Theo BBC-25 tháng 10 2015
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, khẳng định điều ông gọi là quá trình bắt giữ và tạm giam Đỗ Đăng Dư đã được Công an huyện Chương Mỹ “thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”.
Trong phát biểu chính thức đầu tiên kể từ vụ thiếu niên Đỗ Đăng Dư bị đánh chết trong khi bị tạm giam, lãnh đạo Công an Hà Nội được truyền thông trong nướcdẫn lời nói sẽ “sớm đưa ra kết luận”.
“Trong quá trình giam giữ, Dư là vị thành niên phạm tội nên đã được đưa vào buồng tạm giữ, tạm giam dành cho người vị thành niên theo đúng quy định của pháp luật.
"Ngay sau khi nắm bắt được thông tin Dư bị đối tượng cùng buồng đánh, Công an Thàng phố Hà Nội chỉ đạo Trại tạm giam số 3 phối hợp với gia đình và Bệnh viện Bạch Mai cứu chữa tích cực. Trong quá trình đó đều thông tin cho gia đình biết, nhưng rất tiếc nạn nhân đã không qua khỏi.
“Sau đó Công an Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hà Nội vào cuộc phối hợp với viện kiểm sát khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai và đã tiến hành khởi tố vụ án, đưa đối tượng cùng giam giữ, cùng buồng vào Trại giam số 1 để sớm kết luận.
"Trong quá trình điều tra, chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ quản giáo, nếu có sai phạm thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật," ông Chung nói.
Trong khi đó Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói việc Đỗ Đăng Dư bị đánh chết trong trại giam của công an Hà Nội có dấu hiệu của ' tội phạm tư pháp' và cần phải mở điều tra độc lập [như việc đưa Viện kiểm sát vào] mà không nên để ngành công an tự điều tra lấy.
Luật sư Trần Thu Nam, người được gia đình của Đỗ Đăng Dư ủy nhiệm và đề nghị hỗ trợ tư pháp, và chứng kiến tại cuộc giảo nghiệm tử thi của bị can vị thành niên mô tả nguyên nhân dẫn đến Dư bị “phù não” là do có một vết thương tròn và một vết thương nữa là ở gốc, cái gọi là đốt sống ở trên cùng mà tiếp giáp với sọ não, bị giập và bị tổn thương, dẫn đến việc giập mạch máu ở đốt sống trên cùng đó, dẫn đến việc không đưa máu lên trên não để nuôi não được.
"Nguyên nhân tại sao dẫn đến cái giập của đốt sống đó thì nó sẽ dẫn đến việc có vết thương ở trên chán bên tay phải, có thể là do một lực gì đó tác động vào trên phần trán này dẫn đến việc mà... cái đầu xoay quá mức, có thể bị ngửa lên trên, dẫn đến việc bị tổn thương của đốt sống sau cùng..."
Đỗ Đăng Dư, đang ở tuổi vị thành niên, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội, khởi tố và tạm giam khoảng hai tháng về hành vi được mô tả là bị "bắt quả tang" trộm cắp tài sản.
Thông tin chính thức của Bộ Công an Việt Nam nói: “Khi vào Trại tạm giam, Dư được bố trí tạm giam tại buồng C15 (dành cho người chưa thành niên), khu C, cùng buồng với 03 bị can là Vũ Văn Bình (sinh năm 1998), Nguyễn Nam Trường (sinh năm 1998), Lê Đức Anh (sinh năm 1998).”
Mẹ nạn nhân Đỗ Đăng Dư nói bà rất đau lòng vì “ công an ngăn gia đình vào thăm Dư trong bệnh viện và bác sĩ không nói rõ bệnh tình của Dư mà chỉ bảo gia đình chuẩn bị tâm lý cho điều xấu nhất. Đến lúc Dư mất, gia đình vẫn không có trong tay giấy tờ nào làm bằng chứng về vụ việc”.
Bà hối tiếc vì đã “ký giấy của công an mà ban đầu chỉ nghĩ là giúp Dư đi giáo dưỡng vài tháng để bớt ham chơi”.
Hôm 14/10, bà Đỗ Thị Mai, nói với BBC quan điện thoại rằng hiện gia đình phó thác mọi chuyện tiếp theo cho luật sư.
Hôm 12/10, luật sư Ngô Ngọc Trai, giám đốc công ty luật Công Chính, cho BBC biết ông và một số đồng nghiệp đã cùng ký vào ‘đơn trình báo’ gửi Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Giám đốc Công an Hà Nội.
Trước mắt, đơn của các luật sư đề nghị tạm đình chỉ công tác với thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chương Mỹ, người đã ký quyết định tạm giữ và tạm giam Đỗ Đăng Dư “để phục vụ cho việc điều tra xác minh và xử lý sai phạm” và sau đó “tiến tới chấp nhận các đề xuất cải cách tư pháp”.
Vụ Đỗ Đăng Dư bị đánh chết gây phẫn nộ trong dư luận tại trong vài ngoài nước, đặc biệt trên trang mạng xã hội.
Đoàn Bảo Châu, một nhà báo, blogger, phóng viên ảnh đang sống tại Hà Nội, viết bài 'Nỗi khát khao chính đáng và cần thiết' so sánh à cách báo chí trong nước đưa tin vụ này với “một hài kịch được đạo diễn thô thiển vụng về”.
“Thời gian cháu Đỗ Đăng Dư nằm hôn mê suốt 5 ngày ở bệnh viện Bạch Mai, trong khi cộng đồng Facebook xôn xao thì cả nền báo chí cách mạng im lặng như thể mắc hội chứng câm điếc tập thể.
“Thế nhưng khi cháu vừa qua đời, đồng loạt các báo bỗng ào lên như bị cùng tiêm một loại thuốc động kinh, cùng đưa một nội dung, có chăng chỉ khác vài câu chữ không quan trọng và tên tác giả bên dưới,” ông Đoàn Bảo Châu viêt.
Mạng xã hội chia sẻ một video cho thấy có một nhóm người vào nhà gia đình bố mẹ Đỗ Đăng Dư khi đang tổ chức tang lễ cho con mình và dùng vũ lực kéo một người đến viếng ra ngoài nhà và mô tả người này là "phản động, bán nước".
Nhóm người ăn mặc thường phục được cư dân mạng mô tả là "dư luận viên" này đã bị gia đình bố mẹ Đỗ Đăng Dư đuổi gia ngoài.
No comments:
Post a Comment