Saturday, June 6, 2015

Bà Lantos Swett trả lời RFA về tình hình Tự do Tôn giáo thế giới

Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2015-06-06
Intergroup-report-launch-picture-622.jpg
Từ trái qua phải: Dân biểu Quốc Hội Âu Châu Dennis de Jong, Tiến sĩ Katrina Lantos-Swett, Ông Silvio Gonzato và Dân biểu Peter Van Dalen tại Quốc Hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Vương Quốc Bỉ, ngày 3 tháng 6 năm 2015.RFA PHOTO/Ỷ Lan
Ngày 3 tháng 6 vừa qua, Liên nhóm Dân biểu Quốc hội Châu Âu cho Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng và Bao dung tôn giáo đã hợp tác với Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới tổ chức cuộc Hội luận dưới đề tài “Tình hình Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng trên Thế giới” tại Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ.
Liên nhóm Dân biểu Quốc hội Châu Âu đã trình bày Phúc trình năm đầu tiên về Tự do Tôn giáo trên Thế giới.
Phát biểu tại cuộc Hội luận có hai vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu đồng Chủ tịch Liên nhóm: Tiến sĩ Dennis De Jong và Peter Van Dalen, Tiến sĩ Katrina Lantos-Swett, Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới, cùng với ông Silvio Gonzato, Giám đốc Vụ Nhân quyền và Dân chủ Bộ Ngoại giao Liên Âu.

Sự hợp tác giữa Mỹ và EU về Tự do Tôn giáo

Sau đây là cuộc phỏng vấn bà Katrina Lantos-Swett để tìm hiểu sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Liên Âu trên lãnh vực Tự do Tôn giáo.
Ỷ Lan: Bà đến Quốc hội Châu Âu hôm nay để trình bày bản Phúc trình 2015 của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới cùng với Liên nhóm cho Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng của Quốc hội Châu Âu. Điều gì làm cho bà thấy quan trọng để hợp tác nhằm thăng tiến Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng?
Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng quyền Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng là nền tảng cho nhân quyền, và nhiều năm qua, Hoa Kỳ đã đi đầu với nỗ lực quyết liệt biện hộ cho quyền này. Cho nên, thật vô cùng khích lệ để thấy Quốc hội Châu Âu và các quốc gia Châu Âu cũng tham gia.
-Bà Lantos Swett
Lantos Swett: Tôi thấy cực kỳ quan trọng. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng quyền Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng là nền tảng cho nhân quyền, và nhiều năm qua, Hoa Kỳ đã đi đầu với nỗ lực quyết liệt biện hộ cho quyền này. Cho nên, thật vô cùng khích lệ để thấy Quốc hội Châu Âu và các quốc gia Châu Âu cũng tham gia cho mục tiêu này qua đường lối hết sức tích cực. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tăng cường sức mạnh trong cuộc hợp tác xuyên Đại Tây dương. Đây là điều khiến cho các chính quyền bị tố cáo phải phản ứng thay đổi, để các chính quyền này thấy rõ xung lượng của sự hợp tác liên châu. Tôi hết sức khích lệ cho sự kiện này.
Ỷ Lan: Bà có nghĩ rằng quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đóng một vai trò trong tiến trình dân chủ hóa không?
Lantos Swett: Cực kỳ quan trọng cho tiến trình dân chủ hoá. Tôi thường tán dương đường lối hữu hiệu, mà qua đó bản Hiến Pháp của chúng tôi, trong thời khai quốc Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, đã giải quyết đối với quan niệm chính giáo phân ly, cũng như bảo vệ sự tự do thực hành tôn giáo. Đây chính là vấn đề chính yếu cho sự phát triển của chúng tôi như một xã hội dân chủ, và khai triển xã hội tới độ cao của sự cố kết các giai tầng xã hội. Đương nhiên, chúng tôi gặp nhiều thách thức, và tiếp tục đối diện với thách thức, nhưng quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng là trọng tâm cho dự án dân chủ với những nỗ lực thực hiện cho mỗi quốc gia, để tạo ra một không gian an toàn và bình đẳng trong quảng trường công chúng cho mọi tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như khối quần chúng không theo tôn giáo hay tín ngưỡng nào. Tôi tin rằng đây là một yếu tố đánh dấu sự trưởng thành mà một xã hội cần biểu lộ, để có thể hoà nhập vào sự quản lý tốt và dân chủ.
Ỷ Lan: Như bà biết, cuộc phỏng vấn này sẽ được phát trên Đài Á Châu Tự do về Việt Nam. Việt Nam từng ở trong danh sách CPC, (Country of Particular Concern, tức các nước cần đặc biệt quan tâm vì đàn áp tôn giáo) của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới qua nhiều năm, và trong bản Phúc trình năm nay của Ủy hội, Việt Nam lại bị khuyến cáo đưa trở lại danh sách CPC. Bà có quan tâm tới vấn đề Việt Nam?
Đề nghị đưa vào danh sách CPC, những quốc gia mà chúng tôi cảm thấy quan tâm, do những báo cáo nêu rõ sự vi phạm tự do tôn giáo, và đây là trường hợp của Việt Nam.
-Bà Lantos Swett
Lantos Swett: Đương nhiêm là tôi rất quan tâm. Đề nghị đưa vào danh sách CPC, những quốc gia mà chúng tôi cảm thấy quan tâm, do những báo cáo nêu rõ sự vi phạm tự do tôn giáo, và đây là trường hợp của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng một phái đoàn bao gồm những Ủy viên thuộc Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới sẽ đến viếng thăm Việt Nam nhằm xem xét một số điểm. Chúng tôi đang vận động cho chuyến đi, và mong mỏi thấy được kết quả.
Có một lúc, dường như vấn đề tôn giáo được phát triển theo hướng tích cực tại Việt Nam, nhưng ngay lúc này thì đang thoái bộ. Đây là điều không tốt cho Việt Nam. Và cũng là mối âu lo cho những cộng đồng tôn giáo bị làm đối tượng đánh phá.
Một trong những mặt mạnh của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới, là chúng tôi độc lập, nhờ vậy chúng tôi tự do nói thẳng, chúng tôi chẳng cần “phất theo chiều gió” vì những lý do chính trị hay mệnh lệnh ngoại giao. Giá trị này rất cao cả. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đáng đặt vào danh sách CPC, nhưng chúng tôi hy vọng rằng không phải luôn luôn bị như thế. Tôi tin rằng điều tốt cho tương lai Việt Nam, nếu nhà cầm quyền chịu cải cách để khỏi bị đặt vào danh sách CPC.
Ỷ Lan: Xin bà một câu hỏi chót. Sau cuộc thăm viếng Việt Nam cuối tháng bảy năm ngoái của Báo cáo viên LHQ Đặc nhiệm tự do tôn giáo, ông Heiner Bielefeld nói rằng: “ Phép thử nghiệm để đánh giá sự phát triển quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở Việt Nam, là điều kiện hoạt động của các cộng đồng tôn giáo độc lập, tức những cộng đồng tôn giáo không được nhà nước công nhận”. Đây chính là trường hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà trong bản Phúc trình của Ủy hội có nhắc tới vị lãnh đạo Giáo hội là Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ bị quản chế từ nhiều thập niên. Bà nghĩ sao về trường hợp này?
Lantos Swett: Trường hợp của Đức Tăng Thống là một trong những trường hợp thống thiết bi tâm. Ngài là vị lãnh đạo khác thường, ngoại lệ. Mục tiêu của Ngài chưa được biết lắm trên thế giới. Tôi nghĩ tới một bộ mặt khác của Á Châu là bà Aung San Suu Kyi. Ai ai cũng biết tới Aung San Suu Kyi. Đây là điều tối quan trọng cho Miến Điện. Nhưng chưa phải là trường hợp của Tăng Thống Thích Quảng Độ ở Việt Nam, đây là điều thách thức chúng ta.
Bao lâu những quốc gia đàn áp tôn giáo chưa bị công khai nhận diện, chưa bị các chính quyền khác đang kinh doanh, làm ăn với Việt Nam, đứng ra tố giác; bao lâu sự đàn áp các nhà lãnh đạo tôn giáo không được nói lớn trên công luận quốc tế, thì tất nhiên Việt Nam sẽ tiếp tục đàn áp mà chẳng sợ gì.
Cho nên, chúng ta cần nêu cao chân dung của những trường hợp này.
Ỷ Lan: Xin cám ơn Bà Lantos Swett.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á Châu Tự do tại Quốc hội Châu Âu.

No comments:

Post a Comment