HÀ NỘI (NV) - Nếu phôi thép Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam hoặc sẽ ngưng hoạt động, hoặc phải làm thuê cho Trung Quốc (cán, kéo phôi thép thành thanh hay cuộn).
Ðó là cảnh báo của ông Mai Văn Hà, giám đốc công ty Thép Hòa Phát. Ngoài ông Hà, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng vừa lưu ý rằng cả nhu cầu lẫn giá thép ở Trung Quốc đều giảm nên giá thép Trung Quốc nhập cảng vào Việt Nam đang càng ngày càng thấp. Tháng trước giá phôi thép nhập cảng giảm thêm 20 Mỹ kim/tấn, chỉ còn chừng 260 Mỹ kim/tấn.
Sản xuất thép tại Việt Nam. Năm nào các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam cũng kêu cứu vì bị thép Trung Quốc làm cho thất điên, bát đảo. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Theo ông Hà thì có nhiều lý do khiến thép Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam rẻ: (1) Ðược chính quyền Trung Quốc hỗ trợ bằng thuế, tín dụng. (2) Ở sát Việt Nam nên chi phí vận chuyển không đáng kể. (3) Gần như Trung Quốc chỉ xuất cảng phôi thép sang Việt Nam, một số doanh nghiệp tại Việt Nam cán, kéo phôi thép thành thép thanh, thép cuộn nên rất ít người biết đó là thép Trung Quốc.
Còn một điểm đáng chú ý khác là các công ty sản xuất thép của Trung Quốc tận tình khai thác các qui định hiện hành của Việt Nam để giảm tối đa giá thép Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam.
Theo qui định của Việt Nam, nếu nhập cảng phôi thép từ ngoại quốc vào Việt Nam thì phải đóng thuế nhập cảng là 9%, còn nhập cảng phôi thép dạng hợp kim thì không phải đóng thuế. Các công ty sản xuất thép của Trung Quốc đã trộn vào phôi thép một lượng crom nhỏ (khoảng 0.3%) để biến phôi thép bình thường thành phôi thép dạng hợp kim và vì vậy, phôi thép Trung Quốc được miễn thuế nhập cảng.
Ông Hà cho rằng, các công ty sản xuất thép của Trung Quốc đang tận dụng những quy định khác nhau giữa các dòng trong biểu thuế ưu đãi theo Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc để thép Trung Quốc không phải nộp thuế nhập cảng. Cũng vì vậy phải điều chỉnh các qui định. Chẳng hạn phải xác định rõ thế nào là hợp kim. Ðồng thời, cần dựng các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn thép giá rẻ. Kể cả áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra-chống bán phá giá đối với một số loại thép Trung Quốc.
Hồi tháng 10, VSA từng gửi một văn bản cho các bộ: Tài Chính, Công Thương, Khoa Học-Công Nghệ đề nghị lưu ý tình trạng thép Trung Quốc khai thác luật của Việt Nam để đè thép Việt Nam.
VSA cho biết, trong chín tháng đầu năm nay đã có khoảng một triệu tấn phôi thép dạng hợp kim từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Ðáng ngại là số lượng phôi thép dạng hợp kim từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng rất nhanh. Chẳng hạn trong tháng 9, lượng phôi thép dạng hợp kim từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam là 62,000 tấn, trị giá khoảng 20 triệu Mỹ kim. So với tháng 8 thì tăng hơn 3,000 tấn về số lượng và một triệu Mỹ kim về giá trị.
VSA tính toán, nhờ khai thác qui định miễn thuế cho phôi thép dạng hợp kim của Việt Nam nên chỉ tính riêng lượng phôi thép dạng hợp kim từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam trong hai tháng 8 và 9, chính quyền Việt Nam đã mất khoảng hai triệu Mỹ kim tiền thuế.
Năm nào các doanh nghiệp thép của Việt Nam cũng bị các công ty sản xuất thép của Trung Quốc làm cho xính vính.
Năm 2013, các doanh nghiệp thép của Việt Nam từng đối diện với nguy cơ phá sản hàng loạt vì thiếu nguyên liệu. Lúc đó, các doanh nghiệp thép của Trung Quốc liên tục nâng giá mua quặng sắt và quặng sắt từ Việt Nam ồ ạt chảy qua Trung Quốc.
Ðáng chú ý là vào thời điểm đầu thập niên này, khi so sánh số lượng quặng sắt nhập cảng do Hải Quan Trung Quốc tiết lộ và số lượng quặng sắt xuất cảng do Hải Quan Việt Nam công bố thì năm nào cũng có sự chênh lệch hàng triệu tấn. Chẳng hạn năm 2012, trong khi Hải Quan Trung Quốc loan báo, Trung Quốc nhập cảng 1.7 triệu tấn quặng sắt từ Việt Nam với giá 92 Mỹ kim/tấn thì Hải Quan Việt Nam báo cáo, trong cả năm 2012, Việt Nam chỉ xuất cảng... 24 ngàn tấn quặng sắt sang Trung Quốc, với giá 46 Mỹ kim/tấn.
Cũng vì vậy, hồi 2013, VSA tố cáo nhiều cơ quan hữu trách của Việt Nam đã tiếp tay với các doanh nghiệp thép Trung Quốc hủy diệt ngành thép Việt Nam. Do áp lực của nhiều giới, chính quyền Việt Nam phải siết chặt việc xuất cảng và kiểm soát xuất cảng quặng sắt sang Trung Quốc. Sau đó thì quy định miễn thuế cho phôi thép dạng hợp kim nhập cảng ra đời. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment