Chân Như, phóng viên RFA 2015-12-09
Những người biểu tình hô to các khẩu hiệu chống Trung Quốc và phản đối chuyến thăm VN của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội ngày 05 tháng 11 năm 2015 AFP photo
Vừa qua cộng đồng mạng lại rộn lên việc Bộ Giáo Dục Đào Tạo quyết định đưa tiếng Hoa vào dạy trong chương trình tiểu học khi mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng xấu đi vì những tranh chấp trên biển Đông.
Diễn đàn bạn trẻ kỳ này xin được mạn phép bàn lại vấn đề học tiếng Trung hay như chúng ta vẫn thường nói là tiếng Hoa vào thời điểm này. Liệu việc học tiếng Hoa là một cách để giúp người Việt Nam tốt hơn trong việc giao tiếp với xu hướng của thế giới, thêm nhiều ngôn ngữ là tốt cho mình hay nhằm mục đích nào khác?
Chân Như: Theo các bạn, việc dạy ngoại ngữ trong nhà trường có phụ thuộc vào tình hình quan hệ giữa Việt Nam và một nước nào đó hay không – đơn cử như tiếng Hoa tại Việt Nam, trong thời điểm hiện tại ?
Hà An: Nếu đây là câu hỏi về mặt tình hình khách quan thì em nghĩ là có. Vì quan hệ giữa hai nước sẽ nảy sinh ra các nhu cầu về ngoại giao hay thương mại. Và chính điều này ảnh hưởng đến giáo dục. Mình nên đi theo xu thế chung của toàn cầu hay nương theo một ảnh hưởng chỉ có tính chất cục bộ? Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này nên dừng lại ở mức độ nào là điều cần phải xem xét kỹ lưỡng mà theo em thì cần phải đặt lợi ích quốc gia lên đầu.
Hồ Huy Khang: Theo Khang chuyện đưa tiếng Trung vào dạy học ở Việt Nam thì em không đồng ý, bởi vì một con người mà biết một vài ngoại ngữ khác thì rất tốt, nhưng theo xu thế của bây giờ chẳng hạn như học tiếng Nhật, Anh, Pháp nó hữu dụng hơn rất nhiều so với vấn đề học tiếng Hoa. Bên cạnh đó, vấn đề quan hệ giữa hai nước không hề ảnh hưởng đến vấn đề học ngoại ngữ của nước đó cả.
Từ Anh Tú: Theo em, nói đến việc dạy một ngoại ngữ mà phụ thuộc vào một quốc gia nào đấy thì em nghĩ điều này không thể được. Bởi, quan hệ giữa các quốc gia có thể hôm nay mình thân thiết nhưng ngày mai sẽ lại có thể có những thái độ khác chứ không thể nào vĩnh cửu được. Vì vậy, việc dạy ngoại ngữ, theo em, có thể phụ thuộc vào xu thế chung của thế giới. Hiện nay, xu thế chung của thế giới, em nghĩ rằng tiếng Anh vẫn là tốt nhất.
Gia Bảo: Theo em việc dạy ngoại ngữ ở trường học nó có ít nhiều liên quan đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và đất nước đó. Thí dụ trước đây khi mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô đang thịnh thì mọi người đi học tiếng Nga, và Nga trở thành một thứ ngôn ngữ thời thượng. Sau khi Liên Xô xụp đổ thì mọi người không còn hứng thú với tiếng Nga nữa và tiếng Nga cũng dần mất đi vị trí của mình. Bây giờ các công ty Nhật Bản đang ồ ạt đầu tư vào Việt Nam thì mọi người lại cắp sách đi học tiếng Nhật. Trong khi đó tiếng Hoa lại ở một khía cạnh khác; quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng và hầu hết người Việt đều không có cảm tình với người Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận được vị trí siêu cường của Trung Quốc và nền văn hóa vĩ đại của quốc gia này. Vì vậy, có rất nhiều người Việt Nam đang theo học tiếng Hoa.
Katie: Theo mình việc dạy ngoại ngữ của một nước nào đó cũng ảnh hưởng đến xu thế làm ăn hợp tác giữa các nước khác, đơn cử không phải tiếng Hoa mà còn tiếng Nhật, Hàn. Hiện tại các công ty Nhật và Hàn quốc cũng đầu tư vào Việt Nam nên những trường lớp dạy tiếng Hàn, Nhật cũng mở ra một cách ồ ạt không chỉ tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, với thời điểm hiện tại thì tình hình giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc đang trở nên căng thẳng, như tình hình biển đảo chẳng hạn, thì việc Bộ giáo dục quyết định đưa tiếng Hoa vào nhà trường sẽ dễ gây sự bức xúc và hiểu lầm cho người dân. Riêng bản thân em, đứng nhìn khách quan thì em cũng không thể nào tránh khỏi việc không hài lòng cho lắm nếu giả sử như (nếu có con) con em đi học tiếng Hoa thì em cũng sẽ không thích cho lắm. Văn hóa Trung Quốc, giống như bạn trước trả lời (TQ) quá rộng lớn, quá ảnh hưởng đến quốc tế, thì việc học tiếng Hoa không thể nào tránh khỏi.
Chân Như: Cũng phải nhắc lại một chút về lịch sử, khi người Pháp chiếm Đông Dương, ngoài tiếng Việt, người Việt còn phải bắt buộc học thêm tiếng Pháp trong nhà trường. So sánh việc dạy tiếng Hoa trong thời điểm này với việc dạy tiếng Pháp ngày xưa được bạn thấy thế nào?
Gia Bảo: Theo em đây là hai khía cạnh hoàn toàn không tương thích. Khi Pháp chiếm đóng Đông Dương thì Việt Nam là một thuộc địa của Pháp và người Pháp nắm trong tay một quyền hành và dĩ nhiên là họ sẽ đưa tiếng Pháp vào với ba mục đích. Mục đích quan trọng nhất là nhằm đào tạo một lớp người thừa hành chính sách của Pháp để cai trị và khai thác Việt Nam và cả Đông Dương. Tiếp đến là truyền bá tư tưởng Pháp nhằm cho người Việt Nam có sự biết ơn về sự khai hóa của tiếng Pháp và sự trung thành với người Pháp. Và cuối cùng với mục đích là mị dân, làm cho người Việt Nam tin rằng hệ thống giáo dục của Pháp ở Việt Nam là văn minh và tiến bộ. Mục đích thứ ba này để đối phó với một nền giáo dục tiến bộ của người Việt ở trong tương lai.
Em thấy hiện nay Việt Nam đã là một quốc gia độc lập và Việt Nam không còn là thuộc địa của bất kỳ một đất nước nào khác và kể cả Trung Quốc, nên việc dạy tiếng Hoa ở trường học vào thời điểm hiện tại thì không liên quan và giống như việc dạy tiếng Pháp ngày xưa. Việc người Việt học tiếng Hoa có lẽ bởi vì họ yêu thích văn hóa Á Đông nói chung và Trung Quốc nói riêng hoặc vì một lý do nào khác chẳng hạn như kinh tế chẳng hạn, chứ không phải vì ép buộc mà họ học.
Hà An: Hồi đó là Đông Dương là thuộc địa của Pháp, phụ thuộc vào Pháp về chính trị nên đương nhiên cả giáo dục cũng bị ảnh hưởng. Ttheo em biết, sự bắt buộc phải học tiếng Pháp này là để đào tạo ra những người phục vụ cho bộ máy chính quyền thuộc địa và cũng để dễ bề cai trị. Ở thời điểm này, trên danh nghĩa, Việt Nam là một nước có độc lập và chủ quyền, quan hệ hai nước đang trong giai đoạn nhạy cảm nên việc đưa tiếng Trung vào nhà trường phổ thông như một ngoại ngữ bắt buộc là điều gây tranh cãi. Bởi, tiếng Anh rõ ràng là dễ học hơn và hữu dụng hơn tiếng Trung rất nhiều. Nếu bắt buộc trong nhà trường phổ thông thì sẽ làm nhiều người đặt câu hỏi: phải chăng Việt Nam là thuộc địa kiểu mới của TQ?
Katie: Nhắc lại việc ngày xưa thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, họ muốn đồng hóa người Việt thì họ bắt buộc người Việt phải học tiếng Pháp để trở thành người Pháp. Điều đó gọi là xâm chiếm một đất nước nào đó rồi. Tuy vậy, theo mình nghĩ, tình hình hiện tại Việt Nam có những mối làm ăn thì bắt buộc họ phải học để hòa nhập với xu hướng kinh tế hiện nay.
Xu hướng học tiếng Hoa bây giờ chỉ là một xu hướng về kinh tế, ngoại giao chứ không hẳn là đô hộ, hay là giống như các bạn nói là đưa tiếng Hoa là để đồng hóa người Việt, mình nghĩ không hẳn là như vậy. Cũng có nhiều người thắc mắc tại sao người Trung Quốc không chịu học tiếng Anh mà (chúng ta) lại phải đi học tiếng Tàu, bởi vì họ có tiền có quyền.
Ví dụ như những đại gia đi mua sắm và họ là người Trung Quốc thì không thể bắt họ phải nói tiếng Anh; Và cũng do tầm ảnh hưởng của dân số Trung Quốc quá lớn, người ta thống kê cứ sáu người trên thế giới thì có một người Trung Quốc.
Chân Như: Phản ứng của nhiều người đối với việc dạy tiếng Hoa trong nhà trường phần lớn ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc và hiện tình quan hệ hai nước. Tạm bỏ qua vấn đề đó, bạn nghĩ sao về việc dạy tiếng Hoa trong trường học của Việt Nam nếu đó là một môn ngoại ngữ tùy chọn?
Hồ Huy Khang: Em nghĩ nếu môn tiếng Hoa được đưa vào trường học của Việt Nam theo một cách tùy chọn nó cũng sẽ bị nhiều người dân Việt Nam tẩy chay, bởi vì thứ nhất như ý kiến của Gia Bảo lúc nãy, chuyện bây giờ Việt Nam không còn là thuộc địa của bất kỳ nước nào thì sự áp đặt buộc phải học ngoại ngữ của nước đó là sự không nhất thiết. Do vậy, việc đưa tiếng Hoa vào trường học chắc chắn sẽ bị phản đối rất nhiều từ người dân.
Từ Anh Tú: Nếu tiếng Hoa là một môn ngoại ngữ không bắt buộc trong trường học thì em cũng có thể chấp nhận được. Dù sao đi nữa mặc dù chúng ta không thiện cảm với Trung Quốc nhưng cũng không thể phủ nhận được nền văn hóa Trung Quốc đã ảnh hưởng đến mình rất nhiều từ hàng trăm năm nay. Và việc học tiếng Hoa nó cũng có những tác dụng nhất định giúp chúng ta có thể hiểu thêm được về lịch sử của chính đất nước mình.
Gia Bảo: Theo em, nếu tiếng Hoa là một môn học tùy chọn thì có thể. Chứ trở thành môn bắt buộc thì không. Em nhấn mạnh ở đây là tùy chọn tức là thích thì học không thích thì không học cũng không sao bởi vì em thấy nó là việc làm không cần thiết. Trong khi đó, vốn tiếng Anh của người Việt mình, thế giới đánh giá là khá tệ thì tại sao phải học thêm tiếng Hoa?.
Chân Như: Ngoài hai ngoại ngữ bắt buộc là Anh hoặc Pháp thì cần có môn ngoại ngữ tự chọn. Theo bạn thì môn ngoại ngữ nào có hiệu quả cho VN trong quá trình hội nhập quốc tế?
Hà An: Hôm trước sau khi đọc bài báo em cũng đi tìm hiểu so sánh giữa tiếng Trung và tiếng Anh thì em thấy hiện Tiếng Trung đang được 1,1 tỷ người đang dùng làm tiếng mẹ đẻ. Còn tiếng Anh thì có hơn 300 triệu người thôi. Người ta dùng tiếng Anh và Pháp làm ngôn ngữ trung gian, chứ ít dùng tiếng Trung vì rất khó. Vậy nên trong quá trình hội nhập, ngoài tiếng Anh và Pháp mình cần nhiều ngoại ngữ khác như Đức, Nhật, Hàn chứ không nhất thiết phải đặt tiếng Trung ở vị trí thứ ba sau Anh và Pháp.
Từ AnhTú: Theo em ngoài tiếng Anh và tiếng Pháp nếu chọn ngôn ngữ thứ ba thì cũng rất là khó vì còn tùy vào hoàn cảnh của mỗi người. Ngoài tiếng Anh và Pháp thì những ngôn ngữ khác cơ bản cũng xoàn xoàn như nhau thôi. Ví dụ, người muốn du học ở Nhật thì họ có thể chọn tiếng Nhật hoặc du học bên Trung Quốc thì họ sẽ chọn tiếng Trung Quốc, chẳng hạn. Cũng rất khó để mình có thể nói rằng mình nên học thứ tiếng nào ngoài tiếng Anh và Pháp.
Hồ Huy Khang: Như anh Từ Anh Tú lúc nãy có nói xu thế học tiếng nước ngoài có thể là Nhật, Hàn, Anh, Pháp, Nga vân vân thì đó là chuyện của thời gian không nhất định và tùy vào hoàn cảnh. Nhưng trong xu thế hội nhập bây giờ thì em nghĩ là tiếng Nhật, bởi vì trong thời gian gần đây sự đầu tư của Nhật vào Việt Nam rất nhiều và em nghĩ nên học tiếng Nhật nhiều hơn trong xu thế phát triển trong tương lai.
Katie: Theo em bên cạnh tiếng Anh và tiếng Pháp thì một ngoại ngữ có hiệu quả đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập là tiếng Hàn hoặc tiếng Nhật bên cạnh là tiếng Hoa bởi vì những công ty của Hàn Quốc và Nhật Bản hiện tại đầu tư vào Việt Nam ở các khu công nghiệp rất nhiều. Do vậy khi học được tiếng Nhật, tiếng Hàn, văn hóa Nhật, Hàn thì sẽ có lợi thế cho những người đi xin việc làm hơn. Theo mình nghĩ, chính sách đãi ngộ các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn sẽ tốt hơn là những công ty của người Trung Quốc.
Gia Bảo: Theo em việc học thêm một ngoại ngữ thứ hai ngoài tiếng Anh thì còn tùy thuộc vào mỗi cá nhân bởi vì mỗi người có một sở thích khác nhau hoặc là họ yêu thích về văn hóa và ngôn ngữ của đất nước đó thì họ sẽ tìm học với ngôn ngữ này thôi; Có thể thì có người học tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, Hàn Quốc hoặc Nhật. Nhưng theo em, em thấy khi chúng ta giỏi một ngoại ngữ nào đó thì xã hội không thể nào mà không cần đến chúng ta được.
Chân Như: Xin cám ơn bạn Hà An, Từ Anh Tú, Gia Bảo, Hồ Huy Khang và Katie đã dành chia sẻ với diễn đàn.
No comments:
Post a Comment