Monday, August 24, 2015

Hiệu trưởng ăn chặn hàng trăm triệu đồng của giáo viên như thế nào?

Theo nguoiduatin-24.08.2015

Lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý và sự thiếu hiểu biết của các giáo viên, bà Phan Thị Giang đã câu kết với cấp dưới của mình ăn chặn hàng trăm triệu đồng của họ.

Những ngày gần đây, dư luận Quảng Bình rộ lên thông tin bà Phan Thị Giang, nguyên Hiệu trưởng trường Mầm non Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) câu kết với cấp dưới thân tín của mình ăn chặn hàng trăm triệu đồng tiền hỗ trợ giáo viên miền núi.
Vậy, bằng cách nào bà Phan Thị Giang cùng “cộng sự” thân tín của mình đưa những đồng tiền mà đáng lẽ ra giáo viên phải được hưởng để bay vào túi của mình?.
Từ việc giả chữ ký để rút tiền của giáo viên
Đầu tiên phải kể đến là việc “ăn chặn” tiền lương và phụ cấp của 12 giáo viên dạy hợp đồng tại trường. Theo đó, hàng tháng, bà Nguyễn Thị Xiêm (Kế toán) lập bảng kê chi trả tiền lương và phụ cấp cho giáo viên dạy hợp đồng, có ký duyệt của bà Phan Thị Giang (Hiệu trưởng). Tuy nhiên, số tiền chi trả lại thấp hơn số tiền thực nhận của 12 giáo viên.
Chẳng hạn, trường hợp giáo viên Nguyễn N. có thời gian hợp đồng làm việc tại trường Mầm Non Ngân Thủy là 09 tháng. Theo chứng từ chi trả tiền lương và phụ cấp của nhà trường thì trong 09 tháng tham gia dạy hợp đồng, bà N. được chi trả 57,339 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, bà N. chỉ nhận được 41,280 triệu đồng, số tiền chênh lệch còn thiếu so với bảng lương là 16,059 triệu đồng.
Bằng “thủ thuật” này, bà Nguyễn Thị Xiêm đã “ẵm trọn” số tiền hơn 160 triệu đồng của 12 giáo viên dạy hợp đồng trong năm học 2013 – 2014.
Không chỉ dừng lại ở đó, “e kíp” này còn ăn chặn 17,365 triệu đồng tiền truy lĩnh phụ cấp lâu năm của 5 giáo viên.
Cụ thể, theo tìm hiểu, trong tất cả các phiếu chi kèm theo Bảng kê truy lĩnh tiền phụ cấp lâu năm của Trường Mầm non Ngân Thủy đều có chữ ký của 5 giáo viên được nhận tiền truy lĩnh. Nhưng thực tế thì 5 giáo viên đó chưa ai nhận được số tiền này và chữ ký trên bảng kê chi trả tiền không phải là chữ ký của họ.
Đến việc lập hồ sơ, chứng từ khống làm thêm giờ để rút tiền nhà nước
Trên thực tế, năm 2013 và quý 1 năm 2014 giáo viên trường Mầm Non Ngân Thủy không làm thêm vượt giờ nhưng bà Nguyễn Thị Xiêm (kế toán) đã tham mưu, bàn bạc với bà Phan Thị Giang lập hồ sơ, chứng từ làm thêm giờ rút tiền về mà không chi cho giáo viên.
Theo sự giải thích của bà Giang, số tiền trên rút về vận dụng để chi các khoản như: Chi cho gặp mặt dâu rễ đầu xuân; gặp mặt dâu rể ngày 8/3; ngày 20/10; thăm hỏi tết, lễ; chi ngoại giao tiếp khách; đón các nhà tài trợ; đầu tư dự án để có dự án cho trường.
Tuy nhiên, theo trả lời của một lãnh đạo nhà trường, họ không biết gì về việc chi trả liền làm thêm giờ cho giáo viên trong năm 2013 và năm 2014, Ban Giám hiệu nhà trường không bàn bạc về việc làm thêm giờ và chi trả tiền làm thêm giờ. Năm 2013, 2014, Trường Mầm Non Ngân Thủy không có khoản kinh phí nào hỗ trợ cho công đoàn. Việc tổ chức gặp mặt dâu rể đầu xuân; gặp mặt dâu rể ngày 8/3; ngày 20/10; thăm hỏi tết, lễ... kinh phí do chồng của các giáo viên trong nhà trường tự nguyện đóng góp và một phần kinh phí do đoàn viên công đoàn nộp.
Hiệu trưởng ăn chặn hàng trăm triệu đồng của giáo viên như thế nào? - Ảnh 1
Trường Mầm non Ngân Thủy, nơi xảy ra nhiều sai phạm
Với cách làm này, bà Phan Thị Giang và bà Nguyễn Thị Xiêm đã lập hồ sơ, chứng từ khống làm thêm giờ để rút tiền từ ngân sách nhà nước với số tiền 65,662 triệu đồng.
Điều đáng nói, bà Nguyễn Thị Thịnh và bà Nguyễn Thị Hớn hợp đồng nấu ăn tại trường Mầm Non Ngân Thủy, không tham gia giảng dạy nhưng vẫn được “e kíp” này thanh toán 70% tiền đứng lớp cho bà Hớn và bà Thịnh(?!).
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Xiêm với vai trò là kế toán trường đã lợi dụng sự buông lỏng trong công tác quản lý tài chính, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách theo quy định đối với các giáo viên trong trường của bà Giang để ăn chặn tiền chế độ thai sản với số tiền 2,746 triệu đồng đối với 3 giáo viên; ăn chặn tiền thanh toán truy lĩnh BHYT, BHXH, BHTN trong thời gian nghỉ sinh của 8 giáo viên với số tiền 7,852 triệu đồng.
Những hành vi trên có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các giáo viên đối với chế độ tiền lương, chế độ thai sản và các khoản phụ cấp cho cán bộ, giáo viên công tác tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và làm mất lòng tin của cán bộ, giáo viên đối với chính sách của nhà nước dành cho cán bộ, giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Ngay sau khi nhận được đơn thư tố cáo của công dân, UBND huyện Lệ Thủy đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ những sai phạm trên.
Qua giải quyết tố cáo đối với bà Phan Thị Giang (Nguyên Hiệu trưởng trường Mầm Non Ngân Thủy) đã phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu phạm tội tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Căn cứ Khoản 3 Điều 25 của Luật tố cáo, UBND huyện Lệ Thủy chuyển hồ sơ vụ việc nêu trên sang cơ quan Công an huyện Lệ Thủy để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngô Huyền

No comments:

Post a Comment