Monday, December 7, 2015

Nỗi buồn chủ tịch nước và loài hoa xấu hổ

Đinh Liên (VNTB) "Buồn lắm, xấu hổ lắm! Tại sao nước mình anh hùng, oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hàng ngàn năm nay, mà tệ tham nhũng thì đứng trên 100? bê bối quá, cảm thấy không chấp nhận được," chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã bày tỏ quan điểm của mình trước cử tri Tp. Hồ Chí Minh, buổi tiếp xúc trong xế chiều của nhiệm kỳ. 



Ông chỉ ra cái thực trạng "trời ơi" trong công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, đó là căn bệnh "giấu" yếu kém, sợ phơi bày sự thật - chính điều này đã khống chế chủ trương, pháp luật đến bộ máy chỉ đạo. Cụ thể, “Mới đại hội Đảng địa phương xong, tôi tham gia sáu nơi thì đâu cũng đánh giá thành công rực rỡ, vậy mà gặp dân chỗ nào cũng kêu. Chúng ta không đến nỗi thất bại nhưng các mảng tối, kém chưa được phơi bày, chúng ta phải nói đúng sự thật cho dân biết, càng giấu thì dân càng mất lòng tin” - ông chủ tịch cho biết.


Trách nhiệm cá nhân lãnh đạo ông chưa tròn đó là phải lẽ, khi Việt Nam vẫn "hiên ngang" trên bản xếp hạng bản đồ tham nhũng thế giới. Sự bất lực của ông hay chính con người thể chế đã tạo nên sự bất lực? Khi mà những người tham gia vào bộ máy chính quyền không ít thì nhiều đều "nhúng chàm". Người ta nhìn thấy một chủ tịch nước biết "sâu sát dân" hơn, nhưng lại thiếu đi sự vận động hành lang chính trị để đủ năng lực loại bỏ các yếu kém của thể chế và chính sách. 

Chủ tịch nước xấu hổ, cũng giống như nỗi buồn và giọt nước mắt vì Đảng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rơi khi đề cập đến sự trách nhiệm, vai trò cá nhân trước sự hoành hoành của lạm quyền lực và tham nhũng của những "đồng chí".

Lại nhớ, có một thời điểm, dân tình rộ lên chuyện chọn quốc hoa, trong đó có ý kiến "Việt Nam hãy chọn hoa xấu hổ là quốc hoa" bởi nó "đã gợi nhắc một phẩm chất cần có của con người: lòng tự trọng".

Cần có nghĩa là chưa có. Trớ trêu thay, càng đi vào chốn quan trường, chức vụ càng cao, lòng tự trọng lại càng trở nên "phế phẩm". Ở cái quan trường XHCN, hầu như anh công nhân viên chức nhà nước nào cũng đề cao chủ nghĩa "vơ vét cá nhân, vun vén gia đình, làm nghèo tổ quốc". Thành ra mới có câu chuyện, cấp xã ăn đất 1 thì cấp trung ương ăn đất 10, dù khác nhau về độ tinh vi và thủ đoạn khi ăn, nhưng giống nhau ở chỗ, nó là mối ăn tập thể (hay còn được biết dưới tên gọi - lợi ích nhóm) - không ai có thể ăn mảnh, và cũng vì thế, tham nhũng ở Việt Nam được coi là "bệnh dịch", ai cũng bị mắc - có điều là không dám nói hay phơi bày ra.

Cũng vì "lòng tự trọng" không có nên "ăn tập thể" ngày càng phát triển, nói như TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương thì nó lẫn lộn, không rõ chiến tuyến và rằng, "Trong nó có ta và trong ta có nó", hay dân dã hơn là tất cả đều nhúng chàm.

Giải pháp duy nhất được đưa ra bởi các quan đủ sức ăn, thiếu lòng tự trọng là đề cao "tư duy nhiệm kỳ", đề cao căn bệnh "giấu". Và mới nhất đây, câu chuyện Hà Nội - thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam sau khi kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng nội bộ đã công bố một thông tin mang tính chấn động báo giới: "Chưa có trường hợp có dấu hiệu tội phạm tham nhũng nào được phát hiện qua công tác kiểm tra nội bộ." Hay câu chuyện các lãnh đạo cao cấp của tỉnh Tiền Giang được cử đi nước ngoài tham quan, học tập kinh nghiệm chống ngập úng khi... còn chỉ vài tháng nữa là nghỉ hưu theo chế độ; còn các vị lãnh đạo của tỉnh Bình Phước thì đi học tập... bán vé số (?).

Thế mới biết, các "đồng chí" theo ý thức hệ cộng sản của Chủ tịch nước, hay Tổng bí thư đã "làm ăn" vào buổi hoàng hôn nhiệm kỳ như thế nào. Càng thế hơn nữa, khi một sự "ăn tập thể" lại được ủng hộ - dự luật Hình sự được thông qua, trong đó cho phép giảm từ tử hình xuống chung thân đối với hành vi tham nhũng nếu như đã khắc phục hậu quả bằng ¾ số tiền tham nhũng, trong khi vai trò "kiểm kê" gần như không thể thực hiện được.

Chủ tịch nước lại "buồn và xấu hổ" là điều đáng hoan nghênh, nhưng ở một đất nước tham nhũng hoành hoành mà chỉ có sự thể hiện như vậy vào cuối buổi thì âu cũng là sự đáng trách. Đáng trách vì không có giải pháp lẫn sự quyết liệt trước khúc mắc của quốc gia. Bởi nếu cứ "buồn" hoài vậy, cũng chỉ cho thấy sự bất lực, mà lãnh đạo bất lực thì dân còn khổ dài dài... Dân cần lắm 1 sự tự trọng - tự trọng trong lên án đồng chí X tham nhũng, đồng chí Y ăn hối lộ, đồng chí Z tham quyền cố vị...

Người dân có quyền chấp vấn Chủ tịch về việc, ông đã thực sự làm tốt với câu tự vấn của mình hay chưa: "Làm một công dân tốt còn hơn một cán bộ tồi". Khi mà ông gần rời nhiệm sở với một Việt Nam xếp hạng 100 về tham nhũng, trong đó tham nhũng công gần như nắm vai trò chủ đạo; một Việt Nam sống và phát triển nhờ "vốn vay", đến nỗi vào sáng nay (5/12) tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam với sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Giám đốc quốc gia WB đã đặt câu hỏi: Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra cho chương trình phát triển 5 năm tới khi các nguồn vốn ưu đãi thu hẹp dần.???

Đó là câu hỏi khó và loài hoa xấu hổ bao giờ mới thực sự lên ngôi ở Việt Nam khi mà cán bộ vẫn chỉ biết nói mà không biết làm, biết hình thức mà không chú ý đến sự thay đổi bản chất bên trong!?!

No comments:

Post a Comment