TP - Cứ sau một cơn mưa, TP Biên Hòa (Đồng Nai) xuất hiện hàng chục điểm ngập sâu. Người dân kêu, chính quyền hứa hẹn xử lý, nhưng năm này qua năm khác các điểm ngập ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Một đoạn đường phố Biên Hòa ngập lụt sau mưa
Mưa là ngập
Cứ trời đổ mưa là các công nhân Công trình đô thị TP Biên Hòa chia ra các ngả đường để chống ngập. Công nhân chống ngập bằng cách lội nước vớt rác ở các miệng cống, cạy nắp cống lên cho nước thoát nhanh hơn. Anh Nguyễn Văn Thành - một công nhân vệ sinh môi trường cho biết đây là công việc phải làm từ nhiều năm nay.
Hễ mưa lớn là cả một dãy phố trên đường Nguyễn Ái Quốc gần Bệnh viện Tâm thần thường xuyên ngập trong nước. Một người dân cho biết sau khi đường phố được nâng cấp, nhiều nền nhà dân thấp hơn mặt đường và dãy phân cách cứng trở thành một con đê chắn nước khiến nước đổ dồn vào các nhà bên đường.Mỗi lần mưa lớn là cả dãy phố lo tát nước, vệ sinh nhà cửa. Còn ngoài đường thì giao thông hỗn loạn.
Theo đánh giá của UB MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, chương trình giảm ngập của tỉnh chưa đáp ứng được mong đợi của người dân, thành phố có 23 điểm thường xuyên ngập nặng mỗi khi có mưa lớn. Trong đó có 11 điểm ngập trên đường giao thông, 12 điểm ở khu dân cư như ngã năm Biên Hùng, đường Nguyễn Ái Quốc, xa lộ Hà Nội, ngã tư Phạm Văn Thuận - Võ Thị Sáu…
Ở các điểm trên, khi mưa to nước ngập trên diện rộng, chảy rất xiết, có thể cuốn trôi xe gắn máy lưu thông trên đường. Bên cạnh đó, một số công trình thoát nước qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, các dự án đã được quy hoạch nhưng chưa triển khai.
Theo Phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa, tình trạng ngập lụt là do tốc độ đô thị hóa của thành phố khá nhanh trong khi hạ tầng hệ thống thoát nước chưa được đầu tư bài bản.
Trong nội ô của thành phố, cống thoát nước mưa đang sử dụng chung với hệ thống thoát nước thải sinh hoạt của người dân, trong khi đó hệ thống thoát nước này đã cũ và nhỏ, bị quá tải. Từ năm này qua năm khác, phòng quản lý đô thị vẫn nạo vét sửa chữa, nhưng do cống nhỏ và kết nối không đồng bộ nên vẫn xảy ra tình trạng ngập cục bộ.
Chờ dự án
Chờ dự án
Một dự án dựa vào nguồn vốn ODA (khoảng 12 ngàn tỷ đồng) vay từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) xây dựng hệ thống xử lý nước thải vẫn chưa ngã ngũ từ nhiều năm qua vì chủ dự án và phía đối tác chưa thống nhất được phương án đặt đường ống thoát nước.
Theo đề xuất của JICA, dự án sẽ đặt hệ thống cống thoát nước với chiều dài khoảng 6,5km và áp dụng biện pháp thi công khoan kích ngầm và bổ sung thêm một trạm bơm nước thải. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, dự án phía đối tác đưa ra sẽ làm tăng chi phí đầu tư khá nhiều.
Đề xuất của Trung tâm thoát nước (chủ đầu tư) đặt hệ thống cống thoát nước chạy dọc bờ sông Cái có chiều dài 3,6km với chi phí thấp, thuận lợi cho tỉnh trong việc triển khai tiếp các dự án chỉnh trang đô thị ven sông.
Phương án này sẽ tách được nguồn nước thải và nước mưa riêng biệt, hệ thống cống thoát nước được đấu nối đồng bộ sẽ giải quyết được tình trạng ngập của TP Biên Hòa. Vì lý do trên, từ khi được phê duyệt năm 2008 đến nay, dự án vẫn chưa được ký hiệp định vay vốn.
Một dự án thuộc vào dạng “kỷ lục” ở Đồng Nai là dự án nạo vét suối Săn Máu dài 6km qua một số phường nội ô TP Biên Hòa. Đây là dự án tiêu thoát nước nhằm giảm bớt ngập lụt trong mùa mưa, mới được khởi công vào năm 2012 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2015.
Tuy nhiên, sau 3 năm thi công dự án được đánh giá mới hoàn thành được khoảng 60% lượng công việc. Mới đây Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Nông nghiệp (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai) đề nghị tỉnh cho kéo dài dự án đến cuối năm 2017 và xin điều chỉnh tăng vốn từ 409 tỷ đồng lên 554 tỷ đồng. Chủ dự án trình bày do dự án kéo dài, chi phí đền bù và xây dựng gia tăng.
No comments:
Post a Comment