Công nhân phải leo qua đất đá mới vào được nơi làm việc
(VNTB) - Từ đầu năm 2016 đến nay, hơn 30 doanh nghiệp nước ngoài ở Khu Công nghiệp Tân Đức (thuộc sở hữu của bà Đặng Thị Hoàng Yến - nguyên đại biểu quốc hội bị bãi miễn) đứng ngồi không yên khi chủ đầu tư khu công nghiệp liên tục dùng “chiêu lạ” để buộc khách hàng thuê đất chi tiền duy tu cơ sở hạ tầng.
Phía Công ty CP Đầu tư Tân Đức, chủ đầu tư, yêu cầu các doanh nghiệp thuê đất nộp mức phí 10.018 đồng/m2, trong khi các doanh nghiệp đề nghị mức phí khoảng 8.500 đồng/m2. Nói để dễ hiểu, bất cứ doanh nghiệp nào vào Tân Đức thuê đất, phải ngay trả tiền thuê đất hàng năm từ 70-120 USD/m2/50 năm. Khi thống nhất mới ký hợp đồng, trả tiền thuê rồi mới được xây dựng nhà xưởng.
Còn tiền duy tu cơ sở hạ tầng, nôm na là phí để tu bổ cây xanh, đường sá… bên ngoài khuôn viên nhà máy do Tân Đức chịu trách nhiệm làm. Ban đầu khi thuê đất, doanh nghiệp cũng được thông báo về khoản phí này, và thỏa thuận sẽ thu sau khi đã hoạt động và có sự thống nhất giữa 2 bên.
Nhưng giờ, Tân Đức đơn phương thông báo thu và đưa ra mức phí quá cao, nên khách hàng phản đối! Bởi cùng lúc, ở các khu công nghiệp khác, mức phí này chỉ khoảng 7.000-8.000 đồng/m2/năm, thấp hơn Tân Đức 2.000-3.000 đồng!
Kêu gọi kềm chế
Sáng 20-3, lãnh đạo Công ty Tango Candy (vốn 100% Nhật Bản) đã yêu cầu toàn bộ nhân sự công ty phải hết sức kiềm chế và không được phản ứng khi các xe ben ngang nhiên đem đất sét lấp cổng công ty... Không đồng ý mức phí quá cao và không minh bạch của Tân Đức, nên Công ty Tango Candy đã bị phía Tân Đức cho người lắp barie chặn cổng ra vào, đồng thời đào ống nước, triệt luôn nguồn nước của công ty này.
Dù Tân Đức dùng nhiều biện pháp tạo áp lực nhưng công nhân Tango Candy vẫn trèo qua các đống đất, trèo rào chắn để vào bên trong làm việc. Tango Candy đã mua các bình nước loại 20 lít để sinh hoạt, tránh sử dụng hồ nước chữa cháy.
Sau hơn một tuần dùng hàng chục tấn đất sét đổ đầy trước cổng chính cũng như cửa thoát hiểm của Công ty Tango Candy, chiều ngày 25-3, Tân Đức mới cho tháo dỡ toàn bộ rào chắn, dù Tango Candy chưa đóng phí như mong muốn của Tân Đức.
Trước đó, sáng ngày 22-3, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (gồm 8 công ty Nhật Bản) và một số doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại KCN Tân Đức đã có buổi họp để xử lý vấn đề thu phí này. Cuộc họp thống nhất ý kiến sẽ không đóng mức phí như Tân Đức yêu cầu. Và ngay trong ngày 22-3, các doanh nghiệp Nhật Bản đã có đơn cầu cứu gửi Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM nhờ xem xét, can thiệp.
Đáng chú ý, một doanh nghiệp nước ngoài đã đóng phí vẫn dự họp và ký tên để bày tỏ bức xúc vì cho rằng bị ép bằng “đòn bẩn”. Theo ông Chang Hoon Jung, Tổng Giám đốc Công ty KSA Polymer HCMC, liên tục trong nhiều ngày qua, phía Tân Đức đem xe chữa cháy loại lớn và xe tải hạng nặng đậu chắn ngang cổng. Đến khi một nhân viên đang mang thai trong Công ty KSA bị choáng, ngất, được đưa lên xe ô tô đi cấp cứu thì nhân viên Tân Đức vẫn chắn cổng không cho ra. Cuối cùng, người bệnh được dìu ra ngoài và phải sử dụng 1 chiếc xe khác để đưa đi cấp cứu. “Quá lo sợ, tôi phải chấp nhận mức phí mà họ đưa ra nhưng tôi vẫn gửi kiến nghị của mình đến chính quyền và thể hiện sự không đồng tình”, ông Chang Hoon Jung nói.
Ông Từ Khánh Hùng - Tổng vụ Công ty Tango Candy - cho biết: “Chúng tôi chấp nhận mọi thiệt hại để Tân Đức hiểu rằng minh bạch là nguyên tắc không thể thay đổi đối với người Nhật. Sếp tôi - ông Tango Hirosuke đã nhiều đêm không ngủ và nói với công nhân, ông sẵn sàng trả lương cho họ cho tới khi nào công ty hết tiền - chỉ vì sự minh bạch. Tân Đức đã tháo dỡ rào chắn và chúng tôi sẽ tiếp tục cùng họ đàm phán để mọi việc rõ ràng”.
Người Nhật ngang ngược hay người Việt xấu xí?
Liên quan đến toàn bộ vụ việc, phía Công ty Tân Đức đã phát thông cáo báo chí và ông Trần Dương, Giám đốc Truyền thông của Công ty Tân Đức cũng đã có buổi làm việc với giới truyền thông. Người bên Tân Đức nói ông Hirosuke ngang ngược, lật lọng, đe dọa người Tân Đức, làm xấu hình ảnh người Nhật trong mắt người Việt. Không chỉ là lời nói, mà họ còn có văn bản đóng dấu đỏ chót để nói về sự lật lọng, ngang ngược này.
Xin lược thuật văn bản ấy.
Công ty Tân Đức đã đầu tư xây dựng hoàn thiện toàn bộ Cơ sở Hạ tầng kỹ thuật (CSHT) KCN Tân Đức giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng từ năm từ năm 2005. Để thu hút nhà đầu tư, Tân Đức có chính sách ưu đãi miễn 8 năm (từ năm 2005-2012) và giảm 2 năm tiền phí duy tu CSHT cho tất cả các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Tân Đức. Theo đó, tháng 11/2011, Công ty Tân Đức đã có thông báo đến tất cả các doanh nghiệp trong KCN Tân Đức về việc triển khai thực hiện phí duy tu CSHT từ ngày 01/01/2012. Với đơn giá 10.018 đồng/m2/năm, đã bù lỗ 20% so với đơn giá được kiểm toán độc lập có uy tín xác định là 12.254 đồng/m2/năm dựa trên chi phí bình quân hàng năm Công ty Tân Đức chi cho việc duy tu CSHT giai đoạn 1. Đơn giá này cũng là cơ sở để cơ quan thuế của Việt Nam tính giá thành và doanh thu của Tân Đức.
Mặc dù đã báo cáo với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An về việc thu phí bắt đầu từ 01/01/2012, nhưng thấu hiểu sự khó khăn của các doanh nghiệp trong thời điểm đó, Tân Đức tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và đã chấp nhận bù lỗ để tiếp tục miễn phí duy tu cho tất cả các doanh nghiệp trong năm 2012 và thông báo sẽ bắt đầu thu phí từ năm 2013 với đơn giá 10.018 đồng/m2/năm. Đơn giá được áp dụng bình đẳng cho toàn bộ các doanh nghiệp đã thuê đất hoặc nhà xưởng trong KCN Tân Đức (kể cả các DN trong nước hay nước ngoài)
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng theo quy định, thì có một số doanh nghiệp nước ngoài cố tình không đóng phí. Đặc biệt là Công ty Tango Candy đã không chỉ chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính mà còn kích động các doanh nghiệp khác hùa theo và phản đối công ty Tân Đức khi được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính từ năm 2013 đến nay.
Ngày 01/03/2016, Công ty Tango Candy có văn bản số 04/CV-16 gửi đến Tân Đức cam kết trong khoảng từ ngày 14 đến 18/03/2016 sẽ thanh toán toàn bộ phí duy tu CSHT cho các năm 2013, 2014 và 2015. Tuy nhiên đến ngày 16/03/2015, Công ty Tango Candy không những không thực hiện cam kết, ngược lại còn gửi văn bản phản đối Công ty Tân Đức đến các cơ quan chức năng. Trong cùng ngày, Tân Đức đã làm việc và có văn bản thông báo thời hạn cuối cùng, yêu cầu Công ty Tango Candy phải thực hiện đúng cam kết theo như văn bản ngày 01/03/2016 đã gửi Công ty Tân Đức. Tuy nhiên, Công ty Tango Candy đã hoàn toàn phớt lờ.
Công ty Tân Đức buộc phải chặn barie trước cổng Công ty Tango Candy từ ngày 17/3/2016 nhằm gây áp lực để Công ty Tango Candy thực hiện nghĩa vụ và cam kết của mình, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của Công ty Tân Đức cũng như lợi ích của hàng chục ngàn cổ đông đã tin tưởng đầu tư vào Công ty Tân Đức và các doanh nghiệp đang tin tưởng đầu tư trong KCN Tân Đức.
Ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, chính phía Tân Đức thực hiện các hành vi cản trở sản xuất làm ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh, làm xấu hình ảnh của chính Tân Đức. “Công ty Tango Candy và Công ty Tân Đức không có ký hợp đồng về phí sử dụng hạ tầng. Bây giờ, nếu không đồng ý mức phí thì 2 bên phải tự thỏa thuận. Theo luật, chính quyền chỉ có thể vận động chứ không thể chế tài bên nào. Riêng hành vi cản trở hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, Công an tỉnh Long An đã vào cuộc để có hướng xử lý”, ông Được nói.
Sao không yêu cầu Tòa phân xử?
Vụ việc như nói trên quá đơn giản. Mọi việc tranh chấp, theo pháp luật về dân sự, tòa án có trách nhiệm thụ lý, giải quyết.
Chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận văn bản số 04/CV-16 mà phía Tân Đức cho rằng Tango Candy đã đồng ý trả phí, rồi sao đó lật lọng. Điều dễ thấy nhất là phía Tân Đức, mời khách nước ngoài đến làm ăn, tạo công ăn việc làm cho người Việt Nam, nộp ngân sách cho Việt Nam… rồi ỷ thế “chủ nhà” để o ép họ, và chính quyền sở tại lại cho rằng “không thể chế tài bên nào”.
Dư luận hoàn toàn có lý khi cho rằng nếu không có người chống lưng, chắc chắn cựu dân biểu Đặng Thị Hoàng Yến không dám hành xử kiểu xã hội đen như vậy.
Cũng xin lưu ý, Việt Nam đã gia nhập Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với TPP, Nhà nước Việt Nam buộc phải chịu trách nhiệm với việc quyết định chính sách của mình, nếu đưa ra chính sách gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong và ngoài nước thì Nhà nước phải bồi thường. Nguyên tắc của TPP là chính sách có thể thay đổi, nhưng chỉ thay đổi theo hướng có lợi hơn, không được có hại hơn cho doanh nghiệp.
No comments:
Post a Comment