Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-05-04
Một thiếu nữ cầm cờ cộng sản sau khi tham dự một cuộc diễu hành quân sự được tổ chức vào 10 tháng 10, 2010 tại Hà Nội- AFP
Những ngày cuối tháng tư đã trôi qua, song những xúc cảm và suy nghĩ về những ngày này 40 năm trước vẫn còn tràn đầy các trang blog. Những hồi tưởng về thất bại, những lo lắng về hiện tại và tương lai.
40 năm thất bại
Tuần lễ cuối cùng của tháng Tư, các trang blog hầu như có cùng một chủ đề, đó là ngày 30/4 của 40 năm trước, ngày mà nhiều người cho rằng là một ngày định mệnh làm thay đổi số phận của cả dân tộc Việt vốn tồn tại cả ngàn năm.
Blogger nhạc sĩ Tuấn Khanh viết về những đồng nghiệp đàn anh của ông tại miền Nam trong thời khắc chuyển đổi đầy bi kịch đó:
Tháng 4/1975 là cột mốc thay đổi rất nhiều thứ của người miền Nam Việt Nam. Đối với giới âm nhạc, đó cũng là một giai đoạn đầy biến động nhưng ít được ghi lại,. Những biến động đó bao gồm ly tán, tuyệt vọng, cái chết và sự nhục nhằn của kiếp người từ một chế độ này, bước sang một chế độ khác.
40 năm sau cái ngày định mệnh đó việc bàn luận và tranh cãi nhau về nó lại dường như không giảm đi theo năm tháng. Nếu tuần trước ông Andre Menras viết bài giải thích thái độ của mình trong chiến tranh Việt nam, thì tuần này tác giả Trần Quí Cao viết trên Bauxite Việt nam để phản biện, để nhấn mạnh đến khía cạnh nội chiến của cuộc chiến ấy. Và tác giả kết luận rằng người dân Việt đã bị lợi dụng, và trong số những người dân ấy người ta nhìn thấy cả hình ảnh của tác giả qua lời văn của chính ông:
Anh Cương Quyết thân mến, cách đây hơn 40 năm, tôi từng căm phẫn như anh khi đọc những dòng đại loại: “Việt Nam bị các đại cường xâu xé để cướp đoạt tài nguyên”. Qua thực tế lịch sử, hiện nay tôi cũng căm phẫn, nhưng theo chiều khác: căm phẫn cái thế lực, cái dã tâm, lợi dụng lòng yêu nước của dân ta, đã đưa ra chiêu bài sai trái đó để dẫn dụ người Việt giết người Việt. Đa số dân chúng bị dẫn dụ non nớt đã đành, nhưng không thể không căm phẫn cái thế lực vì dã tâm thống trị độc tài mà đang tâm xô đẩy dân tộc vào vòng điêu linh tan nát!
Blogger Song Chi viết bài Sự dối trá kéo dài, trong đó bà liệt kê những thất bại triền mien 40 năm qua của những người những tưởng là chiến thắng vào những ngày này bốn thập kỷ trước. Đó là những người cộng sản đã Phản bội lại chính lý thuyết của mình, họ Thất bại trong hòa giải, nền văn hóa xã hội họ tạo ra cho đất nước cũng hoàn toàn thất bại.
"Qua thực tế lịch sử, hiện nay tôi cũng căm phẫn, nhưng theo chiều khác: căm phẫn cái thế lực, cái dã tâm, lợi dụng lòng yêu nước của dân ta, đã đưa ra chiêu bài sai trái đó để dẫn dụ người Việt giết người Việt"-Trần Quí Cao
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhìn lại những thất bại đó:
Chiến thắng gì khi mà xong cuộc chiến thì cả nước lâm vào cảnh khốn cùng, bị phía bên kia trừng phạt suốt 20 năm trời, và cuối cùng phải đi cầu cạnh chính cái kẻ mà mình đánh đuổi nó ra khỏi nước.
Hệ quả của cuộc chiến còn thê thảm hơn nữa. Nó đẩy đất nước vào nghèo đói triền miên. Cho đến nay vẫn còn nghèo. Cả triệu người bỏ nước ra đi bất chấp hiểm nguy. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có nhiều người bỏ nước ra đi như thế.
Một trong những thất bại lớn nhất của những người cộng sản chính là cuộc sống cơ cực của hàng triệu nông dân Việt nam đã không giảm đi mà còn tăng lên qua hình ảnh xung đột đất đai mà nhà báo Lê Phú Khải ghi nhận được trong thời gian làm việc tại vùng đồng bằng Cửu long. Điều trớ trêu ở đây lại nằm ở chổ lá cờ búa liềm của đảng cộng sản lại không cứu giúp được những người mà họ tự nhận mình là kẻ bảo vệ.
Một phụ nữ đứng bán cờ đảng ở TPHCM. AFP
Trong số những người từng đứng dưới lá cờ búa liềm đó có nhà báo, blogger Nguyễn Vũ Bình, người từng làm việc cho Tạp chí cộng sản, cơ quan tuyển truyền ý thức hệ của những người cộng sản. Ông viết về ngày 30/4 năm nay, về những người tự cho là thắng cuộc:
Nỗi đau của bên thắng cuộc là nỗi đau từ từ, âm ỉ. Nó lớn lên cùng với nhận thức của chính những người trong cuộc, từ sự so sánh giữa lý tưởng và hiện thực, giữa lời nói và việc làm. Sau 30/4/75, đất nước sạch bóng quân thù, cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội….một sự vỡ mộng, bẽ bàng khủng khiếp từ từ xâm lấn tâm hồn bên thắng cuộc. Với độ lùi 40 năm sau ngày 30/4 đó, tất cả đã hiển hiện, bức tranh toàn cảnh của Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng cộng sản: Sự toàn vẹn lãnh thổ không còn, đất đai, hải đảo, lãnh hải bị mất và xâm phạm nghiêm trọng; nợ gấp đôi GDP và không có khả năng thanh toán; đạo đức, nền tảng xã hội bị băng hoại và phá hủy hoàn toàn; sự dồn nén cùng cực của tất cả mọi tầng lớp nhân dân…đây phải chăng là kết quả của niềm vui chiến thắng?
"Chiến thắng gì khi mà xong cuộc chiến thì cả nước lâm vào cảnh khốn cùng, bị phía bên kia trừng phạt suốt 20 năm trời, và cuối cùng phải đi cầu cạnh chính cái kẻ mà mình đánh đuổi nó ra khỏi nước"-GS Nguyễn Văn Tuấn
Một người trẻ tuổi sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến là Đoan Trang tham gia cuộc biểu tình chống hủy hoại mội trường tại Hà nội vừa qua viết sau khi cô bị công an bắt giam vài giờ trong cuộc biểu tình hoàn toàn bất bạo động tại thủ đô:
Có lẽ nào chúng ta cứ để một thiểu số bất tài vô hạnh ra những quyết định mang tính chất phá hoại – mà không chỉ phá chúng ta, còn gây hại cho nhiều thế hệ sau này nữa? Điều đáng sợ nhất là, khi lầm lỗi, khi làm sai, khi phạm tội ác mà không phải chịu trách nhiệm gì, kẻ sai, kẻ ác sẽ không có lý do gì để dừng lại.
Phải chăng lời phát biểu của Đoan Trang trong những ngày tháng tư nóng bỏng này chính là lời tổng kết 40 năm thất bại.
Một tương lai không rõ ràng
Khi Quí thính giả lắng nghe bài điểm blog này thì cuộc diễu hành hoành tráng kỷ niệm ngày chiến thắng của những người cộng sản đã chấm dứt. Người ta nói nhiều về những thất bại của họ, người ta cũng đàm tiếu những hình ảnh phô trương của ngày diễu binh. Rồi tất cả cũng qua đí, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là sắp tới là cái gì? Cái gì sẽ chờ đón dân tộc này? Những người cộng sản sẽ tiếp tục cầm quyền và ca ngợi chiến thắng của họ hàng năm? Và cũng hàng năm người ta lại thấy những quan chức nước láng giềng Trung quốc tung ra những lời hữu hảo nhưng đầy nghi ngại trong con mắt người dân Việt? Và họ lại tiếp tục gọi nước Mỹ ngày nay là Đế quốc? Gọi những người mạo hiểm tính mạng tìm tự do là lầm đường lạc lối như lời ông chủ tịch Mặt Trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn viết:
Tôi không biết giới chính quyền Mĩ họ nghĩ gì khi đọc bài của ông tổng Trọng. Nhưng chắc chắn họ đã đọc, và chắc chắn họ không vui. Họ cũng là người, có tình cảm vui buồn như chúng ta, thì làm sao họ vui cho được khi người họ mời sắp ghé thăm lại nhắc đến những quá khứ không đẹp – không đẹp cả hai bên. Họ thừa hiểu rằng Việt Nam chỉ dám chửi họ thôi, chứ Việt Nam không dám hó hé gì với Tàu cộng. Kể cũng lạ: chửi kẻ đang giúp mình, nhưng lại im lặng với kẻ đang hãm hại mình từng ngày! Thật không hiểu đạo lí và logic đằng sau là gì cho thái độ đó. Chỉ dám chửi kẻ ở xa, chứ không dám hó hé với kẻ sát nách nhà. Và, hiểu như thế thì người Mĩ sẽ mỉm cười.
Trong quan hệ giữa Mỹ và Trung quốc, trên thế trận mới của bàn cờ địa chính trị thế giới, còn vài tuần nữa ông Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng lên đường sang thăm Hoa kỳ.
"Có lẽ nào chúng ta cứ để một thiểu số bất tài vô hạnh ra những quyết định mang tính chất phá hoại – mà không chỉ phá chúng ta, còn gây hại cho nhiều thế hệ sau này nữa? Điều đáng sợ nhất là, khi lầm lỗi, khi làm sai, khi phạm tội ác mà không phải chịu trách nhiệm gì"-Đoan Trang
42 nhân sĩ trí thức Việt nam cùng viết kiến nghị với ông:
Chúng ta không cần và cũng không nhằm liên minh với một nước để chống lại nước thứ ba, song lại rất cần liên minh với ai có thể giúp chúng ta thêm sức mạnh chống lại kẻ cướp đang xông vào nhà mình. Chúng ta đã có bài học về các nước lớn vì lợi ích riêng của họ, biến nước nhỏ thành con tốt trên bàn cờ chính trị, để quyết giữ vững bản lĩnh của một dân tộc không chịu khuất phục trước mọi áp lực. Nhưng phải sòng phẳng nói rằng: lúc này đây thực lực của Mỹ đang là một sức mạnh giúp chúng ta giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ta trên biển cũng như trên đất liền.
Ngay trước ngày kỷ niệm 30 tháng tư, một hội thảo được tổ chức tại Hà nội với sự tham dự của nhiều nhà quan sát quốc tế, một trong những nhà quan sát đó là Giáo sư Jonathan London, đồng thời cũng là cây bút quan thuộc của trang điểm blog này cũng có tham dự. Ông viết bài Giải phóng:
Điều gì ở phía trước cho nước 94 triệu dân này vẫn chưa rõ ràng. Điều rõ ràng là cả nước đã đi một chặng đường rất dài trong 40 năm qua, mặc dù có lẽ không đủ dài để tự tin nói rằng họ đã hoàn toàn đối diện với quá khứ của mình.
Xã hội dân chủ là một con đường hứa hẹn nhất cho Việt nam và tiệm cận nhất với nguyện vọng và ý chí của nhân dân Việt nam. Liệu xã hội dân chủ có thể được hình thành ở một quốc gia đang phát triển? Những người bảo thủ sẽ nói không cho đến khi nào có người trả lời không với họ. Những gì mà Việt nam sẽ đạt được trong những thập kỷ tới sẽ phần lớn là kết quả của các quyết định chính trị của chính người Việt nam trong và ngoài Đảng. Nếu các quyết định được đưa ra càng mang tính dân chủ, minh bạch và công khai tôi sẽ càng lạc quan về tương lai chính trị, xã hội và kinh tế của Việt nam.
Những mầm mống của phong trào dân chủ trên thực tế đã hình thành ở Việt nam, nhưng sự thành công của họ dường như vẫn còn xa vời theo như blogger Kami nhận định trong một bài viết mà ông so sánh với phong trào đối lập tại Cuba vừa bị thất bại:
Giả sử bây giờ nhà nước Việt nam bất ngờ tuyên bố bỏ điều 4 Hiến pháp, cho tổ chức bầu cử tự do, đa đảng trong một thời gian gấp rút tương tự như Cu ba, thì có lẽ phong trào dân chủ ở Việt nam khó mà tránh được vết xe đổ tương tự như vừa xảy ra ở Cu ba ngày Chủ Nhật 19/4 vừa qua. Nghĩa là hầu hết các ứng viên dân chủ sẽ khó mà có cơ hội đắc cử, nếu như họ và các tổ chức của họ không có một sự chuẩn bị sẵn sàng về các bước cần thiết để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri ngay từ bây giờ.
Đó là nói về tương lai, còn hiện tại đứng giữa những ngày tháng tư này, đứng giữa những cuộc tranh luận và cải vã, một cây bút giấu tên viết trên trang Viet-Studies:
Các thế hệ sẽ dần qua đi, để không còn có ai đáng cho ai ngạo nghễ về chiến thắng, không còn có ai đáng cho ai hận thù vì tội ác đã gây ra.
Chúng tôi xin mượn ý này để kết thúc bài điểm blog hôm nay!
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/40ye-failur-wht-next-05042015054145.html/05042015-40ye-failur-wht-next.mp3
No comments:
Post a Comment