Monday, January 4, 2016

Ngư dân bỏ biển vì ngân hàng “ngâm tôm” rồi “lắc đầu”

“4 tháng ròng rã, ngân hàng chưa động tĩnh gì…Đến 7 tháng họ điện nói trả hồ sơ… Tàu sắp xong mà ngân hàng nói không chấp thuận dự án, giờ biết làm răng?”. Đi đâu cũng nghe ngư dân bỏ biển ngồi chờ ngân hàng và chửi đổng.
Ngư dân Đoàn Ngọc Nhi
Trong khi đi tìm hiểu vụ tàu cá Quảng Ngãi bị tàu đánh bắt ghẹ của Trung cộng đâm chìm hôm 01-01-2016, phóng viên nghe rất nhiều tiếng than van của ngư dân là ra biển sợ tàu Trung cộng, còn trên bờ thì sợ ngân hàng.
Tháng 8-2014, thủ tướng CSVN ký ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP, cho biết ngân hàng sẽ hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho ngư dân đóng tàu vỏ thép, công suất từ 400 Mã lực trở lên. Vậy là nhiều ngư dân coi ngày tốt để khởi công đóng tàu theo thiết kế đã được gửi trong bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng.
Tuy nhiên các ngư dân đã chờ từ tháng này qua tháng khác mà không thấy ngân hàng gọi để cho vay vốn. Ngư dân Phạm Đạo ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, kể: “Chọn ngày lành tháng tốt, vợ chồng tôi đóng tàu dài 31.6m, cao 3.2m, máy 822 Mã lực, tổng dự toán gần 10 tỷ đồng. Nhưng từng ngày trôi qua, con tàu đã đóng gần xong mà ngân hàng vẫn không thấy đâu. Mới đây, sau 4 tháng vợ chồng tôi nộp hồ sơ, ngân hàng mới điện thoại nói là hồ sơ không được giải quyết”.
Ông Đạo cũng không thể hiểu được lý do vì sao ngân hàng không cho vay. “Họ trả lời miệng qua điện thoại mà thôi. Giờ tiến không được mà thoái cũng không xong” - ông Đạo buồn bã. Rơi vào thế kẹt, ông Đạo quyết định “cầu khẩn” một ngân hàng khác trên địa bàn. Ông lại tiếp tục nuôi hy vọng bởi cán bộ ngân hàng này hứa sẽ xem xét và giải ngân trong tháng 1 này.
Còn trường hợp của ông Đoàn Ngọc Nhi, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thì nộp hồ sơ vay vốn tại chi nhánh ngân hàng Vietcombank Dung Quất. Ngân hàng có biên bản làm việc, có thư phúc đáp, nội dung yêu cầu bổ sung các loại giấy tờ và hướng dẫn rất chi tiết. Tuy nhiên hồ sơ đã kéo dài cả năm đến nay vẫn chưa xong.
Khi bắt tay vào làm hồ sơ vay tiền, các ngư dân còn ngã ngửa khi biết rằng phải đóng khoản thuế giá trị gia tăng 10%. “Tàu thép của tôi có tổng dự toán là 12.3 tỷ đồng. Tôi phải bỏ ra thêm 1.2 tỷ đồng nộp thuế giá trị gia tăng. Đây là một khoản quá lớn. Với ngư dân nghèo sao xoay xở nổi?” - Ông Đoàn Ngọc Nhi than. Ông Nhi bỏ biển 1 năm, ôm đống hồ sơ chạy tới chạy lui nhưng vẫn chưa vay được vốn (ảnh).
Tàu vỏ thép của Trung cộng đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam to gấp 4 lần tàu cá QNg98459 TS của ông Huỳnh Thạch bị đâm chìm hôm 01-01-2016. “Bấy lâu nay, ngư dân tại địa phương ra khơi hành nghề đánh bắt bằng tàu vỏ gỗ, công suất còn thấp nên hiệu quả không được bao nhiêu. Có tàu lớn, thời gian hoạt động trên biển sẽ kéo dài, năng suất đánh bắt sẽ được nâng lên đáng kể, và cũng không phải e sợ tàu của ngư dân Trung cộng”, ngư dân Đoàn Ngọc Nhi nói.
01/04/2016 - 08:09
Vũ Minh Ngọc / SBTN

No comments:

Post a Comment