Saturday, June 6, 2015

Lãng phí để tham nhũng

Đại Nghĩa (Danlambao) - Trong dân gian người ta thường nói: “tay làm hàm nhai” hay “có làm mới có ăn”. Hiểu điều này nên cán bộ cộng sản ngày nay gia tăng làm để ăn. Mà hể làm thì phải làm lớn để được ăn to, do vậy mà ngày nay những dự án, những công trình “xây dựng” là phải nhất, là phải khủng. Hao tốn tiền dân có lợi, hại cho ai không cần biết miễn là có ăn lót tay nhiều là được. Tiền của dân, của chính phủ để trong kho, trong ngân hàng thì làm sao ăn được, phải tìm cách lấy ra xây cái này, dựng cái kia mới tiêu thụ tiền “chùa” được, mới có chỗ khai, chỗ chỉ.

Những cái “mánh này” hình như ai cũng biết, ngay cả ông Đại biểu Lê Thanh Long, bí thư tỉnh ủy Long An đã vạch trần như sau:

“Theo tôi lãng phí bây giờ còn nghiêm trọng hơn tham nhũng và gây hại hơn rất nhiều. Cái tội của lãng phí còn to hơn tham nhũng.

Tham nhũng còn có địa chỉ, ‘có mặt đặt tên’ được, còn lãng phí được ngụy tạo dưới nhiều dạng và không ai chịu trách nhiệm, không biết quy trách nhiệm về đâu. Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, năm nay chúng ta đầu tư 57.000 tỉ đồng. Tỉ lệ thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản người thì nói 35%, người thì nói 10%...

Thôi thì cho mức 15%. Như vậy thất thoát lãng phí cũng đã là 7.000-8.000 tỉ đồng rồi! Chưa kể tới nhiều dạng lãng phí khác như hội họp, tiệc tùng, chi phí hành chính…” (TuoiTre online ngày 9-11-2004)

Nhà văn Đại tá QĐND Phạm Đình Trọng “bức xúc” khi dự án tượng đài mẹ VN lúc đầu trù tính chỉ 3,9 triệu đô la cho dể được chấp thuận, nhưng khi dự án được duyệt rồi thì mặc tình đội giá lên 19,7 triệu đô la một cách vô tội vạ nhưng khi vừa làm xong là phải duy tu lắp vá. Đại tá Trọng viết:

“Một tỉnh đổ ra 165 tỉ đồng tiền thuế của dân xây nhà khách tỉnh nguy nga nhất nước. Lại thản nhiên đổ tiếp 411 tỉ đồng tiền thuế của dân xây tượng đài đồ sộ nhất Đông Nam Á. Rồi tỉnh ngửa tay xin nhà nước 1.500 tấn gạo cứu đói vụ giáp hạt 2015…

Bộ máy công quyền không biết làm ra tiền lại say mê tiêu tiền, miệt mài vẽ ra các dự án ngốn hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế của dân. Tiền dự án càng lớn thì tiền discount rút ra chia nhau càng bộn”. (DanChimViet online ngày 27-3-2015)

Trong buổi họp Quốc hội thảo luận Luật ngân sách nhà nước, ĐBQH Trần Du Lịch đơn vị Sài Gòn nhận xét: 

“Không thấy ở đâu xài tiền ngân sách lãng phí và tùy tiện như nước mình”. 

ĐBQH Phạm Hoàng Tám, (Hà Nam):

“…,tiền mình quản lý thì không ai dám lãng phí, còn tiền ngân sách thì tiêu thoải mái và dẫn đến tình trạng ‘tiền quốc gia nếu không quản lý có trách nhiệm thì sẽ thành tiền chùa cả”.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc viện Nghiên cứu chính sách thuộc ĐHQG Hà Nội khẳng định:

“…về danh nghĩa có vẻ là phục vụ cho người dân, song về mục đích có vẻ nhiều hơn là cứ làm sao để có công trình hay dự án, để giải ngân được. Và trong quá trình đó thì họ có các quyền lợi được gắn liền và cùng nhau chia sẻ những quyền lợi đó”. (RFA online ngày 17-5-2015)

Ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội “bức xúc” vì “Quà biếu của 663 đơn vị tới trên 4.000 tỷ đồng”, người dân vô cùng đau xót.

“Một thói quen ‘xài sang’ khác của một số đơn vị Nhà nước liên quan đến những chi tiêu cho lễ hội, tiếp khách, quà biếu. Riêng tiền quà biếu của 663 đơn vị lên đến 4.000 tỷ đồng. ‘Hiếm có nước nào trên thế giới chi mạnh tay như thế. Ngay ở Singapore, quà biếu trị giá trên 100 đô la đã phải khai báo”. (TuoiTre online ngày 10-10-2006)

Báo điện tử VietNamNet đưa một loạt nhiều bài viết: “Thông tin ‘giật mình’ sau vụ chi 18 tỉ chăm cây xanh” của quận Bình Thủy, Cần Thơ. Mấy năm liền việc duy tu cây xanh ở quận Bình Thủy giao quyền ưu tiên cho công ty Việt Tín, chuyên về xây dựng nhưng “độc chiếm đấu thầu” duy tu cây xanh, nên khi trúng thầu rồi mướn lại DN Vạn Lợi, chuyên duy tu cây xanh thực hiện, nhưng không được thầu. Do vậy mà Phóng viên báo điện tử VietnamNet “bức xúc” nên vào cuộc…

“Cũng theo điều tra của PV, nếu như năm 2014 công ty Việt Tín trúng thầu duy tu cây xanh trên địa bàn quận Bình Thủy là 16,3 tỉ đồng trong khi công ty này thuê lại DN Vạn Lợi với giá trên 5 tỉ đồng.

Tiếp đến, năm 2015, việc duy tu cây xanh trên địa bàn quận Bình Thủy do công ty Việt Tín trúng thầu với giá 18 tỉ 359 triệu đồng (thấp hơn giá phê duyệt dự toán gần 49 triệu đồng), nhưng đơn vị này tiếp tục thuê DN Vạn Lợi duy tu với giá gần 5 tỉ đồng.

Như vậy, số hàng chục tỷ đồng chênh lệch trên đã rơi vào túi ai nữa (?!)”(VietnamNet online ngày 21-5-2015)

Cũng chuyện xảy ra ở Cần Thơ, nơi có nhiều nghịch lý; người có chuyên môn đấu thầu rẻ thì không được, còn người không chuyên môn đấu thầu cao hơn lại được, ngoài ra còn có chuyện: “Xây 9,4 tỉ đồng, sửa… 20 tỉ đồng!”

“Hạng mục bờ kè tả (bờ trái rạch Khai Luông) thuộc dự án nạo vét và xây dựng kè rạch Khai Luông (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có giá trúng thầu hơn 9,4 tỉ đồng. Quá trình thi công có sai phạm, làm cho công trình này bị hư hỏng nặng. Theo tính toán của giới chuyên môn, để sửa sai, ngân sách Nhà nước phải chi thêm hơn 20 tỉ đồng”. (NguoiLaoDong online ngày 6-8-2008)

Nhà nước CSVN bất chấp có nhu cầu, không có nhu cầu cũng xây, cũng dựng, miễn sao rút tiền của dân để làm - ăn là được. Do vậy mà nhiều công trình “xây xong rồi… đóng cửa” (?)

“Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết tổng mức đầu tư của 43 công trình là hơn 5.362 tỉ đồng… Trong số 43 công trình, có 4 công trình có mức đầu tư lớn xảy ra tình trạng thất thoát-lãng phí (TTLP) gồm hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Huế (tổng mức đầu tư 180 tỉ đồng); nhà máy gạch granit Thiên Thạch tại Nam Định (100 tỉ đồng); nhà máy chế biến cà chua tại Hải Phòng (43,018 tỉ đồng); công trình cải tạo hồ Phú Lão tại Hòa Bình (12,3 tỉ đồng).

Xây xong rồi… đóng cửa.

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Xây dựng, có tới 6 trong tổng số 43 công trình xây xong rồi… đóng cửa, trong đo có hai dự án nằm trong số 4 công trình có mức đầu tư lớn nhất”. (TuoiTre online ngày 9-12-2006)

Đầu tư xây dựng bừa bãi chỉ cốt rút tiền dân, ông Bộ Thủy sản phê duyệt dự án quá cao: 218,655 tỉ đồng, trong khi hội đồng định giá chỉ có 72,654 tỉ đồng, như vậy con số 146,001 tỉ đồng lọt vào túi các quan khi “Lãng phí hàng trăm tỉ đồng từ 9 cảng cá”. 

“Việc đầu tư xây dựng một số cảng cá chưa hợp lý về vị trí, qui mô công trình mua sắm thiết bị chưa phù hợp với nhu cầu thực tế đã gây lãng phí trên 52 tỉ đồng…

Riêng cảng cá Cát Lở có giá trị tổng dự toán công trình được Bộ Thủy sản phê duyệt và giá trị quyết toán do Bộ Tài chính phê duyệt là 218,655 tỉ đồng. Tuy nhiên hội đồng định giá của các bộ, ngành đánh giá lại xác định giá trị thực tế chỉ có 72, 654 tỉ đồng, tức là thấp hơn giá trị quyết toán 146,001 tỉ đồng”. (TuoiTre online ngày 8-11-2004)

Đọc bản tin này có ai không đau xót cho đồng tiền mồ hôi, nước mắt và máu của nhân dân khi mà nhà nước “Lãng phí tiền tỉ vì những công trình siêu ì”.

“Cầu Hoàng Hoa Thám xây 10 mới chỉ được 3 trụ, gây thất thoát 136 tỉ. Dự án siêu ì ạch Nhiêu Lộc Thị Nghè buộc phải bỏ ra thêm 100 triệu USD, đường ‘rùa’ Rừng Sác cũng trong tình trạng tương tự. Hàng trăm tỉ đồng của TP HCM ‘trôi sông’ cùng những công trình này”. (VNExpress online ngày 5-9-2008)

Chưa có xứ nào chơi sang bằng cái xứ XHCNVN: “Đường nghìn tỉ chỉ để…phơi mì và đi bộ lên rẫy”.

“Con đường N5 – con đường đẹp nhất Tây nguyên, được kết cấu 6-8 làn xe chạy, với những bồn hoa, cây ảnh đẹp mắt, vốn đầu tư lên đến gần 1.000 tỉ đồng – gần 2 năm nay lại không hề có phương tiện lưu thông. Đường đẹp nhất Tây Nguyên chỉ để người đi đường liếc nhìn, còn nông dân tận dụng làm ‘sân’ phơi mì, thi thoảng đi bộ lên rẫy, hoặc làm bãi tập lái xe…” (DanTri online ngày 24-3-2012)

Không có nơi đâu mà lắm: “Chuyện dở khóc dở cười tại nhà vệ sinh tiền tỷ ở Sài Gòn”. Người muốn đi vào nhà vệ sinh phải bỏ giày dép bên ngoài như đi vào những nơi thờ tự trang nghiêm, chẳng hạn như vào lăng… bác Hồ, bác Duẩn, bác Giáp...

Có lẽ thấy được cái nỗi khổ của nhà vệ sinh HCM nên “Hà Nội: Dừng xây 14 nhà vệ sinh tiền tỉ” làm mất ăn từ nhà vệ sinh này.

“Mất xe, dép, nhân viên lao công bị chửi, đe dọa… làm những chuyện cười ra nước mắt tại nhà vệ sinh đẳng cấp 4 sao tiền tỷ ở TP HCM sau nửa năm đi vào hoạt động…

Theo quy định khách trước khi vào nhà vệ sinh phải bỏ giày, dép và mang dép được nhân viên chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên, hiện cả nhà vệ sinh nam và bên nữ đều không… còn dép nhựa nào”. (TienPhong online ngày 25-7-2014)

Trong khi: “Nợ công đang níu áo mỗi người dân” theo chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh cho hay:

“Đồng hồ nợ công thế giới đã chỉ rằng số nợ của VN sắp cán ngưỡng 90 tỉ USD, tức mỗi người VN gánh khoảng 1.000 USD nợ công”. (TuoiTre online ngày 21-10-2014) 

Ngài: “Chủ tịch ký liều và ‘tiền chùa’ triệu đô”. 

“Trong khi người dân gánh nặng đủ các loại phí, tỷ lệ 5 dân nghèo còn khá cao, tiêu chí thoát nghèo không bền vững mà quan chức đầu tỉnh cả năng lực và trách nhiệm đều còn non kém, dẫn đến sự lãng phí hàng chục triệu USD, thì nước Việt Nam này còn lên thác xuống ghềnh nhiều lắm…

…tuần này báo chí lại tiếp tục ồn ào vụ việc ông Chủ tịch tỉnh Quảng Bình ‘ký liều’. Khiến bất cứ ai đọc và biết về vụ việc này cũng bỗng thấy…‘nóng mặt’ và choáng”. (VietnamNet online ngày 18-4-2015)

Nguyên bí thư Nguyễn Bá Thanh đóng đô ở Đà Nẵng ngót 17 năm, ông định trị vì ở đây muôn năm nên đã cho xây tòa “bạch ốc” cao 37 tầng, nhưng rất tiếc khi tòa nhà này khánh thành thì ông không còn nữa, nhưng dù sao bia miệng vẫn còn.

“Nằm trên khu đất rộng hơn 23.000 m2, tòa nhà cao 37 tầng với diện tích sử dụng 65.234 m2 là nơi làm việc của 1.600 cán bộ, công chức thành phố…

Được khởi công xây dựng ngày 15-11-2008, công trình Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng”. (VNExpress online ngày 8-9-2014)

Đại dự án “Bộ GTVT cần 223.000 tỉ đồng xây trụ sở” của ngài Bộ trưởng Đinh La Thăng, nếu giải ngân hết số tiền này nhẩm tính 15% tiền discount thì bỏ túi cũng bộn, như vậy lương bộ trưởng một tháng 14,4 triệu có lảnh hay không cũng chẳng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ.

“Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần 223.000 tỉ đồng để hiện đại hóa trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển đội tàu biển, máy bay, đào tạo nguồn nhân lực theo đề án công nghiệp hóa-hiện đại hóa bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Đề án này đã được Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt”. (TuoiTre online ngày 26-4-2012)

Chuyện nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vung tiền lãng phí dài hơn chuyện nhân dân tự vệ, do vậy mà ai đọc báo mạng đưa tin mà không thấy “xót xa tiền dân”:

Rồi đây, ngoài dự án sân bay Long Thành và tháp tuyền hình cao hàng đầu thế giới đang dự trù còn bao nhiêu dự án khủng nữa sẽ đè lên lưng người dân Việt Nam?

06/06/2015



____________________________________

Bài đọc thêm:

- 71 tỷ đồng cho lễ Quốc khánh. (VNExpress online ngày 26-8-2005)

- Những công trình của Vietnam Airlines: Lãng phí chồng lãng phí. (TuoiTre online ngày 24-1-2007)

- Những công trình lãng phí tiền tỉ - hơn trăm tỉ đồng xây kè rồi… bỏ (ThanhNien online ngày 22-7-2010)

- Đầu tư hơn 200 tỉ xây Cung Trí Thức để… bỏ không. (DanTri online ngày 9-7-2011)

- Đẳng cấp VN: Trụ sở tỉnh như lâu đài, nhà VS dát vàng. (BaođatViet online ngày 21-11-2013)

- Nhà văn hóa thôn mọc lên như nấm lại bị bỏ hoang. (RFA online ngày 24-10-2014)

- Đầu tư hàng tỉ đồng xây trường mầm non rồi bỏ hoang. (MotTheGioi online ngày 23-4-2015)

No comments:

Post a Comment