Sunday, November 15, 2015

Phụ nữ Việt Nam và chuyện chính trị

Hạ Vũ, thông tín viên RFA-2015-11-14  
000_Hkg9837260-622.jpg
 Phó Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Thị Doan (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải vào ngày 21 tháng 5 năm 2014 (hình ảnh minh họa). AFP PHOTO / Mark Ralston
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viên – người đã có nhiều đóng góp tích cực cho quá trình thăng tiến của ông Tập -  đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 5 và 6 tháng 11 năm 2015. Chuyến thăm, và cách mà chính quyền Cộng sản Việt Nam đón tiếp nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Cộng sản Trung Quốc đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng.  Bất đồng với chính quyền, nhiều người dân đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình. Những người biểu tình đã bị đàn áp. Nhiều người trong số họ đã bị đánh trọng thương.
Đối với các quốc gia phát triển, việc nhiều người bị đánh trọng thương như vậy có thể tạo ra những làn sóng phản đối mạnh mẽ, thậm chí có thể tạo ra cả những cuộc cách mạng làm thay đổi lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên, cả đất nước Việt Nam gần như không có phản ứng gì với những sự kiện đó. Đặc biệt là từ phía các nhóm phụ nữ.

Nguyên nhân vì sao?

Có thể nói, không có đất nước nào trên thế giới lại có nhiều lãnh đạo nữ đã được ghi tên vào lịch sử như Việt Nam. Ngoài những cái tên làm nên niềm tự hào của cả dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu; chúng ta có mẹ Liễu Hạnh đại diện cho phái nữ trong “Tứ bất tử” của người Việt. Chúng ta còn có hẳn một “đạo mẫu” thờ các “mẹ” và hình thức “hầu đồng” có thể được xem là một trong những sản phẩm văn hóa – nghệ thuật truyền thống, vô cùng đặc sắc của Việt Nam.
Lịch sử văn học dân tộc cũng đã ghi nhận những tên tuổi lớn, đã đóng góp rất nhiều tác phẩm tiêu biểu bảo vệ quyền phụ nữ như Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan…
Bên cạnh đạo Mẫu, chúng ta có Chèo – loại hình nghệ thuật độc đáo bậc nhất của dân tộc, được xem là loại hình nghệ thuật được sinh ra để đấu tranh cho phái nữ với 04 tích Chèo đặc sắc nhất, gắn liền với 04 nhân vật nữ: Thị Màu, Thị Kính, Xúy Vân và nàng Thiệt Thê.
Các triều đại phong kiến trong lịch sử dân tộc cũng đã ghi tên những người phụ nữ hào kiệt, đã có công trong việc mở rộng bờ cõi như Huyền Trân Công Chúa hay thái hậu Dương Vân Nga, người đã thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai triều đại Đinh – Lê một cách êm thấm nhất, tránh cho dân tộc khỏi một cuộc chiến tranh giành quyền lực không cần thiết.
Trong lịch sử cận đại, dưới thời kỳ kháng chiến chống Mỹ “cứu nước”, với khẩu hiệu “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, đảng Cộng sản cũng đã huy động được hàng trăm ngàn phụ nữ tham chiến, trong đó, phải kể đến những cái tên tiêu biểu, có thể khiến mỗi người Việt cảm thấy nể phục hay nghi hoặc về khả năng thực sự của họ như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Bình…

Lãnh đạo nữ đóng góp gì cho chính trường VN?

Như vậy phải đặt dấu hỏi chính quyền là của người dân mình hay của Trung Quốc vậy??? Chỉ có người Trung Quốc mới đánh người Việt chứ tại sao người Việt lại đánh người Việt.
-Hạ My
Trong chính trường hiện tại, Việt Nam cũng được xem là một trong những quốc gia có số phụ nữ lãnh đạo cao với tỷ lệ phụ nữ chiếm 24% tổng số đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ 2011 – 2016. Chính quyền CSVN còn đặt “mục tiêu” tới năm 2020 có ít nhất 35% đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là nữ.
Trên hết, chúng ta luôn luôn có một phó chủ tịch nước là phụ nữ (bà Nguyễn Thị Doan hay bà Trương Mỹ Hoa v.v. trước đây). Mặc dù vậy, không ai có thể trả lời câu hỏi, những nữ lãnh đạo này đã có đóng góp gì cho chính trường Việt Nam hay cho sự phát triển giới, cho quyền bình đẳng của phụ nữ ở Việt Nam. Họ có tác phẩm nào hay câu nói nào tiêu biểu, khả dĩ có thể hỗ trợ tinh thần cho những người phụ nữ Việt trong các giai đoạn bất hạnh của cuộc đời họ… hay không.
Bạn có thể dễ dàng gặp được rất nhiều cán bộ nữ trong các công sở, với váy vóc mượt mà, trang điểm xinh đẹp chỉ để đi ra đi vào các công sở. Trên đường, trong trường học, bất cứ đâu bạn cũng có thể gặp những phụ nữ xinh đẹp như những “bông hoa” chỉ để là “những bông hoa” cho người ta ngắm mà không thực sự đóng góp một chút nào trong  công việc cũng như sự phát triển của cơ quan.
Đối với các vấn đề chính trị, các sự kiện lớn mang tính quyết định tới vận mệnh của dân tộc như sự kiện Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam, việc toàn dân treo cờ đảng đón tiếp chủ tịch Tập cũng như việc ông có bài “thuyết giảng” trước toàn Quốc Hội Việt với 100%  phiếu ủng hộ (thể hiện bằng cách im lặng) của toàn bộ đại biểu; hầu hết phụ nữ Việt Nam đều không hay biết, không quan tâm hoặc không có bình luận gì. Trong số 10 người phụ nữ mà Hạ Vũ đã cố gắng phỏng vấn về chủ đề này trong tuần qua, khắp từ nam ra bắc, chỉ có Hạ My (Sài Gòn) có vẻ hiểu biết hơn hẳn những phụ nữ khác. Bạn cho biết:
“Thông qua Facebook thì em thấy có một số anh chị em đang cùng nhau lên tiếng bảo vệ các giọt máu của người Việt. Các anh em Việt Nam cũng chỉ là lên tiếng phản đối chống Trung Quốc chứ không phải phản động đối với chính Cộng sản Việt Nam mình nhưng tại sao công an, những người của chính quyền lại xuống đánh người Việt mình. Chúng ta là anh em với nhau, cùng là một dân tộc, cùng là một màu da; chúng ta có thể họp lại với nhau để nói lên chính sách mới của nhà nước để người dân có thể hiểu được là như thế nào, với Trung Quốc như thế nào chứ tại sao người dân của mình có những tiếng nói để bảo vệ người dân và có tiếng nói để phản kháng với Trung Quốc thì chính quyền lại đi đánh người dân mình. Như vậy phải đặt dấu hỏi chính quyền là của người dân mình hay của Trung Quốc vậy??? Chỉ có người Trung Quốc mới đánh người Việt chứ tại sao người Việt lại đánh người Việt.”
bieu-tinh-tcb-622
Biểu tình chống ông Tập Cận Bình tại Sài Gòn hôm 5/11/2015.
Chia sẻ của bạn cho thấy, bạn không chỉ có quan tâm mà thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến những vấn đề chính trị trên mạng. Qua đó, Facebook có thể gửi tới bạn những thông tin mà bạn quan tâm qua newfeed. Mặc dù có nhiều hiểu biết như vậy, cô không thể trả lời được câu hỏi vì sao “các anh em” lại phản đối Trung Quốc và tại sao việc phản đối đó lại được thể hiện trong ngày 5 – 6 tháng 11 năm 2015. Cô cũng không biết, trong chính trường Việt Nam hiện tại ai là lãnh đạo nữ cao cấp nhất và bà ấy có những đóng góp gì cho quyền bình đẳng của phụ nữ. Mặc dù cô thuộc rất nhiều thơ Hồ Xuân Hương, nhớ câu nói hiệu triệu của Trưng Nữ Vương trong “Tiếng trống Mê Linh” cũng như hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Thị Mầu trong trích đoạn Chèo nổi tiếng vừa được nhắc đến ở phía trên.
Cũng như mọi người dân khác, cô không hoàn toàn tự tin vào nhận định của mình để có thể nói rằng, “những lãnh đạo nữ hiện tại thực sự không có đóng góp gì cho đất nước, trên mọi phương diện, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ nữ quyền”. Cô lý giải sự “thiếu hiểu biết” của mình do thiếu thông tin:
“Em không biết. Kênh thông tin chính phủ rất là quan trọng, như là phương tiện để chính phủ truyền đạt thông tin đến người dân nhưng Nói chung là ở Việt Nam mình cái kênh thông tin chính phủ hiện tại rất là... em không biết là ở đâu, mình phải làm gì và mình cũng  không biết gì về chính sách của nhà nước hết. Như vậy thì trước hết là người dân không biết gì hết. Thứ 2 là chính phủ muốn quảng bá, tuyên truyền một cái gì đấy thì người dân không biết gì hết. Nếu có một kênh thông tin thì cũng thuận lợi cho người dân và cũng thuận lợi cho chính phủ.”
Các tổ chức Phi chính phủ “quốc doanh” (ý chỉ các tổ chức xã hội dân sự được nhà nước cấp phép hoạt động và chỉ hoạt động nửa vời nhằm nhận được sự ủng hộ của chính quyền cũng như tranh thủ nguồn tiền tài trợ từ các quốc gia và tổ chức quốc tế khác) đã có rất nhiều khảo sát về “vai trò lãnh đạo” của phụ nữ. Họ cũng đưa ra nhiều chiến dịch vận động, nâng cao nhận thức về khả năng lãnh đạo của phụ nữ và tổ chức nhiều cuộc tập huấn kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ, như một cách khiến mỗi người dân tin rằng, phụ nữ Việt chưa đủ khả năng làm lãnh đạo, cần được tập huấn thêm; xã hội Việt Nam chưa từng có tiền lệ có phụ nữ lãnh đạo, cần thay đổi nhận thức…
Khi được hỏi về quan điểm cá nhân của họ, liên quan đến vai trò của lãnh đạo của phụ nữ, 10 người phụ nữ được phỏng vấn trong tuần này đều cho rằng:
Trong lãnh đạo thì nên có nữ chứ không nên hoàn toàn là nữ hoặc là nam. Vì lãnh đạo là để có một đội ngũ để giúp cho đất nước phát triển nhưng nếu hoàn toàn là nữ hoặc nam thì sẽ có một cái nhìn hết sức phiến diện.
-Một người dân
“Trong lãnh đạo thì nên có nữ chứ không nên hoàn toàn là nữ hoặc là nam. Vì lãnh đạo là để có một đội ngũ để giúp cho đất nước phát triển nhưng nếu hoàn toàn là nữ hoặc nam thì sẽ có một cái nhìn hết sức phiến diện, không được công bằng và không thể hiểu được hết mọi ngóc ngách, mọi tâm lý và nhu cầu của xã hội.”
Quan điểm của các chị thật sáng suốt. Thể hiện mong muốn về sự cân bằng trong mọi hình thức xã hội. Nếu chỉ dừng lại ở câu hỏi đó, có thể chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào lựa chọn của phụ nữ Việt. Tuy nhiên, câu trả lời cho câu hỏi “tại sao nên có cả nam và nữ cùng lãnh đạo” lại hết sức “phụ nữ Việt”:
“Ngày xưa các cụ nói rằng “có nam có nữ mới nên xuân”, những cái này cũng vậy. Cũng phải có cả nam cả nữ mới thấu hiểu của bên nữ và thấu hiểu của bên nam. Có như vậy mới thành xã hội.”
Đặc biệt hơn, khi được hỏi về lựa chọn lãnh đạo Nam hay Nữ, 10/10 người trong số được phỏng vấn đồng ý rằng:
“Phụ nữ lãnh đạo thì tất nhiên tốt cho bên nữTuy nhiên, nam giới lãnh đạo thì vẫn tốt hơn. Em để ý mà xem, con trai lúc nào cũng giỏi hơn con gái. Nó không chịu học đâu nhưng nó rất giỏi. Các cụ nói rằng “đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Đàn ông người ta không những hiểu sâu mà còn trông rộng. Còn người phụ nữ kể cả hiểu sâu lắm nhưng mà cũng không thể bằng được tại vì cái người nam giới người ta trông sẽ xa hơn, nhìn sẽ rộng hơn.”
Truyền thống gọi những món đồ to tát như cái đũa lớn là “đũa cả”, con đường lớn là “đường cái”, v.v. thể hiện dấu vết của chế độ mẫu hệ, của xã hội tôn trọng phụ nữ vẫn còn. Lịch sử dân tộc vẫn còn ghi dấu những nữ nhi anh hùng lỗi lạc, những tác phẩm văn học – nghệ thuật bảo vệ, tôn vinh phụ nữ. Đồng thời, cũng ủng hộ và khuyến khích những tôn giáo, những câu ca dao, tục ngữ hạ thấp giá trị của phụ nữ như “đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”, “trai anh hùng năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”, “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”… không biết xuất hiện từ thời nào, được sáng tác bởi nhóm người nào…
Trong những năm tới, khi lịch sử dân tộc bị bóp mép, xuyên tạc bởi hàng loạt “cải cách giáo dục” tiêu biểu, không biết còn ai nhớ những tấm gương liệt nữ hay chỉ còn lại những câu ca dao, tục ngữ hạ thấp phái đẹp???
Đó, có phải là một trong những nguyên nhân khiến cho tiến trình phát triển giới ở Việt Nam dường như đang đi ngược lại tiến trình chung của toàn thế giới, khi những quốc gia chưa từng có “liệt nữ” nào trong lịch sử chính trị như Mỹ đang chờ đón Hilary Clinton như một vị nữ tổng thống đầu tiên vào kỳ bầu cử tới?
Tạm chí Trang phụ nữ kỳ này kết thúc tại đây. Hẹn gặp lại quý vị vào tuần sau.

No comments:

Post a Comment