SÀI GÒN (NV) - Đó là ước đoán về tác động của biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng cao một mét vào đầu thế kỷ tới. Việt Nam sẽ là một trong bốn quốc gia bị thiệt hại nặng nhất.
Ruộng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, khi nước biển dâng cao một mét. Những cánh đồng như thế này sẽ bị ngập vĩnh viễn. (Hình: VnExpress)
Trong một cuộc trò chuyện với RFI về tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam, ông Huỳnh Long Vân, một tiến sĩ là thành viên của nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long tại Úc đã cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý và thật sự đáng ngại.
Sau khi nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu, năm 2007, một Ủy Ban Liên Chính Phủ, dự đoán, đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình của trái đất sẽ tăng thêm từ 2 độ C đến 4.5 độ C và mực nước biển sẽ dâng cao từ một mét đến hai mét. Ngân Hàng Thế Giới đã thực hiện một nghiên cứu khác về tác động của nước biển dâng cao đối với các quốc gia đang phát triển và xác định, Việt Nam là một trong bốn quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu.
Một tính toán do Trung Tâm Quốc Tế Quản Lý Môi Trường của Úc xác định, khoảng 14.528 cây số vuông, tương đương 4.4% diện tích của Việt Nam sẽ chìm trong nước (ngập vĩnh viễn). Sẽ có 39/64 tỉnh, thành phố và sáu Khu Kinh Tế của Việt Nam bị ảnh hưởng do nước biển dâng cao. Khoảng 2057/10511 làng xóm bị ngập từng phần hay toàn bộ.
Diện tích bị ngập lụt tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ khoảng 12,376 cây số vuông, tương đương 85% diện tích ngập lụt trên toàn Việt Nam. Trong đó, hai tỉnh Long An và Bến Tre sẽ có khoảng 50% diện tích bị ngập vĩnh viễn. Tỉ lệ diện tích bị ngập vĩnh viễn ở Trà Vinh là 45.7%, ở Sóc Trăng là 43.7%.
Sài Gòn sẽ có 43% diện tích bị ngập vĩnh viễn. Khoảng 1,100 cây số vuông của Khu Kinh Tế Đông Nam (Bình Dương, Biên Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng bị ngập vĩnh viễn. Bốn khu kinh tế khác ở châu thổ sông Hồng, Đông Bắc (Quảng Ninh), Bắc miền Trung (Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế) và Nam miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định), mỗi nơi sẽ có từ 180 đến 340 cây số vuông bị ngập vĩnh viễn.
Ông Vân cảnh báo, do 74% trong số 90 triệu dân Việt Nam sống tập trung dọc theo vùng duyên hải và châu thổ nên nước biển dâng cao sẽ ảnh hưởng đến sáu triệu người. Trong đó, nặng nhất là Sài Gòn - nơi cư trú của khoảng 12% dân số Sài Gòn sẽ bị ngập. Nước biển dâng cao cũng sẽ ảnh hưởng đến năm triệu người cư trú ở châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Đa số nạn nhân sẽ là người nghèo không có khả năng ứng phó trước tình trạng nước biển dâng cao và ngập lụt.
Trong 20 năm qua, Việt Nam gia tăng đầu tư vào hạ tầng ở khu vực duyên hải và ba vùng kinh tế trọng điểm ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Do việc phát triển hạ tầng chỉ chú tâm đến tình trạng ngập lụt do mưa bão, nên khi nước biển dâng cao một mét, tổn thất sẽ lên đến 17 tỷ Mỹ kim vì khoảng 4.3% (9,200 cây số) trong số 216,000 cây số đường bộ tại Việt Nam sẽ bị ngập vĩnh viễn. Chưa kể 574 cây số đê biển, các hệ thống cấp nước-thoát nước.
Nước ngọt được dự đoán là sẽ thiếu trầm trọng vì khi xây dựng các hồ chứa nước, trạm bơm, giới hữu trách chỉ dựa vào mực nước biển ở thời điểm xây dựng, không chú ý tới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Cũng theo ông Vân thì khi nước biển dâng cao một mét, tại Sài Gòn sẽ có 16 khu công nghiệp, ở châu thổ đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 19 khu công nghiệp và Khu Kinh Tế Đông Nam (Bình Dương, Biên Hòa, Bà Rịa -Vũng Tàu) sẽ có 55 khu công nghiệp bị ảnh hưởng do ngập hoặc bị ngập vĩnh viễn. Điều đó sẽ dẫn tới sản xuất ngưng trệ, thu nhập suy giảm, thất nghiệp gia tăng.
Khi nước biển dâng cao một mét, những cánh đồng màu mỡ nhất ở châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn. Khoảng 76% diện tích đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hiện nay của Việt Nam sẽ bị ngập và 90% diện tích bị ngập đó nằm trong vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.
Nước biển dâng cao cũng sẽ dẫn đến tình trạng môi trường bị ô nhiễm. Những tác động của tình trạng ô nhiễm môi trường do nước biển dâng cao trên ngư nghiệp, chất lượng nguồn nước và y tế công cộng tuy chưa được đánh giá nhưng ông Vân khẳng định, chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng. (G.Đ)
08-24-2015 2:32:45 PM
No comments:
Post a Comment