Friday, January 22, 2016

Nỗi niềm hải quan

Theo VNTB -23.1.16
Phương Thảo (VNTB) Hai ngày nay, một bài viết về một người mẹ có con nhỏ phải lây lất chờ đợi hơn hai tiếng đồng hồ ở sân bay Nội bài để đợi làm thị thực nhập cảnh đã được lan truyền và chia sẻ trên mạng xã hội Facebook với tốc độ chóng mặt trong đó đã có hàng vạn lượt chia sẻ và hàng trăm ngàn likes. Vấn đề này đã chạm vào đúng nỗi bức xúc nhức nhối của hàng triệu người Việt hải ngoại khi có việc phải về nước.


Người Việt hải ngoại sau một năm làm việc cật lực lại gom góp tiền mua vé máy bay và quà cáp để về Việt nam ăn tết. Niềm vui khi gặp lại người thân và bạn bè, niềm bồi hồi khi được hưởng một cái tết mang đúng hương vị quê hương ngay chính trên quê nhà chưa thấy đâu được thì rất rất nhiều người trong số họ đã phải nếm “trái đắng hải quan” ngay tại cửa khẩu nhập cảnh.

Ăn xin không biết xấu hổ

Người ăn xin ở tây phải có giấy phép và chỉ được phép đứng ở nơi quy định. Người ăn xin bất hợp pháp sẽ phải trốn chui trốn nhủi khi thấy bóng cảnh sát. Những người ăn xin có lòng tự trọng sẽ đàn, hát, làm trò để xin tiền khách qua lại, khi được cho tiền có khi chỉ là 50 cent hay một đồng họ đã tươi cười cảm ơn những người hảo tâm; người ăn xin không có lòng tự trọng sẽ quỳ mọp bên vệ đường, mặt úp sát xuống đất đưa hai tay ra phía trước để xin tiền người qua lại. Đó là ở tây, còn ở phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất hay Nội bài thì người ăn xin lại mặc đồng phục, thắt cà vạt và ngồi phòng máy lạnh hẳn hoi với bộ mặt lạnh như tiền và giọng nói kẻ cả, quát nạt cả người cho tiền.

Người ăn xin không chịu nhận 50 cent hay một đồng mà phải là tờ ngoại tệ mạnh như euro hay đô la có mệnh giá 10 hay 20. Khác hẳn với ngừoi ăn xin thông thường, người ăn xin ở cửa khẩu nhập cảnh xin tiền không phải vì họ vô gia cư, mất việc làm hay không nơi nương tựa, mà họ xin tiền chỉ để uống cà phê. Cà phê nào có giá đến những 10 hay 20 đồng ở Việt nam? Một ly cà phê Star Bucks – có nghĩa đã là sang lắm rồi - ở Sài gòn cũng chưa có tới giá 10 đồng. Không lẽ Cục Hải Quan và cơ quan chủ quản sân bay nghèo đến nỗi không thể trang bị được máy pha cà phê tự động phục vụ cho nhân viên hải quan trong giờ nghỉ giải lao đến nỗi họ phải đi ăn xin từ tiền uống cà phê trở đi sao?

Với số lượng khách nhập cảnh trung bình khoảng 15 ngàn người trong một tháng ở phi trường Tân Sơn Nhất trong những tháng bình thường, chưa kể dịp tết, giả sử trong số đó có một nửa bị bắt buộc hoặc tự nguyện cho tiền cà phê, mỗi người chỉ 10 đồng thôi, số tiền cà phê sẽ ở mức 75 ngàn đô la tức tương đương một tỷ sáu tiền Việt. 75 ngàn đô la ăn xin này góp phần làm xấu xí thảm hại những gương mặt đại diện cho tổ quốc khi tiếp khách nhập cảnh Việt nam.

Tự nguyện bố thí

Những người lớn tuổi là những người khổ sở nhất khi nhập cảnh, nhất lại là Việt Kiều Mỹ. Những người Việt thường rỉ tai nhau rằng khi nhập cảnh phải kẹp tờ 20 vào hộ chiếu khi làm thủ tục nhập cảnh. Những bộ mặt lạnh ngắt, hỏi những câu cụt ngủn, trống không luôn làm cho những người Việt lớn tuổi sợ sệt ra mặt. Những người khi nghe đến chữ chính quyền đã sợ xanh mặt chứ chưa nói là khi bị làm khó dễ, thì việc họ riu ríu kẹp tiền vô hộ chiếu cho yên chuyện là chuyện không có gì lạ.

Người đi trước, rỉ tai người đi sau, và cứ như thế, không chỉ có người lớn tuổi mà gần như ai cũng cho việc kẹp tờ xanh xanh có con số 20 là đi qua cửa hải quan một cách êm thấm. Nếu không kẹp thì sao? Bị hạnh họe hộ chiếu hình mờ, nhìn không rõ mặt dù rằng khi đi chụp hình làm hộ chiếu đã phải làm theo đúng quy định về hình ảnh của quốc gia cấp giấy thông hành; bị căn vặn địa chỉ lưu trú tại Việt nam không đúng; hay thậm chí bị vặn vì sao hộ chiếu không thẳng thớm mà bị quăn góc hay có vết cà phê. Không tiền thì cứ đứng đó chờ, nếu không có gì để hạnh họe thì lý do máy tính chạy chậm hay vì anh/chị hải quan đang phải có việc giải quyết và cần thỉnh cầu ý kiến cấp trên.

Sau 30 tiếng bay với giấc ngủ vật vờ, trong bụng nôn nao, ngong ngóng muốn gặp người thân, chưa kể lo người nhà đứng đợi ngoài trời nắng nóng, nhất là những người lớn tuổi hay những gia đình có con nhỏ cứ kêu khóc ngằn ngặt vì nóng và mệt, thì không có ai có đủ kiên nhẫn thi gan với các anh chị ăn xin thuộc biên chế nhà nước… thôi thì tự nguyện bố thí cho xong, để còn mau mau đi lấy hành lý chứ nếu càng trễ thêm thì hành lý mang về chỉ còn có cái vỏ mà thôi.

Khôn ngoan đối đáp người ngoài…

Chỉ có phần lớn người Việt bị xin tiền, còn những người nước ngoài mắt xanh mũi lõ thì ít khi bị xin tiền trắng trợn dù là việc xin tiền người nước ngoài không phải là không xảy ra. Người nước ngoài họ không hiểu xin tiền cà phê để làm gì, mà họ chỉ hiểu hình thức yêu cầu đưa tiền ngoài quy định như vậy đồng nghĩa với việc tham nhũng- hối lộ.

Người nước ngoài ít bị xin tiền là một sự thật. Có lẽ do ngoại ngữ hạn chế nên các anh chị ăn xin không thể làm tiền người nước ngoài một cách thản nhiên như khi đối xử với đồng hương. Hoặc cũng có lẽ các anh chị sợ khi hỏi xin tiền người ta sẽ truy hỏi lý do và đòi các anh chị phải xuất hóa đơn đã thu tiền. Nếu như khi giải thích rằng muốn được tiền boa cho dịch vụ phục vụ khách hàng của các anh chị thì có lẽ khách quốc tế lại phải cười vào mũi đội ngũ phụ vụ. Người ta chỉ cho tiền boa, tiền tip khi họ hài lòng với dịch vụ được hưởng, còn khi được phục vụ bởi những gương mặt lạnh như tiền, ăn nói thô lỗ với chỉ có những chữ đơn giản như yes, no và come thì không ai chịu xì ra một cắc chớ đừng nói tờ 20 euro hay 20 đô la.

Tôi là người gốc Việt đi về Việt nam mỗi năm trong mười mấy năm nay, và thật sự tôi chưa bao giờ phải kẹp tiền hay bị hỏi xin tiền mà chưa bao giờ bị làm khó dễ. Khi tôi thú nhận điều này thì nhiều người đã cho rằng tôi nói dóc, hay tệ hơn cho rằng tôi là người của hải quan hay có người thân, người quen làm hải quan. Thật ra tôi không có hân hạnh được làm người thân quen với hải quan Việt nam, mà số tôi “may” khi luôn đi xuất nhập cảnh cùng với người ngoại quốc.

Làm sao dẹp hệ thống Cái bang của Hải quan Việt nam?

Câu hỏi người người đặt ra là tại sao lại phải cho tiền? Nhưng có bao nhiêu người trong số đó nhất định không kẹp tiền, không cho tiền khi bị xin?

Cho tiền hối lộ chỉ vì đơn giản người cho chỉ nghĩ đến sự tiện ích của bản thân, nghĩ đến tài sản cá nhân. Tài sản cá nhân mà không gì khác hơn là các món quà gom góp mua từ tháng này qua tháng kia cả năm trời mỗi khi có dịp bán hàng hạ giá bằng những đồng tiền được đánh đổi bằng mồ hôi chân chính nếu bị mất đi là mất hết cả bao nhiêu tình cảm dành cho gia đình gói gém trong đó. Sự mệt mỏi sau hơn 30 tiếng đồng hồ thức trắng và mong muốn có chỗ nghỉ ngơi cũng là điều chính đáng. Nhưng nếu như hàng triệu người Việt hải ngoại đồng lòng không thỏa hiệp với cái xấu vì lợi ích trước mắt của bản thân thì liệu hệ thống Cái bang này có được dịp hoành hành?


Mọi người cứ lên tiếng chửi rủa Hải quan Việt nam ăn tiền nhưng lại không muốn sử dụng thuốc đặc trị vị sợ bản thân bị thiệt hại và cứ thế mà dung dưỡng cái xấu rành rành trước mắt hay sao? Người Việt hải ngoại hãy tự bảo vệ mình! Hãy cùng nhau đồng lòng cắt bỏ khối u nhục nhã bắt đầu từ việc không kẹp tiền cũng như không cho tiền khi bị xin tiền cà phê trà nước ở sân bay. Một con én không làm nên mùa xuân, nhưng nếu có hàng vạn con én thì mùa xuân đã ở ngay trước mắt.

No comments:

Post a Comment