RFA 22.01.2016
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (giữa) tham dự lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần 12 tại Hà Nội ngày 21 tháng 1 năm 2016. AFP photo
Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bước sang ngày thứ nhì, trong lúc báo chí quốc tế tiếp tục loan tải tin tức nói về số phận chính trị của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người từng được dự đoán có thể sẽ nắm chức tổng bí thư.
Trong bản tin đánh đi từ Hà Nội là nơi tổ chức Đại Hội, hãng thông tấn AP cho hay ông Dũng vẫn có thể trở thành tân tổng bí thư, nhưng cánh cửa thành công rất hẹp, so với vị tổng bí thư đương nhiệm là ông Nguyễn Phú Trọng.
Bản tin của AP cũng viết rằng phe ông Trọng chỉ trích ông Dũng là người điều hành kém về kinh tế, đồng thời lại còn phạm lỗi tham nhũng.
Điều này được ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khéo léo nói tới trong bản báo cáo đọc ngày hôm qua trước Đại Hội, nói rằng tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với đảng và nhà nước.
Cũng xin được nhắc lại trong phiên họp trù bị diễn ra hôm thứ Tư vừa rồi, báo chí được các viên chức đặc trách tổ chức Đại Hội cho biết chi tiết về phiên họp kín của Bộ Chính Trị diễn ra trước đó chỉ chừng 2 tuần lễ.
Theo trình bày với báo chí, 16 thành viên Bộ Chính Trị ủng hộ ý kiến trao trách nhiệm Tổng Bí Thư cho một trong 6 người dưới 65 tuổi, nhưng không ai trong số những người này có được phiếu tín nhiệm cao. Do đó, giải pháp thứ nhì được đưa ra là chọn một người trong nhóm 10 người đã quá tuổi phục vụ ở lại dưới diện “đặc biệt” để giữ vai trò lãnh đạo đảng. Các chức vụ còn lại gồm chức chủ tịch nước, thủ tướng, và chức chủ tịch quốc hội sẽ được trao cho người trong nhóm dưới 65 tuổi.
Đồn đãi chính trị mà báo chí quốc tế và những nhà phân tích nghe được cho thấy nhân vật thuộc diện đặc biệt được chọn ở lại là ông Nguyễn Phú Trọng. Cũng theo đồn đãi, ông Trọng được nhiều phiếu ủng hộ của Bộ Chính trị nhất, và người có phiếu ủng hộ thấp nhất là ông Dũng.
Vẫn theo đồn đãi chính trị, ông Trọng sẽ ở lại nửa nhiệm kỳ, tức tối đa 2 năm rưỡi, sau đó trao quyền tổng bí thư cho người khác, hiện chưa rõ là ai.
Bản tin của AP còn viết rằng dường như lãnh đạo đảng đã dạt được thỏa thuận chính trị, để ông Dũng ra đi nhưng người của ông sẽ nắm chức chủ tịch quốc hội, người của ông Trọng giữ chức chủ tịch nước và vai trò thủ tướng được trao cho một người không thuộc phe nhóm nào.
Đầu tháng này, những nguồn tin chưa thể kiểm chứng cho Ban Việt Ngữ chúng tôi và một số cơ quan truyền thông nước ngoài biết 4 chức vụ quan trọng nhất đã được sắp xếp, với ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí Thư, ông Trần Đại Quang làm Chủ Tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ Tướng và Bà Nguyễn Thị Kim Ngân giữ vai trò Chủ Tịch Quốc Hội.
Cũng theo trình bày của các viên chức điều hành Đại Hội với báo chí, những người không nằm trong danh sách đề cử không được quyền ứng cử hay nhận lời đề cử.
Điều đó được hiểu là ông Dũng không được tự ứng cử, và cũng không được nhận lời đề cử của người khác.
Tuy nhiên, hôm qua ông Nguyễn Bắc Sơn, Bộ Trưởng Thông Tin Và Truyền Thông lại nói rằng quyết định đề cử ai vào chức vụ gì là quyền của đại biểu. Điều đó có nghĩa là ông Dũng vẫn có thể được đề cử, theo đúng nguyên tắc sẽ phải từ chối, nhưng các đại biểu có quyền quyết định đồng ý cho ông từ chối hay không.
Giả sử ông Dũng được đề cử và đại hội bỏ phiếu quyết định ghi tên ông trong danh sách những người ứng cử, lúc đó, theo AP, đối đầu chính trị giữa ông Dũng và ông Trọng là điều không thể tránh được.
Bản tin của AP cũng viết rằng nếu điều đó xảy ra, vấn đề sẽ được giải quyết bằng thương thuyết ngầm, để đến ngày 28 tháng này trước khi Đại Hội Đảng kết thúc, danh tánh những người được chọn lãnh đạo đảng, nhà nước, chính phủ và quốc hội sẽ được công bố mà không ảnh hưởng tới sự đoàn kết cần có của đảng.
No comments:
Post a Comment