VIỆT NAM (NV) - Đoạn đường từ ngã ba Tân Vạn, Đồng Nai về thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương dài gần 10 cây số nhưng có đến 5 trạm thu phí đường bộ, khiến các chủ xe hơi, xe tải chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Trạm thu phí lớn nhất ở cửa ngõ phía Đông thành phố Sài Gòn. (Hình: Báo Lao Động)
Theo báo Lao Động, không khó để tìm ra những cung đường với trạm thu phí dày đặc tại miền Đông Nam Bộ. Ngoài đoạn đường trên, từ thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đi thành phố Vũng Tàu, lái xe phải nộp phí 8 lần. Đi từ Bình Chánh, Sài Gòn xuống Vũng Tàu với cự ly chỉ gần 140 cây số, mỗi chiếc xe lần lượt qua 5 trạm thu phí, gồm các trạm trên đường Nguyễn Văn Linh, trạm cầu Phú Mỹ, trạm thu phí Long Phước (đường cao tốc Sài Gòn-Long Thành - Dầu Giây), trạm thu phí QL 51 và trạm thu phí cầu Cỏ May.
Trên các trục đường ra vào thành phố Sài Gòn hiện nay có khoảng 10 trạm thu phí đặt tại quốc lộ (QL) 1K, QL 13, QL 51, đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, đường cao tốc Sài Gòn-Long Thành-Dầu Giây.
Theo phúc trình của Bộ Giao Thông vận tải, Việt Nam hiện có 86 trạm thu phí BOT (đầu tư-thu phí-chuyển giao), trong đó, 72 trạm do Bộ Giao Thông Vận Tải Quản Lý, 14 trạm còn lại do các tỉnh-thành ký hợp đồng với nhà đầu tư.
Theo báo Lao Động, qua rà soát, có 53 trạm có khoảng cách đến trạm liền kề trên 70 cây số; 9 trạm có khoảng cách từ 60-70 cây số và 24 trạm có khoảng cách dưới 60 cây số.
Ông Thái Văn Chung, tổng thư ký Hiệp Hội Vận Tải Hàng Hóa thành phố Sài Gòn cho rằng, hiện nay thông tin về các trạm thu phí ở Việt Nam rất mập mờ không rõ ràng nhằm nhiều mục đích khác nhau. Thậm chí có tình trạng dự án ở một nơi, nhưng chủ đầu tư lại đặt trạm thu phí nơi khác có nhiều xe hơn để nhiều người không sử dụng dịch vụ vẫn phải nộp phí.
“Nhà nước cần quy định bắt buộc chủ đầu tư các dự án phải có bảng thông báo đủ lớn, rõ ràng đặt gần trạm thu phí để công bố thông tin thu phí cho công trình nào? Chủ đầu tư là ai? Tổng vốn đầu tư là bao nhiêu? Tổng số tiền hoàn vốn là bao nhiêu? Thời gian thu phí bắt đầu từ ngày nào đến ngày nào... để người dân cùng biết mà tham gia kiểm soát,” ông Chung đề xuất.
Mặc dù theo đúng quy định của Bộ Tài Chính thì khoảng cách tối thiểu phải là 70 cây số một chặng. Thế nhưng trả lời báo Lao Động, Bộ Trưởng Đinh La Thăng nói, “Có những trạm không đủ khoảng cách quy định là do đặc thù. Quan trọng là khoảng cách không đủ thì phải có sự thỏa thuận trước.”
Trước ý kiến này, ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách của Quốc Hội bày tỏ quan điểm, “Nói do đặc thù nên các trạm xây gần nhau, tôi không đồng ý. Luật là luật, chính chúng ta đặt ra luật nên chúng ta phải tuân thủ.”
“Tôi có đi qua khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn, Vũng Tàu thì thấy vị trí trạm thu phí đặt quá dày đặc. Làm như thế chẳng khác nào giăng lưới để tận thu, khiến người dân không còn khoảng trống để thở?!” Ông Hiển nói. (Tr.N)
08-24-2015 2:56:50 PM
No comments:
Post a Comment