Friday, January 22, 2016

ĐAU ĐÁU HOÀNG SA

Nguyentuongthuy — 01/20/2016 - 14:03
1. Lịch sử chống ngoại xâm của Việt nam về cơ bản là lịch sử chống sự xâm lăng của các triều đại cầm quyền Trung Quốc. Trong lịch sử hiện đại, có nhiều cuộc chiến tranh hoặc trận đánh chống quân xâm lược Trung Quốc do nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc phát động. Đó là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Tháng 2/1979 và sau đó là các trận đánh không kém phần đẫm máu nhằm giành giật từng điểm cao cho đến tận năm 1987; là Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và Hải chiến Trường Sa năm 1988. Tuy nhiên với tôi, nỗi đau Hoàng Sa là day dứt hơn cả. 
 
Đau bởi mất đảo không chỉ vì phương tiện chiến đấu thiếu hay lạc hậu mà nguyên cớ để Trung Cộng dám ngang nhiên xâm lược lại là từ phía Việt nam, ở đây là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bức công hàm nước đôi của ông Phạm Văn Đồng cùng chính sách ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  trên tinh thần của cái gọi là quốc tế vô sản khi ấy đã tiếp tay cho tham vọng lãnh thổ của Trung Cộng và là nguyên nhân cho việc Trung Cộng quyết định chiếm Hoàng Sa.
 
Không thể đổ lỗi cho VNCH làm mất đảo, cho dù Trung Cộng trực tiếp lấy từ tay Việt Nam Cộng Hòa. Trên thế giới, rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ có kẻ mạnh, kẻ yếu, thậm chí sức mạnh gấp nhau rất nhiều lần. Điều đó không có nghĩa là kẻ nào mạnh cứ việc đem quân đến đánh kẻ yếu. Chiến sự xảy ra trong thời đại ngày nay phải có một bối cảnh quốc tế, quan hệ ngoại giao song phương hay đa phương nào đó. 
 
Một điều day dứt khác trong tôi là Nhà cầm quyền Việt nam vẫn chưa chính thức coi 75 tử sĩ ngã xuống trong Hải chiến Hoàng Sa là những quân nhân chân chính, đã vị quốc vong thân. Mặc dù trong những năm gần đây, báo chí đã được phép nhắc đến, rồi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đang cho xây khu tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa nhưng những hoạt động tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa vẫn bị đàn áp hoặc phá hoại. 
 
2. Lễ tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa năm nay cũng không thoát khỏi tình trạng ấy. Tại Vũng Tàu, những người tham gia tưởng niệm bị cản trở, đeo bám dai dẳng. 
 
Một số buổi lễ tưởng niệm khác, do mang tính nhỏ lẻ và giữ được bí mật và có thể vì thế nên cũng thành công như ở Huế, Nghệ An và một số lễ tưởng niệm nhỏ khác.
 
Tại Sài Gòn, sự cản trở từ phía nhà cầm quyền quyết liệt hơn cả. Họ canh chặn không cho các nhà hoạt động ra khỏi nhà, giật cướp vòng hoa, xả nước, quét rác vào những người tham gia tưởng niệm.
 
3. Riêng ở Hà Nội, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Chúng tôi đến, thấy có sẵn xe trật tự của phường, xe bus và một số công an áo xanh được chuẩn bị sẵn nhưng số này không được sử dụng đến. An ninh có mặt đông ngang những người tham dự. Họ không can thiệp gì chỉ đứng qua sát, ghi hình. Không thấy cái gọi là “quần chúng tự phát” như những lần trước vì số này có “tự phát” hay không là phải được huy động. 
 
Lễ tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa ở Hà Nội diễn ra trong trật tự và đầy xúc động. Trong nghi ngút nhang khói tỏa ra từ chiếc lư hương dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, người Hà Nội nghiêm trang, lặng lẽ, rưng rưng nói với các anh hồn tử sĩ Hoàng Sa những điều thầm lặng. Dù không thành tiếng nhưng ai cũng hiểu đấy là những lời tri ân, lời tâm sự, là những lời hứa với người đã khuất rằng sống và hành động sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các anh. Tôi đã đứng rất lâu, nước mắt giàn giụa và tin rằng các anh hiểu được tâm trạng của tôi dù không thốt thành lời.
 
Tôi đã đứng rất lâu như thế này, nước mắt giàn giụa và chắc rằng các anh hiểu được tâm trạng của tôi dù không thốt thành lời. Ảnh fb Trung Nghĩa
 
Trong không khí linh thiêng, đầy xúc động, Lã Việt Dũng thay mặt anh em NO-U đọc diễn văn kỷ niệm qua thiết bị tăng âm.
 
Sau lời tri ân các tử sĩ Hoàng Sa, bài diễn văn đã chỉ ra đâu là nguyên nhân của việc các anh bị quên lãng:
 
“Lịch sử luôn công bằng và không dễ bị bóp méo bởi những luận điệu xuyên tạc. Sự thật rõ ràng là các anh, 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hoà, đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, không một ai bỏ chạy hay đầu hàng trước quân thù mà giờ đây nhiều kẻ đang gọi là bạn, là đồng chí. Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà sự hi sinh của các anh bị rơi vào quên lãng, thậm chí bị xúc phạm cho đến tận hôm nay”. 
 
Đồng thời khẳng định nhà cầm quyền có thể cố tình quên nhưng nhân dân không bao giờ quên các anh:
 
“Việc chúng ta có mặt ở đây để thắp một nén hương tưởng nhớ các anh là một sự tri ân, một sự khẳng định người dân Việt Nam không bao giờ quên công ơn, xương máu của các anh, cũng như không bao giờ quên mảnh đất biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu đang nằm trong tay giặc”.
 
Nhân dân Việt Nam không bao giờ hận thù với nhân dân Trung Quốc nhưng bài diễn văn chỉ rõ kẻ thù của nhân dân Việt Nam là ai:
 
“Chính chính quyền cộng sản Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm nhất tới hoà bình và sự phát triển của nhân dân Việt Nam. Từ khi xâm chiếm Hoàng Sa đến nay, Trung Cộng không ngừng dùng mọi biện pháp xâm lấn, chiếm đóng, chia rẽ, mua chuộc, áp đặt tư tưởng lên nhân dân Việt Nam dù bằng chiến tranh hay dưới vỏ bọc hoà bình, hữu nghị. Họ không phải là bạn bè, càng không phải là đồng chí. Không có đồng chí nào lại liên tiếp gây chiến từ Hoàng Sa 1974, biên giới phía Bắc 1979 đến Gạc Ma – Trường Sa 1988; không có bạn bè nào ngang nhiên cắm giàn khoan thăm dò dầu khí vào lãnh thổ người khác; càng không có cái hữu nghị nào trước kẻ thù luôn tìm cách lũng đoạn kinh tế, chính trị và tuồn hàng hoá, thực phẩm độc hại vào đất nước Việt Nam bằng vỏ bọc hợp tác, hoà bình. 
 
Buổi tưởng niệm diễn ra trong 1 giờ, từ 8h30’ đến 9h30’ trong tiếng hô vang dậy:
 
Hoàng Sa – Việt Nam!
 
Trường Sa – Việt Nam! 
 
Đả đảo Trung Quốc xâm lược!
 
Có những ý kiến cho rằng, lễ Tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa năm nay ở Hà Nội thành công tốt đẹp còn ở Sài Gòn thì không. Theo tôi, thành công hay không ở chỗ có bao nhiêu người vượt qua nỗi sợ hãi để đến tham gia tưởng niệm, bao nhiêu người nhận ra bản chất của việc mất Hoàng Sa, bao nhiêu người nhận ra những người giữ đảo chính là những sĩ quan, binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa mà người ta vẫn thường gọi là quân ngụy. Còn việc đàn áp, phá hoại hay không và việc của kẻ xấu, ngoài ý muốn của những người tham gia tưởng niệm. Sự cản trở, phá hoại cũng là một thành công chứ. Vì qua đó, nó đã giúp chúng ta nhận ra kẻ vong ân bội nghĩa, kẻ làm tay sai cho giặc là ai mà không cần mất công nghiên cứu, điều tra. 
 
Mặc dù với Hà Nội, đây là lần đầu tiên, lễ tưởng niệm các tử sĩ, liệt sĩ bỏ mình vì Tổ quốc, không bị phá hoại, cản trở những cũng đừng vội mừng là Hà Nội đã thay đổi. Với nhà cầm quyền cộng sản, họ hành động không theo một tiêu chí, nguyên tắc hay điều khoản pháp luật nào. Trong những cuộc biểu tình chống Trung Cộng từ trước đến nay, có những cuộc bị đàn áp, bắt bớ nhưng cũng có cuộc không. Vì vậy, việc đàn áp hay không còn tùy thuộc vào việc họ có thích hay không, có lợi hay hại đến những gì họ đang toan tính. Và cũng không có gì phải cảm ơn kẻ tôn trọng việc làm của ta mà trước đó thường xuyên đàn áp ta khi ta làm đúng. Hãy lấy một ví dụ đơn giản: Bạn có việc đi ra đường, lúc đi lúc về an toàn, không xảy ra chuyện gì. Vậy bạn cảm ơn ai? Liệu bạn có đi cảm ơn tất cả những người cùng tham gia giao thông với bạn vì họ đã không tông vào xe bạn, không cà khịa với bạn? Đây là một tâm lý thường thấy của những người quen bị bắt nạt, tất nhiên không phải là tất cả.
 
Nếu ai để ý thì cũng dễ thấy lễ tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa ở Hà Nôi năm nay có một điều khác trước. Cũng như cờ đỏ vắng dần trong các cuộc biểu tình về sau rồi vắng hẳn thì màu đỏ cũng đã biến mất trong lễ tưởng niệm năm nay. Mọi người buộc lên đầu dải băng rôn nền xanh chữ trắng ghi dòng chữ: “Nhân dân không quên 19/1”. Việc cờ đỏ, rồi màu đỏ biến mất trong các sự kiện đã nói lên nhận thức của những người hoạt động xã hội dân sự đã có thay đổi về cơ bản. 
 
Cũng cần lưu ý rằng, các buổi lễ tưởng niệm năm nay vẫn nhắc đến 74 tử sĩ chứ không phải là 75. Trong dịp kỷ niệm lần thứ 40 Hải chiến Hoàng Sa, Báo Thanh niên đưa ra một danh sách các tử sĩ Hoàng Sa, trong đó có điều chỉnh tên một số tử sĩ theo thông tin của gia đình. Đặc biệt, danh sách này bổ sung tử sĩ thứ 75 là Phạm Ngọc Đa với các chứng cứ thuyết phục. Vậy mong từ nay, nhắc đến Hoàng Sa là phải nhắc đến 75 tử sĩ chứ không phải 74 như trước.
 
Hình ảnh về các buổi lễ tưởng niệm, tri ân các tử sĩ Hoàng Sa đã khá đầy đủ trên mạng xã hội facebook, trên các website và các blog. Kết thúc phần này, tôi chỉ đưa ra mấy hình ảnh độc đáo:
 


Các cháu trường mầm non trong buổi lễ tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa. Ảnh: Tường Thụy
 
Anh Trương Văn Dũng và chị Trần Thị Thảo tại cầu Chương Dương ngay sau buổi tưởng niệm ở Tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh fb Dung Truong
 
4. Trở lại chuyện các tử sĩ chưa được nhà cầm quyền vinh danh. Đấy là là ý kiến của tôi và chắc hẳn cũng của nhiều người. Nhà cầm quyền hiện nay không muốn nhưng nếu họ vinh danh, công nhận các tử sĩ Hoàng Sa liệu có làm cho linh hồn các anh mát mẻ không. Tôi nghĩ là chưa chắc, nếu không nói là không. Ngoài việc các anh chiến đấu cho chủ quyền của Tổ quốc nhưng lý tưởng các anh là lý tưởng quốc gia. Trong khi đó, nhà cầm quyền hiện nay là nhà cầm quyền cộng sản.
 
Nhân dân thì vẫn vinh danh các anh, điều đó, chắc hẳn các anh chấp nhận và vui lòng. Nhưng về phía nhà nước, tôi nghĩ, chỉ khi nào nhà nước Việt nam do dân bầu ra một cách tự do thực sự mà vinh danh các anh, khi đó, mới thỏa mãn tâm linh các anh.
 
Mất Hoàng Sa không phải là lỗi của Quân lực và Chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Việc để Hoàng Sa rơi vào tay Trung Cộng là nỗi đau không thể nào nguôi trong tâm khảm mỗi người Việt Nam chân chính. Mỗi năm, cứ đến ngày 19/1, lòng chúng ta lại quặn thắt hơn lúc nào hết. Nỗi hận này không bao giờ được quên. 

19/1/2016
 
NTT

No comments:

Post a Comment