Monday, May 4, 2015

Việt Nam 'nhất thể hóa' khó vì nhiều 'đụng chạm'

HÀ NỘI (NV) - “Nhất thể hóa”: Sáp nhập hệ thống điều hành của Đảng CSVN và hệ thống hành chính thành một, nhằm tăng hiệu quả trong hoạt động và tiết kiệm công quỹ được cho là rất khó vì nhiều “đụng chạm.”


Mỗi năm, bộ máy công quyền ở Việt Nam ngốn hết 9,5% GDP, vượt xa mức chi tiêu cho bộ máy công quyền ở các quốc gia đang phát triển. (Hình: Tiền Phong)


Đó là “tâm sự” của bà Đỗ Thị Hoàng, phó bí thư của tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh với tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn.

Từ trước đến nay, hệ thống điều hành của Đảng CSVN vẫn hoạt động song song với hệ thống hành chính của chính quyền Việt Nam và dân chúng Việt Nam phải đóng thuế nuôi cả hai hệ thống này. Theo các thống kê chính thức, trong giai đoạn từ 2001-2012, chi tiêu cho cả hai hệ thống ngốn 55,37% tổng chi tiêu của cả quốc gia!

Trong thực tế, hệ thống hành chính của chính quyền Việt Nam có bao nhiêu ngành, bao nhiêu cấp thì hệ thống điều hành của Đảng CSVN cũng có từng đó ban bệ tương đương rải đầy ở tất cả các ngành, các cấp.

Đáng nói là chi tiêu rất lớn nhưng hoạt động của toàn bộ hệ thống công quyền (bao gồm cả hệ thống điều hành của Đảng CSVN và hệ thống hành chính của chính quyền Việt Nam) rất kém.

Bà Hoàng nhấn mạnh hiệu quả hoạt động kém vì hai hệ thống giẫm đạp lên nhau. Chẳng hạn hệ thống hành chính của chính quyền Việt Nam có các cơ quan “Nội Vụ” thì hệ thống điều hành của Đảng CSVN có các cơ quan “Tổ Chức.” Khi cần bổ nhiệm công chức, các cơ quan “Nội Vụ” phải trình cho các cơ quan “Tổ Chức” xem xét. Các cơ quan “Tổ Chức” sẽ trình ý định của lãnh đạo chính quyền cho lãnh đạo Đảng đồng cấp xem xét, quyết định rồi thông báo cho các cơ quan “Nội Vụ” để các cơ quan “Nội Vụ” ra quyết định. Đây cũng là lý do quy trình bổ nhiệm công chức dài gấp đôi thời gian cần thiết.

Tương tự, hệ thống hành chính của chính quyền Việt Nam có các cơ quan “Thanh tra” còn hệ thống điều hành của Đảng CSVN có các cơ quan “Kiểm Tra” dù hai loại cơ quan này có cùng một nhiệm vụ là xác định sai phạm của cán bộ, viên chức. Khi các cơ quan “Thanh tra” xác định cán bộ, viên chức nào có sai phạm thì các cơ quan “Kiểm Tra” xem xét lại từ đầu.

Cũng theo bà Hoàng thì bộ phận điều hành ủy ban nhân dân các cấp và bộ phận điều hành hệ thống Đảng cùng cấp đều có tới 20% nhân viên phục vụ và thường thì nhu cầu công việc của cả hai bộ phận điều hành này đều không sử dụng hết cả khả năng lẫn thời gian của 20% nhân viên đó.

Cũng vì vậy, việc “nhất thể hóa” hai hệ thống đã được nêu ra từ năm 2009 nhưng nhân vật là phó bí thư của tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh xác nhận, đã và đang có sự né tránh để thực hiện. Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN chỉ nêu chủ trương “nhất thể hóa” chứ chưa ban hành bất kỳ hướng dẫn nào để thực hiện. Tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị được phép thực hiện thí điểm việc sáp nhập Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy với Sở Nội Vụ, Ủy Ban Kiểm Tra Đảng của Tỉnh Ủy với Thanh Tra, Ban Tuyên Giáo của Tỉnh Ủy với Sở Thông Tin-Truyền Thông, Văn Phòng Tỉnh Ủy với Văn Phòng Hội Đồng Nhân Dân-Ủy Ban Nhân Dân.

Theo tính toán của tỉnh Quảng Ninh, nếu làm như thế thì sẽ giảm được 15% biên chế so với định mức. Về ngân sách, ngay trong năm 2015, sẽ tiết kiệm được 268 tỷ đồng tiền lương. Chưa kể còn tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng từ cơ sở vật chất do sáp nhập và thôi không phải đầu tư cho những cơ quan không còn hiện diện nữa. Tuy nhiên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN chưa đồng ý.

Cho đến nay, Ban Bí Thư của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN chỉ đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh dùng chung “cơ quan tham mưu” giúp việc giữa Mặt Trận Tổ Quốc và các đoàn thể ở cấp huyện.

Bà Hoàng nói rằng, “nhất thể hóa” khó thực hiện vừa vì đụng đến cơ chế, chính sách, pháp luật, vừa vì dụng đến con người - yếu tố khó nhất.

Công chức vốn là một vấn nạn của Việt Nam. Nhiều chuyên gia từng nhận định, Việt Nam “mạt” vì công chức. Công chức đông, chi phí cao nhưng hiệu quả kém vốn là một vấn nạn đã xuất hiện cách nay vài thập niên nhưng chính quyền Việt Nam hoàn toàn bất lực, không thể giải quyết. Sau các kế hoạch “tinh giản biên chế,” đội ngũ công chức không những không giảm mà càng ngày càng đông.

Năm ngoái, viên bộ trưởng Nội Vụ của Việt Nam thú nhận, kế hoạch biên chế công chức hàng năm mà các bộ, ngành, địa phương gửi về luôn đề nghị tăng từ 9% đến 11% so với biên chế công chức được giao của năm trước.

Bộ Nội Vụ Việt Nam vừa công bố đề án từ nay đến năm 2020 giảm 100,000 cán bộ, viên chức nhưng theo viên bộ trưởng Nội Vụ của Việt Nam, khả năng giảm 100,000 cán bộ, viên chức là rất thấp. (G.Đ)
05-04-2015 3:30:45 PM

No comments:

Post a Comment