Saturday, June 13, 2015

Trung Quốc lại thị uy với Việt Nam

VIỆT NAM - Hai tàu đánh cá của Việt Nam, một mang số kiểm soát là QNg 95193 và một mang số kiểm soát QNg 90657, mới bị các tàu có vũ trang của Trung Quốc tấn công trên Biển Ðông.


Ðại diện Biên Phòng Quảng Ngãi kiểm tra thiệt hại của tàu đánh cá mang số kiểm soát QNg 90657 sau khi nhận báo cáo của thuyền trưởng con tàu này về việc bị tàu có vũ trang của Trung Quốc tấn công. (Hình: Tuổi Trẻ)

Hai vụ tấn công vừa kể chỉ được công chúng biết đến sau khi những nạn nhân về tới cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Rạng sáng ngày 12 tháng 6, khi tàu đánh cá mang số QNg 90369 cập cảng Sa Kỳ, chuyển hai ngư dân Bùi Tân Ðoàn, 23 tuổi và Cao Xuân Lý, 42 tuổi, thuộc thủy thủ đoàn của tàu đánh cá mang số hiệu QNg 95193 lên bờ để đưa vào bệnh viện cấp cứu, người ta mới biết tàu QNg 95193 bị các tàu có vũ trang của Trung Quốc tấn công. Vụ tấn công đó khiến ông Ðoàn và ông Lý cùng bị thương. Riêng ông Ðoàn bị bể mắt cá chân và gãy khớp cổ chân.

Dẫu bị tấn công, tàu đánh cá QNg 95193 vẫn chưa quay về đất liền, họ nhờ tàu đánh cá QNg 90369 đưa hai thủy thủ bị thương về đất liền cấp cứu để tiếp tục đánh cá, hi vọng gỡ lại một phần chi phí của chuyến hải hành, do số hải sản đánh bắt được trước đó đã bị các tàu có vũ trang của Trung Quốc cướp sạch.

Ðến trưa ngày 13 tháng 6, có thêm tàu đánh cá mang số kiểm soát QNg 90657 cập cảng Sa Kỳ. Ông Nguyễn Văn Phú, thuyền trưởng tàu QNg 90657 cũng tố cáo bốn tàu có vũ trang của Trung Quốc mang số hiệu 589, 3103, 64501 và 35101 đã tấn công tàu của ông. Ông Phú không xác định được những tàu có vũ trang này là chiến hạm của hải quân Trung Quốc hay tàu hải cảnh hoặc tàu kiểm ngư của Trung Quốc.

Theo ông Phú, cả bốn tàu của Trung Quốc đã vây tàu của ông rồi một số cá nhân có vũ trang trên bốn tàu này đã tràn xuống tàu QNg 90657, cướp sạch hải sản, phá hủy ngư cụ, thiết bị liên lạc, sau đó bỏ đi.

Cả hai vụ tấn công vừa kể đều xảy ra ở vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa. Người ta tin rằng các vụ tấn công này nhằm xác định hiệu lực của lệnh cấm đánh cá thường niên - một hình thức củng cố yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Ðông.

Hồi thượng tuần tháng năm, chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, thông báo cấm đánh bắt cá với phạm vi bao gồm cả vịnh Bắc Bộ lẫn khu vực quần đảo Hoàng Sa, từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8.

Ngay sau đó, ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, tuyên bố, Việt Nam phản đối lệnh cấm vừa kể bởi nó “vô giá trị.” Ông Bình nói thêm rằng lệnh cấm đánh cá đó là một hành động “vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.”

Ðáp lại, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nhấn mạnh, lập trường của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Ðông là “nhất quán và rõ ràng.” Việc Trung Quốc thực hiện “mùa nghỉ đánh bắt” trên vùng biển do “Trung Quốc quản lý” là “biện pháp quản lý hành chính bình thường” nhằm bảo vệ tài nguyên biển. Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc còn là “biện pháp nhằm làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc.”

Tuy Hội Nghề Cá Việt Nam kêu gọi ngư dân hãy “bám biển” song đến nay, mới có thông tin liên quan đến việc tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc tấn công trong thời điểm lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc có hiệu lực.

Cũng cần nói thêm rằng, hồi trung tuần tháng 5, bốn tàu đánh cá và 50 ngư dân Trung Quốc đã bị Việt Nam bắt, lập biên bản vì “đánh bắt trái phép” tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Lúc đó, theo Lực Lượng Biên Phòng của tỉnh Quảng Bình, bốn tàu đánh cá của Trung Quốc bị bắt khi đang đánh cá tại khu vực đánh bắt chung thuộc Vịnh Bắc Bộ vì thiếu giấy phép đánh bắt hợp lệ. Sau đó, bốn tàu đánh cá này đã bị lập biên bản vì “đánh bắt trái phép” rồi bị đuổi đi.

Trong thực tế, theo phản ánh của ngư dân Việt Nam thông qua báo chí Việt Nam thì chuyện tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để đánh cá diễn ra thường xuyên nhưng rất ít khi bị Việt Nam bắt giữ.

Các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trên biển thường chỉ “xua đuổi” những “tàu đánh cá nước ngoài” xâm nhập vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để đánh cá.

Người ta tin rằng, vụ bắt - lập biên bản - đuổi bốn tàu đánh cá của Trung Quốc đi như đã xảy ra là một hành động nhằm phủ nhận hiệu lực lệnh cấm đánh cá ở Biển Ðông của Trung Quốc. (G.Ð)
06-13-2015 6:21:24 PM

No comments:

Post a Comment