Saturday, June 6, 2015

Báo Việt Nam và Trung Quốc khẩu chiến vì Mỹ

Bức biếm họa về quan hệ Việt - Mỹ trên trang web của Hoàn cầu Thời báo.
Truyền thông của hai quốc gia cộng sản mới đây đã dùng những ngôn từ không hề kiêng nể để nhắm vào nhau, gây ra một cuộc đối đầu trên 'mặt trận báo chí' nhà nước của hai quốc gia láng giềng.
Trong một bài bình luận đăng ngày 2/6 về chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, tờ Hoàn cầu Thời báo thuộc cơ quan Ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết rằng “người Việt Nam thừa biết là Washington đang lợi dụng Hà Nội để khống chế Trung Quốc tại biển Đông”.
“Người Mỹ không hâm mộ thể chế chính trị của Việt Nam. Điều gì sẽ xảy ra sau khi nước này tự ngả vào vòng tay của Mỹ? Câu trả lời không thể rõ ràng hơn”.
Bài viết của tờ báo thuộc Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc viết thêm rằng “Hà Nội luôn luôn cảnh giác trước Washington, và điều đó không dễ thay đổi vì những lời đường mật của ông Carter, và ngược lại. Hoa Kỳ sẽ không tin Việt Nam sẽ trung thành với mình”.
Đáp lại, tờ Giáo dục Việt Nam nói rằng “bài xã luận sặc mùi cay cú” của Hoàn cầu Thời báo “xuyên tạc quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ, Việt – Trung”.
Tờ báo thuộc Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam viết tiếp: “Đúng là Hoa Kỳ không ngây thơ, và người Việt Nam cũng không ngây thơ. Người Việt Nam không quên quá khứ, nhưng quá khứ ấy không chỉ có 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, mà còn cả ngàn năm Bắc thuộc, gần nhất cũng là những cuộc chiến như năm 1979 Trung Quốc xua quân xâm lược tàn sát hàng ngàn đồng bào mình và xâm lược, thôn tính Hoàng Sa năm 1974, 6 bãi đá Trường Sa năm 1988”.
'Xóa sạch quá khứ'
“Còn Trung Quốc thì sao? Bề ngoài Bắc Kinh luôn miệng muốn "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai" nhưng thực bụng lại chỉ muốn láng giềng xóa sạch quá khứ bị phương Bắc xâm lược để tiếp tục bành trướng, "xâm lược mềm" lãnh thổ trong hiện tại và tương lai,” tờ báo viết thêm.
Báo chí Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, nên các nhà quan sát cho rằng phản ứng của tờ Giáo dục Việt Nam nhiều khả năng đã được “bật đèn xanh”.
Trên bình diện ngoại giao, Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua cũng đã có lời qua tiếng lại về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
Đích thân các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã nồng hậu đón tiếp ông Carter. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước”.
Trong khi đó, Chủ tịch Trương Tấn Sang thì nói rằng “hai bên đã khép lại quá khứ và hướng tới tương lai thể hiện bằng việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đặc biệt quan trọng là trao đổi cấp cao diễn ra thường xuyên hơn”.

No comments:

Post a Comment