vong sau khi nhập viện 3 tiếng để chờ sinh tại bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên. (2)
Trên đây chỉ là một trong những ví dụ liên tiếp để chỉ ra sự yếu kém, tắc trách ở bệnh viện các tuyến dưới.
Đa phần các vụ việc thường xảy ra với hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người.
Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm này ai chịu?
Còn nhớ năm 2014, khi dịch sởi bùng phát tại Hà Nội, Bộ trưởng bộ Y tế đã đăng đàn cho rằng một trong những nguyên nhân khiến dịch lan rộng là do các bệnh viện tuyến trên tập trung quá đông. Nếu đem lý do này để lý giải cho tình trạng yếu kém ở các bệnh viện tuyến dưới người ta sẽ thấy quả là “đúng quy trình”.
Trình độ yếu kém là một trong những nguyên nhân chính, bên cạnh đó thái độ thờ ơ với bệnh nhân và quy trình chuyển viện cũng là lý do khiến người ta nghi ngờ về chất lượng dịch vụ y tế tuyến huyện, xã.
Kêu gọi người dân tham gia mua bảo hiểm y tế, cùng với các ràng buộc về quy trình chuyển viện, bệnh nhân biết kêu ai khi chất lượng dịch vụ kém?
Không chỉ có những công dân sống ở thị thành đấu tranh đòi minh bạch và cải thiện dịch vụ y tế. Những người dân ở các vùng xa xôi, cũng nên trang bị kiến thức và yêu cầu phải thay đổi cung cách phục vụ, lẫn chất lượng dịch vụ ở bệnh viện tuyến huyện.
Khi không biết kêu ai, hãy đấu tranh để đòi hỏi việc cung ứng chất lượng dịch vụ theo đúng những gì mà ngành y cam kết.
____________________________________
Chú thích:
No comments:
Post a Comment