TEL AVIV (NV) .- Việt Nam muốn mua thêm một số máy bay không người lái (UAV) Orbiter 2 đồng thời ngỏ ý muốn mua loại lớn hơn là Orbiter 3 của một công ty quốc phòng Israel.
Máy bay không người lái Orbiter 3 mà Việt Nam dự tính mua của Do Thái.(Hình: ADS)
Vào lúc một viên chức Bộ Quốc Phòng Israel có mặt ở Hà Nội ký kết “bản ghi nhớ” về hợp tác quốc phòng giữa hai nước, tạp chí hàng không FlightGlobal loan tin phía Việt Nam không những muốn mua thêm một số máy bay không người lái Orbiter 2 mà còn muốn mua cả phiên bản lớn hơn, trang bị tốt hơn, bay được lâu hơn, là Orbiter 3.
Cả hai loại UAV này được phía Việt Nam dùng làm tai mắt cho pháo binh tác xạ và có thể dùng để hướng dẫn hỏa tiễn phòng vệ biển Extra của Israel cung cấp hồi năm ngoái.
Cuối Tháng Chín 2014, tạp chí Flight Global tiết lộ Việt Nam đã đặt mua một số máy bay không người lái Orbiter 2 do công ty Aeronautics Defense Systems của Israel sản xuất nhưng không cho biết số lượng và giá trị của bản hợp đồng.
Bây giờ, Việt Nam ngỏ ý muốn mua loại lớn hơn, Orbiter 3, có khả năng hoạt động mọi mặt đều hơn hẳn so với Orbiter 2. Và cũng không có một chi tiết nào về số lượng cũng như giá trị hợp đồng, khi nào thì chính thức tiến hành.
Về chi tiết kỹ thuật, các loại UAV Orbiter có thân máy bay bằng vật liệu nhựa tổng hợp rất nhẹ. Orbiter 2 có sải cánh dài 3m, trọng lượng cất cánh tối đa 9.5kg, mang được tải trọng cảm biến nặng 1.5kg, đạt tốc độ bay từ 55 - 130 km/giờ, tầm hoạt động 80km, độ bay cao tối đa 5,400m và thời gian hoạt động liên tục trên không là 4 giờ.
Trong khi đó Orbiter 3, tương tự như loại 2, nó có trần bay tối đa gần 5,500m với tốc độ bay là 55 - 130km/h, nhưng sải cánh dài 4.2m và tải trọng hữu ích có thể mang lên đến 5.5kg. Orbiter 3 có khả năng hoạt động liên tục 7 giờ trên không và có phạm vi hoạt động hơn 150km.
Orbiter 3 có thể được phóng trên các bệ phóng được gắn trên các loại xe tải hay bán tải. Khi thu hồi sau chuyến công tác thì nó xuống bằng dù và có thêm túi hơi chống chấn động.
Cả hai loại máy bay không người lái Orbiter 2 và Orbiter 3 được chế tạo cho nhu cầu trinh sát cả ngày lẫn đêm với các hệ thống quang học và điện tử. Với ngành pháo binh, chúng thay thế cho các trạm quan sát tiền tuyến trên mặt đất và cung cấp các thông tin chính xác đầu tiên về vị trí đối phương làm tham số bắn.
Năm ngoái, Việt Nam cũng đã bắt đầu sản xuất một số phiên bản súng trường tự động Galil của Israel tại một nhà máy ở tỉnh Thanh Hóa theo một hợp đồng trị giá khoảng 170 triệu đô la. Hà Nội muốn thay thế dần súng AK-47 đã trang bị xưa nay.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, ông Dan Harel, Tổng Vụ trưởng Quốc phòng Israel đã thảo luận và ký “bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Israel” tại Hà Nội hôm 2 tháng 3, 2015. Ngoài chi tiết vừa kể, không có chi tiết gì khác được tiết lộ ngoài mấy lời ca ngợi quen thuộc như “quan hệ quốc phòng song phương Việt Nam-Israel trong những năm qua đã không ngừng phát triển tốt đẹp, hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng của mỗi nước nói riêng cũng như của khu vực và thế giới nói chung.” (TN)
03-04-2015 5:03:27 PM
No comments:
Post a Comment