Theo Người đưa tin-09-07-2015
Sự quy hoạch nhiều dự án với nguồn vốn đầu tư lớn trong thời gian gần đây của ban lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã vấp phải những ý kiến trái chiều trong dư luận.
Văn Miếu của tỉnh Vĩnh Phúc đang được xây dựng. Nguồn Vnexpress.net
Vĩnh Phúc là một trong bảy tỉnh, thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế – xã hội, tạo đà cho sự thi đua phát triển cùng nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Không thể phủ nhận một điều rằng trong những năm qua, kinh tế – xã hội của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục tăng, trong đó năm 2014, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh đạt 54.690 tỷ đồng, tăng 6,11% so với năm 2013, cao hơn mức bình quân của cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2014 đạt 20.488,5 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2013, cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của tỉnh đạt 61,81 điểm, xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng PCI của 63 tỉnh thành trên cả nước, vượt trên cả thủ đô Hà Nội tới 20 bậc.
Với những con số ấn tượng trên, việc một lãnh đạo cấp cao của tỉnh tự tin phát ngôn với một phóng viên báo chí rằng: “Ai bảo khó khăn? Mày có biết là ngân sách của Vĩnh Phúc là đứng thứ bao nhiêu cả nước không?” cũng là điều dễ hiểu. Với tư tưởng đó, Vĩnh Phúc quyết tâm xây một Văn Miếu, một Trung tâm thể thao để sánh ngang với Văn Miếu và các sân vận động Hàng Đẫy, Mỹ Đình của Hà Nội.
Tuy nhiên nếu đem những con số trên so với Hà Nội, Vĩnh Phúc vẫn còn thua kém một khoảng cách dài. Theo báo cáo Tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2014, tăng trưởng kinh tế Hà Nội đạt 8,8% so với năm 2013, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 130.100 tỷ đồng, gấp rất nhiều lần Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn năm 2014 được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công bố, toàn tỉnh có 10.317 hộ nghèo, chiếm 3,6% và 10,866 hộ cận nghèo, chiếm 3,8%. Địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là huyện Sông Lô với 1.659/26.258 hộ, chiếm 6,3%.
Trong tình hình trên, việc lãnh đạo tỉnh phê duyệt và tiến hành một loạt các dự án với tổng số vốn đầu tư lớn đang đem tới nhiều ý kiến trái chiều.
Trong một bài trả lời phỏng vấn báo An ninh tiền tệ, Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc – ông Bùi Minh Hồng cho rằng cần thiết phải đầu tư xây dựng các công trình lớn nhằm phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội chung của tỉnh. Thậm chí ông còn khẳng định: “Quy hoạch là được Chính phủ phê duyệt. Bọn anh còn làm nhiều cái việc còn lớn hơn thế.”
Vĩnh Phúc là một trong bảy tỉnh thuộc vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, do vậy đòi hỏi tất cả mọi mặt đều phải phát triển, từ kinh tế, văn hóa, xã hội…vv. Để làm được điều đó, cần có sự đầu tư mạnh mẽ, xây dựng các công trình lớn nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển.
Việc xây dựng Văn Miếu, Trung tâm thể thao quy mô lớn không chỉ góp phần vào sự phát triển của văn hóa, thể thao của tỉnh, mà còn tạo ra sư phát triển cho các mảng dịch vụ, du lịch. Để chứng minh cho điều đó, ông Bùi Minh Hồng đã nêu ra hiệu quả của các sân vận động Hàng Đẫy, Mỹ Đình khi được xây dựng và đưa vào hoạt động.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Trung tâm thể thao tại Vĩnh Phúc được cho là đã nằm trong quy hoạch của chính phủ. Mỗi tỉnh đều phải có một trung tâm thể thao theo quy định của Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch. Với những yếu tố trên, Vĩnh Phúc hoàn toàn có thể xây dựng một Trung tâm thể thao như Hà Nội.
Mặc dù trên lý thuyết, lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội của các công trình, dự án quy mô lớn như Văn Miếu và Trung tâm thể thao của tỉnh Vĩnh Phúc là rất cao, tuy nhiên xét trên điều kiện thực tiễn, khi được hoàn thành và đưa vào hoạt động thì hiệu quả mà chúng đem lại không như kỳ vọng.
Công trình Văn Miếu được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt và đầu tư xây dựng có chi phí gần 300 tỷ với quy mô đồ sộ nằm trên diện tích 4,2ha, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016, tuy nhiên đến nay lãnh đạo tỉnh vẫn lung túng chưa biết nên đưa ai vào thờ bên trong Văn Miếu. Chưa kể đến việc Vĩnh Phúc đất rộng người thưa, sau khi công trình hoàn thành thì sẽ được bao nhiêu khách tới thăm quan để dịa phương có thể phát triển thêm về dịch vụ, du lịch. Muốn thu hút được lượng khách tham quan đông đảo như Văn Miếu tại Hà Nội, các cấp lãnh đạo của tỉnh sẽ còn phải có những chiến lược lâu dài hơn nữa.
Việc quy hoạch và xây dựng Trung tâm thể thao của tỉnh tuy là cần thiết, nhưng với quy mô xây dựng trên diện tích 51ha và con số đầu tư 5.600 tỷ đồng được cho là quá lớn so với điều kiện của tỉnh hiện nay, chiếm tới 25% tổng thu ngân sách của tỉnh. Nếu so với sân vận động Mỹ Đình có tổng số vốn đầu tư là trên 1.000 tỷ đồng (năm 2003) thì cũng không hơn không kém. Điều đáng nói là sân vận động Mỹ Đình là một khu liên hợp thể thao quốc gia, và mặc dù nằm giữa lòng Hà Nội nhưng sân Mỹ Đình cũng chỉ hoạt động khoảng 60% công suất được thiết kế, trong khi số tiền trích từ ngân sách nhà nước để trùng tu, bảo dưỡng các hạng mục hàng năm là rất lớn. Sân vận động Hàng Đẫy của Hà Nội cũng đang nằm trong tình cảnh tương tự khi chỉ hoạt động khoảng 50% công suất và xuống cấp do thiếu chi phí trùng tu, bảo dưỡng.
Vấn đề đặt ra hiện nay đối với Vĩnh Phúc là đã nên xây dựng một trung tâm thể thao lớn như vậy hay chưa? Khi mà 100% nguồn vốn xây dựng đều lấy từ ngân sách Nhà nước, trong khi tỉnh còn nhiều dự án cơ sở hạ tầng cấp thiết khác cần đầu tư để phát triển kinh tế, nhiều công trình văn hóa cấp xã, cấp huyện vẫn còn thiếu hoặc xuống cấp cần được xây dựng hoặc trùng tu. Câu trả lời xin giành cho các nhà lãnh đạo tỉnh…/.
Theo Người đưa tin
No comments:
Post a Comment