Luật sư Vũ Đức Khanh
Gửi cho BBC từ Canada
25 tháng 10 2015
Hãng tin Associated Press vừa cho biết Hải Quân Hoa Kỳ đang đợi lệnh cho tàu tuần tra vào sâu trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc cho xây dựng trái phép gần đây.
Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã trả lời phỏng vấn như thế với Associated Press, hôm thứ Năm 22/10/2015, từ văn phòng của ông ở Trân Châu Cảng, Hawaii.
Đô đốc Swift nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng... Và chúng tôi có những nguồn lực để hỗ trợ bất cứ quyết định chính sách nào và bất cứ điều gì mà các nhà hoạch định chính sách có thể yêu cầu chúng tôi làm để tỏ rõ quyết tâm của Mỹ liên quan đến những hoạt động mà chúng tôi tiến hành ở Biển Đông.”
Theo nguồn tin cuối giờ chiều 23/10 thì quyết định cuối cùng của Tòa Bạch Ốc sẽ chỉ nội trong vài ngày tới!
Đô đốc Swift cũng cho biết rằng các hoạt động của Hải Quân Hoa Kỳ trong khu vực là bình thường như họ vẫn làm trước đây và không nhằm bất cứ quốc gia nào.
Quan điểm chính thức của Hoa Kỳ từ trước đến nay là không đứng về phía bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền các hòn đảo này nhưng việc tăng cường bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không, phù hợp theo luật pháp quốc tế là ưu tiên hàng đầu của họ.
Bảo vệ quyền lưu thông
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ashton Carter khẳng định trong một cuộc họp báo ở Boston rằng Hoa Kỳ sẽ bay, lưu thông hàng hải và hoạt động ở bất cứ nơi nào được luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm cả khu vực Biển Đông.
Ông tiết lộ rằng Hải Quân Hoa Kỳ đã có kế hoạch điều tàu vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo mà Trung Quốc mới bồi đắp tại Trường Sa; ông còn tố cáo Trung Quốc đang quân sự hoá các cơ sở tại đây và nhấn mạnh rằng vùng biển này là biển quốc tế và Hoa Thịnh Đốn sẵn sàng bảo vệ quyền tự do lưu thông trong khu vực.
Không cam lòng, Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của chính phủ Bắc Kinh, hôm 21/10, bình luận rằng hành động này của Mỹ sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, khiến Trung Quốc “không có một sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường khả năng phòng vệ.”
Hoàn Cầu Thời báo, một trong những tờ báo có liên kết với cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, vừa có bài viết rằng nếu Mỹ xâm phạm điều mà họ gọi là “các quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc, thì Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc sẽ phản ứng và dùng vũ lực để ngăn lại.”
Căng thẳng Trung-Mỹ đang leo thang hàng ngày và câu hỏi đang được mọi người quan tâm là liệu đối đầu Mỹ-Trung có dẫn đến xung đột quân sự? Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cần phải trả lời trước 3 câu hỏi sau đây:
Một là Mỹ có quyết tâm đến đâu trong vấn đề Biển Đông, hai là phản ứng của Trung Quốc sẽ tới đâu và ba là các quốc gia trong khu vực, đặc biệt các đồng minh, đối tác của Mỹ, sẽ phản ứng ra sao?
Ưu tiên số một
Có một điều chắc chắn rằng không ai kể cả Trung Quốc ngay bây giờ thực sự muốn có chiến tranh trong khu vực. Đơn giản không ai muốn đập cái chén cơm mà mình đang ăn.
Hoa Kỳ từng lặp đi lặp lại nhiều lần về ưu tiên hàng đầu của họ trong vấn đề “Biển Đông”. Hoa Kỳ không quan tâm chuyện “chủ quyền”. Cái mà Hoa Kỳ cho là quan trọng là sự di chuyển tự do trong khu vực cả trên đường biển lẫn trên bầu trời.
Bất cứ sự cản trở nào từ bất cứ quốc gia nào trong khu vực đều đẩy Hoa Kỳ vào thế phải ra tay. Cho nên, sự lấn lướt của Trung Quốc trong thời gian qua, đặc biệt gần đây, với sự bồi đắp đảo với những cơ sở quân sự và việc xây hai ngọn hải đăng là giọt nước đầy làm tràn ly.
Hoa Kỳ buộc phải có hành động thích đáng, rõ ràng để Trung Quốc biết đâu là giới hạn và cũng để trấn an củng cố lực lượng đồng minh.
Như câu hỏi số một bên trên nêu ra là liệu Mỹ có quyết tâm đến đâu? Hoa Kỳ hiện nay bị đặt vào thế chẳng đặng đừng nên họ phải có quyết tâm cao độ. Nếu không thì uy tín của Mỹ sẽ không còn và tương lai thì sẽ bị mất hoàn toàn ảnh hưởng trong khu vực.
Chính phủ Obama tuy có yếu kém trong vấn đề Trung Quốc nhưng một phần cũng do vấn đề cắt giảm ngân sách quốc phòng của Quốc hội và những can dự của Hoa Kỳ trên cương vị siêu cường số một thế giới, buộc phải có thái độ cẩn trọng hơn.
Chưa giải quyết xong chiến trường Afghanistan, Irak thì phải đối phó cùng lúc với các điểm nóng khác như Lybia, Ukraine và Syria, Hoa Kỳ cần có sự chia sẻ trách nhiệm của các đồng minh và đối tác.
Đối với Trung Quốc và “Biển Đông”, Tòa Bạch Ốc cũng muốn gom đủ sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ từ Quốc hội cũng như của công luận trước khi có những bước đi cụ thể hơn.
Với những lời tuyên bố chủ quyền “Biển Đông” của Chủ tịch Trung Quốc trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng Chín vừa qua đủ để Tổng thống Obama có những hành động cứng rắn hơn, thể hiện quyết tâm của Hoa Kỳ trong vấn đề bảo vệ an ninh, hòa bình và thịnh vượng chung cho khu vực.
Vì quyền lợi quốc gia, Hoa Kỳ sẽ quyết tâm tăng cường bảo vệ “quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không”, phù hợp theo luật pháp quốc tế.
Phản ứng của TQ
Trước viễn ảnh của một Hoa Kỳ quyết tâm ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc, quốc gia này sẽ không có sự lựa chọn nào khác hơn là chấp nhận bước vào bàn đàm phán. Dĩ nhiên giải thuyết này không thể xảy ra nay mai mà chỉ có thể là một sự kiện có thật khi cả hai bên Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bước qua những cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng.
Chiến lược của Trung Quốc là một bước lùi, ba bước tiến, cứ âm thầm mà tới và chỉ dừng hoặc lùi khi đối phương phản ứng mạnh và rất mạnh. Về chiến thuật, Trung Quốc dùng "mê hồn trận" cùng lúc mở nhiều mặt trận khác nhau với mục đích làm tiêu hao lực lượng đối phương, nhất là đánh đòn cân não lên “tâm lý” đối phương.
Hoa Kỳ với một chế độ chính trị tự do, dân chủ và thực dụng, người dân Mỹ sẽ không có đủ “kiên nhẫn cần thiết” để chơi màn "mèo vờn chuột" dẳng của Trung Quốc.
Cho nên, vì sao Trung Quốc mới có tuyên bố rằng họ sẽ làm hết sức để tránh đụng độ, va chạm quân sự như lời của tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quân sự Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, phát biểu hôm 17/10 tại một hội nghị khu vực ở Bắc Kinh, với sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng Đông Nam Á (ASEAN).
Ông nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng vũ lực một cách cẩu thả, ngay cả trong các vấn đề chủ quyền, và đã làm hết sức để tránh xung đột bất ngờ.”
Mặc dù trước đó bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Mỹ cần làm rõ quan điểm và yêu cầu các nước nên tránh “cách tiếp cận liều lĩnh và gây hấn để duy trì hòa bình và ổn định khu vực”.
Bà Hoa nói tiếp thêm rằng trong khi Trung Quốc khuyến khích tự do hàng hải trong khu vực, điều đó “không có nghĩa là tàu quân sự và máy bay nước ngoài có thể tự do đi vào không phận và hải phận của nước khác. Trung Quốc sẽ duy trì vững chắc chủ quyền lãnh thổ của mình”.
Như câu hỏi số hai được nêu ra là liệu phản ứng của Trung Quốc sẽ tới đâu? Câu trả lời đơn giản và ngay lập tức là rất mạnh nhưng chủ yếu chỉ là “võ mồm và đại bác vòi rồng”. Tuy Trung Quốc không phải là “cọp giấy” nhưng rất sợ đụng độ thật vì Trung Quốc còn đang cần thời gian để chuẩn bị lực lượng. Nổ súng bây giờ đối với Trung Quốc là đồng nghĩa với tự sát.
Thái độ đồng minh
Sau khi Hoa Kỳ thông báo cho Úc biết ý định tuần tra ở “Biển Đông” thì ngày 15/10, Bộ trưởng Thương mại, Andrew Robb trả lời trên đài truyền hình của hãng tin Bloomberg tại Hồng Kông rằng, Úc “không đứng về phe nào” và “không tham dự vào các hoạt động giám sát hay bất kỳ một động thái nào của Mỹ” ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Úc, Julia Bishop, hôm 19/10, chính thức tuyên bố từ chối tham gia với lý do sáng kiến này “chưa đi vào thực hiện” nhưng sẽ ủng hộ về ngoại giao.
Động thái này tuy bất ngờ nhưng không khó hiểu khi phân tích về những lợi ích kinh tế của Úc với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trao đổi thương mại Úc-Trung gần 100 tỷ USD và cán cân phần lợi nghiêng về phía Úc trong khi giao thương Úc-Mỹ chỉ ở mức 37 tỷ USD và Úc nhập siêu từ Mỹ theo số liệu năm 2013 của Ủy ban Thương mại Úc (Austrade).
Bất cứ một sự đối đầu nào của Úc với Trung Quốc trước mắt đều gây tổn hại kinh tế cho Úc, nhưng về lâu dài, nếu Mỹ thật sự quyết tâm đặt luật chơi mới cho khu vực, Úc không có sự lựa chọn nào khác hơn là đi với Mỹ.
Tuy Nhật Bản, một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực chưa lên tiếng cụ thể về việc này vì Mỹ chưa chính thức đề nghị nhưng có nhiều khả năng cuối cùng chỉ có Mỹ và Nhật Bản sẽ thực hiện dự án “tự do hàng hải” này.
Đây là nhu cầu sống còn của Nhật Bản vì thứ nhất, “Biển Đông là trục lộ hàng hải duy nhất nối Nhật Bản với Ấn Độ Dương, Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi, những thị trường quan trọng của Nhật, nếu làm ngơ với Trung Quốc chỉ chuốc họa vào thân sau này.
Thứ hai, Nhật Bản đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, Nhật Bản không thể cho Trung Quốc thấy liên minh Mỹ-Nhật lỏng lẻo.
Và thứ ba, Nhật Bản không có tranh chấp gì ở Biển Đông nên có lý do chính đáng để cùng Mỹ tuần tra trong khu vực nhân danh quyền “tự do hàng hải”.
Theo báo Telegraph của Ấn Độ, hôm 19/10, Mỹ có thông báo cho Ấn Độ về dự án “tự do hàng hải” này, nhưng hiện giờ chính phủ Ấn Độ chưa có câu trả lời chính thức.
Việc Ấn Độ có tham gia hay không tùy thuộc vào những thỏa thuận mà Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi đã đồng ý trước đây. Chính phủ Ấn Độ đang xem xét, phân tích lợi hại về những lợi ích chiến lược lâu dài trong khu vực và toàn cầu mà Mỹ hứa sẽ mang lại cho Ấn Độ.
Đối đầu hay hợp tác?
Liệu Mỹ có thực hiện dự án “tự do hàng hải”? Câu trả lời dứt khoát là Mỹ sẽ đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý của những đảo nhân tạo được xây dựng trái phép này vì theo luật biển quốc tế thì những đảo này không có 12 hải lý như lãnh hải, đồng thời việc công nhận chủ quyền của những đảo này còn là vấn đề tranh chấp mà chỉ có luật pháp quốc tế mới có thẩm quyền.
Với những phân tích bên trên, Hoa Kỳ không có sự lựa chọn nào khác hơn là phải thách thức Trung Quốc để buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán và đưa vấn đề này ra một tòa án quốc tế về biển để được nghe Trung Quốc giải thích cụ thể về chủ quyền của họ nằm trong đường 9 đoạn trên “Biển Đông”.
Hoa Kỳ dĩ nhiên muốn tạo được một liên minh để thực hiện dự án này nhưng nếu thậm chí chỉ một mình Hoa Kỳ vẫn phải làm để chứng minh cho các đồng minh và đối tác trong khu vực về quyết tâm của Hoa Kỳ. Vì chỉ có như thế thì mới không còn ai còn có nghi ngờ về thái độ của Hoa Kỳ. Không ai có thể trách cứ là Hoa Kỳ chỉ nói nhưng không làm và có thể “bán đứng” họ.
Nếu vậy thì khả năng đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không còn là giả thuyết nữa nhưng liệu sự đối đầu này có dẫn tới xung đột quân sự không thì câu trả lời dứt khoát sẽ là không!
Như đã phân tích, giải pháp quân sự đối với Trung Quốc trong thời điểm là 'tự sát', ngoại trừ, nội tình Trung Quốc có loạn.
Đối với Chủ tịch Tập Cận Bình trong giai đoạn này, việc củng cố quyền lực của ông ở Bắc Kinh là ưu tiên số một, dứt điểm tàn dư của các thế lực chống ông trong đảng. Ưu tiên thứ hai của ông là kích thích tăng trưởng kinh tế để ổn định chính trị, xã hội. Nếu ông thất bại kinh tế, Trung Quốc sẽ bị rơi vào loạn lạc.
Ưu tiên thứ ba của ông là ngoài việc tăng vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, việc cấp bách phải làm là phải đầu tư nhiều vào quốc phòng với mục đích thứ nhất thỏa mãn thành phần “diều hâu” trong đảng và, mục đích thứ hai cũng để hiện đại hóa quân đội xứng đáng là một cường quốc.
Sắp có đáp số
Cuối cùng, sự căng thẳng hiện nay ở “Biển Đông” là một chỉ dấu tốt báo hiệu “bài toán Biển Đông” sắp có đáp số.
Trung Quốc biết chắc rằng không bao giờ họ có thể có được toàn bộ “Biển Đông” nhưng họ vẫn đưa ra yêu sách tối đa để được chia phần nhiều hơn!
Giải pháp cuối cùng của “Biển Đông” sẽ là sự hợp tác đa quốc gia trong một tổ chức cấp khu vực bao gồm các nước đang có tranh chấp chủ quyền và các quốc gia có liên quan và/hoặc có quyền lợi ở “Biển Đông” để cùng quản lý và khai thác.
Nếu Trung Quốc là nước có đòi hỏi chủ quyền nhiều nhất ở Biển Đông và Việt Nam là nước có nhiều chủ quyền lãnh hải ở đây nhất, thì Việt Nam sẽ là nước bị thiệt thòi nhiều nhất trong khi Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ bất cứ một giải pháp nào cho “Biển Đông”.
Nhưng sự thiệt thòi của Việt Nam có thể hạn chế được nếu Đảng Cộng sản Việt Nam có chiến lược chuyển trục kịp thời hầu huy động được sức mạnh tổng lực của toàn dân trong công cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền, lãnh hải và những quyền lợi chính đáng, hợp pháp khác của chúng ta ở Biển Đông.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, luật sư, đồng thời là Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam tại Canada.
No comments:
Post a Comment