Monday, September 7, 2015

Trí thức Việt Nam có thể làm được gì cho đất nước?

Việt Hoàng -08/09/2015
Theo Thông Luận
Chính quyền Việt Nam đang tưng bừng kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh 2/9 và Cách mạng Tháng 8 với những hoạt động vô cùng tốn kém và nhiều lời lẽ khuếch trương, tâng bốc đảng cộng sản lên tận mây xanh. Người yếu bóng vía nghe xong có thể cảm động khóc rưng rức vì tin rằng nếu không có đảng cộng sản quang vinh và bác Hồ vĩ đại thì sẽ không có họ ngày hôm nay…
Yêu-ghét, khen-chê, thích-không thích là cảm xúc của từng người và chúng ta nên tôn trọng các cung bậc cảm xúc đó. Có điều chắc chắn là không phải người dân nào cũng hồ hởi, phấn khởi chào đón ngày lễ mà đáng ra nó xứng đáng được ghi nhận và tự hào. Tại Sài Gòn, nhà văn Phạm Đình Trọng quyết định “ở nhà” trong ngày 2/9 để suy tư về thân phận của con người và đất nước Việt Nam để rồi “nhận ra trách nhiệm của một người Việt chân chính”.
Từ Na-uy nữ đạo diễn Song Chi cay đắng thốt lên rằng, có lẽ người Việt chưa đủ đau đủ nhục chăng? Và bà tự đặt câu hỏi cho mình và cho cả lương tri người Việt “Bao giờ thì nỗi đau, nỗi nhục, nỗi giận dữ của chúng ta đủ mạnh để biến thành hành động?
Tuy rằng ba vị trí thức nói trên không đại diện cho cả tầng lớp trí thức Việt Nam nhưng ít nhiều nó đã phản ánh được tâm tư và trăn trở của những người trí thức chân chính. Suy nghĩ của họ đã vượt lên một tầm cao mới. Từ trước tới giờ, trí thức Việt Nam chỉ quanh quẩn trong việc chỉ trích những cái sai của đảng cộng sản và sau đó là góp ý, đề nghị với hy vọng là chế độ sẽ thay đổi tốt hơn và sau cùng là…ngồi đợi. Chấm hết.
Ngày hôm nay họ đã có một thái độ giận dữ và bức xúc thật sự. Họ không còn ngọt nhạt, rào trước đón sau như mọi khi. Họ đã nói thẳng, nói thật và chỉ đích danh thủ phạm của sự tụt hậu mà Việt Nam đang gánh chịu ngày hôm nay chính là đảng cộng sản.
Không những thế họ còn đi xa hơn (vì đã mất hoàn toàn kiên nhẫn sau 70 năm năn nỉ và hy vọng) khi đặt những câu hỏi như: “đâu là trách nhiệm của một người Việt chân chính?”, “còn tương lai, chúng ta sẽ để mặc nó cho một nhóm người quyết định hay chính chúng ta sẽ quyết định chọn một tương lai khác với cái hiện tại đầy nhức nhối này?”, “Bao giờ thì nỗi đau, nỗi nhục, nỗi giận dữ của chúng ta đủ mạnh để biến thành hành động?”…
Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ và đồng ý với các vị trí thức trên rằng đã đến lúc thôi đừng chỉ trích hay chửi bới đảng cộng sản nữa. Chửi thế chứ chửi nữa cũng không thể làm cho chế độ này sụp đổ được. Hãy để những người dân oan mất đất, những nạn nhân trực tiếp hàng ngày mà chế độ gây ra… làm việc đó. Trí thức Việt Nam phải đi nhanh hơn, đi trước để dẫn dắt và hướng dẫn cho người dân. Đừng làm cho người dân, vì chịu đựng quá lâu mà không có một tia hy vọng nào để rồi họ tuyệt vọng trong chán chường. Một người dân oan mất đất phải tự thiêu đó là lỗi của chúng ta, những người được xem là trí thức, ở trong đó.
Chúng tôi cũng cho rằng là đã đến lúc trí thức Việt Nam cần thay đổi tư duy và hành động. Chúng ta cần thay đổi tư duy cũ rằng người trí thức sinh ra là để làm quan và phục vụ chính quyền bằng tư duy mới là người trí thức phải luôn đi trước về tư tưởng lẫn hành động để dẫn dắt và hướng dẫn cho quần chúng. Suy cho cùng thì với bất cứ một quốc gia nào, trong bất cứ thời điểm nào hay hoàn cảnh nào thì sứ mệnh và vai trò của giới trí thức vẫn là tiên phong và đại diện cho dân tộc đó. Vinh hay nhục, phát triển hay tụt hậu, phồn vinh hay nghèo khổ đều do tầng lớp trí thức mà ra. Người dân không có lỗi vì người dân nơi nào cũng thế, đa số chỉ lo làm ăn và không mấy quan tâm đến chính trị. Đặc tính của quần chúng là không kiên nhẫn, không lãng mạn và rất thực dụng (luôn tìm các giải pháp cá nhân như luồn lách để tồn tại).
Tầng lớp trí thức Việt Nam đã có một bước nhảy vọt về tư duy đó là chuyển từ trạng thái thụ động, chờ đợi sang tâm thế bức xúc và sẵn sàng hành động. Vấn đề quan trọng bậc nhất mà giới trí thức Việt Nam cần mổ xẻ và tìm đồng thuận ngay bây giờ là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Chúng ta cần hành động những gì và hành động như thế nào? Rõ ràng là phong trào dân chủ và trí thức Việt Nam vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, đồng thuận chung trên vấn đề này. Đây cũng là lý do chính khiến đối lập dân chủ chưa thuyết phục được quần chúng Việt Nam.
Đã đến lúc trí thức Việt Nam cần đoạn tuyệt với tư duy xin xỏ, năn nỉ, khuyên nhủ chính quyền cộng sản Việt Nam thay đổi về hướng dân chủ. Họ sẽ không bao giờ làm điều đó nếu trước mặt họ không có một tập hợp dân chủ hùng mạnh và có tầm vóc được đa số người dân ủng hộ. Cộng sản chỉ thay đổi khi không thể không thay đổi. Vẫn có những trí thức không hiểu được điều này nên họ vẫn kêu gọi đảng cộng sản phải thay đổi, phải thế này, phải thế nọ… Thế nếu đảng cộng sản không thay đổi thì sao? Chúng tôi không thấy những trí thức đó đưa ra bất cứ giải pháp nào.
Trở lại với ba vị trí thức tiêu biểu mà chúng tôi đề cập ở trên thì có thể thấy rằng họ đã nhận ra một điều rất căn bản của sự tranh đấu đó là phải có tổ chức. Bà Từ Huy cổ vũ cho các tổ chức “xã hội dân sự”, ông Phạm Đình Trọng cũng đã tham gia vào một tổ chức thuộc xã hội dân sự là “Văn Đoàn Độc Lập”. Trong thời gian qua các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam có những bước tiến và đột phá rất ngoạn mục, gần 20 tổ chức như vậy đã ra đời và có các hoạt động rất bổ ích.
Nếu đa số trí thức Việt Nam hiểu ra được một điều rằng tranh đấu cần có tổ chức thì đó là một sự thay đổi lớn. Không có tổ chức thì sẽ không có sức mạnh và sự thu hút. Các nhân sĩ (hoạt động chính trị độc lập, không thuộc một tổ chức chính trị nào) chỉ là những chiếc đũa và chính quyền cộng sản dễ dàng bẻ gẫy họ.
Các tổ chức thuộc về xã hội dân sự dù phát triển mạnh mẽ đến đâu cũng không thể thay thế cho các tổ chức chính trị dân chủ đối lập. Vì sao thì chúng tôi đã giải thích nhiều lần, một tổ chức xã hội dân sự chỉ có một vài mục tiêu cụ thể và giới hạn. Các tổ chức xã hội dân sự không có tham vọng cầm quyền vì các tổ chức này độc lập với mọi chính quyền. Trong khi đó các tổ chức chính trị dân chủ đối lập là có tham vọng cầm quyền để thực thi những chương trình mà họ đã đề nghị trước đó.
Như vậy, chúng ta cần đi đến một kết luận quan trọng là muốn Việt Nam thay đổi và có dân chủ thì trí thức Việt Nam cần tiến thêm một bước quyết định nữa đó là hãy dấn thân chính trị bằng cách tham gia vào một tổ chức chính trị dân chủ đối lập, góp phần tạo ra một lực lượng chính trị khác ngoài đảng cộng sản nhằm tạo ra một đối trọng hùng mạnh và có tầm vóc, buộc đảng cộng sản phải ngồi vào bàn đàm phán để thay đổi Việt Nam về hướng dân chủ một cách dứt khoát và trong hòa bình.
Chúng tôi mạnh mẽ khẳng định rằng nếu không có một lực lượng chính trị đối lập hùng mạnh làm đối trọng thì đảng cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi. Mọi cải cách mà đảng cộng sản đề nghị chỉ là để câu giờ và kéo dài sự cai trị của đảng cộng sản. Cuộc tranh đấu mà chúng ta đang theo đuổi là một cuộc cách mạng thật sự, rất cam go và quyết liệt chứ không hề đơn giản. Chúng ta cố gắng để cuộc cách mạng này diễn ra trong hòa bình và không có bạo lực. Chúng tôi rất đồng ý với tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ với bài phân tích rất rõ ràng về chủ đề này trên BBC (Cách mạng bất bạo động cho Việt Nam)
Có nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan khiến cho tầng lớp trí thức Việt Nam, không phải ai cũng có thể tham gia vào một tổ chức chính trị. Tuy nhiên một việc mà mọi trí thức Việt Nam đều có thể làm được và nên làm đó là hãy xem việc mình không tham gia vào một tổ chức chính trị như là một ngoại lệ thay vì một thông lệ. Trí thức Việt Nam cần nhìn nhận sự hạn chế của bản thân thay vì xem đó là một lựa chọn “sáng suốt” khi không tham gia vào một tổ chức chính trị. Chúng tôi ghi nhận và biết ơn nhà văn Phạm Đình Trọng rất nhiều khi ông đã bỏ thời gian để đọc Dự Án Chính Trị 2015 (DACT 2015)-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai và rồi có bài viết “Một luận cương khai sáng”.
Chúng tôi cho rằng tư tưởng và nhận thức chính trị của ông Phạm Đình Trọng đã đạt đến mức cao nhất khi ông cho rằng “sứ mệnh lịch sử đầu tiên của luận cương Khai Sáng chính là thức tỉnh những trí thức yêu nước và tập hợp họ lại thành đội ngũ trí thức chính trị và đội ngũ trí thức chính trị đó sẽ đưa luận cương Khai Sáng vào đời sống chính trị đất nước, đưa đất nước Việt Nam thân yêu từ bóng đêm nô lệ độc tài ra ánh sáng dân chủ, phát triển”.
Một câu hỏi rất thú vị liên quan đến DACT 2015 của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) đó là liệu dự án chính trị này có đánh bại được chế độ độc tài hay không? Ông Nguyễn Gia Kiểng đã trả lời rất rõ ràng với tấ cả sự khiêm tốn rằng, nếu đối lập dân chủ Việt Nam làm đúng như lộ trình năm bước mà chúng tôi đề nghị thì cũng có thể chưa chắc đã thành công nhưng nếu không làm theo lộ trình năm bước đó thì chắc chắn là sẽ thất bại. Chúng tôi cho rằng một cuộc “vận động tư tưởng” phải đi trước một cuộc “vận động chính trị” hay một cuộc cách mạng. Chiến thắng về tư tưởng sẽ dẫn đến chiến thắng về chính trị. Không có một lộ trình, không có một giải pháp thay thế cho giải pháp cộng sản hiện nay, không có một tương lai đáng mơ ước cho mọi người Việt Nam thì cuộc tranh đấu này sẽ bế tắc vì không động viên được quần chúng.
Chúng tôi xin trả lời một thắc mắc nữa của một thân hữu là “Làm thế nào để DACT 2015 đến được với đa số người dân Việt Nam? Liệu có được bao nhiêu người Việt Nam biết đến dự án chính trị này?”. Đây là một câu hỏi rất thú vị và thật ra là chúng tôi đã trả lời rồi, tuy nhiên chúng tôi sẽ kiên nhẫn nhắc lại, hy vọng là mọi người sẽ hiểu và chia sẻ với chúng tôi. Sự thật là không có một tác phẩm tư tưởng nào viết trực tiếp cho quần chúng, kể cả những tác phẩm dành riêng cho quần chúng. Ví dụ giáo lý hay kinh thánh của các tôn giáo như Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo… Các giáo sĩ của các tôn giáo này đã liên tục giảng giải giáo lý của mình trong suốt hơn hai nghìn năm qua và vẫn tiếp tục công việc đó hàng ngày hàng giờ. Chủ nghĩa Mác-Lênin rõ ràng là độc hại và ảo tưởng nhưng sỡ dĩ nó đến với quần chúng các nước kém phát triển là nhờ sự tuyên truyền của tầng lớp trí thức các nước đó.
DACT 2015 của THDCĐN cũng vậy. Tác phẩm tư tưởng này chỉ có thể đến được với đa số người dân Việt Nam qua sự trung gian và chuyên chở của tầng lớp trí thức Việt Nam nói chung và của các thành viên THDCĐN nói riêng. Suy cho cùng thì bất cứ một tư tưởng mới mẻ nào cũng cần đến sự kiểm tra và sàng lọc của tầng lớp trí thức tinh hoa. Nếu không thuyết phục được giới trí thức thì không thể nào thuyết phục được người dân và nếu chỉ nhắm vào thuyết phục người dân mà bỏ qua giới trí thức thì cũng không thể thành công và thành công nếu có, cũng rất mong manh và nguy hiểm.
Như vậy, nếu trí thức Việt Nam đã nhận ra rằng Việt Nam cần có một cuộc cách mạng triệt để và ôn hòa để thay đổi số phận cho dân tộc Việt Nam thì cần lên tiếng ủng hộ cho một tư tưởng chính trị lành mạnh và đúng đắn để tạo ra được một lực lượng chính trị lương thiện và có trách nhiệm với đất nước. Cuối cùng là tham gia vào lực lượng chính trị yêu nước đó để cùng mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên của dân chủ và tự do thật sự.

Việt Hoàng

 https://www.danluan.org/tin-tuc/20150907/viet-hoang-tri-thuc-viet-nam-co-the-lam-duoc-gi-cho-dat-nuoc#sthash.GkAc4kJh.dpuf

No comments:

Post a Comment