Theo NLĐO-07/12/2015 22:31
Đảo Bình Ba là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Khánh Hòa nhưng đang hứng chịu hàng tấn rác trôi nổi gây ô nhiễm môi trường
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo UBND TP Cam Ranh trước ngày 20-12 phải báo cáo việc kiểm tra và các biện pháp xử lý hàng tấn rác thải ứ đọng ở đảo Bình Ba.
Ô nhiễm vì… du lịch phát triển
Ở xã Cam Bình (TP Cam Ranh), Bình Ba là đảo lớn nhất với diện tích khoảng 3 km2, có hơn 5.000 dân sinh sống. Bình Ba nổi tiếng với bãi biển đẹp, nước trong xanh, hải sản tươi ngon. Vì vậy, những năm gần đây, du lịch ở đây phát triển mạnh khiến tình trạng ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng.
Hơn tháng nay tại Bình Ba, rác thải gần như vây kín đảo khiến người dân và chính quyền lo ngại. Từ cầu cảng, các ki-ốt bán hàng đến khu dân cư và ra biển, rác thải bao phủ, kéo dài cả cây số. Nhiều loại rác thải không thể phân hủy như bao bì, túi ni-lông, chai lọ, thùng xốp… Đường dẫn vào khu dân cư và các điểm khác trên đảo có hàng tấn rác ứ đọng, bốc mùi. Quanh các khu vui chơi đầy túi ni-lông, bao bì đựng thức ăn khiến ruồi nhặng bu kín. Ngoài ra, tại khu vực cảng cá, nhiều người dân sau khi phân loại hải sản để làm thức ăn cho tôm hùm đã xả thẳng nước thải xuống biển gây hôi thối. Theo ghi nhận, vài năm trước đây, khi du lịch phát triển chưa sôi động, lượng rác thải xả ra môi trường vẫn có nhưng không đến mức dày đặc như vậy.
Đảo Bình Ba ngập rác sau các đợt triều cường (ảnh trên) và rác được chôn lấp sơ sài vì không có nhà máy xử lý
Ông Nguyễn Văn Sanh, một người dân địa phương, cho biết nguyên nhân chủ yếu là do du lịch tự phát phát triển rầm rộ khiến nhu cầu về tiêu thụ hải sản tăng mạnh, kéo theo việc các hộ nuôi thủy sản mạnh tay đầu tư lồng bè, phương tiện nuôi trồng. Sau khi cho tôm cá ăn, các bao bì đựng thức ăn, rác thải sinh hoạt đều bị họ ném xuống biển. Mỗi lần gió từ biển thổi vào hay đợt thủy triều lên, sóng đưa rác thải nhiều nơi tấp vào bờ. Do đó, thời điểm từ tháng 10 đến tháng 12, lượng rác ở đảo lúc nào cũng tăng gấp nhiều lần.
Lượng rác thải tăng đột biến ở Bình Ba một phần cũng do du khách vứt lại. Ở khu vực ki-ốt, sau khi ăn xong, không có nhà vệ sinh nên du khách vô tư xả “bầu tâm sự” xuống biển. Theo thống kê của chính quyền địa phương, mỗi ngày, lượng rác sinh hoạt từ các hộ dân và du khách cùng rác từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản là hơn 1 tấn. Lượng rác lớn này khiến bãi chôn lấp, xử lý của xã Cam Bình luôn quá tải.
Trả lại môi trường xanh
UBND xã Cam Bình cho biết luôn tăng cường tuyên truyền ý thức cho người dân và du khách bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ý thức người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Anh Bùi Minh Pháp, một người dân ở Bình Ba, cho biết địa phương phát động nhiều đợt thu gom rác nhưng đâu vẫn vào đấy. “Rác thải năm nay nhiều hơn năm trước” - anh Pháp nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khiêm, Chánh Văn phòng UBND TP Cam Ranh, cho rằng mặc dù chưa nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng TP đã chủ động yêu cầu chính quyền xã Cam Bình khẩn trương thu gom rác thải, trả lại môi trường xanh cho đảo. Về phía UBND xã Cam Bình, ông Trần Văn Hóa, chủ tịch UBND xã, thừa nhận môi trường ở đây đúng là chưa bảo đảm. Hiện xã có 5 đội gồm 30 người chuyên thu gom các loại rác thải trong ngày nhưng triều cường tấp rác từ biển vào khiến tất cả trở nên quá tải.
Theo ông Hóa, rác thải được thu gom, đưa về nơi tập kết cách khu dân cư khoảng 5 km nhưng chủ yếu đốt hoặc chôn lấp. Hiện nay, việc xử lý rác hết sức thô sơ, thiếu khoa học, lại không có hóa chất xử lý nên gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ngầm. “Trong quy chế bảo đảm an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, khu vực mũi Hời, đảo Bình Ba và Hòn Chút thuộc TP Cam Ranh sẽ không được phát triển các loại hình du lịch. Hy vọng việc Chính phủ hạn chế du lịch sẽ góp phần trả lại môi trường xanh cho Bình Ba” - ông Hóa nói.
Kiến nghị xây nhà máy xử lý rác
Ông Nguyễn Khiêm cho biết để bảo đảm việc xử lý rác thải không gây ảnh hưởng môi trường TP Cam Ranh, UBND TP này đã đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa xây dựng một nhà máy xử lý rác thải ở Bình Ba. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có trả lời từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa.
Bài và ảnh: KỲ NAM
No comments:
Post a Comment