Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA- 2015-11-14
Nhà của đồng bào Mường ở Bá Thước, Thanh Hóa. RFA
Với người dân miền núi các huyện phía Tây Thanh Hóa, mùa mưa đến cũng đồng nghĩa với mùa đói kém đang về, năm nào cũng như năm nào, chưa có gì thay đổi. Trước đây, lúc đường sá chưa mở, chưa trải nhựa, người dân mong có đường sạch sẽ để đi làm trong mùa mưa, nhưng khi có đường rồi thì người dân không còn rừng để làm, cuối cùng lại ngồi thu lu nhìn ra đường nhựa xe cộ ngược xuôi để cảm hết cái đói và nỗi buồn vây bủa.
Đường đâu phải làm cho dân!
Một người đồng bào Mường tên Phục, ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa, chia sẻ:
Ở đây tính ra như năm ngoái cả vườn mía này bán được mười một triệu, vay nhà nước hết chín triệu, bán ra và thuê người ta bốc lên xe đưa đi bán hết một triệu, lãi được hai triệu cho cả năm, hết. Heo gà nuôi thì nó chết hết. Trâu thì vay tiền ngân hàng để mua đấy. Thiếu gạo thì thì làm thuê làm mướn nhiều chỗ để kiếm tiền mua gạo…
-Chị Phục
“Ở đây tính ra như năm ngoái cả vườn mía này bán được mười một triệu, vay nhà nước hết chín triệu, bán ra và thuê người ta bốc lên xe đưa đi bán hết một triệu, lãi được hai triệu cho cả năm, hết. Heo gà nuôi thì nó chết hết. Trâu thì vay tiền ngân hàng để mua đấy. Thiếu gạo thì thì làm thuê làm mướn nhiều chỗ để kiếm tiền mua gạo…”
Theo chị Phục, đời sống của bà con đồng bào Mường, tỉnh Thanh Hóa đang ngày càng khó khăn hơn mặc dù nhà nước vẫn có nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng rất tiếc, theo chị Phục, chính sách cho đồng bào Mường là có thật, số tiền từ ngân sách nhà nước rót xuống cho dân là có thật nhưng tiền dân nhận được là số tiền ảo.
Chị Phục nói rằng sau nhiều lần có chính sách nhà nước, đồng bào Mường cảm nhận được nỗi buồn và tủi nhục bởi cách đối xử thiếu văn hóa, thậm chí coi thường đồng bào Mường và hơn hết là phi nhân tính của giới cán bộ địa phương. Đơn cử một chuyện rất nhỏ, chuyện giúp bà con canh tác nông nghiệp, vấn đề này có chính sách và kinh phí hẳn hoi, nó đã được thực hiện suốt năm năm dài nhưng kết quả là bà con người Mường nghèo càng nghèo thêm, giới cán bộ địa phương trở nên giàu có, ăn trên ngồi trốc.
Sở dĩ có chuyện buồn cười và tủi nhục như vậy, theo chị Phục, có hai vấn đề còn hết sức lạc hậu trong chính sách lớn của nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam, đó là: Xem thường bà con dân tộc thiểu số và; Thiếu một sách lược khoa học nhưng lại quá thừa quan tham.
Lấy một ví dụ, chị Phục nói rằng chỉ riêng chương trình giúp dân trồng cây nông nghiệp như cây sắn (miền Nam gọi là cây khoai mì) đã có lắm vấn đề. Trước đây ba năm, chi phí nhà nước cho dân để khai thác các vạt đất cằn là mười triệu đồng trên mỗi sào để bà con khai thác đất, mua giống sắn về trồng. Cây sắn không tốn phân bón, ưa đất cằn nên đỡ tốn kém công chăm bón.
Biết tin, bà con mừng rỡ, nghĩ rằng mình sẽ có tiền để trang trải trồng cây, cải tạo vườn. Nhưng khi chương trình bắt tay thực hiện thì hỡi ôi, nhà nước đưa máy cày xuống cày đất, đào cỏ, trồng một vạt sắn cho bà con, mọi chuyện coi như xong, bà con không cầm được đồng bạc nào. Xong vụ sắn, bà con thu hoạch được từ vài trăm ngàn đồng đến một triệu đồng trên mỗi sào.
Chị Phục nói rằng lẽ ra phải giao số tiền đó cho bà con nông dân, bắt buộc bà con nông dân phải viết cam kết là trồng đúng diện tích, đúng giống cây sau khi nhận tiền. Chỉ cần chừng đó thôi, không cần phải cam kết chăm sóc và thu hoạch cây, bởi đây là điều bắt buộc người ta phải làm, nếu bắt cam kết lại chạm đến tự ái. Nhưng chính quyền địa phương đã không làm thế, đã trồng mỗi sào sắn vào vườn bà con với giá mười triệu đồng, bà con không biết gì về đồng tiền nhà nước.
Đây là kiểu làm việc vừa xúc phạm danh dự, coi bà con không ra gì, vừa tham lam, tự tung tự tác mà giới cán bộ địa phương đã hành xử với bà con nông dân. Chị Phục nói thêm là đừng tưởng những con đường người ta làm cho dân đi, hoàn toàn không phải vậy. Ví dụ như đường đi từ đường mòn Hồ Chí Minh lên Ngọc Lặc, Bá Thước hay Thường Xuân, nếu không có các cơ quan nhà nước ở đó và không có các công trình hồ chứa thủy điện, chị tin rằng người ta chưa mở đường. Các con đường này mở ra nhằm mục đích vận chuyển vật liệu, đưa xe máy, xe ủi lên miền núi. Và ở đâu có mở đường, ở đó người Mường bị mất đất rất nhiều, hoặc là bị thu hồi đất rừng, hoặc là bị hù dọa để mua với giá rẻ bèo, sau đó bán cho nhà buôn với giá cao gấp mười mấy lần để mở quán xá, cửa hàng…
Chính vì đường không phải mở ra cho dân đi, không nhằm nâng cao dân trí mà hầu hết các con đường đi đến đâu, đời sống đồng bào Mường trở nên tệ hại đến đó.
Cái đói mùa mưa
Một người tên Lễ, sống ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa, chia sẻ thêm:
“Dân tộc ở đây có nhiều cái đỡ hơn nơi khác. Họ làm siêng năng, trồng luồng, trồng mía, trồng sắn. Nhưng nói vậy chứ vẫn khổ lắm. Tuy không đói như ngày xưa vì cón ngô (bắp), sắn. Tuy vậy, đến mùa giáp hạt cũng thiếu gạo à, vì không có ruộng. Có nhiều người khổ, dính phải rượu chè, thua… Đa phần bà con thiểu số đi mua gạo.”
Tuy không đói như ngày xưa vì cón ngô (bắp), sắn. Tuy vậy, đến mùa giáp hạt cũng thiếu gạo à, vì không có ruộng. Có nhiều người khổ, dính phải rượu chè, thua… Đa phần bà con thiểu số đi mua gạo.
-Ông Lễ
Theo ông Lễ, năm nào cũng đến thời điểm tháng chín âm lịch trở đi thì cái đói bắt đầu rình rập rồi hoành hành bà con đồng bào thiểu số như Mường, Thái Trắng, Dao Đỏ, Thái Đỏ… Bởi trong thời gian này, vấn đề giao thông giữa miền xuôi và miền ngược trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Đặc biệt, vấn đề lưu thông hàng hóa giữa hai miền giảm đến mức giống như không có bởi đường đi nguy hiểm, có thể bị lũ quét, đất chuồi bất kì lúc nào và lúc này bà con đồng bào thiểu số cũng không có tiền, hàng hóa ế ẩm, các chủ hàng bỏ luôn địa bàn miền núi.
Thường thì vào mùa đói, đồng bào thiểu số chỉ còn một cách duy nhất là chấp nhận mua hàng ký sổ với giá cao hơn bình thường và vay nặng lãi của các chủ cửa hàng người Kinh sống gần đó để tự cứu đói. Đến mùa thu hoạch, lại mang sắn, lúa đến trả cho các chủ cửa hàng người Kinh. Và mỗi lần thanh toán những khoản nợ, bao giờ số tiền thanh toán hoặc số hàng thanh toán cũng dao động từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với giá mua bình thường.
Chính vì không còn đất rừng để canh tác, rừng đã bị nhà nước thu hồi hầu như là không còn gì, không có ruộng để canh tác, không có vốn liếng để làm ăn… Chính vì vậy, chỉ có hai con đường để bà con đồng bào thiểu số tự cứu lấy mình thoát khỏi cái đói, đó là mang bị gậy đến xứ khác để xin ăn, hoặc nếu có sức khỏe thì đi làm thuê tứ xứ. Bởi không còn đường nào khác cho đồng bào miền núi ở đây. Bởi lẽ, khi mà cả chính quyền địa phương và nhà buôn đều chưa bao giờ tỏ ra khoan nhượng với những đồng bào nghèo, mặc sức bóc lột, mặc sức lợi dụng và mặc sức thu hồi như vậy, thì e rằng không sớm cũng muộn, đồng bào thiểu số sẽ đối mặt với nạn diệt vong.
Ông Lễ nói rằng vấn đề diệt vong không phải là chuyện hoang tưởng mà là sự thật nếu như đời sống bà con đồng bào thiểu số tiếp tục bị đẩy vào chân tường, không có lối thoát. Và ông cũng kêu gọi giới cán bộ, quan chức hãy thôi lợi dụng nỗi khó khăn, thiếu ăn thiếu học và đau khổ của đồng bào thiểu số để bóc lột, để ăn trên mồ hôi, xương tủy của bà con nữa! Bởi với bà con đồng bào Mường, Thái Trắng, Dao Đỏ, Mông, Thái Đỏ… tuy không có cái chữ là bao nhiêu nhưng đạo lý làm người thì có. Và chuyện ác giả ác báo cũng là chuyện phải có! Ông khuyên giới cán bộ hãy ngừng ngay nhưng hành động tội lỗi, đừng để đến mức quá muộn, không cứu chuộc được nữa!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment