Theo BBC-10 tháng 12 2015
Dư luận trong nước đang tranh luận về việc du học sinh nên về Việt Nam phục vụ hay ở lại nước ngoài vì hạnh phúc riêng mà họ chọn.
Không thích nghi được?
Nhiều du học sinh lên tiếng sau sự việc, giải thích nguyên nhân họ chọn ở lại một quốc gia phát triển nào đó chứ không về Việt Nam.
Các lý do gồm có “môi trường làm việc không phù hợp”, “không có tương lai”, “quan hệ trong công việc không lành mạnh”, hoặc đơn giản là “ức chế”. Sau nhiều năm sống tại một nơi tốt hơn, nhiều du học sinh không chịu đựng được những khác biệt chờ đón họ ngày trở về.
Sự khúc mắc trong hệ thống quản lý khiến nhiều người không làm quen lại được.
Không kể đến lực lượng nhà khoa học ở các chuyên môn sâu thiếu thiết bị nghiên cứu hay không còn các cơ hội trao đổi tri thức và đào sâu nghiên cứu, ngay cả nhiều người trở về Việt Nam chỉ để làm công việc chuyên môn bình thường cũng than phiền về sự “ức chế” mình gặp phải.
Tô Trần Đức Nhã, một chuyên viên nhân sự cao cấp tại TP.HCM chia sẻ với BBC Tiếng Việt quan điểm của anh: “Từ góc nhìn cá nhân, khi du học tại Phần Lan ngành Kinh doanh quốc tế, có một thứ rất quan trọng mà tôi phải học là về văn hóa và việc thích ứng với môi trường là việc hiển nhiên mình phải học.
Vậy không có lý do gì đi nước ngoài thì mình thích ứng được, còn về Việt Nam thì không thích ứng được. Đồng ý là ban đầu sẽ có những cú sốc và mình không được trọng dụng, hoặc thứ mình học không áp dụng được gì cả.”
‘Thất vọng vì kỳ vọng quá nhiều’
Một ví dụ được Đức Nhã kể lại là tại Phần Lan, anh được học khi tuyển dụng là không được phân biệt/kỳ thị tôn giáo, giới tính hay tuổi tác của ứng viên.
Anh nói: “Tại Việt Nam, ta có thể đọc thấy những bản tin tuyển dụng như chỉ ưu tiên nam giới, trong độ tuổi bao nhiêu.
Phân biệt như vậy đấy, nhưng nếu tôi muốn việc đó tốt lên, chính tôi phải thay đổi từ từ, chứ chống lại môi trường trong thời gian đầu chỉ làm mình khó chịu hơn mà không thể thay đổi gì ngay.”
Vậy “cú sốc” của những người du học không chịu đựng được chính môi trường mình đã sinh ra và lớn lên đến từ đâu?
Khi phỏng vấn liên tục nhân sự thuộc nhiều ngành nghề, Đức Nhã nói về một đặc điểm chung của lao động du học trở về Việt Nam: “Về mặt chuyên môn, các du học sinh khi về Việt Nam thấy chán ngán vì thường họ kỳ vọng quá cao.
Họ kỳ vọng là khi làm công việc này họ phải đạt được này kia, phải được phúc lợi rất cao. Ví dụ như họ học quản trị nhân sự, thì kỳ vọng làm những thứ cao siêu, chính sách, chiến lược, chiến thuật.
Nhưng thực tế, một người mới học ra lại cần làm những thứ rất cơ bản như sắp xếp công việc như thế nào, quản lý thời gian ra sao, viết một email ra sao, thậm chí những thứ nhỏ nhặt như sắp xếp một cuộc gặp, làm sao đi nói chuyện với khách hàng với sếp.
Chỉ khi làm được những thứ đơn giản đó, thì họ mới làm được việc cao xa hơn. Sự thất vọng của họ đi từ kỳ vọng quá cao ban đầu khi trở về.”
Tại TP.HCM, một trong những môi trường việc làm năng động nhất ở Việt Nam, câu chuyện về những du học sinh mới trở về nước hoặc học từ các đại học quốc tế “đòi lương ngàn đô” có thể là biểu hiện cho những cú sốc và “khớp” với môi trường trong nước chưa có quá nhiều ưu tiên thỏa mãn được du học sinh.
“Ưu điểm tốt nhất của người đi du học về là sự tin và chủ động hơn rất nhiều trong công việc. Còn nhược điểm vẫn là kỳ vọng quá cao.
Cách đây khoảng nửa năm, chúng tôi có phỏng vấn một bạn học thạc sỹ ở Anh về. Khi phỏng vấn, chúng tôi hỏi bạn kỳ vọng mức lương thế nào, bạn trả lời thẳng là 1.000 USD.” – Nhã kể lại một cuộc phỏng vấn tìm người mà mình thực hiện.
"Nhưng lúc đó, chúng tôi đã phải trả lời bạn ấy là có thể trả 1.000 USD nếu khả năng công việc bạn thể hiện được ở mức đó.
Đằng này bạn học thẳng một lèo lên thạc sỹ. Bạn chưa có kinh nghiệm làm việc gì cả.”
'Không nên buộc ai phải có trách nhiệm trở về'
Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt, anh Huỳnh Thế Du – giảng viên của chương trình Kinh Tế Fulbright nói: “Quy trách nhiệm cho những du học sinh đi và không trở về là hoàn toàn không thực tế, không thực tế ở cả Việt Nam, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật hay bất cứ đâu. Đã gọi là “đất lành chim đậu”, con người vẫn tìm đến và mưu cầu hạnh phúc ở nơi nào tốt nhất cho mong muốn, và chọn lựa của họ.”
Trên trang cá nhân của mình, anh Huỳnh Thế Du viết: “Làm gì ở đâu theo tôi là lựa chọn tự do và vì lợi ích riêng của mỗi cá nhân và mỗi người thường biết họ muốn gì và cần gì chứ không nhất thiết phải nâng quan điểm ở hay về hoặc bên này hay bên kia, chung hay riêng. Gần như tất cả chúng ta đang như vậy mà.”
“Đối với việc đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam lại càng không nên lý tưởng hóa hay phải thế này phải thế kia. Thực tế, mỗi người đều muốn khẳng định mình và muốn được nhiều người biết đến với những việc làm có ý nghĩa cho xã hội.”
Với những du học sinh trở về, anh Du chia sẻ: “không thể nói những người du học trở về là kém cỏi, không tìm được việc làm ở nước ngoài nên về nước. Có rất nhiều du học sinh quay về vì muốn chăm sóc cha mẹ già, muốn đóng góp cho quê nhà, hay các yếu tố như con cái chi phối, họ vẫn làm việc và phát triển.
Ngược lại, cũng có du học sinh quyết định ở lại vì vợ con muốn sống ở môi trường nước ngoài chẳng hạn. Không thể có mẫu số chung là người dở thì quay về hay người ra đi là vô trách nhiệm với quê hương.”
Yêu nước hay chọn lựa riêng?
Trong một phát biểu trước đây, giáo sư Dương Nguyên Vũ, viện trưởng Viện John von Neumann – Đại học Quốc Gia TP.HCM cũng từng nêu quan điểm của ông về chọn lựa của các học trò ông hướng dẫn: “Tôi có một cậu sinh viên rất mong mỏi về nước, nhưng đến khi xong Tiến sĩ thì đam mê nghiên cứu khoa học của em lớn hơn quyết định ban đầu là về Việt Nam.
Bạn chọn ở lại để tiếp tục làm khoa học. Mỗi con người có sự tự do lựa chọn. Đến một lúc nào đó người ta sẽ đóng góp hiệu quả.”
“Trách nhiệm yêu nước” dường như đã trở thành nghĩa vụ mặc định xã hội Việt Nam choàng lên người đi du học. Việc trở về "phục vụ quê hương" là biểu thị muốn cống hiến và yêu nước.
Khi người trẻ muốn chọn lựa khác đi khi ra nước ngoài hay nói về những mong muốn cá nhân hơn điều lớp người đi trước đã thực hiện, họ đã bị phản bác bởi dư luận đã quen với ý nghĩ một người đi du học chắc chắn nên quay về để xây dựng đất nước.
Nhưng với Đức Nhã, sau khi học từ Phần Lan trở về, anh chọn ở Việt Nam làm việc như một bước “chạy đà” cho sự nghiệp, để biết mình nên học gì khi tiếp tục du học với trình độ cao hơn.
Nhã nói: “Chọn về hay ở lại không thể nào có một câu trả lời đúng chung nhất cho bất cứ một người nào!”
Với thế hệ của anh, sự nghiệp không còn có nghĩa là phục vụ một ý tưởng mà xã hội kỳ vọng quá nhiều ở họ nữa.
No comments:
Post a Comment