Monday, August 24, 2015

Dự án cầu treo Hà Tĩnh: Cầu xây dựng chỉ để... trưng bày?

Theo nguoiduatin-24.08.2015Dù cầu mới đã xây dựng xong nhưng với vị trí đâm sát vào vách núi và đường nối thông chưa có, người dân xã Hương Lâm vẫn lưu thông chủ yếu qua cầu cũ.

Cùng nằm trong dự án nhân văn “Nhịp cầu yêu thương”, xã Hương Lâm, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng là địa phương may mắn được Bộ GTVT phê duyệt xây dựng cây cầu treo mang tên Cầu xóm 6 Hương Lâm.
Ngày nhận thông tin cây cầu mới sắp được khởi công xây dựng, người dân Hương Lâm ai ai cũng phấn khởi, hổ hởi chờ đợi cây cầu trong mơ được hoàn thành. Từ nay việc đi lại của bà con hứa hẹn sẽ có nhiều thuận lợi, nhất là vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, ngày hoàn thành, cầu xóm 6 Hương Lâm cũng chung cảnh bi hài với nhiều điểm bất cập.
Để có mặt tại xã Hương Lâm, chúng tôi đã vượt hơn 100km đường mòn. Qua tìm hiểu được biết, cầu treo xóm 6 Hương Lâm nối 160 hộ bên này với 40 hộ dân sống bên kia, cùng thuộc xóm 6, xã Hương Lâm, bị chia cắt bởi khe Rào Bùi. Cây cầu này được xây dựng trên nền đất cũ.
   
Dự án cầu treo Hà Tĩnh: Cầu xây dựng chỉ để... trưng bày? - Ảnh 1
Cầu treo xóm 6 xã Hương Lâm được xây dựng đâm thẳng vào sát núi và đường nối thông sang 40 hộ dân bên kia vẫn chưa có.
Theo quan sát, cầu xóm 6 Hương Lâm được xây dựng bên cạnh cây cầu cũ, ở vị trí sát lên núi, một mố cầu đâm thẳng vào núi, còn con đường nối thông sang 40 hộ dân phía bên kia vẫn chưa có. Chính vì vậy mà có nghịch lý rằng, cầu mới đã xong nhưng dân vẫn lưu thông chủ yếu qua cây cầu De cũ được làm bằng gỗ.
Được biết, cầu treo xóm 6 Hương Lâm được khởi công xây dựng vào khoảng tháng 7 – 8/2014. Thời điểm chúng tôi có mặt, cây cầu vừa xây dựng xong được 2 tháng. Theo phản ánh của người dân địa phương, với thiết kế của cầu mới, chỉ có thể phục vụ cho người, xe máy và xe bò lốp qua lại mà thôi, bởi tải trọng của nó quá ít (khoảng 0,5 tấn), diện tích cầu hẹp. Chính vì vậy, dù cầu mới đã được đưa vào sử dụng nhưng người dân vẫn sử dụng cầu cũ hoặc lội qua sông, bất đắc dĩ lắm họ mới đi cầu mới.
Bà Đinh Thị T. (SN 1971), người dân ở xóm 6, xã Hương Lâm cho biết: “Nếu đi cầu mới thì chỉ người đi, còn phương tiện như xe kéo, xe bò thì không qua được. Mà chỉ mình người đi thì chỉ khi nào lụt lội thôi, còn bình thường người dân chúng tôi đi làm gì, vì đi cầu cũ còn gần hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế cây cầu mới, lụt lội chưa chắc người dân đã đi được vì đi lên đó, chúng tôi chỉ đi lên đồi chứ không có đường đi. Bên kia cầu có hơn 50 hộ dân sinh sống, do vậy đây là đoạn đường có nhiều người qua lại. Nếu như làm cầu cứng thì hợp lý hơn, nhưng làm cầu treo này thì không hơp lý. Đã là cầu vượt lũ thì phải có đường để đi. Nếu như thời điểm bị lũ, phía bên kia có người tai nạn hoặc ốm đau thì làm sao đưa đi cấp cứu được?”.
Cũng theo người dân địa phương, sau khi hoàn thành cây cầu, các nhà thầu đều đã về, còn chính quyền địa phương cũng chưa tổ chức họp bàn với dân. Về thiết kế kỹ thuật thì họ không rõ, tuy nhiên, khi bắt đầu xây dựng, nhà thầu cũng đã thuê người dân đại phương làm việc. Lúc họ làm ca đêm, lúc họ làm ca ngày, tuy nhiên, phần lớn là làm vào ban đêm.
Một người dân xóm 6 chia sẻ: “Cầu là cần thiết nhưng do làm cầu không phù hợp nên dân chúng tôi không sử dụng. Chỉ có đám thanh niên ngồi trên uống rượu vào ban đêm thôi. Do không có đường nên nếu chúng tôi đi cầu mới thì cũng xuống dưới sông, vậy thì khác gì khi chưa có cầu. Cầu mới được xây dựng chỉ để làm hàng trưng bày”.
Theo phản ánh của người dân xóm 6, từ ngày cây cầu mới hoàn thành, họ vẫn chỉ sử dụng cầu cũ hoặc lội sông, lội rào chứ không lưu thông trên cầu mới. Thậm chí, một số người dân không dám lên cầu mới, nhất là những người già 50 – 60 tuổi.
Được biết, để qua được phía bên kia, ngoài vượt qua con sông gần cầu, người dân còn phải vượt qua một con sông nữa. Do vậy, nếu làm cầu bên này thì phía sông bên kia cũng phải làm một cây cầu nữa. Thời điểm đoàn khảo sát về điều tra, phần lớn người dân đều đưa ra ý kiến là làm cầu cứng, cầu tràn để người trâu bò và các phương tiện qua lại được, nhất là vào các vụ mùa. Còn nay với thiết kế của cầu mới thì việc lưu thông vào vụ mùa là điều không thực hiện được.
Dự án cầu treo Hà Tĩnh: Cầu xây dựng chỉ để... trưng bày? - Ảnh 2
   
Cầu mới đã xong nhưng người dân vẫn lưu thông chủ yếu qua cầu cũ hoặc lội qua sông
Trước những phản ánh của người dân về bất cập của cây cầu xóm 6 Hương Lâm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch xã Hương Lâm, huyện Hương Khê. Ông Lĩnh cho biết: Ban đầu người dân cũng mong muốn cầu được thiết kế nằm ở đường bê tông, gần với cầu cũ. Nhưng sau khi khảo sát và xem xét, nhà thầu cho rằng, chỗ này không làm được vì nếu làm thì phải nâng toàn bộ hệ thống móng cầu và đường cầu lên. Đã là cầu treo thì phải tránh lũ nên nếu không nâng được thì cầu bắc qua chỗ này cũng hoàn toàn vô nghĩa. Do vậy, cầu mới được thiết kế xây dựng tại vị trí như hiện tại. Liên quan đến con đường nối với cầu treo mới, xã cũng đang chờ dự án mở đường vành đai ven núi để việc lưu thông của người dân được thuận tiện hơn.
Nhưng thiết nghĩ, với tình trạng này, liệu con đường vành đai này bao giờ mới được thực hiện. Và câu cầu mới liệu có trở thành hàng trưng bày như ý kiến của một số hộ dân.
Từ những thực tế trên, ở đây mới xảy ra chuyện bi hài, cầu mới đã hoàn thành mà dân vẫn lưu thông chủ yếu bằng cầu cũ. Cha ông ta vẫn bảo: “Có mới nới cũ”, nhưng đằng này, trong tình huống họa hoằn, bất đắc dĩ lắm, người dân xóm 6, xã Hương Lâm mới đi cầu mới.
Qua trao đổi, ông Phan Văn Trung, Giám đốc BQL Dự án phát triển giao thông và vốn sự nghiệp (Sở GTVT) cho biết, nằm trong chuỗi “Nhịp cầu yêu thương”, ở Hà Tĩnh có 4 cái. Đề án cầu treo này, Tổng cục đường bộ là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 3 (gọi tắt là Ban 3) là đại diện chủ đầu tư. Còn đơn vị tư vấn thiết kế cũng của Bộ GTVT chỉ định, dàn theo lịch trình 1 mẫu và do Bộ đánh giá, kiểm chứng.
Đến thời điểm này, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, đề án đã quá cứng nhắc ngay trong khâu xây dựng và thiết kế dự án. Nhà thầu và đơn vị thiết kế rập khuôn theo định hình, không xem xét kỹ địa hình và các yếu tố thực tiễn tại địa phương, do vậy, chưa phát huy được hiệu quả kinh tế khi đưa vào sử dụng lâu dài.
Linh Chi – Anh Ngọc

No comments:

Post a Comment