Sunday, November 15, 2015

Người Khmer Krom bị sách nhiễu khi về thăm Việt Nam

Vân Anh, thông tín viên RFA -2015-11-15  
khmer-krom-622.jpg
Các nhà sư Khmer Krom tại Sóc Trăng, ảnh minh họa chụp trước đây. Courtesy photo
Nhiều người Việt gốc Khmer Krom sau khi sang Campuchia sinh sống, khi trở về thăm quê ở Đồng bằng Sông Cửu Long than phiền bị chính quyền địa phương sách nhiễu.

Niềm vui sum vầy không trọn vẹn

Những người từ Việt Nam sang Xứ Chùa Tháp định cư có điều kiện kinh tế khác nhau, có người khá giả, cũng có người phải sống trong cảnh nghèo khổ thiếu thốn. Dù khá giả hay thiếu thốn, thì họ đều cố gắng tranh thủ về thăm quê hương mỗi dịp lễ lộc để được sum vầy cùng thân nhân sau bao tháng năm xa cách.
Tuy nhiên, khi trở về họ lại gặp những trở ngại mà theo họ đó là phải chịu sự sách nhiễu từ chính quyền địa phương trong mỗi lần về thăm quê.
Thái độ của họ đối với mình, tiếng nói họ đối với mình, họ nạt nộ. Họ làm việc với mình, năm mười phút, họ đi ra, một lát họ làm việc với mình, mười phút, hai chục phút họ đi ra. Họ làm khó làm dễ mình thôi, làm phiền làm phức mình.
-Ông Sơn Thái Thành
Ông Sơn Thái Thành, sinh năm 1959, hiện đang sinh sống tại thủ đô Phnom Penh, trong dịp lễ Donta, hồi tháng 10 năm 2015,  ngay sau khi về đến quê ở ấp Sóc Lèo, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, ông lập tức được mời lên trụ sở công an xã để làm việc. Ông Thành chia sẻ:
“Nói chung là họ mời bắt đầu đi đến được một đêm, lực lượng ấp mời: Từ Campuchia tới đây, chú phải đi công an xã trình công an xã cho biết. Nó gặp tôi nó nói chú copy passport chuẩn bị lên xã đi. Tôi đi xã, tôi không thấy cấp bậc trên vai của họ là người nào trưởng, người nào phó, người nào là nhân viên hết.”
Ông Thành còn cho biết thêm cán bộ địa phương tiếp chuyện với ông với thái độ thiếu tôn trọng và xem ông như một người có tiền án tiền sự. Ông Thành giải bày:
“Thái độ của họ đối với mình, tiếng nói họ đối với mình, họ nạt nộ. Họ làm việc với mình, năm mười phút, họ đi ra, một lát họ làm việc với mình, mười phút, hai chục phút họ đi ra. Họ làm khó làm dễ mình thôi, làm phiền làm phức mình.”
chua-ang-400.jpg
Chùa Ang của người Khmer Krom tại Trà Vinh. Courtesy photo.
Cũng theo ông Thành nguyên nhân mà chính quyền mời ông đến làm việc là do ông là người nước ngoài nhưng không trình báo với chính quyền địa phương. Mặc dù vậy ông khẳng định ông không cần thiết phải trình báo vì ông có hộ chiếu và cấp thị thực vào Việt Nam và hoàn toàn không vi phạm pháp luật Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này chúng tôi đã  liên hệ với Trụ sở Công An xã Lịch Hội Thượng và được một cán bộ ở đây cho biết việc một người từ xứ khác đến địa phương và công an phải làm việc với họ là chuyện bình thường. Vị cán bộ này khẳng định có việc mời ông Thành làm việc nhưng hoàn toàn không có việc dọa nạt gì cả. Cán bộ này cho biết:
“Mình ở xứ khác, mình lại địa phương khác thì người ta lại hỏi thăm thôi chứ không có chuyện nạt nộ gì đâu, không có ai làm vậy.”
Tuy vậy, căn cứ vào luật cư trú và một số văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến vấn đề cư trú thì người mang quốc tịch nước ngoài khi vào Việt Nam, ngoài việc xin visa và làm một số thủ tục hành chính ở cửa khẩu thì không cần phải trình báo hay làm bất kỳ một thủ tục hành chính nào với chính quyền cấp địa phương khi mà người đó không có nhu cầu, cũng như không vi phạm pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

VN can thiệp chuyện nội bộ của Campuchia?

Cũng xin nói thêm rằng đây không phải là lần đầu tiên và cũng không phải  là trường hợp hiếm hoi người Khmer Krom trở về Việt Nam bị chính quyền địa phương làm phiền, sách nhiễu, thậm chí đã có nhiều trường hợp người Khmer Krom bị chính quyền đánh đập, dọa nạt khi từ Campuchia về Việt Nam.
Đó là trường hợp của ông Danh Serey, hồi tháng 10 năm 2014, ông cùng một nhóm gồm 15 người cùng mang quốc tịch Campuchia đến làm lễ Dâng Y Kathina theo truyền thống Phật giáo tại một ngôi chùa thuộc huyện Châu Thành tỉnh Kiên Giang, ông và đoàn của ông đã bị chính quyền tỉnh Kiên Giang bắt giam giữ hơn 10 tiếng đồng hồ và tịch thu một số tài sản có giá trị. Ông Serey nhớ lại:
Nó khuyên mình vô Campuchia rồi mình đừng vô bên phái chống, bên Sam Rainsy và tổ chức Khmer Krom gì cả. Nó nói nếu có chuyện gì, nó sẽ tìm bắt. Mình ở Campuchia, ở tới đâu nó cũng tìm được hết tại vì nó có gián điệp của nó.
-Ông Danh Serey
“Bắt giữ từ 10 giờ đến 9 giờ tối. Nó có một người gác một người, một người gác một người không cho mình đi đâu hết. Mình vô nhà vệ sinh nó cũng đi theo gác trước cửa phòng vệ sinh luôn.”
Theo lời kể của những người tiếp xúc với chúng tôi thì họ bị sách nhiễu vì chính quyền Việt Nam cáo buộc họ có tham gia vào các hoạt động chính trị ở Campuchia. Khi tiếp xúc với chính quyền Việt Nam, những nạn nhân này luôn bị cảnh cáo là không được tham gia vào các hoạt động chính trị của Campuchia, đặc biệt là việc ủng hộ đảng đối lập của nước này. Ông Danh Serey, người từng bị chính quyền Việt Nam bắt giam và đe dọa hồi năm 2014 cho biết:
“Nó khuyên mình  vô Campuchia rồi mình đừng vô bên phái chống, bên Sam Rainsy và tổ chức Khmer Krom gì cả. Nó nói nếu có chuyện gì, nó sẽ tìm bắt. Mình ở Campuchia, ở tới đâu nó cũng tìm được hết tại vì nó có gián điệp của nó. Gián điệp của nó trong nước Campuchia ở đâu cũng có hết. Nó nói vậy đó.”
Liên quan đến vấn đề này, ông Sơn Chum Chuôn, Giám đốc Chương trình của Tổ chức Khmer Campuchia Krom vì Nhân quyền và Phát triển có trụ sở tại Campuchia cho rằng việc chính quyền Việt Nam gây khó khăn cho công dân Campuchia chứng tỏ thái độ đối xử bất bình đẳng và thiếu thiện chí trong mối quan hệ với Campuchia. Riêng việc cấm người mang quốc tịch Campuchia tham gia các hoạt động chính trị ở Campuchia là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia. Ông Sơn Chum Chuôn nói thêm:
“Việt Nam cấm công dân Campuchia tham gia hoạt động chính trị ở Campuchia là hành vi xâm phạm chủ quyền của Campuchia. Việt Nam áp dụng quyền lực quá lãnh phận của mình. Việt Nam không thể làm điều đó, Việt Nam chỉ có quyền trên vùng lãnh thổ của mình, ngoài lãnh thổ của Việt Nam thì Việt Nam không có quyền gì cả.”
Mấy năm gần đây, chính quyền Hà Nội tuyên truyền với thế giới rằng Việt Nam luôn tôn trọng nhân quyền và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người Việt Nam có thể trở về quê hương, tuy nhiên trường hợp những người từ Việt Nam sang Campuchia định cư rồi về nước như vừa nêu cho thấy tuyên bố đó chưa đúng thực tế.
Vân Anh tường trình từ Campuchia.

No comments:

Post a Comment