Trọng Nghĩa
Theo RFI-ngày 22-01-2016 14:35
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (G) đến dự Đại hội Đảng lần thứ 12, Hà Nội, ngày 21/01/2016 REUTERS/Luong Thai Linh/Pool
Sau một loạt thông tin, chưa thể được xác nhận chính thức, nhiều người đã cho rằng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể như đã bị gạt ra khỏi giàn lãnh đạo Việt Nam trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, sau một lời giải thích của bộ trưởng Thông Tin Việt Nam vào hôm qua, 21/01/2016, một số nhà quan sát đã cho rằng không nên vội khai tử sự nghiệp chính trị của thủ tướng mãn nhiệm.
Trong một bản tin đánh đi từ Hà Nội, hãng tin Mỹ AP đã không ngần ngại cho rằng: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn một cơ may mỏng manh để thách thức đối thủ là tổng bí thư đảng Cộng Sản trong việc tranh chức vị lãnh đạo cao nhất”. Cơ hội đó có được là nhờ vào một cách giải thích mới về các quy chế bầu cử phức tạp được xác định vào lúc khai mạc Đại Hội Đảng lần thứ 12.
Cho đến nay, tất cả mọi thông tin không chính thức đều tiết lộ rằng thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã không được Ban Chấp Hành Trung Ương khóa cũ đề cử làm ứng viên lần này, do đó ông không thể vươn tới chức tổng bí thư Đảng như ông mong muốn, và sẽ phải rút khỏi giàn lãnh đạo Việt Nam.
Ngay cả khi Đại hội Đảng diễn ra, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn bị quy chế bầu cử hiện hành ràng buộc (quyết định 244), vì sẽ không được quyền ứng cử, và đặc biệt là không được quyền nhận đề cử.
Theo báo mạng Việt Nam Vnexpress, vào hôm qua, khi trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Bắc Son, bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông đã nhắc lại quy định đó: “Theo quy chế bầu cử được thông qua tại phiên trù bị, ủy viên nhiệm kỳ cũ không được Ban Chấp Hành nhiệm kỳ cũ giới thiệu, thì không được ứng cử. Còn nếu được Đại hội đề cử thì đồng chí đó phải xin rút, do quy định là không được ứng cử và không được nhận đề cử”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bắc Son cũng nói thêm rằng: “Cuối cùng, quyền quyết định cao nhất vẫn là của Đại hội”.
Chính câu nói này đã khiến hãng tin Mỹ cho rằng “trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng không hoàn toàn tuyệt vọng”, vì các đại biểu tham gia Đại hội Đảng hoàn toàn có quyền đề cử những ai họ muốn, và nếu ông Nguyễn Tấn Dũng được đề cử, thì ông phải từ chối sự đề cử này, nhưng các đại biểu Đại hội 12 vẫn có thể bỏ phiếu bác bỏ lời từ chối đề cử đó.
Theo báo Vnexpress, Thứ Trưởng Thông Tin Trương Minh Tuấn đã nói rõ hơn về khả năng này: “Theo quy định, những người trong Ban Chấp Hành cũ không được đề cử, ứng cử và không được nhận đề cử nếu Ban Chấp Hành cũ không giới thiệu. Tuy nhiên, ra Đại hội, nếu những đại biểu chính thức của Đại hội mà không phải là ủy viên Ban Chấp Hành khóa cũ đề cử những người đó thì Đại hội sẽ xem xét bằng cách bỏ phiếu và nếu người đó xin rút thì Đại hội cũng xem xét có đồng ý hay không”.
Tóm lại hoàn toàn có khả năng diễn ra kịch bản theo đó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được một đại biểu nào đó không phải là ủy viên Ban Chấp Hành khóa cũ đề cử, rồi theo đúng thủ tục, ông Dũng xin rút tên ra khỏi danh sách đề cử, nhưng đề nghị rút tên bị Đại hội bác bỏ.
Theo hãng AP, nếu kịch bản đó diễn ra, thì rõ ràng cuộc đọ sức sẽ xẩy ra giữa hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng, với 1.510 đại biểu trong vai trò trọng tài.
Đối với hãng tin Mỹ, nếu thực sự xẩy ra, thì cuộc đọ sức giữa hai lãnh đạo sẽ không diễn ra công khai, thậm chí các đại biểu có thể là sẽ không bỏ phiếu mà ngồi lại với nhau để tìm thỏa hiệp, và ngày 28/01 tới đây, khi Đại hội bế mạc, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn sẽ cho thấy một bộ mặt đoàn kết, thống nhất.
No comments:
Post a Comment