Sơn Trung, thông tín viên RFA, Campuchia
2015-04-26
2015-04-26
Lãnh tụ Sam Rainsy đứng tại cột mốc biên giới tạm số 185 tại xóm Kbal Kandal, xã Samrong, huyện Chanhtrea, tỉnh Svay Riêng chuẩn bị cho nhổ cột mốc hồi tháng 5, 2009-samrainsyparty.org
Người dân ở tỉnh Svay Rieng, giáp với huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An cho biết phía Việt Nam đang làm đường lấn vào trong lãnh thổ của Campuchia, lấn chiếm đất nông nghiệp của người dân tuy nhiên không có động thái gì từ chính quyền Phnom Penh. Từ Svay Rieng, thông tín viên Sơn Trung có bài tường trình như sau.
Công trình này được tiến hành vài tháng nay với đơn vị thi công và đơn vị chủ quản thuộc Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Người dân ở xã Tuol Sdey, huyện Chantrea, tỉnh Svay Rieng cho biết phía Việt Nam xây dựng con đường này nhằm giúp đỡ người dân ở khu vực biên giới thuận tiện hơn trong việc đi lại, trao đổi buôn bán hàng hóa, đặc biệt là giúp thương lái mua và vận chuyển lúa từ Campuchia về Việt Nam dễ dàng hơn.
Mặc dầu vậy, một số hộ dân sinh sống tại đây lo lắng rằng con đường này sẽ trở thành vành đai bảo vệ biên giới mới của Việt Nam và hiển nhiên khu vực này sẽ thuộc về lãnh thổ của Việt Nam.
Một người dân sinh sống ở khu đất đất gần con đường này từ năm 1994 bày tỏ: “Ban đầu, biên giới ở phía kia ở trong ruộng người Việt, rồi khi làm đường, họ nhổ cột mốc nhỏ cắm lùi vào trong, trên bờ ruộng của người Việt, đến lần thứ ba này, tôi không biết họ đo như thế nào mà bây giờ biên giới nằm giữa ruộng của tôi rồi. Bên chính quyền Việt Nam họ nói là con đường này hướng sang Campuchia 100 mét hoặc 500 mét nữa mới tới đường biên giới, như vậy là đường biên giới ở ngay mái hiên nhà tôi”.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, đại diện của Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An cho biết con đường này hoàn toàn nằm trong phần đất của Việt Nam.
“Phần công trình trên địa bàn huyện, bên đây có đầu tư cái đường tạm gọi là đường tuần tra biên giới. Nhưng mà mình làm là làm bên đất của phía Việt Nam, có nghĩa là cách trụ cột mốc cắm mốc giữa mình với ranh của Campuchia là từ ít nhất 100 cho đến 500 mét thì làm sao gọi là qua đất của Campuchia”.
Khi làm đường, họ nhổ cột mốc nhỏ cắm lùi vào trong, trên bờ ruộng của người Việt, đến lần thứ ba này, tôi không biết họ đo như thế nào mà bây giờ biên giới nằm giữa ruộng của tôi rồi. Bên chính quyền VN họ nói là con đường này hướng sang Campuchia 100 mét hoặc 500 mét nữa mới tới đường biên giới, như vậy là đường biên giới ở ngay mái hiên nhà tôiMột người dân
Vào 24 tháng 4 năm 2015, chúng tôi có mặt tại ấp Koh Reusey, trao đổi với chúng tôi, người dân ở đây cho biết nhiều đoạn, con đường mới này tiến gần sát cột mốc biên giới. “Từ cột mốc số 197 đến 194, con đường này cách cột mốc tối đa là 40 mét. Nếu như bên Việt Nam nói là cách 100 mét thì phải nhổ cột mốc biên giới vào đất Campuchia thêm 60 mét nữa”.
Đường nằm bên kia biên giới nhưng trên đất của người Khmer
Nhiều người Campuchia ở khu vực gần con đường đang thi công thừa nhận rằng, con đường này không cắt ranh giới mà phía Việt Nam cho là biên giới nhưng họ không công nhận đường biên giới đó.
“Thật ra biên giới không phải ở đây, biên giới nằm ở phía đông (hướng về phía Việt Nam) 2 km lận. Ở đó có một cái hồ lớn, hồi nhỏ tôi và cha chú thường đi bắt cá ở đó nhưng không dám vượt qua hồ vì bên đó là đất của Việt Nam. Ở đó cũng có một cái cọc mốc, nhưng giờ người ta nhổ bỏ rồi và họ lấn tới tận đây”. Một người dân 30 tuổi có nhà gần cột mốc 189, ấp Donty, xã Toul Sdey, huyện Chantrea, tỉnh Svay Rieng cho biết như vậy. Anh này còn cho biết thêm trước đây anh không thấy một người Việt nào ở đây cả nhưng đến nay, ruộng của người Việt đã đến tận vách nhà của mình.
Chúng tôi tiếp xúc với nhiều hộ dân khác tại khu vực này, tất cả đều nhận định như vậy. Một người dân khoảng 50 tuổi còn cho biết thêm rằng trước đây phía bên kia con đường là đất đai do người Khmer quản lý. Ông này cho biết: “Trước đây đất này không có chủ, nhưng không có người Việt nào đến canh tác được cả, họ đến canh tác là người Khmer mình đuổi họ đi. Sau đó họ thuê người Khmer cày đất này rồi họ canh tác. Người Khmer cày bừa thì không ai đuổi cả. Cứ vậy, người Khmer cày bừa, người Việt canh tác, dần dà đất này thành đất của họ. Rồi cột mốc cũng từ từ lấn vào đến đây”.
Liên quan đến vấn đề này Ông Nouth Bopinnaroath, đại diện tổ chức bảo vệ nhân quyền Adhoc tại tỉnh Svay Rieng, cơ quan tiếp nhận thông tin tố cáo Việt Nam chiếm đất cho rằng dù con đường mới không ảnh hưởng đến đất của một hộ dân nào, nhưng việc người dân cho rằng họ bị Việt Nam làm đường chiếm đất là hoàn toàn hợp lý. Ông nói: “Người dân không cần ghi nhận đâu là đất Việt Nam, đâu là đất Campuchia, họ biết rằng nơi mà họ chôn cất ông bà, nơi mà họ cắt cỏ, thả trâu bò, nơi mà họ có quyền khai thác, đó là lãnh thổ của Campuchia. Đến khi thấy Việt Nam làm đường, họ không cần biết biên giới ở vị trị nào nhưng con đường đó xâm hại đến đất mà họ có quyền khai thác từ trước, họ cáo buộc rằng Việt Nam chiếm đất của họ”.
Chưa thống nhất biên giới, Việt Nam đơn phương thay đổi hiện trạng
Theo lời của người đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa thì biên giới giữa Việt Nam và Campuchia trên địa bàn huyện đã được hai nước thống nhất quá trình đàm phán, phân giới, cắm mốc và việc Việt Nam xây dựng con đường trên lãnh thổ của mình là hoàn toàn hợp lý.
Liên quan đến vấn đề này, ông Var Kimhong, Quốc vụ khanh, Trưởng Ban Phụ trách về các vấn đề biên giới cho biết, cho đến hiện nay tuyến biên giới giữa Campuchia và Việt Nam vẫn còn nhiều chỗ chưa thống nhất, trong đó có đoạn giữa huyện Chantrea và huyện Thạnh Hóa. “Việc giải quyết vấn đề biên giới giữa Campuchia và Việt Nam vẫn chưa hoàn thành thế nên chúng ta phải giữ nguyên hiện trạng theo tin thần tuyên cáo chung của Thủ tướng Thứ hai vào ngày 17 tháng 1 năm 1995. Đây là nghĩa vụ của Việt Nam, không được có bất kỳ hạnh động nào thay đổi hiện trang khu biên giới mà không có sư thống nhất từ hai bên”.
Phần công trình trên địa bàn huyện, bên đây có đầu tư cái đường tạm gọi là đường tuần tra biên giới. Nhưng mà mình làm là làm bên đất của phía Việt Nam, có nghĩa là cách trụ cột mốc cắm mốc giữa mình với ranh của Campuchia là từ ít nhất 100 cho đến 500 mét thì làm sao gọi là qua đất của Campuchiađại diện UBND Thạnh Hóa, Long An
Ông Nouth Bopinnaroath, đại diện tổ chức Adhoc tại tỉnh Svay Rieng nhận định rằng nếu căn cứ vào điều kiện thực tiễn thì Việt Nam hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế về vấn đề biên giới. Ông Bopinnaroath: “Phía Việt Nam cho biết là có sự thống nhất giữa hai bên Việt Nam và Campuchia, thế nhưng phía Ủy ban Biên giới Campuchia thì khẳng định khu vực này có điểm chưa thống nhất. Nếu căn cứ vào luật quốc tế về biên giới thì việc đóng cọc, cắm mốc hay xây dựng bất kỳ vật thể gì nhằm đánh dấu biên giới đều phải có sự đồng ý từ hai bên và cũng phải có sự thống nhất từ người dân địa phương, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp. Không bên nào được quyền đơn phương thay đổi hiện trạng cả”.
Cũng tại huyện Chantrea này, hồi hôm 25 tháng 10 năm 2009, ông Sam Rainsy dẫn đầu nhóm hơn 100 người nhổ 6 cọc gỗ đánh dấu vị trí phân chia biên giới vì cho rằng cột này được trồng trên lãnh thổ của Campuchia và cáo buộc Việt Nam chiếm đất. Sự kiện này khiến 2 người nông dân Campuchia bị phạt tù 9 tháng 21 ngày riêng ông Sam Rainsy đã bị xử vắng mặt và bị buộc tội phá hoại của công và xúi giục người khác có hành vi vi phạm pháp luật.
Từ nhiều năm nay, các nhà hoạt động xã hội độc lập và các đảng phái đối lập luôn chỉ trích chính quyền ông Hun Sen thiếu trách nhiệm trong việc quản lý dẫn đến tình trạng Việt Nam liên tục lấn đất sang phía Campuchia.
No comments:
Post a Comment