Monday, January 4, 2016

CSVN bảo vệ ngư dân bằng... miệng

Sau vụ tàu cá bằng gỗ QNg 98459TS của ngư dân Huỳnh Thạch bị tàu cá bằng vỏ thép của Trung Cộng đâm, một lần nữa cho thấy chính quyền CSVN chỉ bảo vệ ngư dân bằng miệng chứ không hề có bất cứ việc làm cụ thể nào.

Tàu của ông Huỳnh Thạch bị tàu Trung Cộng đâm hư hại. Ảnh: Người Lao Động
Bà Võ Thị Cẩm, vợ của thuyền trưởng Huỳnh Thạch nghẹn ngào nói với phóng viên báo Người Lao Động rằng:
"Tàu bị đâm thủng, buồng lái đã sập, máy chính hỏng, ICOM, điện đài đều không dùng được nữa. Vợ chồng tôi vay tiền để đóng con tàu này, mới đi biển được 2 năm, nợ ngân hàng vẫn còn khoảng 1 tỷ đồng. Tàu bị họ đâm hư như vậy, vợ chồng tôi lấy đâu mà trả nợ! Tiền sửa tàu giờ cũng không vay được nữa, chắc phải bỏ nghề thôi".
Không chỉ riêng vợ chồng ông Huỳnh Thạch muốn bỏ nghề, mà rất nhiều nạn nhân của hải quân, ngư dân Trung Cộng cũng đã muốn bỏ nghề. Họ phải bỏ nghề vì không được chính quyền CSVN bảo vệ, bảo đảm cho việc đánh bắt được an toàn, mà luôn luôn phải đối mặt trước những rủi ro từ con người đến thiên nhiên.
Chính từ việc bảo vệ ngư dân bằng miệng, đã khiến cho ngay cả ông Phó Giáo sư- Tiến sỹ Võ Văn Trác, phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam phải bực tức. Trả lời phỏng vấn báo Người Lao Động trong chiều ngày 3/1, ông Trác cho biết:
"Chúng ta nói nhiều rồi, hay rồi nhưng lời nói phải đi đôi với việc làm, đi đôi với hành động cụ thể, rõ ràng, hữu hiệu hơn nữa".
Song, có lẽ sự bực tức của ông Trác cũng chẳng được phía chính quyền CSVN quan tâm đến. Chứng tỏ là từ lâu nay hành dộng đâm chìm, giết hại, cướp tài sản mà phía chính quyền và ngư dân Trung Cộng cứ diễn ra liên tục, lặp đi lặp lại nhiều lần. Trong những lần xung đột hoặc xô xát, ngư dân Việt Nam chẳng bao giờ nhìn thấy bóng dáng của lực lượng duyên phòng của quân đội ở đâu cả.
Cách đây không lâu, báo chí trong nước cho hay, chỉ riêng trong năm 2015, chính quyền Indonesia đã thả 666 ngư phủ Việt Nam trở về nước. Cùng với đó, phía chính quyền Indonesia cho hay, trong năm vừa qua, số ngư phủ, tàu cá bị họ bắt giữ tăng gấp 3 lần so với những năm trước đó. Đây chính là hậu quả từ việc chính quyền CSVN chỉ biết bảo vệ ngư dân bằng miệng mà không có bất cứ hành động cụ thể, khiến cho họ không dám đánh bắt trên ngư trường truyền thống là vùng biển Hoàng Sa- Trường Sa như trước đây. Song, để nuôi sống gia đình, ngư dân Việt phải đi đến vùng biển xa hơn nhưng tính mạng, tài sản của họ được an toàn hơn.
Đáng lên án hơn, đã không có hành động thiết thực nhằm bảo vệ ngư dân, nhưng chính quyền CSVN luôn hô hào, kêu gọi ngư dân bám biển để bảo vệ chủ quyền. Bằng cách làm này chẳng khác nào kêu gọi người dân đi vào chỗ nguy hiểm, còn việc của lực lượng duyên phòng chỉ là bám bờ để mưu cầu sự an toàn.
Từ năm 1998, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cho thành lập Cục Cảnh sát biển. Đến năm 2013, Cục Cảnh sát biển đổi thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển được trang bị, tài trợ rất nhiều tàu bè, khí tài nhằm bảo vệ ngư dân, vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, bằng từng ấy thời gian, ngư dân chỉ thấy hình ảnh lực lượng duyên phòng trên báo chí, bandroll tuyên truyền chứ trong những lần bị gặp nạn, bị lực lượng kiểm ngư Trung cộng tấn công, ngư dân không hề thấy lực lượng duyên phòng của Việt Nam. Nói cách khác hơn, lực lượng duyên phòng của Việt Nam được thành lập chỉ để trưng bày.
01/03/2016 - 21:28
Ngọc Quân/SBTN

No comments:

Post a Comment