Monday, December 7, 2015

Chuyến đi tham quan học hỏi kinh nghiệm của Myanmar

 —  12/07/2015 - 15:50

Thắng lợi rực rỡ của phong trào dân chủ trong cuộc bầu cử tự do ở Myanmar ngày 8/11/2015 đã mở ra cho đất nước này một cơ hội xây dựng một thể chế dân chủ. Sự kiện đã lan tỏa đến Việt nam gây hưng phấn cho giới hoạt động dân chủ khiến cho những người hoạt động dân chủ vừa phấn khởi, vừa nhìn lại phong trào dân chủ ở đất nước mình.
Nắm bắt được những nỗi trăn trở của những người hoạt động dân chủ ở quốc nội, Đảng Việt Tân đã tổ chức một chuyến đi thăm Myanmar nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền.
Mục tiêu của chuyến thăm là học hỏi kinh nghiệm của Myanmar từ thời phong trào còn đối diện với những khó khăn cơ bản như Viêt nam hiện nay cho đến những nỗ lực trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.
Tại Myanmar, phái đoàn sẽ gặp gỡ các đảng phái chính trị, các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông Myanmar để rút ra những kinh nghiệm trong từng lĩnh vực hoạt động.
Chương trình của chuyến đi sẽ có những nội dung chính:
1. Gặp gỡ các đảng phái chính trị, các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông Myanmar.
2. Thảo luận bàn tròn về nhân quyền với một số tổ chức ở Myanmar.
3. Thắp nến cho Dân chủ Việt Nam nhân ngày Quốc tế Nhân quyền và thăm các di tích lịch sử liên quan đến công cuộc đấu tranh của người dân Myanmar.
Chương trình cuộc thăm Myanmar sẽ diễn ra trong 3 ngày: 7,8,9 năm 2015.
Số thành viên từ Việt Nam đã có mặt tại Myanmar là 7 người. 
Có 6 người bị chặn xuất cảnh không đi được là Nhà văn Phạm Thành, Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Nhà hoạt động Trương Văn Dũng, Lê Sỹ Bình, Mục sư Hoàng Hoa và Nhạc sĩ Văn Cung.
Ngày đầu tiên, vào lúc 15 giờ chiều nay, Đoàn đã Gặp gỡ Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ  (NLD)
Tại trụ sở của Đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, phái đoàn đã được đón tiếp bởi ông Nyan Win phát ngôn nhân đảng NLD, và sau đó là cuộc trò chuyện với ông Tin Oo, Chủ tịch Danh Dự của NLD.
Tướng Tin Oo cùng với bà Aung San Suu Kyi là một cặp bài trùng không thể thiếu của cuộc đấu tranh dân chủ Miến Điện. Cả hai đã kết hợp vào năm 1988 để thành lập đảng NLD.
Trong hơn một giờ trò chuyện, ông Tin Oo đã chia sẻ nhiều bài học về phong trào. Khi được cho biết rất nhiều người Việt Nam sung sướng với kết quả thắng cử vừa qua, ông nói: "Đừng! Khoan hãy mừng vội. Đó chỉ là một chặng đường và chúng tôi chưa thành công. Chúng tôi còn nhiều điều phải làm để đất nước này khá hơn, thật sự dân chủ."
Với câu hỏi điều gì đã giúp các ông thành công trước 30 năm đàn áp của nhà cầm quyền? Ông nói: "Lòng dân. Chúng tôi luôn đi sát với lòng dân. Chúng tôi hiểu họ và đấu tranh cho họ, là tiếng nói của họ." Ông chia sẻ thêm "và phải bất bạo động. Đó là chính sách và kim chỉ nam của chúng tôi. Chúng tôi chống lại mọi hành vi bạo động kể cả việc trả thù với những người trong quân đội đã từng hành hạ, cầm tù chúng tôi. Bất bạo động, phải bất bạo động."
Đoàn gặp gỡ Đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ
Trước đó, trên đường đến trụ sở của đảng NLD, đoàn đã dừng chân trước cổng nhà bà Aung San Suu Kyi, một căn nhà bình dị bên bờ hồ Inya là nơi ở, và cũng là chốn giam giữ bà bởi nhà cầm quyền quân phiệt suốt 15 năm trời từ năm 1989 đến 2010. Cũng tại nơi đây, đằng sau cánh cửa sắt bà đã từng xuất hiện mỗi cuối tuần để chào đón những thường dân Myanmar có cảm tình, đến thăm hỏi và bày tỏ sự ủng hộ của họ với bà.
Bên cổng sắt lạnh lùng này vẫn có những chòm hoa nở rộ. Giữa sự kìm kẹp khủng bố, lòng bất khuất đã đơm hoa dân chủ.
 Trước cổng nhà bà  Aung San Suu Kyi
Các thành viên trong đoàn đến thăm Myanmar
Cuối buổi chiều, đoàn tham quan chùa Shwedagon
Trong hai ngày tới, Đoàn sẽ có hững hoạt động như sau:
@ Gặp gỡ Đài Tiếng nói dân chủ Myanmar (Democratic Voice of Burma) phát thanh từ năm 1992
@ Gặp gỡ Hội tương trợ Tù nhân chính trị (Assistance Association for Political Prisoners, AAPP). Hội Tương Trợ Tù Nhân Chính Trị được thành lập tại Thái Lan, nay có trụ sở ở Miến Điện. 
@ Thảo luận Bàn tròn Bài học từ Myanmar tại Myanmar Innovation Lab, Phandeeryar, cùng đại diện các tổ chức dân chủ Việt Nam & Miến Điện.          
@ Gặp gỡ Nhóm Sinh viên thế hệ 88 (88 Generation Students Group) Vào giai đoạn 1988, họ là những sinh viên trẻ tuổi, lãnh đạo phong trào xuống đường của sinh viên đòi độc lập cho Miến Điện. Nhiều người trong số này đã bị cầm tù với những bản án chung thân.
@ Sinh hoạt với tổ chức FREEDOM HOUSE (tại Phandeeryar). Đây là một trong các tổ chức phi chính trị lớn của Hoa Kỳ, chuyên về vấn đề tự do chính trị. 
@ Gặp gỡ tổ chức Khởi hành Myanmar (Myanmar Egress). Tổ chức này thành lập năm 2006 nhằm hỗ trợ các hoạt động xã hội dân sự. 
@ Gặp gỡ tổ chức Thế hệ cơn sóng (Generation Wave) Tổ chức này được thành lập năm 2007 ngay sau cuộc xuống đường của các sư sãi (Saffron Revolution), bị đàn áp đẩm máu bởi nhà cầm quyền quân phiệt.
@ Hoạt động cuối cùng của Đoàn là buổi tối ngày 9/12/2015 là thắp nến cho Dân chủ Việt Nam nhân ngày Quốc tế Nhân quyền.
Mặc dù không thể có mặt ở Đất nước Myanmar cổ kính và xinh đẹp, chúng tôi luôn cảm ơn Đảng Việt Tân đã chân tâm, tận tình, chu đáo hết mức đối với chúng tôi trong chuyến thăm này. Tuy nhiên, 7 người có mặt sẽ thay mặt chúng tôi cất lên tiếng nói khát khao dân chủ - một sự khao khát tự nhiên của con người mà lâu nay, đảng cộng sản Việt nam ngang nhiên tước đoạt của chúng tôi.
Xin chúc cho chuyến thăm Myanmar của những người đấu tranh cho dân chủ thành công mỹ mãn.
7/12/2015
NTT
Bài có sử dụng thông tin thông tin và hình ảnh của các bạn trong đoàn.

No comments:

Post a Comment