Friday, January 22, 2016

Tháng chạp của những người già neo đơn

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
 Theo RFA-2016-01-22  
000_APW2001011058585-620
 Một bà cụ bán bánh chưng trong những ngày giáp Tết ở Hà Nội. AFP photo
Cuối năm, với những người già neo đơn, thiếu vắng bóng dáng con cái và người thân, thời khắc này bao giờ cũng lạnh và buồn hơn rất nhiều so với những người có đầy đủ con cháu và so với thời gian khác trong năm. Đặc biệt, với những người cao tuổi nghèo khổ, cái Tết đến với họ như những hạt muối rơi chạm vết thương. Sự nghèo khổ của những người già sống trên đất Hướng Hóa, Quảng Trị là một dấu lặng tháng Chạp.
Lo từng bữa ăn, thiếu thốn mọi bề
Cụ bà Hồ Thị Lữ, người xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, chia sẻ: “Năm nay mệ (bà) 79 tuổi, sang năm mới được 80 tuổi. Khi được 80 tuổi thì hàng tháng mệ được cho một trăm mấy ngàn, chừ thì chưa, mệ chưa đủ tuổi, 80 mới đủ tuổi. Mệ chuẩn bị đi hái măng rừng với mấy đứa trong xóm, đi sớm, nó dậy rồi nó đợi mệ cùng đi, mệ hái được nhiều, ra sớm thì mệ lên chợ bán cũng được mấy chục.”
Theo cụ Lữ, suốt nhiều năm không có con cái, cụ sống một mình dưới mái nhà xụp xệ do cha mẹ để lại. Nơi nào dột thì cụ mua tôn về lợp. Số tiền tích lũy được do bán rau rừng cũng đủ để vài năm mua một tấm tôn lợp dặm vào những chỗ nhìn thấy trời, mà che mưa che nắng.
Hằng ngày, cụ thức dậy lúc ba giờ sáng để quét dọn nhà cửa. Nói là quét dọn nhà cửa nhưng thực sự cũng chẳng có gì để quét dọn, chỉ làm việc giết thời gian đợi trời sáng vì không thể nào ngủ được. Đến khi trời hừng sáng, ăn vội miếng cơm nguội để lại từ tối qua với nước mắm kho quẹt hoặc chút cá kho khô để lâu ngày. Ăn xong lại lên đường vào rừng hái rau dại mang xuống chợ bán.
Mưa hay nắng, trừ những khi đau ốm không thể nhấc mình khỏi giường thì ở nhà, những ngày còn lại cụ đều đặn vào rừng hái rau rừng. Hái rau vừa giúp cho cụ có cái để ăn qua ngày, có cái để dành phòng khi đau ốm và giết ngày dài buồn tủi, cô đơn lúc tuổi già.
Trung bình mỗi ngày, đi từ lúc năm giờ sáng và về nhà lúc năm giờ chiều, cụ Lữ kiếm được từ mười ngàn đồng đến ba chục ngàn đồng. Bữa nào kiếm được mười ngàn đồng thì bỏ ra hai ngàn để mua gạo, hai ngàn mua gói mì ăn liền loại rẻ và cất dành sáu ngàn đồng bỏ ống.
Bữa nào kiếm được nhiều rau, kiếm thêm được măng rừng hay bắp chuối rừng, bán được từ hai lăm đến ba chục ngàn đồng, cụ Lữ tự thưởng cho mình một dĩa cơm mười ngàn đồng ở hàng cơm trong chợ. Với cụ, đó là bữa tiệc trọng đại trong tháng bởi vì có khi suốt cả tháng ròng mới có được ngày bán rau thu vào ba chục ngàn đồng.
Khi chúng tôi hỏi thăm về chế độ bảo hiểm dành cho người nghèo cũng như các khoản hỗ trợ người nghèo từ phía nhà nước. Cụ Lữ buồn bã nói rằng các khoản này không phải ai cũng có được, có thể người nghèo không bao giờ có nhưng nhưng người không nghèo lại hưởng được nhiều khoản trợ cấp của người nghèo. Cụ Lữ cho rằng nghèo là cái tội, và cụ mang tội rất lớn với tổ tiên, với đất nước bởi sự nghèo của cụ.
Giải thích về cái tội nghèo, cụ Lữ nói rằng nghèo thì không đóng góp được gì cho bà con, thậm chí làm cho bà con thấy ái ngại mỗi khi mình xuất hiện. Nhưng cái tội lớn nhất là tiếp tay cho tội ác. Bởi nhiều kẻ quyền thế đã lợi dụng cái nghèo để lấy tiền của nhà nước, của nhân dân. Nếu không còn những người nghèo như cụ thì những kẻ kia lấy đâu ra cái cớ để lợi dụng lòng thương, dựa vào nhà nước để ăn tiền.
Nhưng đó chỉ là câu nói đùa của cụ Lữ, cụ nói rằng trong sâu thẳm lòng mình, cụ vẫn thấy nghèo, cô đơn là một vết thương mà mỗi dịp Tết về, nhìn mọi gia đình khác đoàn viên, sum họp, cụ chỉ biết khóc thầm một mình. Ba ngày Tết cụ cũng không dám đến nhà ai vì sợ mình mang cái nghèo, cái neo đơn của mình đến nhà người khác đầu năm. Đã mấy mươi cái Tết như vậy đi qua cuộc đời cụ Lữ và gần như cụ đã quen với nỗi buồn hằng Tết.
Chờ để được già
Cụ Dương, 79 tuổi, làm dâu trên đất Hướng Hóa, Quảng Trị gần sáu chục năm nay, buồn bã chia sẻ: “Chứ cũng ứa nước mắt, mỗi ngày bán ngoài chợ được cỡ tám ngàn thôi, ăn hàng (ăn sáng) hai ngàn bạc cháo, hai ngàn tiền dù che mưa che nắng là bốn ngàn, một ngàn tiền thuế chợ là năm. Mà có ngày bán được chục ngàn, có ngày bán được có năm ngàn, lời không được năm ngàn bạc nữa, khổ ơi!”
Theo cụ, phần đông người cao tuổi neo đơn ở đây không có đủ cơm để ăn và hằng ngày phải bươn bả đủ mọi việc để kiếm sống. Thu nhập trung bình của những người như cụ sẽ dao động từ mười ngàn đồng đến hai mươi ngàn đồng trên mỗi ngày, không thể nhiều hơn. Và hầu như không có ai được hưởng bất kì chế độ đãi ngộ nào từ phía nhà nước.
Bởi nếu muốn hưởng tiêu chuẩn của người cao tuổi, cụ phải đợi thêm sáu năm nữa, khi đó đủ tám mươi lăm tuổi thì sẽ hưởng được mỗi tháng một trăm tám mươi ngàn đồng trợ cấp của nhà nước. Và với số tiền một trăm tám mươi ngàn đồng đó, theo cụ Dương là không đủ để làm bất cứ việc gì. Nếu trong làng có đám cưới, có thiệp mời thì nhận xong một trăm tám mươi ngàn đồng của nhà nước, các cụ phải đi vay thêm hai mươi ngàn đồng nữa để bỏ phong bì tặng quà cưới. Bởi vì mức giá chung cho phong bì quà cưới hiện tại là hai trăm ngàn đồng.
Và cũng theo cụ Dương, với khoản tiền một trăm tám mươi ngàn đồng trên một tháng, cụ vẫn phải bươn bả ra rừng hái rau lên chợ bán hay mua củ quả của nhà vườn ra chợ ngồi bán. Bởi vì số tiền này nếu mua gạo thì thiếu mắm thiếu muối, nếu mua mắm muối thì thiếu gạo. Cụ nói rằng dù có thắt lưng buộc bụng gì đi nữa thì cũng không thể nào sống một tháng với một trăm tám mươi ngàn đồng.
Nhưng đó là chuyện của sáu năm nữa, còn hiện tại, cũng như nhiều người già neo đơn, không con không cháu khác, cụ Dương phải ra chợ eo sèo mua bán hoặc lên rừng lục lọi từng ngọn cỏ, lùm cây để theo mùa mà hái rau rừng về bán dưới chợ. Cũng may rau rừng bây giờ có giá nhưng người hái lại quá nhiều.
Thêm một cái Tết nữa đang về, hoàn cảnh của nhiều người già neo đơn vẫn chưa có gì thay đổi ngoài những bữa cơm hẩm hiu tự mình biết riêng mình. Và mỗi cái Tết như một lời thách thức của cái nghèo, sự cô đơn, cô độc và tuổi già trước thời gian, trước sự hờ hững của cuộc đời!

No comments:

Post a Comment