Anh Vũ, thông tín viên RFA 2015-12-03
Trẻ em người dân tộc H'mong bán hàng lưu niệm. RFA
Lứa tuổi trẻ em là tuổi đến trường, tuy vậy ở Việt Nam tình trạng trẻ em bỏ học vì nhiều lý do khác nhau là điều hết sức phổ biến. Vậy nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng này và cần có những giải pháp gì để giải quyết?
Nguyên nhân bỏ học
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 trẻ em phải bỏ học vì nhiều lý do khác nhau. Điều này phù hợp với nghiên cứu “Nguyên nhân bỏ học của trẻ em Việt Nam”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp thanh niên và UNICEF vừa tiến hành.
Theo đó, ở Việt Nam hiện nay có tới 24% thanh niên được điều tra đã bỏ học khi chưa đến 15 tuổi, tỉ lệ bỏ học từ lớp 1-5 là 12%, lớp 6-8 là 21%. Và chỉ có 46,3% thanh niên Việt Nam được đi học trung học.
Bà Sáu ở Đồng nai, một phụ huynh có con đã nghỉ học nói với chúng tôi:
Nhìn chung trẻ em bỏ học có rất nhiều nguyên nhân, có thể là do điều kiện khách quan của kinh tế - xã hội ở địa phương và các phụ huynh ở các gia đình cũng có các khó khăn về kinh tế. Thông thường các em bỏ học là những gia đình vất vả về kinh tế, nên nhận thức của họ cũng bị hạn chế.
-TS Nguyễn Hữu Thắng
“Cái hoàn cảnh cũng như kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, không có đất đai, không có việc làm trong lúc người thì đông. Vì thế xoay chuyển không kịp nên đành phải cho các em ấy bỏ học.”
Trả lời câu hỏi: nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng trẻ em bỏ học trở nên phổ biến?
Do nặng về quan niệm, không có ăn thì chết chứ không có học thì không chết, nên với các phụ huynh ở các gia đình nghèo, thì lợi ích kinh tế trước mắt quan trọng hơn rất nhiều việc đầu tư cho con học hành. TS Xã hội học Nguyễn Hữu Thắng nhận định:
“Nhìn chung trẻ em bỏ học có rất nhiều nguyên nhân, có thể là do điều kiện khách quan của kinh tế - xã hội ở địa phương và các phụ huynh ở các gia đình cũng có các khó khăn về kinh tế. Thông thường các em bỏ học là những gia đình vất vả về kinh tế, nên nhận thức của họ cũng bị hạn chế. Người ta chưa ý thức được tầm quan trọng của cái sự học thế nào trong việc thay đổi cuộc đời của các cháu sau này. Cho nên họ cũng bỏ mặc, tùy thuộc vào sự quyết định của học sinh.”
Không phải những đối tượng bỏ học chỉ rơi vào các em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mà trong số đó còn có không ít các em có điều kiện kinh tế khá giả. Điều đó cho thấy, nguyên nhân cơ bản nhất là việc học hành của các em thiếu sự quan tâm của bố mẹ. TS Nguyễn Hữu Thắng tiếp lời:
“Tâm lý chung là xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, thứ nhất là gia đình neo đơn, thứ 2 là do các hoàn cảnh khác nên các em không đến trường được. Khi gia đình không quan tâm đến con cái nên cũng bỏ mặc con, muốn làm gì thì làm. Vì vậy để động viên con cái học tập thì ở những gia đình này là vấn đề rất khó.”
Do chương trình giảng dạy chưa phù hợp dẫn tới tình trạng học sinh tiếp thu kém, khiến các em không theo kịp chương trình, khi không tiếp thu được bài vở và học lực kém, thì các em chán nản và không muốn đi học. Đây là một nguyên nhân khá phổ biến, thầy giáo Phan Văn Lợi ở Đà nẵng nhận xét:
“Một số em tiếp thu kiến thức từ những lớp dưới trung học cơ sở hoặc tiểu học kém nên các em mất hết căn bản. Do vậy lên học ở cấp trung học phổ thông thì các em ấy không tiếp thu được kiến thức, và các em đã cảm thấy rất căng thẳng trong việc học. Vì thế các em không thể tiếp tục học được.”
Cách giảng dạy tẻ nhạt
Theo báo Giáo dục online cho biết, Nhà văn Nguyên Ngọc thấy rằng, chất lượng dạy học và cách giảng dạy của giáo viên hiện nay tẻ nhạt, thiếu hấp dẫn và sáng tạo cũng là một trong những nguyên nhân không giữ được học sinh gắn bó với trường. Theo ông, nội dung giáo dục, bao gồm chương trình và cách dạy, cũng như chương trình hiện nay với trẻ nhỏ thì cứng nhắc, với lớp lớn hơn thì vừa khô khan vừa vô bổ. Và ông Nguyên Ngọc cho biết, tôi nói đùa với bạn bè rằng “Nếu bây giờ tôi còn đi học thì tôi cũng bỏ học!”
Ở các vùng núi, điều kiện tự nhiên nhiều sông suối, nhưng giao thông không tốt khiến các em học sinh phải chui vào bao nylon, đu dây… để vượt suối cũng là những nguyên nhân. Thầy Đinh Tiến Bắc, một thầy giáo ở tỉnh Đắk Nông cho biết:
Vấn đề hết sức quan trọng để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học đó là làm sao để nâng cao chất lượng dạy và học. Khi chúng ta dạy tốt, các em học tốt, các em học hiểu được bài thì khi đó chắc chắn các em sẽ đến trường.
-Một cán bộ giáo dục
“Về mùa mưa lũ thì rất khó khăn, khi đang ở trên làng mà gặp các cơn mưa rào, mưa giông nhất là khi nước suối đang cao thì nước sẽ lên rất nhanh. Vì thế khi về thì không qua suối được.”
Nói về hậu quả của việc học sinh bỏ học đối với xã hội, Nhà nghiên cứu giáo dục Hoàng Oanh từ Hà nội khẳng định:
“Do số những học sinh này luôn sống trong cảnh nhàn cư vi bất thiện, mặt khác những hiểu biết của họ về các mặt đạo đức, pháp luật… còn nhiều hạn chế. Đồng thời việc học sinh bỏ học sẽ khiến cho chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước sẽ giảm đi rất nhiều.”
Khi được hỏi về vai trò quản lý nhà nước, trong việc số học sinh bỏ học ngày một gia tăng, một cán bộ thuộc Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP.HCM yêu cầu dấu danh tính cho rằng, đây là một trong những nội dung trọng tâm của ngành giáo dục. Ông cho biết:
“Vấn đề hết sức quan trọng để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học đó là làm sao để nâng cao chất lượng dạy và học. Khi chúng ta dạy tốt, các em học tốt, các em học hiểu được bài thì khi đó chắc chắn các em sẽ đến trường.”
Nói về các giải pháp cần thiết của nhà nước trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học gia tăng, ông Hoàng Oanh thấy rằng, trước tình trạng nhiều gia đình bắt buộc con em mình nghỉ học để lao động thì cần phải có chế tài với những trường hợp buộc học sinh bỏ học… theo ông việc này chưa được chú trọng nên tình trạng học sinh bỏ học vẫn ở mức báo động. Ông đề xuất:
“Muốn hạn chế tình trạng bỏ học, theo tôi trước hết ngành giáo dục nói riêng và các nhà trường nói chung cần phải có đủ điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo việc học tập. Học sinh ở vùng sâu, vùng xa cần được học bổng và chu cấp các điều kiện thuận lợi. Thứ 2 là, một khi nền kinh tế phát triển, những người có trình độ học vấn nghề nghiệp do được học hành có được công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, thì đó là những yếu tố kích thích quan trọng cho những người đang theo học. Vì khi có những khó khăn thì họ vẫn cố gắng vượt qua để tiếp tục theo học.”
Cũng cần phải nói thêm, theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 mới đâ,y đã quy định về cơ chế thu, quản lý học phí từ nay đến năm 2021, mức học phí mới sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2015. Theo đó, mức học phí sẽ được điều chỉnh tăng tại tất cả các cấp học, từ bậc mầm non tới bậc đại học.
Các chuyên gia về giáo dục đều có chung một nhận định rằng, nếu để tình trạng bỏ học gia tăng, mà không có sự quan tâm tích cực của nhà nước thì sẽ đưa đến những hậu quả không tốt cho sự phát triển của xã hội.
No comments:
Post a Comment