Chủ tịch nước là ai?
Theo định nghĩa thông thường, chủ tịch nước Việt Nam là "Nguyên thủ quốc gia của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang của Việt Nam thay mặt nước này về đối nội và đối ngoại" - Theo Wikipedia.
Với vai trò và trách nhiệm của mình, Chủ tịch nước phải là người lãnh đạo thực hiện các vấn đề phục vụ quốc kế, dân sinh, quốc phòng, an ninh nhằm đảm bảo cho đất nước hòa bình và ngày càng phồn vinh, người dân được ấm no và hạnh phúc.
Chủ tịch nước có vai trò như một Tổng thống ở các nước theo chế độ Tổng thống, có quyền hạn và nhiệm vụ hết sức quan trọng và lớn lao, có thể nói là chức vụ và quyền hạn cao nhất nước. Có trách nhiệm lãnh đạo đất nước theo chức năng và nhiệm vụ của mình. Đồng thời cũng chịu trách nhiệm trước đất nước về những thành quả và hậu quả của đất nước trong nhiệm kỳ của mình. Sự thành bại của đất nước phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu của đất nước đó là rất lớn.
Nhìn ra thế giới
Nhìn ra thế giới, dù vẫn bị coi là một Tổng thống với nhiều nét hành xử của một nhân viên KGB Cộng sản, người ta vẫn thấy một Putin mạnh mẽ, đưa đất nước Nga vượt qua sóng gió, khó khăn để nước Nga trỗi dậy sau sự sụp đổ không thể cưỡng lại của đế chế Xô viết với biết bao hệ quả của một thời kỳ dài dưới chế độ Cộng sản. Đến nay Putin, 63 tuổi, không hề giấu diếm quyết tâm pḥục dựng quyền lực Nga sau nhiều năm lép vế trước Hoa Kỳ và các đồng minh NATO. Cuộc chiến ở Syria là môt quyết định mạnh mẽ, dứt khoát và làm thay đổi nhiều quan niệm, vị thế của nước Nga.
Cũng với vai trò của một Tổng Thống, Obama đã làm lay chuyển thế giới bằng những quyết định mạnh mẽ và kiên quyết của mình. Ông ta dẫn dắt nước Mỹ làm bá chủ thế giới qua hai nhiệm kỳ tổng thống của mình với những cuộc chiến từ xa đến gần và chịu trách nhiệm trước dân chúng về những vấn đề thuộc trách nhiệm của ông. Dưới sự lãnh đạo của ông, nước Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới.
Người ta cũng thấy một Tổng thống Thein Sein của Myanmar, ở một đất nước mà mới đây thôi, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam còn nhắc nhở Myanmar về tiến trình dân chủ hóa đất nước. Ông Thein Sein đã mở rộng nền dân chủ dù ông gặp phải sự chống đối dữ dội trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội. Bắt đầu từ việc quyết định xóa án “quản thúc tại gia” kéo dài suốt 15 năm áp đặt lên bà Aung San Suu Kyi, khôi phục tư cách pháp lý của đảng NLD đối lập và xét lại quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Cho đến khi chấp nhận một cuộc bầu cử dân chủ và chấp nhận thất bại, chuyển giao quyền lực cho đảng đối lập đã chiến thắng mình trong hòa bình và được sự tôn trọng của cả thế giới.
Từ chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết diễn hài
Nếu như người ta thấy một Putin quyết đoán, một Obama mạnh mẽ, đầy quyền lực và chịu trách nhiệm, thì người ta cũng thấy những chủ tịch nước Việt Nam khác hẳn.
Trong vai trò Chủ tịch nước Việt Nam, Nguyễn Minh Triết có lẽ điều ông làm tốt nhất là "chém gió như thần" tạo ra những trận cười nghiêng ngả và những câu nói để đời trong dân chúng. Nào là ông ta sang Mỹ để "phân hóa nội bộ của Obama", nào là "cùng với Cuba gìn giữ hòa bình thế giới, khi Cuba thức, thì Việt Nam ngủ, khi Việt Nam thức thì Cuba... nghỉ". Nào là"nói ở Việt Nam tham nhũng là không đúng, mà chỉ là... em mượn tí thôi"cho đến khi học tập "Thánh Gióng về trời vui thú điền viên".
Thế rồi ông cũng về nhà vui thú điền viên và đất nước cứ chìm đắm dần trong nạn tham nhũng và tụt hậu.
Đến chủ tịch nước Trương Tấn Sang than thở
Có lẽ, trong cuộc đời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trước con mắt quốc dân đồng bào, điều người ta thấy rõ nhất, là những lời hứa hẹn và rồi thì... than thở.
Cách đây gần 5 năm, khi tiếp xúc cử tri Quận 1, Sài Gòn, ông Trương Tấn Sang nói: "Chúng tôi rất xúc động và cũng cảm thấy xấu hổ vì mình chưa làm được gì nhiều so với sự mong đợi của người dân..." và " Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này".
Người ta cứ tưởng khi ông biết trong đất nước này, trong cái đảng của ông đã có cả một bầy sâu thì khi làm Chủ tịch nước với chức năng và quyền lực trong tay ông sẽ làm đất nước thay đổi được gì chăng?
Thế nhưng, nhìn lại 5 năm qua với vai trò Chủ tịch nước, ông đã làm được gì cho đất nước qua những phát biểu của ông?
Về đối nội: Nạn tham nhũng không chỉ có tăng mà còn là phổ biến đến mức ông than thở: "Nhìn bản đồ tham nhũng của thế giới, buồn lắm, xấu hổ lắm".
Không rõ ông xấu hổ với ai? Với thế giới bên ngoài khi Việt Nam dưới sự "lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện" của cái đảng Cộng sản của ông với một "nhà nước của dân, do dân, vì dân" mà ông đứng đầu, nay đã được "vinh dự" xếp hàng vào những nước tham nhũng nặng nhất? Hay ông xấu hổ với người dân Việt Nam vẫn còm cõi chắt chiu từng đồng tiền xương máu bằng mại dâm, bằng nô lệ ở nước ngoài hay bán mặt cho đất bán lưng cho trời để nộp những đồng thuế máu xương đó cho đám quan chức cộng sản của ông vơ vét bỏ túi?
Hay ông xấu hổ với chính ông, qua cả 5 năm trời với chức vụ cao nhất, quyền lực lớn nhất vẫn cứ án binh bất động và bó tay thúc thủ để đồng đảng, đồng chí của ông cướp trắng trợn của người dân?
Năm năm trước ông nói: "Mục tiêu không thay đổi nhưng cơ chế, chính sách, tổ chức, chỉ đạo dẫn tới kết quả không tốt thì phải sửa, nhất quyết phải sửa. Điều đó là tự nhiên thôi, từ cấp trung ương đến địa phương" Thì bây giờ ông vẫn nói: "Tình hình tham nhũng vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Vấn đề bây giờ là các cấp từ Trung ương đến cơ sở phải đồng lòng thực hiện với những giải pháp thiết thực, mang lại hiệu quả cụ thể". Nội dung hai câu nói vẫn không có gì thay đổi, điều thay đổi chỉ có là giữa hai câu nói đó là một nhiệm kỳ ông giữ vai trò Chủ tịch nước với đầy quyền lực mà thôi.
Không chỉ nạn tham nhũng, mà những quyền cơ bản của người dân vẫn bị cướp đoạt trắng trợn, xã hội bất an, lòng người bất ổn. Đời sống người dân bị đe dọa từng ngày từ tai nạn giao thông hằng năm cướp đi hàng chục ngàn người, hơn cả một cuộc chiến tranh. Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, cả đất nước như một bãi rác của anh bạn vàng của đảng đổ sang. Đời sống người dân được ưu đãi tăng thuế liên tục, nạn bóc lột qua thuế má đã đến mức hết sức chịu đựng của người dân qua nền kinh tế độc quyền - Những đứa con nuôi của chế độ độc tài mà ra.
Người dân nai lưng làm lụng cả năm không đủ cho những cái gọi là "tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp quốc doanh" trả nợ. Người dân ốm đau cứ được ưu đãi tăng viện phí, giáo dục được ưu đãi tăng học phí và các khoản lạm thu... Nạn quan chức cướp bóc đất đai tài sản người dân đã đẩy người dân đến đường cùng thành các tập đoàn dân oan khiếu kiện khắp nơi dai dẳng và đông đúc.
Nghe những lời ông than thở, người ta có cảm giác ông như một người ngoài cuộc, như một kẻ bại liệt không có khả năng hành động chứ không phải là một công dân bình thường, chưa nói đến cương vị và trách nhiệm một Chủ tịch nước. Bởi một công dân bình thường, trước những vấn nạn như vậy với đất nước đã không thể ngồi yên, huống chi cứ ngồi phán như một người đứng ngoài đám tang mà chép miệng!
Về đối ngoại: Khi đất nước đang chịu họa xâm lăng, lãnh thổ Tổ Quốc đang đưới bàn chân kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, đội quân thứ 6 của Tàu cộng được đưa vào khắp đất nước, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của chúng, đưa tàu vào tận thềm lục địa Việt Nam, đánh cá, giết chết ngư dân Việt Nam... thì Việt Nam cũng chỉ cho người phát ngôn "quan ngại, quan ngại và quan ngại sâu sắc" như một cái băng rè nghe phát chán.
Trong khi đó các lãnh đạo đất nước bắt đầu từ Chủ tịch nước đoàn này sang đoàn khác lại rầm rập đưa hết tướng đến quân sang giao hảo với bọn xâm lăng mà không có một tiếng nói nào phản ứng dứt khoát. Trái lại, đội quân dưới quyền ông, từ Bộ trưởng Quốc phòng cho đến Phó thủ tướng đều nhất nhất để "đời con, đời cháu đòi lại" hoặc "hy vọng Trung Quốc giữ đúng lời hứa" và "tư tưởng ghét Trung Quốc là có hại cho dân tộc".
Hỡi ôi, xưa nay hiếm có ai thừa thãi lòng tin vào lòng dạ con mèo trước miếng mỡ bày ra trước mắt không người trông coi.
Đã có thời, những ai dám nói Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam thì không bị tù tội cũng bị theo dõi, gây khó khăn và trở thành "phản động". Những cuộc biểu tình yêu nước bị đàn áp khốc liệt. Và ngay cả cái gọi là Quốc Hội khi bàn đến đề tài Biển Đông cũng phải họp kín, cứ như chuyện mua bán thầm vụng ma túy xì ke hoặc làm điều gì đó bất chính vậy.
Cho đến khi tên giặc Tập Cận Bình được đón rước cẩn mật sang Việt Nam với bao nhiêu người dân Việt Nam bị bắt, bị đánh đập và trấn áp để họ Tập vào tận Quốc hội VN phát biểu. Rồi ngay sau đó, khi vừa dời chân khỏi Việt Nam, họ Tập đã đập ngay một đòn vào mặt những nhà lãnh đạo Việt Nam và sự đón tiếp "trọng thị" kia rằng" Biển Đông là của Trung Quốc. Đến khi đó, ông vẫn không có một lời nào về lãnh thổ, về những hành động xâm lăng của Trung Quốc trước ĐHĐ Liên Hiệp Quốc mà ông chỉ mở miệng vài lời với báo chí bên lề cuộc họp rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Nhiều người cho rằng đó là sự phản ứng lấy lệ mà thôi.
Còn gì để hy vọng?
Trên cương vị là một Chủ tịch nước với quyền hạn lớn lao, người ta chỉ thấy một người suốt ngày kêu than, buồn bã và thất vọng. Những điều ông nói trước khi nhậm chức và sau khi chuẩn bị từ giã chức vụ không có gì khác nhau.
Ngay cả với cái Đảng của ông, ông là một trong mấy ủy viên Bộ Chính trị - Một cái bộ quái đản mà trên thế giới giờ không đếm đủ trên đầu ngón tay của một bàn tay - với quyền hạn vô biên mà thúc thủ trước tất cả mọi vấn đề của chính cái đảng ông đang gây tai họa cho đất nước. Vậy thì ai? Người nào có thể chịu trách nhiệm và để người dân có thể hy vọng?
Dù ông vẫn biết rằng: "Đừng tưởng dân im thì dân tin". Điều này thì quả là đúng. Khi người dân buộc phải im tiếng trước súng đạn, nhà tù và bạo lực thì không có nghĩa là họ "tuyệt đối tin tưởng vào đảng" như thế hệ sau của ông là Nguyễn Thị Quyết Tâm đã từng ngộ nhận.
Người dân có cảm giác rằng những lời nói của ông là những câu ru ngủ và là một cách để đồng cảm với nạn nhân của chính mình. Tiếc rằng những lời ru ngủ không thể làm hết cơn bệnh và cơn đau của nạn nhân.
Thế rồi các ông lại đua nhau về vườn, vui thú điền viên sau một hai nhiệm kỳ ngồi chém gió, diễn hài và than thở. Chỉ có điều là cả dân tộc, cả đất nước đang kéo nhau tụt xuống hàng tận cùng của thế giới. Đó không chỉ là nỗi đau, là nỗi nhục mà là một tai họa cận kề cho tương lai Việt Nam và người dân là người trả giá.
Mười năm, hai nhiệm kỳ ngắn ngủi so với cả lịch sử của một dân tộc. Nhưng, quãng thời gian đó đối với một cuộc đời là không ngắn, và nhất là khi vận mệnh đất nước trước cơn nguy nan, thì mười năm là quãng thời gian quá dài để đưa đất nước đi lên hay tụt hậu.
Và mười năm đó, qua những lời của Chủ tịch nước phát biểu, người dân tự hiểu sẽ hy vọng vào đâu, vào điều gì cho đất nước, dân tộc này trong tương lai nếu vẫn cứ chế độ này tồn tại với tư duy "Bỏ điều 4 là tự sát".
Hà Nội, Ngày 7/12/2015. Tuần kỷ niệm ngày Nhân quyền quốc tế
J.B Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment