Thursday, March 5, 2015

Người dân xô đẩy cướp hoa lễ ở đền Trần

Thứ năm, 5/3/2015 | 07:51 
|
Sau nghi thức khai ấn lúc 23h đêm qua, hàng chục nghìn khách đầu trần đội mưa xô nhau vào nơi hành lễ. Họ giật hoa trên ban thờ, xoa tiền vào kiếm thần, làm đổ vỡ đồ thờ cúng.

 
23h ngày 4/3, lễ khai ấn đền Trần diễn ra tại đền Thiên Trường thuộc Khu di tích đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định). Đứng sau rào chắn sắt với 2 vòng bảo vệ gắt gao, hàng chục nghìn người dân hướng mắt về cánh cửa đền đã đóng kín. Thi thoảng, những tiếng đồng thanh "1, 2, 3" vang lên, dòng người gắng sức xô đổ hàng rào. Phía trong sân đền, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cùng một số lãnh đạo trung ương, địa phương đang tham gia nghi lễ rước kiệu, rước hòm ấn, khai ấn…
 
 
Ngồi chờ bên 4-5 túi lễ dưới cơn mưa phùn dày hạt, bà Trương Thuỳ Quyên (áo xanh, 48 tuổi, quê Thanh Hoá) cho biết, sẽ cố lấy được ấn đền Trần xong mới về. Năm nào cũng tham dự lễ hội này, bà Quyên có kinh nghiệm, đi lễ hết các ban xong là 3-4h sáng vì có quá đông người. Cùng với 12 đồng hương khác, bà cho biết sẽ thức đến 5h sáng để xếp hàng xin ấn cầu may, cầu công danh. Trong khi đó bà Nguyễn Thị Thanh (55 tuổi, Hà Nam) và Lê Thị Thuỳ (60 tuổi, Nam Định) lại không xin ấn. "Chúng tôi đến với lòng thành kính, để thể hiện lòng biết ơn các vua quan nhà Trần nên chỉ đi lễ cầu bình an, may mắn cho muôn dân, gia đình, không tham danh vọng", bà Thanh nói. Người phụ nữ này và nhiều du khách khác, có chung một mong muốn, ban tổ chức bố trí màn hình lớn ở phía ngoài cổng đền, để dân thường không được vào bên trong vẫn có thể theo dõi các nghi lễ.
 
 
0h, khi các nghi thức khai ấn kết thúc, cửa đền mở ra, hàng nghìn người dân ùa vào. Trong vòng 5 phút, sân Thiên Trường đầy ắp những gương mặt nhăn nhó, đẫm mồ hôi vì chen lấn.
 
 
Để di chuyển được nhanh, một số người đã "mở đường" bằng cách trèo lên hàng rào hoặc bám cột. Tiếng la ó, thậm chí mắng chửi nhau liên tiếp vang lên ngay trước cửa vào nội cung.
 
 
Những cành hoa lễ đặt trên ban lễ vọng ở sân Thiên Trường nhanh chóng bị tranh cướp. Thi thoảng tiếng đồ thờ cúng rơi đổ loảng xoảng vang lên. Lực lượng an ninh sau đó phải rất vất vả mới bảo vệ được bàn lễ. Người trong ban tổ chức đứng canh ở hai bên đặt hoa lễ, nhắc nhở, thậm chí bức xúc quát to.
 
 
Một chậu hoa phong lan bị vỡ tan sau ban vái vọng ở sân Thiên Trường và trước cửa nội cung
 
 
Không bỏ lỡ cơ hội, hàng chục du khách xô vào ngắt cành, nhổ củ hoa mang về nhà với niềm tin sẽ có được phước lộc, may mắn. "Tôi đã cầu khấn để xin Thánh thần trước khi lấy cây hoa này về", người đàn ông khẳng định.
 
 
Phía hậu cung, mấy trăm người cũng cố với tay thật xa để quẹt tiền hoặc chạm được vào kiếm thần. 
 
 
"Làm như thế sẽ may mắn lắm đấy, tiền tài trong nhà cũng theo đó tăng lên", một người đàn ông quẹt được tiền vào kiếm thần hồ hởi nói.
 
 
Chứng kiến cảnh người dân chen lấn tranh cướp làm đổ vỡ đồ thờ, ông Phạm Văn Phúc, giảng viên trường Cao đẳng nghề số 3 Bộ Quốc phòng bức xúc: "Đó là hành vi phản cảm, đáng bị lên án". Chỉ đứng nguyên một chỗ ở cửa nội cung, ông Phúc vái vọng vào trong cầu bình an, thịnh vượng cho đất nước, muôn dân. Khi bình hoa gần chỗ ông đứng bị dòng người xô đẩy làm vỡ, trầu, cau, một giỏ hoa lễ cũng bị hất xuống nền đất, ông lặng lẽ thu dọn mảnh sứ, đồ thờ.
 
 
Dù trời mưa phùn dày hạt nhưng nhiều du khách ở xa "đội trời", nghỉ tạm ở đền Trần để kịp xếp hàng xin ấn từ 5h sáng 5/3. 
 
 
Đúng 6h, những chiếc ấn bắt đầu được phát cho người dân. An ninh lúc này được đảm bảo, không có tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp. Anh Trần Đức Tuấn Anh (54 tuổi, Ninh Bình) lần thứ hai đến đền Trần cảm thấy hài lòng khi an ninh năm nay tốt hơn. “Năm sau tôi sẽ đi tiếp lễ hội đền Trần để du xuân và cầu bình an, may mắn cho đất nước, gia đình”, anh nói.
 
 
Dọc đường vào khu vực đền Trần, khoảng 20 người ăn mày nằm ngồi la liệt mặc lệnh cấm và hơn 2.000 công an, cảnh sát, dân quân tự vệ... liên tục ra vào.
Đánh giá về công tác tổ chức lễ hội đền Trần năm 2015, Phó chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban Tổ chức Cao Thị Tính cho biết: “Nhìn chung là trọn vẹn và tốt đẹp”. Theo bà Tính, khoảng 80 nghìn người đã trảy hội năm nay, đỉnh điểm là ngày 13-14 âm lịch với 40-50 nghìn. Về tình trạng xô đẩy tranh hoa, xát tiền vào gươm thần, bà Tính cho rằng “không tránh khỏi” và “như thế mới gọi là hội”.  Hiện tượng ăn xin lê lết dọc đường vào di tích được Ban tổ chức giải thích, khi đó lực lượng an ninh phải chốt các điểm bên trong nơi thực hiện nghi lễ. “Khi đó chúng tôi muốn gom ăn xin đến các trung tâm thì xe cũng không thể di chuyển vì tắc nghẽn”, bà Tính phân trần.
 
Quỳnh Trang - Lục Bìn
h

No comments:

Post a Comment