Sunday, October 25, 2015

Ăn hối lộ 11 tỷ đồng, 6 cán bộ đường sắt ra tòa

HÀ NỘI (NV) - Sáng 26 Tháng Mười, tòa án thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án các quan chức thuộc Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam nhận hối lộ 11 tỷ đồng ngoài hợp đồng từ nhà thầu Nhật Bản.



Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi
triển khai từ năm 2013. (Hình: Tuổi Trẻ)


Theo tờ Tuổi Trẻ, 6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù gồm các ông: Phạm Hải Bằng (46 tuổi), phó giám đốc Ban Quản Lý Các Dự Án Đường Sắt (RPMU) thuộc Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam; Nguyễn Nam Thái (38 tuổi), trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU; Trần Văn Lục (57 tuổi), giám đốc RPMU; Trần Quốc Đông (51 tuổi), phó tổng giám đốc Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam; Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi), giám đốc RPMU và Phạm Quang Duy (50 tuổi), phó giám đốc RPMU.

Vụ án bắt nguồn từ Tháng Ba, 2014, khi báo The Yomiuri Shimbun, Nhật Bản đưa tin Công Ty Tư Vấn Giao Thông Nhật Bản (JTC) chi 80 triệu Yen cho các cán bộ thuộc Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam.
Ngay sau đó, chính phủ CSVN giao Bộ Công An phối hợp Viện Kiểm Sát Tối Cao, Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ Ngoại Giao chủ động xác minh và liên hệ với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát Tối Cao, năm 2008, Bộ Giao Thông Vận Tải có quyết định phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1). Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam giao RPMU làm chủ đầu tư quản lý dự án.

Tháng Chín, 2009, RPMU ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án với liên doanh do Công Ty JTC đứng đầu. Hợp đồng tư vấn sau đó đã được điều chỉnh nâng tổng giá trị lên 3.6 tỷ Yen và 236 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng của Việt Nam.

Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Phạm Hải Bằng nêu khó khăn của RPMU về chi phí triển khai thực hiện dự án và được đại diện JTC đồng ý hỗ trợ. Thực tế, JTC đã hỗ trợ khoảng 11 tỷ đồng.

Trong số đó, ông Bằng quản lý sử dụng 4.8 tỷ đồng. Số tiền này các bị cáo khai đã sử dụng vào các hoạt động liên quan đến dự án như chi phí tổ chức lễ ký kết hợp đồng, hội họp, tiếp khách, đối ngoại, nghỉ mát, thưởng lễ cho nhân viên, hỗ trợ công đoàn..., nhưng không mở sổ sách theo dõi việc sử dụng tiền, không báo cáo Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam.

Cáo trạng xác định, “Các cán bộ RPMU đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay ODA.” Hiện do phía Nhật Bản xử lý nhà thầu JTC nên đã làm ngưng trệ việc thực hiện dự án. (Tr.N)

10-25-2015 1:42:45 PM 

No comments:

Post a Comment