Sunday, October 25, 2015

Việt Nam kiệt quệ về tài chính

Theo NgườiViệt-10-25-1:59:15 PM 
Ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Kế Hoạch-Đầu Tư của chính quyền Việt Nam, đã tạt một gáo nước lạnh vào báo cáo mà chính phủ Việt Nam vừa trình bày trước Quốc Hội. 




Chính phủ Việt Nam muốn phát hành lượng trái phiếu trị giá ba tỷ Mỹ kim trên
thị trường quốc tế để “tái cơ cấu các khoản nợ trong nước.” (Hình: TBKTSG)

Trong khi chính phủ Việt Nam báo cáo với Quốc Hội rằng, mức thu cho ngân sách sẽ cao hơn dự kiến khoảng 61,000 tỷ đồng thì ông Vinh khẳng định, con số đó chỉ để... nghe cho vui. Số thu trên thực tế thấp hơn nhiều so với mức dự thu và lý do khiến mức thu cho ngân sách tăng chỉ là “nghiệp vụ.”

Ông Vinh giải thích cặn kẽ những “yếu tố nghiệp vụ” khiến nguồn thu “tăng.” Đó là mức giải ngân các khoản vay để phát triển tăng, tiền bán đất tăng và tính luôn tiền... xổ số kiến thiết. Trước đây, những khoản này không được tính như những nguồn thu cho ngân sách nhưng nay thì cộng hết và nhờ vậy khiến mức thu cho ngân sách... cao hơn dự kiến.

Đáng lưu ý là ông Vinh cảnh báo, trong khi số thu tuyệt đối (số thực) của ngân sách là 255,750 tỷ thì các địa phương đã giữ lại 131,200 tỷ đồng, thực thu của chính quyền trung ương chỉ còn 154,000 tỷ đồng, trừ đi các khoản phải chi hiện chỉ còn 45,000 tỷ đồng để phân bổ. Ông Vinh nhấn mạnh, nếu phải trả nợ thì gần như không còn tiền để làm gì cả.

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc Hội, “tỏ ra bất ngờ” sau khi nghe ý kiến của ông Vinh. Ông Hùng nhận xét, ngân sách như thế thì làm sao đạt được mục tiêu “phát triển bền vững” cho giai đoạn 2016-2020! Đã vậy khi vay lại vay ngắn hạn, “chưa vay đã trả” thì lấy gì để “cân đối!”

Cũng theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì ông Bùi Đức Thụ, thành viên Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội, tiết lộ, ngân sách cạn kiệt nhưng bội chi vẫn tăng, tạo áp lực lớn lên chuyện nợ nần. Tỷ trọng bội chi có giảm nhưng số tuyệt đối đã tăng từ 226,000 tỷ đồng/năm lên 254,000 tỷ đồng/năm. Năm 2015 Việt Nam chỉ trả nợ được 150,000 tỷ đồng nhưng lại vay 311,000 tỷ đồng. Tính ra khối lượng vay lớn gấp đôi khối lượng trả. Theo ông Thụ, năm tới, tình trạng vừa kể sẽ tái diễn.

Có lẽ cần nhắc lại rằng, hồi cuối năm 2013, ông Vinh từng cảnh báo với Quốc Hội rằng, “kinh tế Việt Nam sắp tới giai đoạn đào củ mài để ăn.” Khi ấy, ông Vinh từng nhấn mạnh “vỡ nợ là do xây dựng cơ bản tràn lan.” Lãnh đạo chính quyền các địa phương mạnh tay phê duyệt các dự án hạ tầng, khuyến dụ các doanh nghiệp bỏ vốn, mượn vốn để thực hiện những dự án đó, cuối cùng chính quyền trung ương không có khả năng hoàn trả. Hàng loạt doanh nghiệp là chủ đầu tư, hàng loạt ngân hàng cho vay rơi vào tình trạng phá sản, chính quyền vừa không thu được thuế, vừa “giật gấu vá vai” để trả nợ.

Thực trạng đó là lý do nhiều năm nay, chi cho đầu tư phát triển giảm chưa từng thấy trong lịch sử, nhiều công trình dở dang, trong khi không đầu tư cho phát triển thì không thể phát triển và chính quyền Việt Nam đang loanh quanh trong vòng luẩn quẩn do chính mình tạo ra.

Cách nay vài tháng, sau khi khảo sát về phân cấp tài khóa tại Việt Nam, Ngân Hàng Thế Giới (WB) cho biết, kế hoạch chi tiêu của chính quyền địa phương không đáng tin cậy vì có sự chênh lệch lớn giữa dự chi và thực chi. Đặc biệt là những khoản thực chi cho đầu tư hạ tầng thường cao hơn 50% so với dự chi. Vượt xa hướng dẫn rằng, mọi thứ chỉ có thể xem là tốt nếu mức độ chênh lệch giữa dự chi và thực chi không nên quá 5%.

WB nhận định, tình trạng vừa kể là do phía hành pháp được phép thay đổi dự chi, không cần phía lập pháp - đại diện cho dân chúng xem xét và phê duyệt. Tình trạng này diễn ra ngay cả ở cấp cao nhất. Năm 2013, Quốc Hội từng ấn định, bội chi không được vượt quá 5.3% GDP nhưng đến hết năm 2013, chính phủ vẫn để cho bội chi lên tới 6.6% GDP.

Trước đây, Dự Luật Ngân Sách Nhà Nước từng có một điều nhằm xác định trách nhiệm của những người phê duyệt, cho phép sử dụng ngân sách sai nguyên tắc. Tuy nhiên gần đây, khi Quốc Hội bỏ phiếu thông qua dự luật này, điều vừa kể đã bị gạt bỏ. Theo tiết lộ của một viên chức lãnh đạo Quốc Hội thì sở dĩ cơ quan này phải gạt bỏ điều vừa kể bởi có rất nhiều viên chức trong hệ thống chính quyền phản đối, với lý do, cho phép truy cứu trách nhiệm những người phê duyệt, cho phép sử dụng ngân sách sai nguyên tắc là một kiểu “trói” họ!

Hồi Tháng Mười Một năm ngoái, e ngại trước tình trạng nợ nần tăng vọt, ngân sách liên tục bội chi, Quốc Hội đã ban hành một nghị quyết, yêu cầu, từ 2015, chính phủ không được phát hành trái phiếu có kỳ hạn dưới năm năm và phải giảm mức vay đảo nợ (vay nợ mới để trả nợ cũ).

Tuy nhiên hồi giữa tháng này, bộ trưởng Tài Chính Việt Nam cảnh cáo, từ đầu năm đến nay, việc bán trái phiếu kỳ hạn năm năm hết sức khó khăn. Đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã bán được chỉ mới khoảng 51% kế hoạch của cả năm. Nếu không “đa dạng hóa kỳ hạn” (thực chất là cho phép tiếp tục bán trái phiếu ngắn hạn) thì sẽ không kiếm đủ tiền để chi tiêu và thực hiện các mục tiêu do chính Quốc Hội Việt Nam đề ra.

Mặt khác, dẫu Luật Quản Lý Nợ Công không cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để lấy tiền trả các khoản vay trong nước nhưng vì tình thế như vừa kể, gần như chắc chắn tại kỳ họp lần này, Quốc Hội vừa nới lỏng cơ chế cho phép vay vốn bằng trái phiếu (phát hành lượng trái phiếu trị giá $3 tỷ trên thị trường quốc tế vào năm 2017 để “tái cơ cấu các khoản nợ”), vừa cho phép bán trái phiếu ngắn hạn. (G.Đ.)

No comments:

Post a Comment