(PL)- “Nếu như chúng ta phải bắt đầu xin lỗi vì đã khoan dung, thì đây không phải là tổ quốc của tôi”.
Châu Âu trong năm 2015 ngập chìm trong những cuộc khủng hoảng, vấn đề này vừa nhen nhóm tìm ra lối thoát thì vấn đề khác lại xuất hiện. Châu Âu đi từ cơn ác mộng này đến cơn ác mộng khác, từ những vụ khủng bố tại Pháp, rơi máy bay Đức tại Pháp, căng thẳng chính trị với Nga đến cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp và cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất từ sau Thế chiến thứ hai. Tạp chí TIME bình luận đã có lúc người ta băn khoăn liệu Liên minh châu Âu có còn tồn tại được nữa hay không. Và trong những rối ren không hồi kết đó, vai trò của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel nổi bật lên như một đầu tàu lãnh đạo của cả châu lục.
“Thủ tướng của thế giới tự do”
Đó là “danh hiệu” mà tạp chí TIME đã dành cho người họ bầu chọn làm nhân vật của năm 2015 - nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Biên tập viên chịu trách nhiệm quản lý cuộc bình chọn - bà Nancy Gibbs lý giải bà Merkel đã thắng cuộc vì bà đã “dám kỳ vọng ở đất nước của mình nhiều hơn bất kỳ chính trị gia nào dám kỳ vọng”. Nancy Gibbs viết: “Vì đã cương quyết đứng lên chống lại sự cường quyền, cơ hội và lươn lẹo trong chính trị; vì đã lãnh đạo cương quyết giữ vững các giá trị đạo đức trong một thế giới mà đó chỉ là điều xa xỉ, bà Angela Merkel chính là nhân vật của năm 2015”.
Khi “kinh đô ánh sáng” Paris bị khủng bố tấn công vào những ngày đầu tiên của năm với vụ xả súng tại tòa soạn Charlie Hebdo và vụ khủng bố kép vài ngày sau đó, châu Âu đã mơ hồ đoán được họ sẽ phải đối mặt với một năm 2015 vô vàn sóng gió. Cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp trong năm qua không những đẩy đất nước này vào bờ vực phá sản, mà còn đe dọa sự tồn vong của đồng tiền chung châu Âu và sự bền vững của Liên minh châu Âu (EU).
Nữ thủ tướng Đức Angela Merkel nổi bật lên như một đầu tàu lãnh đạo của cả châu Âu trong năm 2015. Ảnh: NEWS ASIA
Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đẩy phương Tây vào tình thế căng thẳng cả về an ninh lẫn kinh tế. Luồng người tị nạn khổng lồ đổ về châu Âu đe dọa nguyên tắc tự do đi lại - giá trị cốt lõi của EU. Và những cuộc khủng bố đẫm máu tại Paris tháng 11 vừa qua lại càng mở đường cho sự sợ hãi và làn sóng đòi “đóng cửa, lập hàng rào và nghi ngờ mọi thứ”.
Bà Merkel đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong giải quyết các bài toán khó đó của châu Âu: không chỉ một, hai mà tận ba lần. Với những điều khoản cải cách nghiêm ngặt, nước Đức của Merkel đã dẫn đầu chương trình giải cứu Hy Lạp khỏi viễn cảnh phá sản do nợ công và qua đó giải cứu cả đồng tiền chung euro.
Trước làn sóng đóng cửa biên giới của nhiều thành viên EU, nước Đức của Merkel cũng đi đầu mở cửa chào đón những người tị nạn, xem họ là những nạn nhân chứ không phải những kẻ lan truyền chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan. Và lần đầu tiên từ sau Thế chiến thứ hai, nước Đức của Merkel đã triển khai quân đội ra nước ngoài, hợp sức tiêu diệt tận gốc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Bà Merkel đã và đang xây dựng một nước Đức với những giá trị “lạ lẫm” - nhân đạo, khoan dung và hào phóng - trong một thế giới của năm 2015 đầy những toan tính chính trị, sợ hãi, nghi kị và hẹp hòi. Tờ TIME bình luận những chính sách của bà như một minh chứng cho thấy sức mạnh to lớn mà nước Đức nắm trong tay có thể được sử dụng để giúp đỡ, chứ không phải chỉ để tàn phá như trong quá khứ.
Trước những chỉ trích cho rằng chính sách hiện nay của nước Đức là quá mềm mỏng, bà Merkel đã hùng hồn phát biểu: “Nếu như chúng ta phải bắt đầu xin lỗi vì đã khoan dung, thì đây không phải là tổ quốc của tôi”.
Không màu mè, không ồn ào, không giáo điều
Lớn lên và trưởng thành ở Đông Đức trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, chứng kiến sự sụp đổ của bức tường Berlin, trưởng thành với sự nghiệp đầu tiên của một nhà hóa học lượng tử trước khi chuyển hướng đột ngột qua con đường chính trị, chính quá khứ đầy biến động đó đã tạo nên bản lĩnh lãnh đạo của bà Merkel ngày hôm nay.
Tuổi thơ và thời thanh xuân tại Đông Đức là một bước đệm quan trọng. Năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ, bà bắt đầu con đường chính trị, mang theo tất cả phẩm chất cần thiết mà bà đã nuôi dưỡng trong môi trường Đông Đức - sự kiên nhẫn, sự khoan dung, sự nghiêm khắc của một trí thức và một nghị lực mạnh mẽ nhưng không phô trương. Bà Merkel đã bước vào chính trường nước Đức mới thống nhất khi mà người gốc miền Đông và phụ nữ vẫn còn là những “người xa lạ” của nơi này. Và bà đã thành công.
Không có nhà lãnh đạo nào trong các cường quốc châu Âu hiện nay có được vốn sống và góc nhìn từng trải như vị nữ thủ tướng Đức. Sinh ra và lớn lên phía bên kia bức tường Berlin, bà hiểu rõ về khát khao tự do của người tị nạn, cũng như những nguy hiểm mà người ta sẵn sàng đánh đổi để đạt được tự do.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp cũng không quá lạ lẫm với nhà lãnh đạo nước Đức. Năm 2012, bà từng nhắc nhở các nhà chỉ trích rằng: “Tôi đã từng chứng kiến sự sụp đổ kinh tế ở quốc gia mà tôi lớn lên”. Và từ những trải nghiệm xương máu đó, bà cảnh báo nếu vấn đề Hy Lạp không được giải quyết, châu Âu sẽ “không còn là một lục địa giàu có mà thế giới phải lắng nghe và mọi người phải chú ý”.
Nancy Gibbs bình luận: Ở bà Merkel không có cái gọi là “phong cách chính trị”. Vị này viết: “Không màu mè, không ồn ào, không thuyết giáo; đơn giản ở bà là sự nhạy bén chỉ có thể có ở những người đã phải đấu tranh để sinh tồn và sự kỹ lưỡng về chứng cứ mà chỉ có ở một nhà khoa học”. Kể từ khi Merkel được bầu làm nữ thủ tướng đầu tiên của nước Đức vào năm 2005, lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, bà chưa bao giờ tỏ ra hào nhoáng. Nhưng bất kỳ khi nào có sự thách thức, bà sẽ chiến thắng áp đảo bằng sự thông minh, bền bỉ và hiệu quả, như những gì tờ TIME mô tả - “dẫn đầu từ phía sau”.
Đang đối diện nhiều sóng gió
Không phải mọi người đều đồng tình với nữ thủ tướng Đức. Ứng cử viên tổng thống Mỹ - người đứng thứ ba trong cuộc bình chọn củaTIME cũng gọi chính sách của bà Merkel trong vấn đề người tị nạn là “điên rồ”. Làn sóng người biểu tình chống người tị nạn và bài xích người Hồi giáo đạt mức kỷ lục ở Đức, gọi bà là “kẻ phản bội”.
Nhiều đồng minh chính trị của bà Merkel đã lên tiếng lo ngại nhà lãnh đạo đầy thực dụng một thời của nước Đức giờ đây đang trở nên “mềm yếu”. Họ cảnh báo người dân sẽ không để làm loạn nước Đức. Những đối thủ chính trị cáo buộc bà đang đẩy nước Đức đến bờ vực sụp đổ về kinh tế và “tự sát về văn hóa”.
Từ tháng 10-2015, Đức đã phải tiếp nhận gần 10.000 người tị nạn và nhập cư mỗi ngày với tỉnh Bavaria là nút tiếp nhận chủ yếu. Những sức ép về phúc lợi, an ninh và xã hội bắt đầu đè nặng lên cuộc sống của người Đức. Mức ủng hộ của bà Merkel cũng đã giảm liên tục từ tháng 5 đến tháng 10-2015 vì chính sách của bà đối với người nhập cư.
Tờ xã luận bảo thủ Die Welt cho đăng các báo cáo tình báo về nguy cơ khủng bố mà nước Đức đang đối mặt. “Chúng ta đang nhập khẩu chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, chủ nghĩa bài Do Thái của Ả Rập, những xung đột quốc gia - sắc tộc và những con người có cách hiểu rất khác về xã hội và pháp luật của chúng ta”. Phản ứng trước quyết định của TIME, tờ Die Welt bình luận: Bà Merkel trong suốt một thập niên lãnh đạo nước Đức “chưa từng đối mặt với nhiều chỉ trích như hiện nay đối với chính sách người tị nạn”.
Tuy nhiên, câu nói của bà Merkel - “Nếu như chúng ta phải bắt đầu xin lỗi vì đã khoan dung, thì đây không phải là tổ quốc của tôi” - rõ ràng tới hiện tại không phải là một lời nói dân túy hay giáo điều. Vì phải đối mặt với những khó khăn và bất đồng khủng khiếp, tài năng lãnh đạo của bà Angela Merkel mới càng đáng nể phục.
TIME bị chỉ trích vì chọn bà Merkel
Biên tập viên Felix Steiner tờ Deutsche Welle chỉ trích TIME đã ca ngợi chính sách của bà Merkel mà không cân nhắc liệu chính sách đó có thực tế hay không. Ông nói quyết định này được đưa ra bởi “một nhóm những kẻ thu nhập và cao thiên tả về chính trị, trong một quốc gia gần như không tiếp nhận một người tị nạn nào”. Dù được tờ TIME và cộng đồng quốc tế xem trọng về những chính sách nhân đạo đối với chính sách người tị nạn, bà Merkel vẫn đang phải chật vật ngay trên chính sân nhà của mình.
|
TRUNG NHÂN
No comments:
Post a Comment