Tôi cảm thấy có phần thất vọng khi hết tỉnh này, thành phố kia trong cả nước đánh giá về kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng của địa phương mình trong năm qua. Nếu nói chúng ta không chống được tham nhũng thì cũng không hẳn đã đúng bởi thực tế cho thấy năm nào số tiền thất thoát thu hồi được cũng là... con số đi lên (?!). Năm sau tăng hơn năm trước.
Song nếu lấy chỉ con số "tăng trưởng" đó mà phân tích và cho rằng nó tích cực hơn năm trước thì chưa hẳn đúng. Đó chẳng qua là do sự tinh vi và sự táo tợn của kẻ tham nhũng ngày một nguy hiểm hơn. Nói nó khó phát hiện ra thì đúng hơn.
Hoặc như trường hợp thu hồi tài sản ở 2 đại án tham nhũng của 2 người đứng đầu ở Vinashin và Vinalines thì lại còn quá thấp, không đáng kể . Phạm Thanh Bình (Chủ tịch Vinashin) bị buộc bồi thường 542 tỉ mà mới thu được 1,73 tỉ đồng; còn Chủ tịch Vinalines bị buộc bồi thường 110 tỉ mà thu mới được 5,2 tỉ đồng bao gồm cả án phí (theo Thanh Niên ngày 1.1.2016) thì xem như đã bất lực?
Lấy ví dụ ở TP.Hồ Chí Minh, tại phiên họp HĐND thành phố ngày 5.12.2015 vừa rồi, một báo cáo của Thanh tra thành phố đã cho biết trong 9 tháng đầu năm, thành phố cả chục triệu người này không phát hiện được một trường hợp tham nhũng nào. Nếu quả vậy thì thật tốt! Song liệu có ai đảm bảo đó là một thực tế không thể phủ nhận? Tôi hơi hoài nghi chuyện này. Có chăng là với cách làm như hiện nay, các cơ quan chức năng của chúng ta đang tỏ rõ sự bất lực nhiều hơn chứ không phải không có tham nhũng...
Tờ Tuổi Trẻ ( 28.12.2015) mới đây đã dẫn lời tiến sĩ Terry F.Buss, Viện sĩ Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ, một  chuyên gia khá am tường về địa chính trị Việt Nam, bày tỏ:"Nếu Việt Nam muốn chống tham nhũng hiệu quả, thì có 3 giải pháp chính: Một là trả lương cao cho những người làm việc trong bộ máy công quyền. Hai là chú trọng bồi dưỡng tư cách đạo đức cho cán bộ, công chức. Cuối cùng, ba - nhưng quan trọng nhất - là các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam phải đặt việc phòng chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu, đừng nên chỉ nhận định “Tham nhũng là quốc nạn, làm xói mòn niềm tin của nhân dân và đe dọa sự tồn vong của chế độ” nhưng lại không đề ra những biện pháp quyết liệt để phòng chống tham nhũng. Tôi cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã tìm hiểu kinh nghiệm phòng chống tham nhũng của các nước rồi".
Rồi ông Buss nhận xét : "Cá nhân tôi rất ấn tượng với hệ thống phòng chống tham nhũng của Singapore. Nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng Singapore có mức độ tham nhũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Họ trả lương rất cao cho các quan chức chính phủ, đồng thời đặt ra tiêu chuẩn rất cao về tính chuyên nghiệp của bộ máy công vụ. Singapore mong muốn có một bộ máy công vụ minh bạch và trong sạch nhất, do đó họ không tha thứ cho những hành vi sai trái. Chúng ta phải nhắc đến cố lãnh đạo Lý Quang Diệu vì ông đã góp phần tạo ra một bộ máy công quyền tốt và hiệu quả như thế".
Cũng trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 28.12.2015, ông Sarah Dix và ông Jairo Acuna Alfaro - hai cố vấn chính sách của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết "phòng chống tham nhũng hiệu quả sẽ giúp Việt Nam tạo ra một xã hội công bằng hơn cho tất cả người dân, phù hợp với mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”.
Ông Sarah Dix và ông Jairo Acuna-Alfaro dẫn kết quả hai nghiên cứu về phòng chống tham nhũng ở Việt Nam mới đây của UNDP để lưu ý Việt Nam 4 điểm chính sau đây: 1. Việt Nam không cần phải đợi phát triển hơn nữa rồi sau đó mới tập trung chống tham nhũng; 2. Chống tham nhũng là hành động khẩn thiết nếu muốn phát triển bền vững; 3. Dẫu hệ thống quản trị có phức tạp thì sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân trong phòng chống tham nhũng sẽ giúp giảm tham nhũng; 4. Cam kết cải thiện hệ thống quản trị của Chính phủ là yếu tố quan trọng trong việc chống tham nhũng.
Để làm được những việc này, có những việc phải tiến hành đồng thời, đó là chặn đứng cho được việc chi tiêu tiền mặt mà hiếm có nước nào lại như Việt Nam hiện nay. Người ta mua nhà cả chục tỉ, mua ô tô cũng vài tỉ đồng mà vẫn cứ điềm nhiên chi 100% bằng tiền mặt thì có mà tài thánh chúng ta cũng không thể kiểm soát được việc chi tiêu của các vị gọi là "công bộc của dân". Trong khi đó, lương của họ cũng chỉ vài triệu cho tới mươi lăm triệu đồng đã là cao lắm. Có nhiều chuyên gia kinh tế chuyên sâu về tài chính, ngân hàng cũng đã đề cập chuyện này và xem đó như "gót chân Asin" của Việt Nam. Đó là điểm yếu chí mạng mà Nhà nước cùng các cơ quan phòng chống tham nhũng rất khó kiểm soát .
Nên chăng, nếu cứ chi tiêu khoảng 10-20 triệu đồng trở lên, bất kể ai cũng buộc lòng phải chi qua tài khoản. Đây là điều rất khó với người Việt Nam mình lâu nay. Song không lẽ chỉ vì vậy mà chúng ta đành bất lực? Và, cái gì ban đầu không quen thì quyết tâm thực hiện lâu rồi cũng sẽ dần thành nếp.
Câu chuyện ngày nào người ta đi máy bay từ Nam ra Bắc mà để quên cả túi tiền lên tới vài trăm ngàn đô la trên máy bay do đãng trí liệu có gợi cho ta suy nghĩ điều gì trong đó?
Minh bạch tài sản và công khai thu nhập hằng năm là điều hết sức quan trọng, đồng thời có sự giám sát chặt chẽ của đồng nghiệp trong cơ quan và ở khu dân cư. Điều này nghe ra cũng đã thấy phức tạp, khó thực thi bởi có thể dễ nể nang cho qua. Nhưng hãy thử dán tờ giấy kê khai tài sản của mình lên bảng tin cơ quan mỗi dịp cuối năm, trước đồng nghiệp về sự tăng giảm tài sản để người khác đánh giá thực hư, tôi nghĩ rằng nó sẽ làm cho người có chức có quyền phải ý tứ trong chi tiêu, mua sắm hơn... Và như vậy, nó cũng rất tốt chứ sao? Ít nhất, vị công bộc đó cũng sẽ không dám ngông nghênh xài sang quá sức so với đồng lương của họ.
Có nhiều người nói với tôi: Ở đất nước mình, cách kê khai tài sản còn rất hình thức, chiếu lệ. Vì thế, người sắp nhậm chức sẽ khai vống tài sản mình lên cho thật nhiều. Khi đã ngồi ở cương vị dễ có điều kiện tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để mưu lợi cá nhân, họ vẫn chi tiêu, mua sắm thì ai làm gì được họ? Đúng là kiểu "đối phó" này cũng "sáng tạo" thật. Song, con người ta ai cũng có lòng tự trọng, dù thấp hoặc cao. Đó còn là nhân cách của mỗi người.
Việc giáo dục đạo đức công dân cho trẻ nhỏ phải xem đó là việc rất hệ trọng và phải làm ngay từ bây giờ. Chỉ có vậy, khi công dân đó trở thành công bộc thực thụ của dân, họ sẽ nghiêm túc hơn trong đạo đức, lối sống. Lâu nay chúng ta phát động rất nhiều kỳ cuộc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng thử hỏi có khi nào ta mở diễn đàn để cho dân góp ý những cái tốt nhờ có cuộc vận động mà nên? Những cái "học tập" còn rất hình thức, giả tạo, rất lãng phí thời gian, tiền bạc của dân mà sao mãi không bỏ?
Chống tham nhũng là một việc khó. Ai cũng biết vậy. Song, không phải là điều không thể! Hãy nhìn một số nước láng giềng, họ đã và đang làm. Ở Singapore đâu dễ gì tham nhũng, vì cơ chế, chính sách và những chế tài của họ rất hoàn hảo. Vi phạm là ngồi tù và đương nhiên mất việc, mà lương thì trả rất xứng đáng nên họ không dám tham nhũng, không cần tham nhũng.  Ở Trung Quốc, hàng loạt các quan tham cỡ "đỉnh" phải chịu tội nặng như vài năm qua chứng tỏ họ rất mạnh tay chống tham nhũng và chống có hiệu quả.
Nhiều lúc thấy các cơ quan chống tham nhũng địa phương nước ta báo cáo rằng "năm nay không có trường hợp tham nhũng nào bị phát hiện (?!)", tôi thấy hơi lạ. Hơi lạ bởi tôi cũng như nhiều người dân khác không tin là không có .
Nhân đại hội Đảng toàn quốc 12 sắp khai mạc, với trí tuệ tập thể của những đảng viên ưu tú thay mặt cho 4,5 triệu đảng viên cả nước, chúng ta hy vọng sẽ có một sự bàn thảo kỹ càng, khoa học để có cách làm bài bản hơn, căn cơ hơn trong vấn đề hệ trọng mang tính chất sống còn của đất nước này. Phải làm sao để có thể đẩy lùi tệ nạn này ra khỏi đời sống chính trị với mức cao nhất. Chỉ có triệt tiêu (tuy không bao giờ tận gốc được thứ "giặc nội xâm" nguy hiểm này), đất nước ta mới có tương lai sáng sủa lên được. Và đương nhiên, đất nước mới yên ổn và phát triển bền vững được.
Quốc Phong