Monday, January 4, 2016

Những sự kiện nổi bật đáng ghi nhớ của ngành giáo dục năm 2015

THÙY LINH 01/01/16 08:37
(GDVN) - Năm 2015 được coi là năm giáo dục có nhiều sự kiện “gây bão” thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Dưới đây những sự kiện giáo dục nổi bật nhất năm 2015.
LTS: Kết thúc năm 2015 với rất nhiều sự kiện giáo dục gây tác động mạnh mẽ bên cạnh những thành tựu, thì vẫn còn đâu đó những nỗi lo, trăn trở xuất phát từ học sinh, từ phụ huynh và ngay cả chính những nhà quản lý, thầy cô giáo khắp nơi trong cả nước.

Dưới đây là những sự kiện được các chuyên gia và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bình chọn.
Tòa soạn hoan ngênh và tiếp thu các ý kiến đóng góp của độc giả cả nước vè các bình chọn này, cũng như bổ sung khác!
Kỳ thi THPT quốc gia 2015

Lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi hai trong một, tức là một kỳ thi nhưng kết quả được sử dụng vào hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Từ nhiều kỳ thi, thí sinh chỉ còn kỳ thi duy nhất cần vượt qua; từ vài cụm thi ở thành phố lớn, hàng chục cụm thi được tổ chức ở khắp các tỉnh thành đã giảm được áp lực cho thí sinh và toàn xã hội. Cơ hội vào đại học của học sinh cũng tăng lên khi biết kết quả mới làm hồ sơ xét tuyển vào trường phù hợp.

Tuy nhiên, kỳ thi cũng bộc lộ nhiều yếu kém khi để "vỡ trận" ở những khâu công bố điểm thi và rút-nộp hồ sơ ở những phút chót.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải đứng ra nhận trách nhiệm vì tình trạng xáo trộn trong đợt xét tuyển đầu tiên và đưa ra các biện pháp khắc phục cho những đợt sau.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội

Đại học Quốc gia Hà Nội là trường duy nhất được Bộ GD&ĐT giao thí điểm thiđánh giá năng lực lấy kết quả tuyển sinh vào Đại học. Bài thi gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm, chia làm 3 phần riêng biệt gồm: Tư duy định lượng, tư duy định tính và tự chọn, thời gian làm bài 195 phút trên máy tính.

Kết quả bài thi có giá trị dùng để đăng ký xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi.

Sau hai đợt thi vào tháng 5 và 8, các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội đã tuyển đủ chỉ tiêu. Kỳ thi được đánh giá là thành công khi đạt được các mục tiêu đặt ra, kết quả thi đánh giá năng lực tương ứng với kết quả thi THPT quốc gia.

Tích hợp môn Lịch sử

Sau khi công bố, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhận được sự quan tâm của xã hội khi môn Lịch sử không còn tên trong chương trình học bắt buộc.

Theo Dự thảo môn Lịch sử lại bị tích hợp vào các môn khác, cụ thể ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc".
Trong khi các giáo sư đầu ngành lên án mạnh mẽ và yêu cầu Bộ GD&ĐT giữ Lịch sử là môn bắt buộc, độc lập, nhất là trong điều kiện chủ quyền biển đảo đang bị đe dọa nghiêm trọng, Bộ GD&ĐT vẫn giữ quan điểm cho rằng Lịch sử không bị xóa bỏ, thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn, trong nhiều môn học khác nhau. 
Những sự kiện nổi bật của ngành giáo dục năm 2015
Sức nóng của sự kiện này lan đến cả nghị trường Quốc hội khi trong phiên chất vấn trực tiếp, đại biểu Lê Văn Lại gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:

"Gần đây dư luận xôn xao, hay nói đúng hơn là có sự xáo trộn tận tâm can về một vấn đề nhạy cảm, đó là thay đổi việc giảng dạy môn Lịch sử từ môn học độc lập thành môn tích hợp. Xin Bộ trưởng nêu chính kiến, nhất là tính ưu việt và tính đúng đắn của nó".

Bộ trưởng Luận tái khẳng định "dự thảo đang lấy ý kiến không có ý định giảm môn Lịch sử. Vấn đề thảo luận là để riêng môn Lịch sử hay để Lịch sử gắn bó với các môn học khác".

Tuy nhiên, cuối kỳ họp Quốc hội đã nêu rõ "tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới".

Bộ GD&ĐT cấm thi tuyển vào lớp 6

Đầu tháng 3, Bộ GD&ĐT phát đi thông báo cấm các trường (cả trường công lẫn trường tư) tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6.

Nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh thì phải xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương quyết định.

Quy định này lập tức gây xôn xao dư luận, bởi nhiều trường ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có lượng hồ sơ đăng ký rất lớn. Các năm trước, kỳ thi vào lớp 6 ở những trường này diễn ra khá căng thẳng với tỷ lệ chọi cao.

Một số trường sau đó đã trình phương án đo chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc), phỏng vấn bằng tiếng Anh, nhưng không được chấp nhận vì vẫn tạo ra áp lực mới cho học sinh.

Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN)

Năm học 2015 - 2016 có 2.508 trường tiểu học đăng ký. Theo Bộ GD&ĐT, kể cả các trường nhân rộng từng phần (trên 2.000 trường), trong năm học 2015 - 2016, đã có hơn 1/3 số trường tiểu học trên cả nước tổ chức lớp học theo VNEN.

Mô hình này cũng đã được áp dụng thí điểm ở cấp THCS với số lượng tăng lên rất nhiều so với năm học trước.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nếu năm học 2014-2015 cả nước có 24 trường trung học cơ sở thuộc 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Kon Tum áp dụng thực hiện VNEN thì năm học 2015-2016 cả nước có 1.600 trường THCS đăng ký thực hiện.

Ở nhiều địa phương đã thấy thành công mà mô hình mang lại như giúp học sinh tự tin, sôi nổi trong các giờ học, chủ động, tích cực trong các hoạt động tập thể, các lớp học được cấp kinh phí để trang trí lớp, được tự mua bàn ghế phù hợp, được sửa chữa về điện, nước, sửa cửa lớp, sơn lại tường…được cấp máy tính, máy in, máy chiếu, ti vi.
Học sinh toàn trường được cấp đủ sách, học sinh ở điểm trường lẻ được hỗ trợ ăn trưa tại trường nên đi học đều.
Học theo VNEN, học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức, sáng tạo trong cách tiếp cận bài học, được nhìn sự vật trực quan, sinh động... Mô hình trường học mới hoạt động trên nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Giáo viên sẽ là người cụ thể hóa mục tiêu, thiết kế và tổ chức các hoạt động học phù hợp với học sinh. 
Trong khi đó, học sinh được chia thành các ban tự quản và chủ động, sáng tạo hơn trong việc tiếp nhận, chia sẻ kiến thức.
Mô hình này đề cao việc cá nhân tự trải nghiệm, khám phá và cũng chấp nhận sự khác biệt về thời gian, tốc độ học của học sinh. Giáo viên sẽ là người chủ động quan sát, phát hiện và kịp thời hỗ trợ cho những học sinh yếu.
Được biết, mô hình trường học mới bắt nguồn từ Colombia vào những năm 1995 - 2000 với những lớp ghép ở miền núi khó khăn.
Thay vì nhìn lên bảng xem cô giảng bài, mô hình trường học mới cho phép học sinh ngồi quây quần theo nhóm và tự tìm tòi, khám phá kiến thức mới trên cơ sở “hướng dẫn học tập” của giáo viên.

Tuy nhiên, triển khai áp dụng rộng rãi chương trình VNEN vào giảng dạy với mong muốn xóa bỏ cách dạy truyền thống xưa nay là đọc, chép để học sinh tự tìm kiến thức nhưng tự tìm theo kiểu mớm sẵn bài bằng cách học sinh chỉ cần điền vài từ, vài số là đã hoàn thành bài tập làm văn, bài toán. Nhiều ý kiến cho rằng ngành giáo dục đang tự tạ ra những bản photocopy.

Mà việc tu sửa phòng học, trang trí lớp theo mô hình VNEN, tổ chức lại lớp, sách giáo khoa, phân công chuyên môn, thiết bị dạy học…rất tốn kém mà ngân sách trong trường thì không có khiến nhiều trường rơi vào cảnh vay nợ để triển khai VNEN.

Hơn nữa, hiện hầu hết bàn, ghế học sinh ở các lớp VNEN hiện nay không đúng chuẩn nên trẻ học ở trường thực hiện mô hình trường học mới VNEN mà để học sinh cong vênh cột sống và loạn thị...
Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu các ý kiến đóng góp nêu trên và đang trong quá trình tìm hiểu để có các giải pháp phù hợp.
Du học sinh nên ở hay về?

Câu hỏi “Vì sao 13 cháu du học, 12 cháu không về?” của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa (TP.Hồ Chí Minh) sáng 2/11 tại diễn đàn Quốc hội một lần nữa thu hút sự quan tâm, mổ xẻ của nhiều người.

Theo ông Hòa, chuyện 13 học sinh nhận học bổng của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đi du học, 12 cháu ở lại nước ngoài làm việc chỉ là một ví dụ minh họa cho tình trạng bức xúc trong sử dụng nhân tài.

Vấn đề này càng được hâm nóng dịp cuối năm qua câu chuyện của TS Doãn Minh Đăng – người từng thi Đường lên đỉnh Olympia – có nguy cơ bị Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ buộc thôi việc sau khi nói xấu trường trên Facebook.

Sau đó, Á quân Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên Nguyễn Thành Vinh cho rằng, về nước là sự lãng phí khi môi trường và cơ chế làm việc ở Việt Nam chưa phù hợp cho người tài phát triển.

Nhiều du học sinh khác chia sẻ quan điểm này và cho rằng, ở đâu cũng tốt nếu có đóng góp cho quê hương.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng tự phong giáo sư


Giữa tháng 9, Đại học Tôn Đức Thắng, TP.Hồ Chí Minh chủ trương phong giáo sư, phó giáo sư cho cán bộ giảng viên trong trường, nhận được sự quan tâm của dư luận.

Theo lãnh đạo nhà trường, hướng dẫn được soạn ra để làm nguồn tham khảo cho việc bổ nhiệm và đề bạt các chức vụ chuyên môn (trợ lý giáo sư, phó giáo sư, giáo sư) của trường. Sau đó, nhiều ý kiến trao đổi liệu trường đại học có được tự phong giáo sư, phó giáo sư?

Ngày 13/10, Đại học Tôn Đức Thắng công bố tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Đến ngày 18/11, nhà trường thay đổi chức vụ thành giáo sư trợ lý, giáo sư dự bị, giáo sư thực thụ và bỏ tên gọi giáo sư, phó giáo sư.

Tuy nhiên, ông Bùi Mạnh Nhị, Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước khẳng định việc này không đúng quy định và cần dừng lại.
Đáp lại, giáo sư Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng trường không làm sai và sẽ không dừng việc bổ nhiệm giáo sư.

Bạo lực học đường

Năm 2015 xảy ra nhiều vụ việc bảo mẫu, cô giáo mầm non bạo hành trẻ. Một trong những vụ việc nghiêm trọng là nhóm giáo viên tại điểm trông giữ trẻ Sơn Ca (đường Hữu Nghị, TP Đồng Hới, Quảng Bình) trói chân, nhét khăn vào miệng trẻ ngay trong lớp học.

Ngày 9/10, cơ quan điều tra Công an TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã khởi tố 2 bảo mẫu.

Theo thống kê của Tổ chức phát triển cộng đồng tập trung vào trẻ em (Plan Internationnal) và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW), Việt Nam có tỷ lệ bạo hành thứ hai (71%) trong số các quốc gia Campuchia, Indonesia, Nepal, Pakistan. 

No comments:

Post a Comment