Saturday, June 6, 2015

Ý nghĩa tầm nhìn chung quốc phòng Việt - Mỹ


Việt Nam và Hoa Kỳ ký tuyên bố hợp tác quốc phòng với bản tuyên bố mang tính 'tầm nhìn chung'.
Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ mới ký kết có ý nghĩa gì với an ninh trên Biển Đông và khu vực?
Đó là chủ đề mà BBC và các vị khách mời sẽ trao đổi trong cuộc Tọa đàm Trực tuyến Hangout thứ Năm tuần này, hôm 04/6/2015.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đang có mặt ở Singapore, cho rằng tuyên bố là 'một bước tiến có ý nghĩa' thể hiện quyết tâm cao hơn của hai bên trong hợp tác an ninh, quốc phòng ở khu vực.
Nhà nghiên cứu nói:
"Theo tôi, tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lần này là một bước thể hiện hai bên quyết tâm đưa quan hệ song phương vào một cấp độ cao hơn, đi vào chiều sâu hơn.


"Đặc biệt sau khi hai bên thiết lập được quan hệ đối tác toàn diện năm 2013, chúng ta thấy rằng đây là một phần để triển khai bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam - Hoa Kỳ ký năm 2011.
"Cho nên chúng ta thấy ở trong này, họ đề ra một số biện pháp hợp tác cụ thể hơn. Chúng ta thấy trong bối cảnh căng thẳng ở trên Biển Đông gia tăng, cũng như cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc cũng gia tăng trong thời gian gần đây, giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có nhiều lý do hơn để thúc đẩy mối quan hệ song phương của mình, đặc biệt vì các mục tiêu chiến lược.
"Đặc biệt chúng ta thấy bên cạnh các mục tiêu chiến lược khác, lĩnh vực hợp tác quốc phòng là một lĩnh vực then chốt và vẫn còn rất nhiều dư địa để hai bên thúc đẩy các hợp tác.
"Và chúng ta thấy trong bản tuyên bố tầm nhìn chung này, họ có đề ra một số lĩnh vực và một số hoạt động cụ thể để hai bên có thể tập trung vào trong thời gian tới, ví dụ như duy trì an ninh và ổn định ở mỗi nước, ở mỗi khu vực, rồi bảo vệ những nguyên tắc và luật pháp quốc tế, rồi hợp tác về an ninh hàng hải trên biển đông.
"Chính vì vậy tôi nghĩ rằng đây cũng là một diễn biến đáng chú ý, mặc dù vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm để quan hệ song phương thực chất hơn.
"Nhưng dẫu sao đây cũng là một bước tiến có ý nghĩa đối với quan hệ giữa hai nước," Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nói.

'Thẳng thắn và quyết tâm'

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trao lại kỷ vật chiến tranh của liệt sỹ quân đội Bắc Việt cho người đồng nhiệm Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và sử gia từ Đại học Maine, Hoa Kỳ nêu quan điểm:
"Tôi đồng ý với hết tẩt cả những gì mới vừa nói.
"Tôi nghĩ rằng kỳ này quan trọng bởi vì lý do hình thức.
"Là sau Hội nghị Shangri-La (Diễn đàn An ninh Khu vực lần thứ 14 tại Singapore) thì ông Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ sang gặp Bộ trưởng của Việt Nam liền cho thấy rằng Mỹ thẳng thắn và quyết tâm đối với Việt Nam.
"Vì đối với Mỹ, Việt Nam là một quốc gia rất quan trọng. Việt Nam có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất ở khu vực.


"Và nếu Việt Nam và Mỹ không tỏ ra rõ ràng, cứng rắn, thì các nước khác sẽ bị chùn chân," nhà nghiên cứu nói.
Ngay sau khi bản tuyên bố Việt - Mỹ được công bố, Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo mạng thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có bài lên tiếng trong đó kêu gọi Việt Nam nên có một 'cái đầu lạnh' và thận trọng trước toan tính của Mỹ mà tờ này cho là muốn đẩy Việt - Trung vào thế 'đối địch'.
Bình luận về phản ứng này của Trung Quốc, Giáo sưNgô Vĩnh Long nói:
"Đối với Trung Quốc, đối thủ chính trong vấn đề này là Mỹ và Trung Quốc càng ngày càng gây hấn với Mỹ, để nếu mà Mỹ không trả lời Trung Quốc một cách rõ ràng,
"Thì Trung Quốc sẽ nói là Mỹ là 'con hổ giấy', và qua đó đe dọa các nước khác trong vùng.
"Mỹ thì muốn kéo Trung Quốc vào một hệ thống mà có thể tạo dựng được an ninh không những trong khu vực Đông Nam Á và khu vực Á Đông, mà cũng cả ở toàn cầu nữa.
"Trung Quốc thì không muốn như vậy. Trung Quốc có thể muốn chia quyền với Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã gặp gỡ các lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong chuyến thăm Hà Nội mà Hoa Kỳ đã ký tuyên bố tầm nhìn hợp tác quốc phòng với Việt Nam.
"Thành ra, mỗi khi mà có một hoạt động gì của Mỹ, thì Trung Quốc la thật lớn lên...
"Thành ra cái đó cũng là một lý do tại sao ví dụ, chẳng hạn Việt Nam nhiều khi cẩn thận sợ rằng nếu mà Trung Quốc không đánh thẳng vào Mỹ, thì cũng gây sự với Việt Nam.
"Mà rõ ràng chúng ta thấy nhiều lần là Trung Quốc cố ý gây sự với Việt Nam để răn đe các nước khác.
"Mà nếu Việt Nam không dám nói rõ ràng và không dám tranh thủ sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ, thì đây là một sự làm cho các nước khác ở trong khu vực e dè.
"Là bởi vì Việt Nam là nước bị mất mát nhiều nhất, bị khó khăn nhiều nhất đối với Trung Quốc, thành ra Việt Nam phải cần chọn đối tác nào có thể giúp cho Việt Nam nhiều nhất.
"Đối tác đó theo tôi thấy đó là Mỹ. Tại sao? Bởi vì Mỹ là đồng minh của Nhật, Mỹ là đồng minh của Hàn Quốc, Mỹ là đồng minh của Phi-luật-tân (Philippines), Mỹ là đồng minh của Úc, và Mỹ có quan hệ rất tốt với tất cả các nước khác. Mỹ đóng vai trò chính."

'Không ràng buộc luật pháp'

Từ Bangkok, trước câu hỏi điều nào trong 5 điểm được đề ra trong Tuyên bố chung tầm nhìn quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ là có ý nghĩa nhất và khả thi nhất, phóng viên Hồng Nga của BBC, người trực tiếp theo dõi nhiều sự kiện Đối thoại Shangri-La trong nhiều năm gần đây, nói với Tọa đàm:


"Tuyên bố hay Tầm nhìn... không có tính ràng buộc gì về luật pháp, bởi vậy nó là Quy ước giữa hai bên để có thể hiểu nhau và có thể tiến tới những hợp tác thực chất hơn trong tương lai.
"Tất nhiên tôi cũng đồng ý với Giáo sư Ngô Vĩnh Long là nó cũng mang một ý nghĩa khá là đặc biệt, bởi vì là đây là lần đầu tiên mà Việt Nam và Hoa Kỳ có ký với nhau một văn bản như vậy.
"Nhưng mà để từ đó chuyển sang thành những hành động thực sự thì chúng ta cũng phải nhớ là còn một thời gian rất là dài.
"Khoản 18 triệu đô-la mà hai bên vừa mới thống nhất thực ra đã được ký với nhau từ lâu rồi, chứ không chỉ là lần này.
"Vì vậy cũng không gắn hai sự kiện này với nhau.
"Mà bây giờ dư luận ở các nơi cũng đặt ra một vấn đề là liệu có phải Việt Nam đang hướng vấn đề đối ngoại này để làm lu mờ những vẫn đề đối nội hay không?
"Cái này thì tôi cũng đặt một nghi vấn rất là lớn.
"Nhưng tựu chung lại, cũng cần phải cân nhắc mọi yếu tố để xem là cái tuyên bố này, sau này, sẽ được diễn dịch ra những hành động như thế nào?
"Và còn quá sớm để mà nói là cái gì khả thi thực hiện được một cách dễ dàng," Hồng Nga nói với Tọa đàm.
Trả lời câu hỏi cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ có phản ứng ra sao trước việc hai quốc gia công bố Tuyên bố chung về Tầm nhìn nói trên, nhà báo Trần Nhật Phong, nhà quan sát cộng đồng từ California, nói:
Thỏa thuận tầm nhìn Việt - Mỹ được cho là một bước đi 'mạnh mẽ' hơn trong quyết tâm hợp tác an ninh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
"Cộng đồng Việt Nam cũng có hai khuynh hướng khi nghe được thông tin này, tức là hai bên có tầm nhìn chung.
"Khuynh hướng thứ nhất là khuynh hướng tương đối thoáng hơn, thì họ rất mong điều này và họ hoàn toàn ủng hộ điều tích cực này, và cho rằng Việt Nam đi gần với Mỹ thì tốt hơn là đi gần với Trung Quốc.
"Tuy nhiên còn một khuynh hướng thứ hai thì tương đối khó khăn hơn trong vấn đề thấy rằng Hoa Kỳ và Việt Nam càng lúc càng xích lại gần nhau.
"Bởi vì quan niệm về mặt trận chính trị của họ vẫn còn khá cứng rắn. Nhóm này họ nói rằng quyền lợi của Hoa Kỳ tại Biển Đông chưa đủ để cho Tổng thống và Quốc hội có thể bỏ qua hồ sơ mà Việt Nam đang vướng phải.
"Trong đó có hai hồ sơ chính là hồ sơ nhân quyền và hồ sơ môi sinh.
"Và do đó họ hoàn toàn không ủng hộ điều này, đó là hai khuynh hướng bên phía cộng đồng.

'Vì thất bại đối ngoại?'

Theo nhà báo Trần Nhật Phong, ngoài hai quan điểm trên, còn một quan điểm nữa gợi ý rằng động thái của phía Mỹ có liên quan tới chính trị nội bộ của Đảng Dân chủ đang cầm quyền.
Ông nói:
"Riêng còn có một khuynh hướng thứ ba giống như chị Hồng Nga vừa nói, tức là cả ba quốc gia Trung Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam đều có động thái làm nóng hồ sơ Biển Đông để mà làm lu mờ đi những cái


biến động từ trong mỗi một quốc gia.
"Kể cả Trung Quốc, kể cả Việt Nam; kể cả Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử 2016, ta cũng biết rằng Hoa Kỳ trong 8 năm qua là phía (Đảng) Dân Chủ cầm quyền.
"Do đó lần này bà Hillary Clinton đại diện cho phía Dân Chủ ra tranh cử, thì nó có thể ảnh hưởng tới mùa bầu cử của Hoa Kỳ.
"Và động thái này để lấy lại tư thế quân bình mà trong 8 năm phía Dân chủ cầm quyền bị cho, bị đánh giá là thất bại trong mặt trận đối ngoại quân sự.
"Và đây là một trong những động thái để phía Dân Chủ có thể lấy lại uy thế với công chúng Hoa Kỳ. Đó là những cái nhìn từ phía Hoa Kỳ," nhà báo Trần Nhật Phong nói với BBC.
Chương trình Bàn tròn Thứ Năm như thường lệ được phát từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam (tức 13h30-14h00 giờ London).
Các khách mời tham dự cuộc Tọa đàm có:
- Giáo sư Ngô Vĩnh Long, từ Đại học Maine, Hoa Kỳ;
- Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, từ Singapore;
- Nhà báo Hồng Nga, BBC, từ Bangkok, Thái Lan;

- Nhà báo tự do Trần Nhật Phong, từ California, Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment