(GDVN) - Câu chuyện về MC, diễn viên Tuấn Tú được phong hàm Thiếu tá khi mới 32 tuổi đang trở thành chủ đề bàn tán khắp các diễn đàn mấy ngày qua.
Tuấn Tú (tên thật là Phan Tuấn Tú) được phong hàm Thiếu tá và chuyển công tác làm Phó Ban Tuyên giáo Trung ương đoàn. Chuyện chẳng có gì đáng để thiên hạ bàn tán nếu Tuấn Tú không phải là rể của một vị Tướng ngành công an.
Điều mà nhiều người thắc mắc là Tuấn Tú sinh năm 1984, ấy vậy mà ở tuổi 32 đã đeo lon Thiếu tá, mà thông thường để có được cấp bậc ấy cũng phải mất cả chục năm phấn đấu.
Ở các diễn đàn internet, nhiều bình luận cho rằng, vì Tuấn Tú được nâng đỡ nên mới được phong hàm Thiếu tá sớm. |
Ngày 14/1, trả lời báo Pháp Luật TP.HCM về việc thăng quân hàm đối với MC Tuấn Tú, Trung tướng Nguyễn Văn Vượng - Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ (cũng là bố vợ của Tuấn Tú) cho biết, những ý kiến vừa qua chỉ là một chiều, việc tăng lương hay cấp bậc đều phải theo đúng quy trình, quy định.
Ông Vượng nói: “Những người ở đây (Bộ Tư lệnh CSCĐ) không hề có ý kiến gì, chỉ có người ngoài mới thắc mắc. Vì vậy tôi cũng chỉ có trách nhiệm giải thích để thông qua các phương tiện đại chúng thông tin được chính xác hơn.
Ngoài ra, việc thăng cấp bậc hàm cũng phải tương ứng với vị trí được bổ nhiệm. Thiếu tá Tú đâu phải vào ngành từ lúc binh nhì, binh nhất đâu. Nhiều người cứ máy móc hiểu là từ thiếu úy phải mất hơn chục năm mới được phong quân hàm thiếu tá”.
Tuấn Tú thì nói rằng: “Tôi thấy mình không có gì sai. Tôi nhận nhiệm vụ bình thường và hiện có rất nhiều việc cần giải quyết. Tôi chỉ muốn đi làm bình thường và không muốn ầm ĩ gì cả”.
Đúng là khi Tuấn Tú vào ngành công an (năm 2011, tức là trước khi đám cưới vào năm 2012) thì đã được đeo lon Thượng úy (chứ không phải bắt đầu từ Thiếu úy), và cũng không phải binh nhất, binh nhì như chia sẻ của ông Vượng.
Thế nhưng ngay khi Tuấn Tú vào ngành và được phong Thượng úy thì đã có nhiều dấu hỏi đặt ra với việc phong quân hàm và được làm Bí thư Đoàn Thanh niên.
Theo quy định của Luật Công an nhân dân, từ Thượng úy lên Đại úy 3 năm; từ Đại úy lên Thiếu tá 4 năm. Như vậy phải mất 7 năm thì Tuấn Tú mới được lên Thiếu tá (thực tế công tác chưa được 5 năm).
Theo Luật Công an nhân dân thì những trường hợp được thăng hàm trước hạn phải có thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, nghiên cứu khoa học, học tập.
Vậy nên, người ta sẽ phải đặt ra câu hỏi: Tuấn Tú có thành tích đặc biệt gì xuất sắc (thực sự xứng đáng), chứ không phải là thành tích vẽ ra cho có để hợp thức hóa hồ sơ?
Có người đã so sánh chuyện của Tuấn Tú với kình ngư Ánh Viên. Ở tuổi 19, Ánh Viên đã giành rất nhiều huy chương vàng, bạc đồng ở các giải đấu khu vực và thế giới. Cô gái vàng của thể thao Việt Nam cũng đã được trao tặng Huân chương lao động hạng nhì. Với rất nhiều thành tích như vậy, Ánh Viên cũng đã liên tục được thăng hàm vượt cấp và đeo lon Đại úy. Nhưng đó là Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp, không phải sĩ quan như Tuấn Tú.
Thực ra ngay từ khi Tuấn Tú cưới vợ thì đã có rất nhiều bình luận không thiện cảm (nhiều bình luận quá đà) rằng, Tuấn Tú chấp nhận lấy vợ xấu để được nhờ vả gia đình bên vợ.
Người ta cũng chỉ đoán già, đoán non như vậy, còn thực hư thế nào thì chỉ có Tuấn Tú là người biết rõ nhất, và thời gian cũng sẽ minh chứng cho những gì thiên hạ bàn tán về Thiếu tá trẻ tuổi có đúng hay không?
Trong đời sống hàng ngày, có nhiều chàng trai sinh ra trong gia đình quyền quý, được ăn học tử tế vẫn lấy vợ kém sắc đấy thôi. Thế nhưng, người đời thì lại nghĩ rằng đó là chuyện bình thường, vì xưa nay nhiều người quan niệm, con gái lấy chồng và được nhờ chồng chẳng có gì đáng nói, nhưng đàn ông phải đứng được trên đôi chân của mình, và nhất là không bao giờ được để lép vế, không thể sống cảnh “chó chui gầm chạn”.
Tất nhiên nếu cứ nghĩ một chiều như vậy thì cũng có phần tiêu cực, vì chẳng lẽ con vua không thể gả được cho ai hay sao?
Nhìn ở một góc độ khác, xa xưa nhiều vị quan nổi tiếng khắp kinh kì được giữ các chức vụ quan trọng của triều đình khi tuổi mới chỉ ngoài đôi mươi.
Trong những năm tháng kháng chiến, lãnh đạo Đảng, quân đội cũng có rất nhiều người được giao nhiệm vụ quan trong khi tuổi mới ngoài đôi mươi và được phong hàm cấp tá dù chưa tới ba mươi, thậm chí là phong tới cấp tướng khi mới ngoài ba mươi tuổi.
Và thực tế trong đời sống của chúng ta bây giờ cũng vô khối con lãnh đạo trẻ tuổi đang giữ những vị trí quan trọng của ngành hay của địa phương đấy thôi.
Vậy thì chuyện MC Tuấn Tú được phong hàm Thiếu tá dù mới 32 tuổi có gì đáng nói?
Chỉ có điều, trước khi trên vai có quân hàm Thiếu tá, Tuấn Tú đã đóng góp gì cho ngành mới là chuyện đáng bàn. Những đóng góp ấy phải thực sự xứng đáng để được phong hàm, còn nếu chỉ là xứng đáng về hình thức thì đâu thể khiến người dân tâm phục, khẩu phục.
Theo lời ông Vượng thì trong cơ quan không có ý kiến gì, nhưng có lẽ đó cũng chỉ vì họ ngại cái uy, cái ghế của ông đấy thôi, chứ đằng sau lưng liệu họ có im lặng hay ủng hộ như vẻ bề ngoài?
Dù sao thì quân hàm, chức tước đã phong cả rồi, cũng chẳng nên cay nghiệt mà nói anh ta là “chó chui gầm trạn”. Dù sao những gì đã kê ra trong hồ sơ cũng là thành tích, như chính anh ta tự nhận “chẳng sai điều gì”. Tức là anh ta thấy mình xứng đáng với quân hàm Thiếu tá!
Trên đời này có bao nhiêu người ước được như MC Tuấn Tú? Có lẽ không nhiều! Cũng có thể rất nhiều!
No comments:
Post a Comment