Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA-2016-02-09
Sinh viên đi bán hàng rong trong ngày giáp Tết RFA photo
Năm hết Tết đến, dường như với mọi giới, đây là khoảng thời gian hối hả, thúc giục tâm hồn trước sự luân chuyển của vũ trụ, trước một tuổi mới. Nhưng đây cũng là thời gian mà cái nghèo và sự giàu có hiện ra rất rõ nét. Nhất là trong giới sinh viên, nếu như con nhà giàu có, khá giả mong đến Tết để được rảnh rang hưởng thụ bao nhiêu thì sinh viên con nhà nghèo lại tranh thủ dịp Tết kiếm tiền phụ giúp gia đình, trang trải học tập, làm việc quần quật bấy nhiêu.
Công việc ngày Tết ở thành phố
Hải, quê gốc Phú Yên, là sinh viên năm thứ hai đại học kinh tế Sài Gòn, chia sẻ: “Làm nhiều chỗ lắm, Tết thì có đứa bán hoa, có đứa làm cho các công ty quảng cáo, làm đủ thứ việc hết... Tết thì ai cũng muốn về nhà chứ có ai ở lại thành phố đâu. Chẳng qua do nghèo mà mình phải ở lại thành phố làm thêm thôi chứ về nhà vẫn là lựa chọn hàng đầu… Mức lương làm thêm thường thì được nhân ba trong ngày Tết, nhưng cũng tùy, có chỗ chỉ trả nhỉnh hơn một chút”.
Theo Hải, số lượng sinh viên ở lại thành phố để làm thêm trong dịp Tết có vẻ không nhiều nhưng nếu như nói về sinh viên làm thêm trong dịp Tết khắp nơi thì lại nhiều vô kể. Bởi chỉ có những sinh viên thuộc diện gia đình quá khó khăn mới chấp nhận ở lại thành phối để làm việc, số còn lại về quê nhưng không hẳn để ăn Tết mà để làm thêm phụ giúp gia đình.
Phần đông sinh viên nam chọn công việc xông đất thuê, giữ xe, giữ nhà, bưng bê cho các quán ăn, quán cà phê, thậm chí rửa chén. Sinh viên nữ chủ yếu chọn đi tiếp thị hàng hóa, đi phát tờ rơi quảng cáo hiệu cho doanh nghiệp, đi lau dọn nhà cửa, đi giữ trẻ thuê, đi đóng giả thú vật và bán vé, bán hoa ngày trước Tết, sau đó đi rửa chén bát trong ba ngày Tết hoặc đi bưng bê thức ăn… Nói chung là thiên hình vạn trạng việc làm thêm cho sinh viên trong dịp Tết.
Và đương nhiên việc làm thêm ba ngày Tết có mức thu nhập cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với ngày công lao động bình thường. Nhưng muốn có được công việc thu nhập cao, ngoài vóc dáng, khả năng ứng xử, đối phó tình huống còn có cả sự may mắn.
Ví dụ như việc xông đất đầu năm, một sinh viên nếu được chọn đi xông đất đầu năm sẽ được hưởng khoản thù lao béo bở, có khi lên đến vài triệu đồng trong ngày Mồng Một Tết nếu như xông đất vào nhà giàu có, thuộc giới quí tộc. Bởi ngoài khoản tiền của công ty tổ chức xông đất trả cho, sinh viên này còn được chủ nhà lì xì đầu năm, có khi khoản lì xì lên đến vài triệu đồng là bình thường.
Với kinh nghiệm từng có một năm đi xông đất cho nhà giàu, Hải nói rằng cái khéo của sinh viên đi xông đất là phải tìm những tờ tiền mệnh giá năm chục ngàn đồng có sê ri số thật đẹp, chẳng hạn như chín nút hoặc tứ quí, chọn những phong bì thật đẹp để lì xì, chúc Tết cho các thành viên trong gia đình. Cách gì thì chủ nhà cũng lì xì lại một khoản tiền kha khá gọi là vui chúc đầu năm.
Nhưng để trở thành một người xông đất đầu năm, phải đạt được nhiều tiêu chuẩn, từ tuổi tác, cung mạng đến vóc dáng, gương mặt phải vui tươi. Sau khi được chọn, phía công ty sẽ ký hợp đồng và đào tạo trong một tuần về cung cách chào hỏi, câu chúc và nghệ thuật gây cười đầu xuân không bị quá đà… Trong khoản thời gian đào tạo, người xông đất tương lai sẽ được tài trợ tiền ăn uống và xăng cộ.
Nhưng đó là công việc cực kỳ may mắn cho những sinh viên cực kỳ may mắn, chẳng khác nào hạt thóc trên sàng. Ngược lại, hàng trăm sinh viên khác phải bươn bả khắp nẻo đường, phải làm việc cật lực từ 5h sáng đến 11h đêm để được trả tiền công mỗi ngày từ bốn trăm ngàn đồng đến sáu trăm ngàn đồng trong ba ngày Tết. Nhưng đây cũng không phải là con số chung, nhiều nơi chỉ trả hai trăm ngàn đồng cho một sinh viên làm thêm ngày Tết từ 5h sáng đến 11h đêm.
Nhìn chung, việc làm thêm ở thành phố bây giờ cũng không còn dễ tìm như trước đây bởi hầu như các công ty, các hộ kinh doanh trong thành phố đã gặp trục trặc suốt cả năm nay, tốc độ phát triển kinh tế của Sài Gòn có phần khựng lại trong nhiều năm nên chi phí, tiền công cùa công việc ngày Tết cũng bị bóp nhỏ.
Sinh viên đi bán hoa
Thiện, sinh viên người Sài Gòn, hiện đang học năm thứ ba trường đại học bách khoa, chia sẻ: “Dạ nhiều, sinh viên không về Tết cũng nhiều, trước Tết thì bán ở các chợ hoa, trong Tết thì làm ở các siêu thị, hoặc là bán vé ở các khu vui chơi. Nói chung sinh viên coin nhà nghèo thì mới ở lại làm thêm chứ con nhà khá giả, đủ ăn thì chẳng ai chịu ở lại đâu!”.
Thiện đứng bán hoa trên đường hoa Nguyễn Huệ, Sài Gòn, cả nhóm gồm năm người đều là sinh viên con nhà nghèo ở ngoại ô Sài Gòn, rủ nhau hùn vốn để xuống miền Tây mua hoa, thuê xe đưa về Sài Gòn để bán. Theo Thiện thì đây là công việc hết sức mạo hiểm bởi thị trường hoa ở Sài Gòn ế ẩm trong vài năm trở lại đây.
Nhưng cũng theo Thiện dự đoán thì năm nay hoa sẽ bán chạy vào những giờ áp chót Giao Thừa bởi vì thành phố Sài Gòn có một đặc điểm là khi người ta quá giàu, người ta chơi hoa và khi quá khó khăn, người ta cũng chơi hoa. Trong tình trạng kinh tế chạy đều, bình bình thì ít ai chơi hoa. Mà năm nay kinh tế khủng hoảng, người Sài Gòn sẽ nghĩ đến việc mua một chậu hoa về chưng ba ngày Tết, xem như một lời an ủi cho năm mới. Đương nhiên giá hoa Tết sẽ không cao so với năm trước, có thể là thấp hơn. Chính vì vậy nhóm của Thiện chọn những loại hoa có giá thành tương đối mềm như cúc mâm xôi, vạn thọ để bán.
Và để có được vài trăm chậu hoa bán Tết, nhóm của Thiện phải đi vay nóng tiền từ một người quen chuyên cho vay nóng, nhóm Thiện vay 35 triệu đồng trong mười ngày tháng chạp, người này lấy tiền lãi 2,5% cho mười ngày, tức là 7,5% một tháng, đây là mức lãi rất ưu tiên khi đi vay nóng. Tuy mức lãi khá cao so với ngân hàng nhưng lại rất thấp so với vay nóng. Nhưng bù vào đó lại linh hoạt, không qua thủ tục nhiêu khê như ngân hàng và cũng không quá nặng khi dùng nó để buôn bán trong dịp Tết.
Thiện nói rằng cả nhóm đang lo lắng vì đã đến chiều hai mươi bảy tháng Chạp nhưng lượng hoa bán ra thị trường vẫn không được bao nhiêu chậu. Nhưng dù sao thì nhóm của Thiện cũng có cái may mắn hơn so với các bạn cùng lứa bởi được tự do kinh doanh và không quá phụ thuộc vào người khác. Hơn nữa gia đình của mỗi bạn phải không đến nỗi quá nghèo thì cả nhóm mới có thể đi vay được tiền.
Một cái Tết bận rộn, làm lụng vất vả và kẻ khóc người cười đang ghé đến bên cuộc đời những sinh viên nghèo. Một tuổi mới với lo toan và tủi phận cũng đang ghé về. Chúng tôi chỉ biết cầu chúc các bạn sinh viên nghèo đi làm thêm trong mùa Tết được mạnh khỏe, chân cứng đá mềm và đất nước này sẽ tốt đẹp hơn để các bạn khỏi chịu cảnh thất nghiệp sau khi ra trường! Xin chúc mừng năm mới với ước mơ bay thật cao, thật xa và sức khỏe dồi dào!
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/students-work-overtime-in-tet-ttvn-02092016124712.html/02092016-sinhvienlamthem.mp3
No comments:
Post a Comment